“Lên đồng”?
“Hầu bóng”?
Hay “Hầu đồng”?
Có lẽ, là người Việt Nam, ai trong chúng ta đều từng
có hơn một lần trong đời nghe thấy những từ ngữ ấy. Nhiều người cho rằng đó là
một nghi lễ khá trừu tượng và quyền năng, chỉ có thể tồn tại trong sách vở và
không hề có thực; hay đó là những câu chuyện mà ta chỉ được nghe chứ không hề
được tận mắt chứng kiến. Đó còn là những câu chuyện ma mị, kích thích sự tò mò
của con người về một chốn thiêng nơi cõi thực. Vậy những người trần mắt thịt
như chúng ta, phải chăng luôn thắc mắc tín ngưỡng tâm linh này được bắt nguồn
từ đâu, đã phát triển như thế nào để không chỉ những tín đồ của đạo Mẫu tôn
sùng mà còn khiến cả những người không thờ Mẫu cũng phải sùng bái và kính
trọng?
Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian
thuần Việt, có lịch sử lâu đời và không ngừng biến chuyển để thích ứng với sự
thay đổi của xã hội. Đạo Mẫu trong văn hóa của người Việt là việc tôn thờ và sử
dụng hình ảnh người mẹ làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi và che chở
cho con người. Đây là một loại hình Tín ngưỡng mà ở đó, người phụ nữ Việt Nam
có thể gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến ràng
buộc của xã hội nho giáo phong kiến.
Tuy nhiên, cho tới nay thì cũng không ai biết chính
xác tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh của người Việt được hình thành từ
khi nào. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng Đạo Mẫu là sản phẩm của xã hội nông
nghiệp và chịu ảnh hưởng và mang trong mình tàn dư của chế độ mẫu hệ với vai
trò được đề cao của người phụ nữ, cùng với nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người
dân Việt Nam ta bắt đầu thờ các thần linh thiên nhiên như Trời, Đất, Nước và
Rừng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn vinh các thần với quyền lực siêu nhiên, và
trong quá trình sinh tồn, con người phải dựa vào thiên nhiên, vì thế họ tôn thờ
các hiện tượng tự nhiên quanh mình như một đấng tối cao với hình tượng là Mẫu -
người mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ
anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò
người bảo hộ và giúp đỡ dân tình. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng,
tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân
của Thánh Mẫu.
Mẫu Thoải) là Thánh Mẫu Đệ Tam trị vì vùng sông
nước. Mẫu Thoải gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa liên quan
trực tiếp đến thủy tổ của dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Thánh Mẫu
Thượng Ngàn (hay còn gọi là Thánh Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền núi rừng, gắn bó
với con người, cỏ cây chim thú.
Đạo Mẫu cũng có những nét đặc trưng, sắc thái độc đáo
riêng để phân biệt với các loại hình tín ngưỡng tôn giáo khác và nét đặc trưng
ấy được tập trung thể hiện ở nghi lễ hầu đồng. Nghi lễ hầu đồng có xuất xứ từ
đồng bằng Bắc bộ, phát triển mạnh mẽ nhất vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX.
Không chỉ là một nghi lễ trong tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thực sự là một
loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí.
Trong nghi lễ này, các Thanh đồng hóa thân, tái hiện hình ảnh các vị Thánh Mẫu
nhằm phán truyền, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Về bản chất, hầu đồng là
một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian dựa trên việc hát chầu văn - một
loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu
cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển, các nghi lễ trang nghiêm. Thông qua
nghi lễ này, con người hi vọng rằng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh,
nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.
Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng
thờ Mẫu Tứ phủ đã vươn mình mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị thế quan trọng
trong đời sống tâm linh của người Việt. Chính vì sức sống tiềm tàng và những
giá trị văn hóa lịch sử không thể thay thế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ đã
ăn sâu vào tâm thức của con dân đất Việt, trở thành một trong những nét đẹp văn
hóa không chỉ của riêng đất nước Việt Nam mà còn của toàn nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét