Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Rắn và tục thờ thủy thần của người Việt

Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người

Một ngôi chùa của người Khmer với tượng rắn thần Naga.
Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên.
Trong văn hóa của người Việt cổ, tín ngưỡng phổ biến và quan trọng bậc nhất, phản ánh quan niệm, ứng xử của họ với nước là tục thờ thủy thần. Đó không chỉ là nguồn nước uống cho con người và vạn vật mà nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp. Nước có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời đánh thức sự hồi sinh. Một trong những nỗi kinh hoàng nhất đến từ thiên nhiên đối với con người chính là lũ lụt. Sự tàn phá kinh khủng của hiểm họa thiên nhiên này làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái. Tục thờ rắn ra đời trên cơ sở tâm lý ấy.
Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên.
Tục thờ rắn phổ biến nhất của người Việt là ở đồng bằng Bắc Bộ. Có thể tìm thấy các đền thờ thần rắn dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống và qua các di tích, lễ hội như Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh. Đây vốn là thần Rồng, hóa thành người học trò để học đạo. Trong lúc trời hạn hán, thiên đình ngưng việc làm mưa, vâng lời thầy, thần đã làm mưa chống hạn và bị thiên đình phạt, nhân dân nhớ ơn nên phụng thờ.
Một lễ hội khác có liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn là hội làng Thủ Lệ. Theo thần tích và truyền thuyết nơi đây thì Linh Lang Đại Vương vốn là một rắn thần. Sau khi lập công giúp nước, ngài hoá thành giao long trườn xuống Hồ Tây. Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn. Ngoài ra, có thể kể đến một số lễ hội khác như hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang.
Tục thờ rắn - thờ thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Người M’nông thờ rắn như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng. Người Mường ở Thanh Hóa cũng có tục thờ rắn. Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ.
Ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Trong tâm thức của người dân Rạch Giá, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài báo cho bà con trúng mùa. Hay trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cũng nói đến đạo binh rắn giúp vị anh hùng đánh giặc Pháp.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, huyền thoại rắn thần Naga chiếm một vai trò rất quan trọng. Tín ngưỡng này được giải thích bởi truyền thuyết lập quốc của người Khmer. Người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).
Như vậy, hình tượng rắn trong tín ngưỡng dân gian ở phương diện này được đồng nhất với hiện tượng tự nhiên - nước. Hình tượng con rắn đã được phóng đại cho phù hợp với sức mạnh dữ dội, hủy diệt của lũ lụt. Tất nhiên, trong tín ngưỡng người Việt không phải bao giờ thủy thần cũng là thần rắn mà có thể là thuồng luồng, rồng, cá. Kể cả khi như vậy thì những hình tượng trên cũng liên quan đến rắn. Hoặc là biến thể về mặt tên gọi, hoặc là cùng một tính chất thủy quái. Tuy nhiên, qua các tư liệu đã dẫn có thể thấy thờ rắn là một hình tượng cơ bản tiêu biểu nhất của tục thờ thủy thần - tín ngưỡng tự nhiên của người Việt cổ.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lý và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng điều kiện mới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT