Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Khăn áo hầu đồng cổ truyền xưa và nay trong tín ngưỡng thờ Mẫu


1/ Hàng Quan lớn

Gồm 5 màu : áo đỏ Quan đệ nhất, áo xanh Quan đệ nhị, áo trắng Quan đệ tam, áo vàng Quan đệ tứ, áo lam Quan đệ ngũ, các áo thêu rồng, thủy ba hoặc áo gấm dệt rồng, đầu đội khăn xếp, lược giắt châm cài, búi tóc, có nét cài ngang khăn xếp theo màu của áo, có thẻ bài cài trên ngực, bụng có đai hộp thêu ổ tứ linh. Còn nếu ngự áo gấm thì có thêm mạng rồng vắt vai, đai bụng bằng nhiễu buộc ngang thả giọt, ngoài ra có thể thêm áo đỏ Quan Điều Thất, áo vàng quan Triệu Tường khi không mượn áo các quan trên.

Các Quan lớn và Quan hoàng, Thánh cậu dùng khăn tấu hương màu đỏ thêu rồng để tế lễ khi làm việc quan.

2. Hàng Chầu Bà

Trang phuc thêu hoa thêu phượng hoặc áo gấm dệt hình phượng, hình hoa. áo Chầu Nhất màu đỏ khăn choàng mầu đỏ, áo chầu Tam màu trắng khăn trắng, áo Chầu Tứ màu vàng, khăn vàng và cũng có thể cả 4 mầu đỏ, xanh, trắng, vàng vì ngài là chầu Khâm sai tứ phủ nên có thể vân du bốn phủ. Còn các Chầu Thượng Ngàn như Chầu Đệ Nhị áo xanh lá cây, Chầu Năm áo xanh da trời, Chầu Lục áo lam, Chầu Mười áo tràm hoặc vàng, Chầu Bé áo tứ thân màu xanh lục nhạt đội khăn củ ấu mầu lam. Các chầu Thượng ngàn chít khăn củ ấu, cổ đeo kiềng bạc, tai đeo hoăn bạc có đôi mạng vắt vai thêu phượng, có đai trấn vắt ngang, bên sườn có dao quắm túi trầu hay còn gọi là dao quai túi dết, đai giắt bộ xà tích. Trước đây hầu phủ chầu Bà không mặc quầy đen, chân không quấn xà cạp như bây giờ mà đa phần chỉ sang các phủ Thánh Cô Thượng ngàn mới mặc quầy, nhưng thời bây giờ để y phuc được phong phú và tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của Thánh Bà mà các thanh đồng mặc thêm quầy đen. Có giá thượng ngàn chân quấn xà cạp, lưng đeo nón buồm, nón chiêng đây chính là hình thái bản sắc của các vùng miền dân tộc thiểu số Việt nam, khi các

Thánh Bà thượng ngàn giáng hạ vào các vùng miền đó. Ta càng thấy sự gắn bó đoàn kết giữa các dân tộc thông qua hình tượng các vị Tiên Thánh sơn trang. Ngoài ra có thanh đồng hầu Chúa bà Thác bờ thì ngự áo cõn lửng mầu trắng, yếm đào, đai xanh, quanh bụng quấn khăn thổ cẩm mặc quầy đen, bên mình dao túi, xà tích rườm rà, đầu đội khăn Mường mầu trắng, cổ không đeo kiềng còn tai đeo khuyên bạc nhỏ theo phong cách người Mường Hòa Bình.
Có thanh đồng hầu Chầu Bát là một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng thì ngự áo vàng, khăn xếp, giắt cờ kiếm hiên ngang uy hùng.

3. Hàng các Quan Hoàng

Đại diện tứ phủ gồm có mười vị Hoàng tử nhưng đa phần các thanh đồng hay ngự đồng giá Quan Hoàng Bơ áo trắng đai vàng, Quan Hoàng Bảy áo lam đai xanh, Quan Hoàng Mười áo vàng đai đỏ hoặc hầu Ong Nhất áo đỏ, Ong Đôi áo xanh … Y phục các Quan hoàng thường áo gấm, hoa ổ rồng tròn, hay ổ chữ thọ, ổ mây vờn, còn áo thêu thì ổ rồng tròn, gấu thủy ba hoặc toàn thân áo thêu ổ rồng tròn. Trên vai giắt hai mạng chéo, cổ đeo kiềng vàng kim khánh đồng tiền, bụng thắt đai nhiễu vải, khăn xếp buộc nét ngang thêu rồng theo mầu áo, châm cài lược giắt theo lối nam thần, hoa hồng cài tai cho lịch sự bảnh bao.

4/ Hàng các Thánh Cô

(có thể giống như khăn áo các Thánh bà có thể bằng gấm có thể bằng thêu) gồm rất nhiều tiên nương với muôn sắc phục nhưng ta cũng chỉ đại diện như: cô Cả áo dài đỏ, Cô Bơ áo dài trắng, Cô Chín áo dài hồng đầu đội khăn xếp, chít nét ngang theo mầu áo nhưng riêng Cô Bơ chít nét ngang ba màu hoặc tết hoa vải trên dầu theo mầu áo, vai đeo đôi mạng nhỏ hoặc cổ đeo sây, bụng thắt đai hoa một mầu hoặc ba mầu, châm hoa cài tóc, cài lên khăn xếp thật nhã nhặn, hoặc riêng giá cô bơ, ngự áo tứ thân ba màu, quầy đen, trong mặc áo cánh, yếm đào, cổ đeo chuỗi hạt, đầu quấn khăn vấn đuôi gà, chít nét ngang ba mầu, mái tóc cài lược đồi mồi, lược ngà, tai cài nhành hoa trắng, dụi dàng nết na. Còn các Cô Thượng ngàn sơn trang mặc áo cõn quầy hoa, chân quấn xà cạp, đầu tết bông hoa hay đội khăn củ ấu thượng ngàn, như Cô Đôi áo cõn xanh, Cô Sáu áo cõn lam ngắn vặt rộng tay, chít khăn củ ấu tóc mây hoa cài. Cô Tám quẩy lẵng hái trà, mặc áo cõn xanh theo lối người Mường xứ Thanh.
Cô Bé có rất nhiều y phục khác nhau, rất sinh động nhí nhảnh, có thể mặc áo cõn xanh hoặc lam mà cũng có thể màu đen…hoặc có thể ngự hai tấm áo lá 2 mầu đỏ xanh vắt chéo nhau, bụng thắt đai trấn, chân tay quấn xà cạp, lưng đeo cung tiễn, hoặc vai quẩy lẵng hoa, cổ đeo kiềng bạc, tai đeo hoăn bạc nhỏ, dao tùi hai bên xúng xính, hoặc thắt đai hoa nhiễu vải năm mầu sặc sỡ, rườm rà.

5/ Hàng các Thánh Cậu

đơn giản hơn, ngự áo trấn thủ ngắn, đầu đội khăn gấp chéo, hoặc khăn đầu rìu, vai vắt hai mạng chéo nhỏ, cổ đeo kiềng nhạc, bắp tay tết bông hoa vải đổi mầu, tay chân quấn xà cạp có vòng nhạc từng đôi, bụng thắt đai nhiễu, bên sườn giọt ngắn buông hông, giọt dài giắt ngang đai trông thật nhí nhảnh. Cậu Cả áo đỏ, Cậu Đôi áo xanh, Cậu Bơ áo trắng, cậu Bé áo xanh hoặc áo vàng, các áo bằng gấm hoa bông tròn chữ thọ, hoặc có thể thêu rồng thêu hoa tứ quý trước sau.

Chúng ta càng hiểu rõ thêm về trang phục Tiên Thánh Tứ phủ thật phong phú đa dạng, với nhiều hình thể, sắc phục khác nhau mang đậm bản sắc văn hóa các triều phục, các y phục của các vùng miền khác nhau của các dân tộc khác nhau để càng thấy rõ nét đẹp giá trị văn hóa nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian Việt nam. Các thanh đồng chúng ta cũng nên bảo tồn những nét đẹp cũ và phát huy những nét đẹp mới trong thời kỳ đương đại nhưng không làm ảnh tới bản sắc, giá trị văn hóa và nghệ thuật trong các trang phục, y phục của Tiên Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

----------------------------------

Thanh đồng Trần Văn Hải - Trụ trì Bát Hải Vọng Từ - xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT