Cánh cửa ấy tưởng chừng cũng đơn giản như bao cánh cửa khác trong vô vàn những ngôi đình đền trên khắp Việt Nam, cũng mang đặc trưng sơn màu cánh gián và đường nét sơn son thiếp vàng, ngả màu cũ kỹ và bốn góc cánh cửa tróc lở theo thời gian. Vậy nhưng từ bao đời nay, hàng chục vạn người từng đến thăm ngôi đền Cao (thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đều tò mò vì không ai biết phía sau cánh cửa hậu cung này là bí mật gì mà người nào phạm “lời nguyền” cứ bước chân qua là mất mạng, nhận những reo rắc đen đủi cho người thân.
Cổng đền Cao |
“Tàn đời” vì trái “luật đền”?
Cụ ông Dương Văn Luyện (74, cùng ngụ địa chỉ nêu trên) cho biết theo phong tục địa phương quy định từ ngàn năm nay, mỗi năm đến ngày lễ hội thì làng phải bầu ra một "quan trùm" và bốn "quan đám". Bốn "quan đám" phụ trách việc lễ tế ở bốn ngôi đền trong quần thể đền Cao, còn "quan trùm" thì phụ trách chung mọi việc. Từng hàng chục năm liên tục được làng bầu làm những “chức sắc” này và năm nay được “phong” làm “quan trùm” nên không ngõ ngách nào trong ngôi đền này ông không biết, nhưng riêng những “bí mật” sau cánh cửa hậu cung thì “có chết cũng không nói”.
Đền Cao được bao bọc bởi rừng cây xanh mướt, càng thêm uy nghiêm bởi sự hiện diện của 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trong đó "cụ" lim thọ nhất thì đã hơn 800 tuổi, cao tới 20m. Mới đây, những cây lim này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam" công nhận là "Cây di sản Việt Nam". Nếu biết rằng trước đó, cả nước mới chỉ có 10 cây cổ thụ nhận được danh hiệu này thì việc tới 54 cây hội tụ cả ở đền Cao đã là một sự lạ kỳ.
Việc thờ cúng ở đền Cao cũng là một sự lạ vì đền không thờ tượng như một số nơi khác mà thờ bài vị của "thánh". Vào lễ hội, bài vị được mặc áo trông như người ngồi trên ngai, qua bao năm mà bài vị vẫn mới tinh, dọc theo bài vị là hai hàng chữ Hán vàng óng chưa hề trầy xước.
|
Phong tục quy định điều cấm kỵ đầu tiên mà các "quan trùm, quan đám" phải tuân thủ là họ có trách nhiệm mỗi tháng phải hai lần vào hậu cung để dọn dẹp và biết được một phần cảnh trí trong đó. Thế nhưng trong suốt thời gian còn giữ “chức”, họ phải tuân theo “luật” "có biết cũng không nói, tò mò không biết thì cũng không hỏi" và sau này dù có còn giữ “chức” hay không thì những gì đã được nhìn thấy trong hậu cung thì cũng “sống để bụng, chết mang đi”. Vì thế mà cho đến giờ, trong hậu cung của đền Cao có những bí mật gì vẫn là một điều bí ẩn.
Phong tục oái oăm này còn ràng buộc những vị chức sắc những quy định cực kỳ ngặt nghèo khác. Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì các "chức sắc" cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được… ăn các món trên ban thờ nhà mình. Cũng thời gian này họ đều phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ; khi làm lễ phải mặc đội khăn, che miệng; đặc biệt “thuộc nằm lòng” quy tắc khi vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước.
Lệ làng thì cứ thế mà tuân theo, trong tâm tưởng của những người dân trong vùng dù vẫn có lúc tò mò nhưng sự tò mò ấy rồi cũng bị quên đi khi các cụ cao niên cho biết “Phần hậu cung có thể hiểu như nơi nghỉ ngơi của "thánh". Mọi người quan tâm làm gì”. Những người dân đến vãn cảnh, cũng bái có lỡ lạc chân qua khu vực có cánh cửa luôn được khóa cẩn thận này cũng chẳng ai dám ghé mắt vào vì “sợ” “lời nguyền” người xưa truyền lại là ““không phận sự tuyệt đối không được bước chân vào” nếu không muốn gặp những tai họa khủng khiếp”. Chuyện về cánh cửa bí ẩn chỉ rộ lên khi khoảng 20 năm trước, một du khách đã “trả giá” bằng chính mạng sống của mình khi nằng nặc đòi vào tận nơi để chụp hình.
Cụ Luyện kể lại năm ấy ông cũng là "quan đám" của đền và sự việc xảy ra ngay dịp kỷ niệm đền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hôm ấy sau buổi lễ, một nam du khách trung tuổi vốn là một người quen biết đến từ tỉnh Hải Dương cứ nằng nặc đòi “quan đám” phải mở cửa hậu cung cho mình vào chụp ảnh.
Dù ông Luyện can ngăn thế nào, vị khách này cũng không nghe rồi khẳng định: "Tội vạ đâu tôi chịu. Chết tôi cũng chịu". Ông Luyện đành phải mở cửa hậu cung cho khách vào, còn mình quỳ khấn ở ngoài. Trong hậu cung, ánh đèn flash lóe liên tiếp vài cái, sau một hồi “vãn cảnh” và chụp ảnh xong, vị khách đi ra mang nét mặt rất hoan hỉ. Trong trí nhớ của ông lão đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” này, đây là lần đầu tiên có người lạ dám bước vào hậu cung của đền như thế.
Những chuyện lạ với vị khách này xảy ra từ ấy. Bảy bức ảnh trong hậu cung người này chụp, khi mang về rửa thì phim đều đều đen sì “tối như đêm 30”. Rồi 3 ngày sau, tin từ tỉnh báo về vị ấy đã bị đột quỵ sau một buổi họp. Được đưa đi chữa ở khắp các bệnh viện nổi tiếng ngoài Hà Nội nhưng chưa đầy một tháng sau, du khách “bạo gan” này không qua khỏi.
Tai họa chưa dừng ở đó. Khoảng 3 tháng sau, con trai duy nhất của người này thắt cổ tự vẫn, nghe nói là phẫn uất vì chuyện bị vợ ngoại tình. Tiếp một tháng nữa, một người trong gia đình ấy khi đang đi công tác xa bỗng bị có người chỉ mặt mà bảo: "Nhà mày có người xúc phạm đến thần thánh. Nếu không về làm lễ cầu xin thì còn có thêm người chết nữa". Người này về kể chuyện thì gia đình mới móc xích các sự việc lại với nhau và “tá hỏa tam tinh” ngờ rằng đó là hậu quả của việc “phạm thánh”. Ông Luyện kể rằng phải sau khi sắm lễ tìm lên đền “tạ tội” thì gia đình ấy “mới được yên”.
Bí mật nào sau cánh cửa này? |
Mang họa vì phạm “húy kỵ nhà thánh"?
Dư luận trong khu vực lại thêm một lần “dậy sóng” với sự việc một thanh niên “ngỗ ngược” đã “trả giá” vì muốn “thử độ thiêng” của đền những ngày cuối năm 2011. Một thanh niên ở xã Đồng Lạc (cạnh xã An Lạc) nhiều năm nay “ấm ức” trước “luật” đại kỵ trước khi vào lễ đền Cao không được ăn thịt chó nên đã rủ vài người bạn đi làm một bữa thịt chó xả xui cuối năm rồi mặt đỏ bừng bừng lên lễ đền. Chỉ vừa bước lên đến sân nghỉ, còn cách sàn đền chừng chục bậc tam cấp nữa thì chàng trai bỗng ngã dập đầu, chúi mặt xuống đất. Người đi lễ hốt hoảng chạy lại xem thấy nạn nhân miệng cứ há hốc ra, không kêu được mà cũng không cựa quậy gì được.
Những người bạn của anh chàng vội vàng chạy vào cầu cứu "quan trùm" và khi nghe rõ sự tình, người coi đền lập tức thắp 9 nén hương kêu cầu trước bài vị "thánh" rồi mang ra cho một chén nước đã được đặt làm lễ cho đám bạn cạy miệng đổ vào mồm thanh niên “ngông cuồng”. Lạ thay từ lúc đó anh chàng kêu được ra tiếng và cà nhắc đi về nhà. Sau sự việc, bố mẹ của chàng thanh niên nghịch ngợm này đã phải sắm lễ lên đền, khẩn cầu "thánh" tha thứ cho cái việc "trẻ đầu xanh lỡ nghịch dại".
Một người khác tự nhận mình gặp phải “những tai ương ghê gớm hơn vì dám phạm kỵ húy” ở đền Cao là bà Lương Thị Cải (người huyện Nam Sách, lấy chồng thôn Đại). Cuối năm 2010 bà dâng một mâm lễ lên đền gồm toàn những món chay do người con dâu cả của bà bày biện. Bà Cải thuật lại bà không nhớ ngày hôm trước người con dâu này vừa phải về quê để làm lễ "sang cát" cho bố đẻ, trong khi một “đại kỵ” khác khi dâng lễ lên đền Cao theo tục lệ là người biện lễ tuyệt đối trước đó ít ngày không được dính vào chuyện tang trở.
“Xăng xái đội lễ lên đền, vừa bước vào cửa "thánh" và có cảm giác tôi chỉ sượt qua rất nhẹ mà đôi lục bình nặng chịch trên ban thờ bỗng rơi vỡ tan tành. Lúc ấy tôi sợ đến tái mét cả mặt mày nhưng nghĩ mình vô tình làm vỡ lọ nên chỉ kêu cầu xin lỗi "thánh" về việc đó thôi, đâu ngờ "thánh" quở về việc khác", bà Cải thuật lại.
Ngày đó cứ nghĩ rằng mình “phạm lỗi” làm vỡ lục bình của đền nên người phụ nữ này đã cung tiến trả đền những lọ lục bình khác nhưng chỉ được dăm ngày là những đồ “đền bù” này lại rơi vỡ hoặc sứt mẻ như kiểu “lời xin lỗi không được chấp nhận”. Trong suốt nửa năm sau đó gia đình bà liên tục gặp tai ương: Người con trai cả hành nghề lái xe đường dài đã hàng chục năm, bỗng gây tai nạn liên tiếp, không đến nỗi chết người những cũng phải bán cả xe để trang trải; người con trai thứ thì làm ăn gặp thất bát, bị bạn hàng lừa mất cả tỉ đồng rồi bỏ trốn; đen đủi nhất là người con trai út, anh này đang đi chơi với bạn bè thì gặp hai băng nhóm đuổi đánh nhau, chẳng hiểu “nhìn gà hóa cuốc” thế nào mà trong đám đánh nhau có đối tượng tưởng nhầm anh là đối thủ nên bị đánh nhầm, bị “tặng” trận đòn “thừa sống thiếu chết” phải đi viện khâu hàng chục mũi trên đầu, lại gặp nhiều rắc rối khi bị cơ quan công an gọi lên làm việc mấy lần vì nghi có liên quan đến hai băng nhóm côn đồ đó.
Thấy gia đình gặp nhiều tai họa bất thường, bà mẹ điên đầu tìm gặp người làng để hỏi ý kiến và soát xét lại mọi việc từ đầu, cuối cùng đã phát hiện ra sơ xuất vì đã dùng lễ do người con dâu có tang sửa soạn. Một lần nữa, bà lại biện lễ lên đền thống thiết kêu cầu và cho rằng "từ ngày đó gia đình tôi không gặp thêm tai ương gì nữa. Bây giờ tôi gần như đã thành “người nhà đền”, gặp việc gì cũng lăn xả vào làm, không bao giờ dám quản ngại, chỉ mong "thánh" “chứng” cho lòng thành của tôi".
Người trong khu vực còn rỉ tai nhau việc cấm kỵ ngồi lên lưng đôi voi và ngựa bằng đá chầu trước cửa đền. Điều cấm kỵ này xuất phát từ sự việc một nhóm thanh niên từ trên huyện về đền dám “cưỡi voi tranh với thánh”. Chuyện xảy ra vài năm trước khi nhóm thanh niên dạo quanh thăm thú cảnh đền, chụp ảnh rồi một thanh niên hứng khởi muốn có bức hình mình đang cưỡi voi đá ngựa đá. Dù người nhà đền đã hết sức ngăn cản nhưng rình lúc không ai trông coi, cậu thanh niên vẫn cố tình ngồi lên lưng một chú voi để chụp vội kiểu ảnh. Mọi chuyện vẫn bình thường đến khi nhóm thanh niên ròi đền ra về. Vừa bước khỏi cổng đền, cậu thanh niên bị trúng gió bỗng ngã vật ra đất, miệng sùi bọt mép, được đưa tới bệnh viện nhưng cả đời chịu cảnh bị liệt nửa người bên phải.
Đôi voi đá trong sân đền |
“Chuyện lạ” chỉ là những tai nạn tình cờ
Với những câu chuyện như truyền thuyết, người trong khu vực cho rằng ngôi đền này như một “mảnh đất thiêng” của họ. Có những người từ xa tới nghe chuyện đã phản bác “Nếu là đền thiêng thì tại sao gần đây mới xảy ra chuyện?”, những người cao niên bèn dẫn ra một loạt những “dẫn chứng xa xưa” khác: Từ những năm khi thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này luôn là nơi bị giặc càn quét và có những đêm từ bên kia sông giặc bắn sang đến hàng trăm quả đại bác nhưng chưa từng một quả đạn nào rơi vào khu vực đền Cao. Đó là lý do khiến ngôi đền có tuổi thọ hàng ngàn năm mà vẫn giữ nguyên được bài vị thờ "thánh", ngọc phả và 12 đạo sắc phong từ thời tiền Lê để lại.
Một người già khác cho biết, còn có một “khu vực cấm” khác trong ngôi đền là lạch nước ngăn cách ban thờ "thánh" bày các loại vũ khí và cửa hậu cung được coi như “biên giới” của người đi lễ. Dù lạch nước chỉ rộng chưa đầy 10cm nhưng dân trong thôn chưa bao giờ từng dám bước qua ranh giới đó. Khách thập phương khi đến đây cũng được nhắc nhở cẩn thận để không phạm vào cấm kỵ này.
Lý giải về những câu chuyện người ta cho rằng bị "thánh vật", một vị cán bộ UBND xã cho biết cũng có nghe nhiều lời đồn đại nhưng rất có thể đó chỉ là những tai nạn ngẫu nhiên. "Ví như trường hợp cậu thanh niên ăn thịt chó, uống rượu, say mèm như thế mà leo mấy chục bậc cầu thang lên đền, ngã dập mặt cũng không có gì lạ cả", ông nói. Vị cán bộ xã cũng đặt vấn đề: “Những câu chuyện mang đầy chất tâm linh ấy có thể do chính người dân địa phương đồn thổi, mục đích là để tăng thêm sự huyền bí cho ngôi đền của thôn mình. Tuy nhiên dù chưa rõ thực hư những câu chuyện như thế nào nhưng đền Cao từ nhiều năm nay vẫn là địa điểm thu hút khách thập phương về vãn cảnh, tế lễ".
Và cái lợi lớn nhất từ những câu chuyện “đền thiêng” mà khách đến thăm nhận thấy là từ rất nhiều năm nay ngôi đền chưa từng một lần mất trộm. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban quản lý di tích đền Cao khẳng định: "Đồ thờ tự của đền không ai dám tơ hào, nhiều năm qua không xảy ra việc mất mát dù trong đền có nhiều đồ cổ, quý giá dù có những thứ rất dễ lấy, dễ giấu như những chiếc chén đựng nước cúng làm bằng ngọc".
Về việc dân làng có “khó chịu” khi phải sống chung với những điều cấm kỵ khắt khe khi bước vào đền Cao hay không, ông Đức cười: “Những quy định này đã trở thành luật tục của làng nên nhất nhất ai cũng tuân theo, đã không khó chịu mà thậm chí còn có phần tự hào vì đã giữ được bản sắc của làng mình mà bao đời cha ông lưu truyền”.
Theo ngọc phả đền Cao ghi lại, vào thời Đinh ở Nga Sơn (phủ Hà Trung, Thanh Hoá) có vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh và bà Đào Thị Thanh sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con nên quyết đi tìm cuộc sống mới. Khi đến vùng đất này, thấy đây là nơi bình yên, thuần hậu nên ông bà đã ở lại sinh cơ lập nghiệp. Làm ăn ngày càng khá giả nhưng ông bà vẫn không quên ngày ngày cầu trời khấn phật cho sinh quý tử rồi lời khẩn cầu thấu tới thần linh. Một đêm bà đang tắm bên bến sông bỗng gặp gió lớn sóng to, ầm ầm như "rồng hút nước", sau đó bà thụ thai, đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh một lúc được 5 người con gồm hai gái 3 trai, đặt tên là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng. Năm người con lớn lên học hành binh thư chữ nghĩa rất tinh thông. Một hôm hai ông bà về quê hương bản quán, đến bến đò Thần Phù (Thanh Hoá) không may gặp bão đắm thuyền và mất tại đó vào ngày mồng 6/3.
Năm 981 quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Lúc này 5 người con họ Vương đang có tang cha mẹ nên không dám về triều ứng thí. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc qua nhận thấy ở đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân. Hàng ngày thấy những người con họ Vương đi ngang qua cửa doanh đồn, Vua nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng, phong chức cho ba anh em trai là Quyền chưởng Trung hoa tể đại tướng và phong cho hai chị em gái là Mẫu nghi chí tôn thiên hạ.
Sau khi nhận tước phong, các ngài cùng xin phép nhà vua cho được cầm quân ra đánh giặc. Khi ấy 5 vị tướng cầm quân tiến đánh theo đường bộ, giáp chiến một trận cực kì ác liệt khiến giặc thua to bỏ cả đồn tháo chạy. Sau này bờ cõi Đại Việt được giữ vững, vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và nhân dân. Nhà vua dẫn quân trở về kinh đô, còn 5 ngài xin ở lại mãn tang cha mẹ sẽ về triều bái yết. (Tục thắp hương đen ở đền Cao xuất phát từ tích này. Hương màu đen tượng trưng cho 5 vị mặc quần áo đen để tang cha mẹ, thể hiện lòng chí hiếu của con cái).
Không ngờ ý trời linh hoá, đêm hôm đó trời đất tối tăm mờ mịt, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hoá về trời (đêm 24 tháng Giêng). Sáng hôm sau trời đất lại trong sáng trở lại, dân kéo đến xem thì đã thấy mối đất đùn thành những ngôi mộ lớn. Người dân liền lập biểu dâng lên triều đình.
Nhà vua nghe tin vô cùng thương xót bậc quân thần có công lao với đất nước, liền sai quan triều đình về tận nơi làm lễ phúng viếng và phong mĩ tự cho 5 ngài: Vương Thị Đào là “Đào hoa trinh thuận công chúa”. Vương Thị Liễu là “Liễu hoa linh ứng công chúa”. Vương Đức Minh là “Thiên Bồng Đại tướng quân đại Vương”. Vương Đức Xuân là “Dực thánh linh ứng đại vương”. Vương Đức Hồng là “Anh vũ dũng lược đại vương”. Năm vị được nhân dân tôn làm “Thượng đẳng phúc thần” và đã xây dựng đền thờ phụng.
|
Thanh Huyền Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét