Trong hệ thống thần linh Tam – Tứ phủ, Thập vị Quan Hoàng hay
còn gọi là Tứ Phủ Thánh Hoàng, Tứ phủ Ông Hoàng là các vị Thánh nam dưới hàng
Ngũ vị Tôn ông và Tứ phủ Chầu Bà, trên hàng Tứ phủ Thánh cô và Tứ phủ Thánh cậu.
Các Thánh Hoàng được gọi tên theo thứ tự từ
Ông Hoàng Cả tới Ông Hoàng Mười. Các ngài đều là con vua Bát Hải Động Đình,
giáng trần đầu thai làm tướng, lập nên nhiều công lao trong lịch sử.
Tứ Phủ Thánh Hoàng hay còn gọi là Thập Vị Quan Hoàng |
Ông Hoàng Cả
Hay còn gọi là ông Hoàng Quận, có nhiệm vụ
trông coi sổ sách thiên đình. Ông thường rong chơi khắp chốn, khi trên trời thì
bằng con Xích Long, khi dưới mặt nước thì bằng Tam đầu Cửu vĩ. Ông phù hộ cho
người làm ăn buôn bán hoặc những kẻ học hành.
Ông được thờ ở đền Trung – Suối Mỡ.
Ông Cả rất ít khi ngự đồng, khi ngự về ông thường
mặc áo đỏ thêu rồng, đầu đội khăn xếp có thắt lét đỏ. Ông Hoàng Cả ngự về thường
chỉ tấu hương, khai quang.
Ông Hoàng Đôi
Là vị quan Hoàng thứ hai. Ông giáng trần, đầu
thai làm tướng quân Nguyễn Hoàng, tổ tiên của chúa Nguyễn và vua Nguyễn, mở
mang bờ cõi nước Nam.
Nơi ông đóng quân là đất Triệu Tường, Thanh
Hóa nên ông cũng được gọi là quan Hoàng Triệu, đền thờ chính của ông, đền Quan
Triệu, cũng ở đây. Ngoài ra, ở Chèm, Hà Nội cũng có một ngôi đền Quan Triệu.
Ông cũng ít khi ngự đồng, nếu có ngự về, ông mặc
áo như Ông Hoàng Cả (nhưng màu xanh hoặc vàng). Ông về tấu hương, khai quang rồi
múa cờ lệnh.
Quan Hoàng Ba (Bơ)
Quan Hoàng Ba có ba đền thờ, một tại Hàn Sơn,
Thanh Hóa, một ở Thái Bình (đền Hưng Long), một ở đền Vạn Ngang, Đồ Sơn. Mỗi
nơi có một thần tích khác nhau về ông nhưng tựu chung lại trong tâm thức của
người dân, ông Hoàng Bơ hầu Mẫu, phụng sự ở Thoải cung. Vậy nên khi ngự đồng,
ông mặc đồ trắng.
Quan Hoàng Bảy
Quan Hoàng Bảy trong màu áo lam |
Đền thờ chính của ngài là Bảo Hà, được xây dựng
vào cuối đời Lê, dưới chân núi Cấm, huyện Bản Yên, tỉnh Lào Cai.
Các tích về ngài không thống nhất nhau. Tích
thì cho rằng ngài hi sinh trong lúc đánh giặc Trung Quốc, tích thì cho rằng
ngài bị những kẻ nghi kị trong triều đình sát hại. Nhưng tựu chung lại ngài đã giáng
trần và đầu thai làm tướng Nguyễn Hoàng Bảy trấn vùng rừng núi biên ải giáp
Trung Quốc. Thế cho nên khi ngự đồng, ngài thường mặc áo lam hoặc tím chàm thêu
rồng, đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông
ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá
Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng
người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi thuốc lá có tẩm
thuốc phiện.
Quan Hoàng Chín
Đây là ông Hoàng rất đặc biệt vì phong cách
thơ phú và vẻ nền nã bề ngoài. Ông thường mặc áo đen, chân đi guốc mộc, tay cầm
ô như một ông đồ. Tương truyền ông có giáng trần, đầu thai làm người học rộng
tài cao, sau trở thành vị quan thanh liêm giúp dân, giúp nước, thống lĩnh cửa Cờn
Môn nên cũng có tên là ông Hoàng Chín Cờn Môn.
Quan Hoàng Mười
Hình ảnh ông Hoàng 10 được tái hiện trong show Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú. |
Hay còn gọi là ông Mười Nghệ An. Ông vốn là
thiên quan giáng trần giúp dân cứu đời. Có rất nhiều dị bản thần tích về ông.
Ông được cho là đã hóa thân đầu thai, trở thành các tướng Nguyễn Xí, Lê Khôi,
Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Đền thờ chính của ông là đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh
và đền Hưng Nguyên ở Nghệ An.
Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo vàng
(có thêu rồng kết uốn thành hình chữ Thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng,
cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi
ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, đi bách bộ
vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao
động kéo lưới trên sông Lam và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng.
Các Quan Hoàng Tư, Hoàng Năm, Hoàng Sáu, Hoàng Tám
Các ông hoàng này đều không giáng trần, nhưng
cũng có một số ý kiến cho rằng ông Hoàng Tư có hóa thân là tướng Nguyễn Hữu Cầu,
ông hoàng Năm chính là tướng công Hoàng Công Chất, và hiện thân của Quan Hoàng Tám
là tướng Nùng Chí Cao.
Như vậy trong đạo Mẫu không chỉ có hiện tượng
thần hóa các yếu tố tự nhiên mà còn có cả hiện tượng thần hóa con người, thông
qua quá trình hóa thân, đầu thai, bất tử hóa họ thông qua các giá đồng. Điều đó
vừa thể hiện niềm tôn kính của người dân với những nhân vật lịch sử, vừa thể hiện
một ước vọng được tự nhiên che chở và có mối dây liên hệ giữa tự nhiên với con
người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét