Việt
Nam là một đất nước đa dân tộc và tồn tại nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng.
Chính vì vậy, để nhận diện, phân biệt những hình thức tín ngưỡng bản địa với
nhiều dấu vết nguyên thủy của cư dân nông nghiệp như Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu là
điều không dễ dàng.
Đạo Mẫu là tín
ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ thời kỳ nguyên thủy, lấy Mẫu (Mẹ) là đấng
sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ và con người, là nơi con người ký thác những
mong muốn, khát vọng về đời sống sung túc, mạnh khỏe, may mắn và tài lộc của
mình. Đây không phải là hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất. Nó là một hệ
thống các tín ngưỡng với ít nhất ba lớp khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ
và chi phối lẫn nhau. Đó là lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu
Thần và lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Tượng Mẫu Liễu Hạnh (vị trí giữa) bằng đồng - được coi là hiện
thân của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên trong kiến trúc đền Bà Kiệu tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguồn: Nhà Hát
Việt
Lớp thờ Nữ thần mang tính phổ quát, rộng rãi,
phù hợp với xã hội nông nghiệp, nơi đặc biệt chú trọng tới vai trò của người phụ
nữ. Lớp thờ Mẫu thần phát triển trên nền tảng của lớp thờ Nữ thần, thường có gắn
với yếu tố quốc gia, thờ các Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu như Nguyên phi Ỷ
Lan, Mẫu Tây Thiên, Mẹ Gióng hay Linh Sơn Thánh Mẫu…Lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần
mang tính chất bản địa, nội sinh thuần túy. Lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ lại được
hình thành trên cơ sở hai lớp thờ trên kết hợp với sự tiếp thu những ảnh hưởng
của Đạo giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lớp tín ngưỡng này đã
quay trở lại với những đặc điểm điển hình của một tín ngưỡng đậm nét bản địa
hơn.
Vậy còn Tín ngưỡng thờ Mẫu thì sao?
Tín ngưỡng thờ Mẫu được hiểu theo một nghĩa hẹp
hơn chính là hình thức tín ngưỡng với tên gọi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ
phủ, một hình thức thờ cúng những vị Thánh Mẫu cai quản vũ trụ.
Hình ảnh Mẫu Đệ Nhất
Thượng Thiên (trong trang phục đỏ đại diện cho miền Trời) được tái hiện
cùng hệ thống hình ảnh đương đại trong vở diễn Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú.
Nguồn hình: Nhiếp ảnh gia Tewfic El-Sawy và Nhà Hát Việt
Phần lớn đều cho rằng,
tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian với một số đặc điểm:
* Thờ Mẫu được hình thành trong chế độ Mẫu hệ, khi con người còn
thờ các Nữ thần
* Thờ Mẫu thiếu những tiêu chí cơ bản để cấu thành một tôn giáo
chính thống như sáng thế luận, giáo luật, giáo lý, giáo hội và hệ thống tổ
chức..
* Trong thờ Mẫu, yếu tố
niềm tin còn dựa vào sự cảm nhận của chủ thể, nghĩa là mỗi người lại có một
niềm tin khác nhau, chưa mang tính hệ thống.
Cho tới ngày nay thì
không ai biết chính xác tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh của
người Việt hình thành từ khi nào. Một số người cho rằng tục
thờ Mẫu có từ khi mà người Việt còn thờ các thần linh thiên nhiên như
trời, đất, sông, nước và núi rừng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn vinh các thần
với quyền lực siêu nhiên, điều khiển thiên nhiên, là những yếu tố vốn mang tính
quy luật. Trong quá trình sinh tồn, con người phải dựa vào thiên nhiên vì thế
họ tôn thờ các hiện tượng tự nhiên quanh mình như một đấng tối cao với hình
tượng là Mẫu – người mẹ. Họ thờ Mẫu với mong muốn được che
chở, bảo vệ và ban phước lành trong cuộc sống.
Điện thờ Mẫu có ở khắp
nơi trên đất nước ta từ đồng bằng tới miền núi, từ trong nước tới cả cộng đồng
người Việt ở nước ngoài. Có nơi là đền đài nguy nga với những nét đặc trưng
điển hình, có nơi hình dáng bên ngoài không khác một ngồi chùa, ngôi đình, đền
hay miếu bất kỳ, lại có chỗ chỉ là những điện thờ nho nhỏ. Gần như người ta chỉ
nhận diện được nơi thờ Mẫu khi quan sát các nét riêng trong kiến trúc tổng thể
hay sự bài trí ở điện thờ cùng những đặc điểm riêng trong nghi thức thờ cúng.
Chính những nét đặc trưng ấy đã góp phần tạo nên một hình thức tín ngưỡng thuần
phác, đặc biệt, đậm chất Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét