Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

TANG GIA


TANG GIA
Những việc cơ bản cần làm khi người thân qua đời:
1. Khi người thân hấp hối: 
- Dời người sắp mất sang phòng chính.
- Hỏi xem có còn dặn dò con cháu điều gì nữa không 
- Nên thường xuyên có người túc trực ở bên cạnh

2. Khi thân nhân đã hoàn toàn tắt thở:
- Xem ngày giờ: Nhờ thầy chuyên môn xem ngày, định giờ cho việc khâm liệm, đào huyệt, an táng và các vấn đề kiêng cữ hoặc trùng tang.
Chú ý tình trạng bị trùng tang, nếu phạm thì người sống là những thân nhân của người mất sẽ phải vong mạng, đi theo trong một thời gian ngắn sau đó, có thể là sau 49 ngày, có thể sau 100 ngày, có thể sau 1 năm. 
Trùng tang ngày là nặng nhất (thường gọi Tam xa) 
Trùng tang tháng là nặng nhì (thường gọi Nhị xa)
Trùng tang giờ là nặng thứ ba (thường gọi Nhất xa)
Trùng tang năm là nhẹ nhất.
- Hú hồn: Theo phong tục, người nhà cầm chiếc áo thường mặc của thân nhân, bắc thang leo lên mái nhà, hú gọi: “Ba hồn bảy vía (chín vía) ông (hay bà) ….ở nơi đâu mau trở về nhà với gia đình ”. 
Hú ba lần thì xuống, vào nhà phủ cái áo đó lên thi thể người mất (mong sống lại). Điều này giúp cho vong hồn trong trạng thái mới xuất ra khỏi cơ thể không bị lạc lối, vất vưởng, biết tìm đường về nhà. Việc này không bắt buộc, gia đình thực hiện hay không còn tùy hoàn cảnh và phong tục.

3. Làm vệ sinh cho người mất (tắm gội):
- Chuẩn bị một cái cắt móng tay, một cái khăn mặt, một cái lược, một chậu nước thơm (Quế, Hồi, Hương Nhu, Xả, lá Bưởi) và một chậu nước ấm khác. 
- Chuẩn bị một chiếc chiếu nhỏ trải xuống đất rồi đưa thi thể xuống “Lấy nghĩa trở về với cát bụi ”, nhằm dễ thao tác công việc vệ sinh cho người mất và giải thoát điện tích âm trong cơ thể người chết. 
- Khi tắm thì nên giữ kín đáo, tránh để nhiều người trông thấy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. 
Lấy khăn mặt dấp nước ấm lau mặt và toàn bộ thân mình cho sạch rồi lau lại bằng nước ngũ vị hương. 
- Đưa thi thể lên giường, lấy lược chải tóc, phần tóc rụng để riêng vào một tờ giấy trắng sạch gói lại. Bấm cắt móng tay móng chân, lấy giấy sạch gói riêng. Gói tóc để phía trên đầu, gói móng tay để phía tay, móng chân để phía dưới chân, đặt vào trong quan tài; Bấm móng tay, lược sau đó cũng gói lại để vào trong quan tài (phía chân). 
Khăn mặt, chiếu sau đó thì đốt, bỏ đi.

4. Sau lễ mộc dục (vệ sinh thân thể):
- Đắp cho thi hài một chiếc chăn nhẹ mỏng, đặt một chiếc ghế con phía đầu giường, trên đó bày một bát cơm lồng (hai bát cơm nén chặt úp lồng nhau). Dựng một đôi đũa tre trên bát cơm kẹp quả trứng vịt luộc đã bóc vỏ vào giữa rồi thắp hương. 
- Chuẩn bị ảnh chân dung, khung ảnh, để lồng ảnh người quá cố thay (cho bài vị).
- Chuẩn bị vải xô đủ xé làm khăn tang cho thân nhân. 
- Mua giấy bản, chè khô loại tốt để trị quan. 
- Thành lập Ban Lễ Tang : 
Tang chủ, chủ phụ. Người hộ tang (giúp chỉ huy, quán xuyến, sắp xếp việc thực hiện lễ tang); Người tư thử (giúp ghi đăng kí danh sách khách đến viếng), 
Người tư hóa (giúp ghi chép tiền nong của khách đến phúng viếng và theo dõi việc chi tiêu).
- Báo tang: trình báo việc tang gia cho tổ dân phố, thôn, xã, các cấp chính quyền, đoàn thể liên quan. 
- Thông báo cho bà con họ mạc, con cháu xa gần, bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng,… 
- Viết Cáo phó để thông báo sự việc

5. Trị quan: 
Quan tài mang về, người giúp việc trải giấy bản kín hai lượt, rắc chè khô vào trong quan tài

6. Khâm liệm:
(Lưu ý kiêng người nhà ai có tuổi tam hợp, nhị hợp tuổi với tuổi người mất và các tuổi Thìn - Dần - Dậu - Tỵ nên tránh mặt khi khâm liệm hoặc nếu hoàn cảnh không thể cho phép thì đứng ở phía sau cùng)
Các con cháu, người thân vào, người chấp sự xướng: 
- Tự lập : mọi người đứng gần vào một chút 
- Cử ai : người thân khóc cả lên. 
- Quỳ : con cháu quỳ xuống ngồi trên hai gối 
Chấp sự cũng quỳ chắp tay mà khấn rằng: “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan, cẩn cáo”. 
Sau đó đứng lên và tiếp xướng: 
-Phục : con cháu vái lễ phục đầu xuống
-Hưng : thẳng người dậy (vẫn quỳ trên hai gối) 
-Bình thân : đứng thẳng lên, tư thế bình thường.

Tiếp đó thân nhân người mất tránh ra hai bên, người giúp việc phủ vuông vải trắng lên mặt, đi găng tay, đi tất chân cho người mất rồi đặt thi thể vào tấm vải xô trắng mà bó lại (đây gọi là tiểu liệm: thay áo cho người mất). Quá trình liệm tránh để nước mắt con cháu nhỏ xuống thi hài.
7. Nhập quan (đại liệm hoặc nhập liệm)
- Chọn ngày, giờ cát lành, tránh xung phạm với tuổi người chết. 
- Những người giúp việc sẽ đưa người mất vào áo quan, đặt cho ngay ngắn, chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào thì lấy quần áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ rồi đậy nắp quan tài lại, nhưng chưa đóng đinh chốt .
(Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan)
- Khiêng quan tài đặt vào chính giữa nhà hoặc gian giữa, để đầu hướng vào bên trong, chân hướng ra phía ngoài cửa. Nếu trong nhà còn có người cao tuổi mà người mất là hàng con cháu thì đặt quan tài sang gian cạnh, đây là điều kiện ở thôn quê không gian rộng rãi mới áp dụng được, ở nơi phố xá thành thị đất chật thì phải làm tại các nhà tang lễ, nên không theo cách này.
- Trên nắp quan đặt một bát cơm gạo tẻ lồng đơm chặt (lấy hai bát cơm lèn chặt rồi úp vào nhau) tượng trưng cho trái đất và cũng thể hiện nền nông nghiệp lúa nước, thức ăn nuôi sống con người. Một quả trứng vịt luộc bóc vỏ (tượng trưng cho lưỡng nghi bởi có cả lòng đỏ và trắng, thực ra là hút khí độc, khí lạnh từ thi hài). Hai chiếc đũa tre đầu trên chẻ bông (tượng trưng cho mây trời) cắm vào bát cơm (nối thông âm dương, ám chỉ sự sinh sôi nẩy nở từ cái chết). 
- Thắp 7 ngọn nến (nam) hoặc 9 ngọn nến (nữ) và cắt một khoanh thân chuối dày chừng 10cm để cắm hương (đại hàn dùng âm tiễn âm).
(Trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan thì dùng cách: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu, dầu nóng xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài đã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái).

8. Thiết linh (Bày bài vị)
Lập bàn thờ tang và trình bày bài vị, ngày nay bài vị được thay thế bằng bức ảnh người quá cố. Đặt bàn thờ tang ở phía trước quan tài (phía chân) có ngăn cách một y môn bằng vải xô trắng. Ngoài ảnh chân dung người mất, trên bàn thờ tang còn có mâm ngũ quả, bát hương (có nơi dùng khoanh thân cây chuối), hai ngọn nến đặt hai bên, một khoảng đủ rộng phía trước để khách đến viếng còn đặt lễ (trường hợp bàn vong nhỏ nên để một bàn khác thấp hơn để đặt lễ viếng). 
Phong tục buộc hai cây chuối nhỏ ở hai bên để vong linh đi về được dễ dàng. Dưới gầm bàn vong còn đặt một chậu nước để khi rút bớt chân hương dúi vào tắt tránh việc khói hương nồng nặc, cay mắt. 
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống, mỗi lần vái lạy chỉ vái hai cái.

9. Thành phục :
Là lễ phát tang, con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Một số tang phục :
a.Áo xô, khăn xô có hai giải ở phía sau (gọi là khăn ngang): Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai dải dài bằng nhau. Nếu mẹ còn, cha mất hoặc ngược lại, thì hai dải bên dài bên ngắn lệch nhau.
b.Con trai chống gậy: 
Tang cha gậy tre (cha con cách khúc)
Tang mẹ gậy vông (mẹ con liền khúc)
c.Mũ rơm quấn đầu, dây chuối thắt lưng….
(Ngày nay, nhiều nơi đã bỏ tang phục này).

Ở thành phố theo nếp sống hiện đại, dự đám tang tại nhà tang lễ dùng băng đen đeo làm tang phục tiện hơn.
10. Trong thời gian chưa an táng:
a. Trình báo tổ tiên:
Trước đây phong tục gia đình rước hồn bạch (Khăn trắng đắp mặt người chết tết lại) đến nhà thờ họ. Hồn bạch đặt phía trước bàn thờ, bên dưới, không được đưa lên bàn thờ tổ. Nội dung: Báo cáo với Hội đồng gia tiên về việc thân phụ hoặc thân mẫu đã về chầu tiên tổ…. Xong lại rước hồn bạch về nhà mình, đặt lại trên linh tọa. 
Ngày nay việc này đã đơn giản hơn, chỉ sắm hương, hoa, trầu cau, trái quả, xôi, khẩu thịt đến nhà thờ họ lễ bái, báo tang với Cửu Huyền Thất Tổ là đủ.

b.Kèn giải: 
Phường kèn (Đội nhạc hiếu) do gia chủ thuê túc trực bên linh cữu thổi kèn, đánh trống, mỗi khi tiến hành làm các lễ hay khi có khách đến viếng hoặc khóc thay cho những người phải chịu tang chưa về hoặc không thể về kịp. Cũng có người đến viếng nhờ phường kèn khóc giúp để bày tỏ nỗi tiếc thương.

c. Chúc thực: 
Vào buổi tối, phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng, có thể còn có các vãi tụng kinh và cảnh chèo đò. Vào giờ ăn tối, các con dâng cơm, trà, rượu, ngày nay thủ tục này chỉ còn ở một số vùng quê. Đối với nơi thành phố nhà chật hẹp, người đông đúc không khí ngột ngạt, không tiện, đã bỏ việc chúc thực.

e. Phúng viếng: Khi thân bằng cố hữu đến phúng viếng, người chủ tang và chủ phụ đứng ở hai bên bàn thờ tang (tả nam, hữu nữ) và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách vái hai vái thì tang chủ lễ tạ lại một vái. 
Trách nhiệm tiếp trầu, nước, cỗ bàn thuộc về người hộ tang.
Nếu có người con trai nào đi vắng chưa kịp về thì để mũ, khăn xô và gậy cạnh hương án.

11. Truy điệu và phát dẫn:
a.Trước khi di quan, ban tang lễ tiến hành đọc điếu văn. Điếu văn là bài văn tế được soạn bởi người hiểu biết lễ nghi, đọc trước quan tài và toàn thể khách tới phúng viếng, tóm tắt tiểu sử, công việc, công trạng.. của người mất và bày tỏ lòng thương tiếc với người đã khuất.
b. Đại diện gia đình hiếu chủ phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn.
c. Vừa tới giờ đã chọn, chủ tang đến vái lạy trước linh sàng : “được giờ xin rước linh cữu lên đại dư”. Sau đó dưới sự điều hành của chấp sự, tiến hành việc di quan (chuyển quan tài ra xe tang). Các vòng hoa của con cháu, bạn bè, thông gia, cơ quan, đoàn thể được cài hai bên xe tang. Xe tang đi trước, thân nhân, người nhà và khách viếng đi phía sau linh cữu
d. Bàn thờ vong (thường gọi là Linh sa) do 4 nam thanh khiêng đi phía trước xe tang trên đó có ảnh người quá cố, mâm ngũ quả, bát hương, đèn nến; 
e. Ở thôn quê đại dư là xe tang có người đẩy, yêu cầu nhẹ nhàng, đi chậm, con cháu đi theo sau linh cữu phải mặc đồ tang. Nếu có đi qua cầu, kênh, mương, nơi ngã 3 sông thì rải ít tiền vàng làm tiền đò cho vong. 
Nếu người quá cố đã quy y theo phật đạo, thì thực hiện theo nghi lễ Phật giáo có các vãi đi phía trước đội cầu Bát Nhã, cầm Phướn, vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật giúp linh hồn được yên ổn, nhẹ nhàng siêu thoát.

12. An táng: 
Trước đó có làm lễ yết cáo Đương cai bản xứ Hậu thổ Linh kỳ nguyên quân tôn thần, tại nghĩa trang quy định, để xin đào huyệt và an táng thân nhân. Lễ vật gồm đèn, hương, hoa, vàng tiền, trầu cau, rượu, lễ mặn. 
Đúng giờ lành đã chọn, nhặt bỏ hương nến, bát cơm, quả trứng trên quan tài rồi tiến hành đưa xuống huyệt mộ từ từ bằng hai sợi thừng to (chão), định vị theo hướng đã chọn. Xong, lấp đất đắp mộ hình tháp cụt.
Mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự bày tỏ sự cảm ơn tới những người đến viếng.

13. Rước vong về:
Sau khi đắp mộ xong, bàn vong được đưa về nhà người mất có kèn trống đi kèm hoặc không. Bàn thờ người vừa mất không thờ chung với ban thờ gia tiên mà phải lập một ban riêng ở bên cạnh và thấp hơn để tiện việc cúng tam nhật phục hồn (kể từ ngày an táng) hoặc cúng cơm thất (7) tuần… Trên bàn thờ đặt bát hương, ảnh chân dung, lọ hoa, nến.
Cạnh ban thờ có treo các bức trướng mà khách đến viếng , có điều kiện thì làm đôi câu đối cho hợp cảnh hợp tình, ví dụ: chung cho bàn thờ cha mẹ “Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục ; Khuất còn thêm tủi phận làm con” hoặc: “Người về âm cảnh thân thư thái ; Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi”.
Xưa tục để 2 năm 3 tháng dư ai mới bỏ bàn thờ vong và rước vong lên cùng với Hội đồng gia tiên, nay thủ tục này không còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nếp sống văn hóa, bởi vậy sau 50 ngày hoặc 100 ngày có thể mời pháp sư thầy về cúng lễ rước vong lên cùng với tiên tổ và bỏ bàn thờ vong.

NHỮNG NGOẠI LỆ VÀ KIÊNG KỴ:
1.Người chết khi cha mẹ vẫn còn sống: 
Theo quan niệm xưa đó là bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm, do vậy khi liệm phải quấn một vành khăn tang trên đầu người mất. Nếu bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ còn thì phải quấn 2 vòng. 
Cha mẹ thì không được để tang con.

2.Người chết trong ngày tết: 
Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui xã hội, vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. 
Nhà có đại tang kiêng không đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. 
Trường hợp có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất ngay trong ngày đó, nếu để sang năm mới thì có nhiều điều bất tiện. 
Trường hợp chết đúng ngày mùng một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng ba làm lễ phát tang.

3. Có tang trong khi cận ngày hôn lễ: 
Theo lễ nghi thì khi trong nhà còn tang, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn, nếu quá câu nệ thì gay go cho cả hai gia đình, vì vậy phải “Cưới bôn tang, tức là cưới chạy tang”. Khi đó người chết cứ cho nằm tạm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa nhập quan, hoặc gia đình có thể tự làm thủ tục khâm liệm, nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục. Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận tối lửa tắt đèn có nhau, coi như người nhà. Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng... nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời cũng miễn, sẽ thông cảm sau. Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. 
Nếu hai gia đình thông cảm cho nhau, có thể trong một ngày, từ sáng đến trưa cưới dâu, chiều tối phát tang cũng xong. Khi đó việc cưới khỏi cần chọn ngày, cốt ở giờ Hoàng đạo, dù vừa làm dâu, làm rể được ít giờ vẫn chịu tang như các thành viên khác.

4.Trường hợp nhà có đám cưới mà hàng xóm lân cận có đám tang: Thì các hoạt động vui vẻ nên giảm bớt, lưu ý tránh tình trạng kẻ khóc người cười. Trường hợp có quốc tang cũng như vậy.
5.Người chết không có con hoặc không có con trai thực hiện theo nguyên tắc thừa tự: khi đó áp dụng “vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn”. Người chủ tang là người đã được lập tự hay là con người em trai hoặc con gái trưởng hoặc cháu ngoại.
6.Bắc cầu giải oan: là việc chiêu hồn người chết tại nơi người xấu số bị tai nạn như chết đuối, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... về nơi thờ phụng. Việc này gia chủ không thể tự thực hiện được mà phải mời thầy, thường là các thầy pháp hoặc pháp sư.

Phúc Tâm Pháp Sư


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT