HỎI:
Thưa thầy Phúc Tâm!
Hiện nay con thấy việc thờ tự trong bản điện Tứ Phủ của những thanh đồng rất
lộn xộn không thống nhất. Chỗ thì đưa ảnh hoặc tượng phật trên cao nhất, phía
dưới là ảnh thờ Công Đồng Tứ Phủ hoặc thần tượng Ngọc Đế, chỗ thì bát hương thờ
Ngọc Đế cao nhất rồi phía dưới mới là bát hương thờ Phật, chỗ thì đưa cả ảnh
Bác Hồ vào thờ cúng chung… Vậy trang trí một bản điện như thế nào mới là đúng,
xin thầy giảng cho con được hiểu với ạ !
GIẢI ĐÁP:
Nguyên tắc để bài trí trong một bản điện là “nhất Chủ nhì Khách”. Người có mệnh
đồng phải tôn cất lập thờ, hầu hạ Tiên Thánh, thì việc bài trí bản điện cần thể
hiện sao cho người ngoài nhìn vào nhận biết được ngay đó là nơi thờ phụng thuộc
về tín ngưỡng Tứ Phủ.
Tiên, Thánh, Vương, Thần và Phật, Bồ Tát là hai hệ thống hoàn toàn khác biệt về
sự tôn thờ, giáo lý, kiêng cữ, hành pháp. Người thanh đồng là con nhà thánh,
vậy điện thờ phải bài trí theo lối thờ thánh là chủ, thờ phật là khách, do đó
bát hương thờ Phật không thể nào lại đặt lên vị trí cao nhất trong điện thờ.
Vậy đương nhiên trong bản điện tứ phủ thì trên cao nhất phải là bát hương thờ
Ngọc Đế (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế) và là bát hương to nhất, phía dưới mới là
bát hương thờ Phật và là bát hương nhỏ hơn, tiếp theo bên dưới nữa đến bát
hương thờ Tam Tòa đức Thánh Mẫu rồi bát hương Công Đồng Tứ Phủ….Nếu có thần
tượng thì cách bài trí cũng theo nguyên tắc như vậy.
Số bát hương thờ trong điện luôn phải là số lẻ không lấy số chẵn, đây là theo
dịch lý số lẻ thuộc Thiên (trời, dương) là số sinh, hàm ý sinh trưởng, phát
triển, tiến hóa ứng với cuộc sống hiện hữu đang sinh sôi nảy nở. Số âm thuộc
Địa (đất, âm) là số thành, hàm ý vạn vật đã thành thục, không thể tiến hóa phát
triển được nữa, lụi tàn và diệt vong (về với đất)
Ngược lại, nếu là người có mệnh đồng phụng thờ Phật, Bồ Tát, phải lập Tự thờ
riêng thì việc bài trí cần thể hiện sao cho người ngoài nhìn vào biết ngay đây
là nơi thiền môn. Bản tự thờ phật thì chỉ có duy nhất bát hương thờ phật, ngoài
ra tượng phật hoặc tranh phật. Tuy nhiên có ngoại lệ đối với người mệnh đồng
phụng thờ Phật mang cốt tiên (xem thêm bài viết Cốt tiên, Căn tiên), trường hợp
này được phép lập bát hương phối thờ Tiên Thánh, thờ Mẫu, nhưng các bát hương
thờ này đều nhỏ hơn bát hương thờ phật (theo nguyên tắc nhất chủ nhì khách).
Đã thờ Mẫu thì phải có Ngũ Hổ Thần Tướng đi theo hộ vệ, cho nên bản tự thờ phật
trong trường hợp này còn có thêm hạ ban thờ Ngũ Hổ, nhưng không được phép thỉnh
Thanh, Bạch xà trên nóc bản tự giống bản điện tứ phủ.
Người có căn phật mà không có cốt tiên hoặc người vốn có căn tiên mà kiếp này
duyên thờ phật, thì nhất định không được phép phối thờ Tiên Thánh, không được
lập thượng ban, hạ ban như trên.
Cũng cần lưu ý là đối với bát hương thờ Phật, Bồ Tát thì trong bát hương thờ có
cốt (bài vị) cũng được, không có cũng không sao, miễn là người lập bát hương ấy
phải là người từng hành trì tu tập theo phật đạo, có niềm tin và đạo hạnh.
Thực tế chúng ta thấy ở chùa chiền có nơi thỉnh tượng đức Ngọc
Đế và Nam Tào, Bắc Đẩu ở phía bên dưới tượng phật tổ hoặc tam thế phật, vậy
đúng hay sai ?
Đây là cách bài trí đúng không sai phạm âm giới luật, vẫn là quy tắc Chủ -
Khách như đã phân tích, không phải vì Phật to hơn Ngọc Đế nên mới sắp xếp như
vậy.
Như vậy ta hiểu rằng:
1.Cần phải dựa trên quy tắc Chủ - Khách để xác lập cách bài trí phối thờ trong
một bản điện.
2.Bản điện thờ Tứ Phủ có thể có thêm bát hương thỉnh phật, còn bản tự thờ Phật
thì không có bát hương thờ thánh, mẫu ; chỉ ngoại lệ đối với trường hợp người
có cốt tiên mang mệnh đồng thờ phật.
Sau cùng với kiến thức được nhà Ngài truyền dạy và kinh nghiệm
mồ hôi, nước mắt trong nghề, tôi có một lời khuyên đối với những ai mang nghiệp
tu, căn quả, theo tín ngưỡng thờ Mẫu :
1. Là duyên nghiệp thì phải thuận theo : không nên chống đối, buông xuôi, do
dự. Đã vướng nghiệp tu thì phải chịu nhiều thử thách, đắng cay, oan trái, … Tu
mà nhàn nhã, sung sướng thì ai mà chẳng muốn tu. Kết quả của gian lao, thử
thách chỉ là hai chữ giác ngộ (hiểu được Nhân Quả, nắm rõ Duyên, Nghiệp, Nợ).
Đó chính là thành quả mà nhà Ngài ban cho, gọi là đắc quả tu (đắc đạo), cái mà
chúng ta được nhận hưởng không phải là tiền bạc mà là trí tuệ, sự thông linh
với Tiên Thánh, nhờ đó những bí mật huyền cơ của tạo hóa trở nên đơn giản và dễ
dàng nắm bắt, điều chỉnh.
2. Thờ cúng phải chuyên nhất : người theo Tứ Phủ thì bản điện chỉ bài trí theo
lối thờ thần, thánh, không phối thờ Phật hoặc bất kỳ vị nhân thần nào ngoài hệ
thống Tứ Phủ. Nếu như có ngoại lệ (nhà Ngài cho phép) thì việc phối thờ phải ở
hai bên không được ở chính điện.
Người theo đạo Phật thì bản tự chỉ bài trí thờ Phật, Bồ Tát không phối thờ
Tiên, Thánh. Nếu như có ngoại lệ thì phải theo quy tắc : Chủ - Khách để phối
thờ.
Phúc Tâm Pháp Sư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét