Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Thắc mắc bốn phủ - Đồng thầy Huyền Tích


1) Hầu Quan Trước Hay Chúa Trước ?
2) Mở Phủ Thầy Hầu Những Giá Nào?
3) Tân Đồng có Được Hầu Cậu Không?
Huyền Tích Xin trả lời : Cho bản hội và những bạn đã hỏi
Trả lời câu 1:
Tất cả những canh đàn đã tấu đối về Bốn Phủ, đặc biệt là Mở Phủ Trình Đồng , Cấp Sắc Thanh Đồng, Tiến Thảo kim ngân tài mã Cầu an , tạ ơn Phật Thánh Mừng Đồng...v v
Pháp sự đã có sớ trạng bái yết cung nghênh Đình Thần Tam Tứ Phủ , thì đàn này hầu tráng bóng tam tòa Thanh Mẫu đó là: Thiên , Địa , Thuỷ Tiên , tam tòa Thánh Mẫu
Văn thỉnh Đệ Nhất thiên Tiên....
Sau thỉnh Đệ Nhị Đia Tiên vốn xưa sinh Thánh trong Đền Sùng san
... Đệ Tam Thuỷ Tiên...
Thỉnh Hết 3 giá Mẫu sẽ thỉnh sang Nhất Bóng Tôn Quan lần lượt 5 Quan ...
Những canh đàn tấu vễ bốn Phủ nên làm ở cung công Đồng có tượng 5 Quan ngồi , còn khi không làm ở chính cung Công Đồng , cũng không sao cả , Pháp sự phải thiết lập đàn tràng , như bài vị bốn Phủ... Bài Vị và mã Mũ là đại diện cho tượng Pháp , và các cung các tòa các Phủ...
Quan hầu trước hay Chúa hầu trước, Quan to hơn hay Chúa to hơn ?
Từ khi Mẫu Hiển Thánh Xưng Vi Chúa Tể Việt Nam Được sắc Phong Mẫu Nghi Thiên Hạ , bách thần bốn phương đều ở sau dưới Mẫu , dù các vị Thánh đó trước kia đã xuất hiện hàng nghìn Năm , trước các Đạo Lưu Pháp Sư và người dân hay gọi các vị Thánh là Chúa nay cũng đổi gọi sang gọi thành Chầu....
Như giá Quan Tuần , trong văn có thỉnh lái đi , Chúa Thôi, thành Chầu tôi
...." Chầu thôi lại chở ra đi cỡi tướng Bạch Hổ lên trầu thượng thiên "... , Chầu cũng có nghĩa là bề tôi gặp vua ...
Hay như Chúa Đông Cuông, Chúa Bắc Lệ...

Đông Cuông, Bắc Lệ, Lục Ngạn Tam Cờ Núi Dùm , Chiếm Hóa , Đèo Kẻng ,Suối Mỡ ... 
Như Chúa Lục, Mẫu Lục, gọi theo bản địa Mế Lục , 
Khi ngôi Thần chủ là Thánh Mẫu Lão Hiệng đã xưng vi Chúa Tể Việt Nam 
Thì tất cả Thánh trong hệ thống bốn Phủ được sắp xếp ngôi thứ , thì Đạo Lưu Lính ghế Bốn Phủ các bậc tuyền bối xưa không ai gọi là Chúa là Mẫu nữa , mà gọi chệch sang là Chầu là Mế .....Chầu là ngôi Bề dưới của Mẫu... Vì Mẫu Đã xưng Chúa

Hầu cũng Không ai được phép tung khăn Mẫu
Sau Tam Tòa Thánh Mẫu Là hầu :
Ngũ Vị Tôn Quan, 
có 4 Quan Đại Diện cho Bốn Phủ , 
Khi 4 Quan giáng Đàn đã làm việc , thì dù có Mẫu hay Ngọc Hoàng có ở đó cũng chỉ ngồi ghế danh dự ở bên cạnh , chứ các hàng Chúa còn phải đứng ngoài xa chưa nói là to hơn hay hầu trước 5 Quan

Bốn Quan Đại diện cho Quốc Đạo Quốc Pháp của Bốn Phủ , đại diện Bốn Ngôi : Thiên , Địa , Thuỷ , Nhạc
Đạo có Đạo Pháp , Quốc có Quốc Pháp, khi Các Quan đã đại diện cho Pháp cho Đạo đã giáng đàn làm việc , thuộc Đình Thần Tam Tứ Phủ , thì không ai được phép chứng đàn sớ trạng của các Quan !
Ví Dụ : Khi một vị Quan của Triều Đình được bổ nhiệm chức vụ làm việc đại diện cho Một Quốc Gia thực thi pháp luật , hoặc sử án ,
Khi đang làm việc lúc đó có Mẫu Hậu hay Thiên Tử Vua , tới dự đàn tràng thì cũng chỉ ngồi ở ghế dưới , ngồi bên cạnh để Chứng kiến , mốn nói hay góp ý còn phải xin ý kiến của Người đang thực thi Pháp Luật, dù vị đó có là Quan nhỏ đến đâu !
Vậy thì các vị bản Cảnh bây giờ gọi là Chúa không phải Thánh trong hàng Tứ Phủ, lại chứng đàn trước các Quan là sai Đạo lỗi Pháp ...
Khi đã cung nghênh Tứ Phủ thiết lập đàn tràng cấm giới , là đã có giới luật, không phải hiểu theo nôm na trần gian là vào phải chào chủ nhà , hầu chủ nhà trước hầu các vị ngoại Đạo bản cảnh trước v v...
Một vị Quan khâm sai đi đến đâu bản cảnh phải cúi đầu hành lễ đón rước , chỉ cần cho tùy tòng đến thông báo trước cho các Châu các Phủ biết để chuẩn bị Cung nghênh đón rước , hoặc không cần thông báo, thanh tra bất ngờ.... 
Các vị bản cảnh gặp các Quan Thanh Tra Giám Sát, sợ như cọp còn phải cúi đầu hành lễ không được nhìn lên , léng phéng láo nháo là tiền trảm hậu tấu, chứ chào với chả hỏi ... !

Tiền Quan Thanh Tra, Hậu Quan Giám Sát , Đệ Tứ Khâm Sai , Đệ Tam Cai Đồng Thủ Mệnh , 
4 vị Này Quyền Phép sổ sinh sổ tử trong tay, đều tiền trảm hậu tấu , tà Quỷ nghe danh đều bạt vía khiếp uy rụng rời !

Trước là 4 Quan 
Sau là Quan Đệ Ngũ, Quan Lớn Đệ Ngũ ở trong Đình Thần Tam Tứ Phủ, Ngài không cai quản chính ở phủ phủ nào , nhưng ngài cũng thuộc Thuỷ Cung

Nhiệm vụ ngài rất Quan trọng , bất kể đàn nào đều kiều thỉnh Ngài để bảo hộ đàn tràng trừ tà sát quỷ , thu chấp kim ngân tài mã,
Ngài thông tri tam giới nhiệm vụ của Ngài rất rộng, các tòa các Phủ đi lại tự do tự tại , đi đến đâu , có thể không cần Thông báo trước, thăng thiên nhập địa , Thiên Binh , Thiên Tướng Thoải Bộ Chư Dinh , do ngài Quản Cai, gặp Vua còn được miễn hành lễ, cầm Đao cầm Kiếm đi lại trong cung tùy ý... 
Bốn Quan lớn tuy to đứng đầu Bốn Phủ nhưng muốn gặp Quan Ngũ phải thông báo trước,

Ngược lại Quan Ngũ có thể gặp Bốn Quan Anh mà không cần thông báo trước ...
Khi Ngài được Vua Phong công , Triều Đình triệu tập bách Thần Phong Công .... Bảng Vàng sắc Phong hai chữ : Đại Vương ... 
Ngài Được Vua Mời Rượu ngự lên sập Rồng ngự ngang Vua , ngồi Cùng Vua

Toàn bộ Văn Võ bá Quan trong Triều đều phải đứng hầu rượu , thì duy nhất ngài được ngự cùng Vua trên sập Rồng , chữ Ngự chỉ dành riêng cho Vua . " .. Quan Tuần chắc Giáng ngự lên Sập Rồng "...
2 ) Giá nào sang Khăn?
Huyền Tích xin trả lời :
Khi Đồng Thầy hầu chứng Đàn Loan Giá 5 Quan Lớn , Đại Tấu dẫn trình cho đệ tử 
Tiếp theo , không tung khăn chầu đệ nhất , tung khăn giá Chầu Nhị , Chầu Nhị về sang khăn sẻ bóng , giá nữ Thần tượng trương cho người Mẹ lúc này tân Đồng như Được Sinh thêm lần hai , Chầu Nhị Chính là ẩn Danh của Mẫu Đệ Tứ Thượng Ngàn " còn gọi là : " Đệ Nhị Thượng Ngàn "
Sau 5 Quan Lớn Chúng ta Không thể hầu bất cứ giá nào chen ngang trước giá Chầu Nhị khi có đàn Mở Phủ 
Các Chúa bản Cảnh nếu đồng thầy thích hầu hoặc khát bóng quá , thì vẫn phải Hầu sau Chầu Nhị vì giá Chầu Nhị như là Vị Thánh Sinh Mình ra lần thứ hai...

Cũng có nơi hầu đến giá Chầu Lục Sang Khăn, hoặc Giá Chầu Bé, thường thì Chầu Nhị và Chầu Lục , sau tân Đồng hầu lối Đàn, 
Dù chầu lục hay chầu bé, nhưng giá Đầu tiên Phủ khăn chứng lễ, khai quang trình trầu đã là Chầu Nhị Rồi , các giá sau chỉ hầu thêm mà thôi!

3) Tân Đồng có Được Hầu CẬu không?
Huyền Tích xin trả lời :
Tất cả các Tân đều được hầu cậu nếu thầy không hầu tạ lại , những giá nào Đồng Thầy vào hầu tạ lại , thì đệ tử không được hầu vì thầy không hầu lại của đệ tử, vậy thầy mới không cho đệ tử hầu Cậu là vậy , 
Chứ Tân Đồng hầu Cậu không có gì là lỗi cả , nhiều người không hiểu cứ nghĩ tân Đồng hầu Cậu là bị lỗi, tỏ vẻ ngạc nhiên bàn tán mà không hiểu nguyên nhân vì sao ....

Trong khóa lễ Tân Đồng hầu cậu là Toả bóng nhất , và tự nhiên hồn nhiên nhất , Tân Đồng hầu cậu không bao giờ sợ bị lỗi vì Vua Cha Mẫu Mẹ không bao giờ trách Cậu , dù cậu có sai có lỗi ,
Những tân đồng được hầu Cậu là dễ tỏa bóng nhất và hoan hỉ nhất cậu thương Đồng nên đắc lộc đắc tài... Những ai làm thầy điều này , nên nhiều thầy Muốn được hầu Cậu không cho đệ tử hầu, các tân Đồng hầu Cậu sát Bóng, đến nhiều Đồng thầy , Thanh Đồng , Đồng cựu có cố gắng cũng không thể nào hầu bằng được tân Đồng , đó là sự hồn nhiên trong sáng từ nơi tâm , không có chút nào pha là diễn ..... 
Tác giả: Huyền Tích


Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Xoay khăn trong hầu đồng



XOAY KHĂN

Lênh đênh qua cửa Thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm

Là thanh đồng ai cũng thuộc nằm lòng nguyên tắc “ trên theo phật thánh dưới theo đồng thầy”, đó chính là truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta, kể từ lúc đồng thầy thỉnh cha mẹ về sang khăn sẻ áo cho tân đồng người thầy được coi là người sinh ra đồng con, thầy cũng chính là người dìu dắt tân đồng từ những bước chân chập chững đầu tiên, đồng thầy không chỉ uốn nắn cho đồng con về lề lối phép tắc nhà Thánh mà còn dậy đồng con tu dưỡng về đạo đức, cốt cách làm người, đường ăn lẽ ở, ăn nói xưng hô sao cho phải phép. Nhiều thanh đồng thường gọi đồng thầy của mình bằng ngôn từ rất đỗi dân dã mà tràn đầy tình cảm và sự biết ơn : Mẹ - con, chị đẻ - con, mế - con..v..v..

Tuy vậy, cũng có một số người phải mở phủ tới năm lần bảy lượt mới yên , có người thì dù đã xoay khăn mở phủ đi mở phủ lại rồi mà cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để hiểu thấu đáo vấn đề này, mời các bạn cùng tìm hiểu thế nào là xoay khăn nhé.

Xoay: Là hành động dịch chuyển

Khăn: Chiếc khăn ở đây không phải là chiếc khăn bình thường, trong tín ngưỡng tứ phủ đó là chiếc khăn phủ diện – một đồ vật không thể thiếu trong quá trình thực hành các nghi lễ tứ phủ, một vật bất li thân và cũng là vật được coi trọng tột cùng của các thanh đồng đạo quan .

Như vậy xoay khăn nghĩa là: Thay đổi vị trí của chiếc khăn nhưng vẫn giữ nguyên chiếc khăn.

Chiếc khăn phủ diện là một mảnh vải màu đỏ hình vuông được phủ lên đầu các thanh đồng khi bắt đầu nghi thức nhập bóng. Chiếc khăn phủ diện này phải được đồng thầy làm lễ khai quang trong buổi lễ mở phủ cho các tân đồng, chiếc khăn này giờ đây đã không còn là một chiếc khăn bình thường nữa mà trở thành một vật rất linh thiêng và coi như đã được phật thánh tác đại chứng minh. Hành động xoay khăn đồng nghĩa với sự thay đổi của chủ thể – đó chính là những người đã trực tiếp tác động , làm phép lên chiếc khăn ấy, cụ thể ở đây đối tượng này chính là các đồng thầy. Xoay khăn có rất nhiều hình thức, có người phải mở phủ lại nhưng cũng có người chỉ cần nhờ Thầy khác hầu chứng đàn lại cũng gọi là Xoay khăn, tựu chung lại Thầy trò là do duyên.

Vậy việc xoay khăn liệu có đi ngược lại với truyền thống “ trên theo phật thánh dưới theo đồng thầy” không? Không, bởi trên đầu chúng ta là Phật Thánh chỉ có Phật Thánh là trọn đời trọn đạo, chúng ta chỉ mượn cửa Đồng thầy để sinh ra, nếu phúc phần chúng ta tốt thì chúng ta gặp thầy có tâm đức thì cả đời theo thầy, nếu thầy làm sai chức phận thì cũng cần xem lại, cái gì sai thì phải sửa, không sửa được thì phải xoay, Thầy sai thì trước tiên Thầy phải chịu, nhưng đồng con thấy sai mà không biết sửa thì mãi mãi chìm trong u mê ngu muội. Đồng bóng là phải có trí huệ, phân biệt đúng sai, nếu không chịu sửa đổi thì sớm muộn cũng sẽ bị “ Thánh tha ma nhập” . Đồng thầy làm sai, đi ngược lại với quy tắc lề lối của đạo Mẫu mà chúng ta vẫn khăng khăng “ dưới theo đồng thầy”, thì vô hình chung lại thành có lỗi với nhà Thánh. Bài viết này không cổ súy cho hành động thay thầy như thay áo, hoặc thấy thầy khác nổi tiếng hơn, giàu có hơn mà chê thầy đồng cốt lốt quê theo thầy mới hòng mưu cầu lợi ích cá nhân cho mình.

Trường hợp nào thì được xoay khăn? Như các bạn đã biết, làm lính có công làm đồng có phép, không phải đồng nào cũng được phép dẫn trình đệ tử, đồng soi, đồng hầu, đồng dí, đồng chữa, đồng pháp không được phép trình đồng mở phủ cho đồng con. Chỉ những đồng thầy được bề trên cấp sắc lệnh soi căn nối quả thì mới được phép sinh con đẻ cái ( dẫn trình).

Vậy soi căn là gì? Trước khi mở phủ đồng thầy phải soi được đồng con ở cửa nào để dẫn trình đúng cửa, đây chính là yếu tố tiên quyết quyết định vấn khai hồ có thành công hay không. Nếu dẫn trình sai cửa thì hoặc là vị Thánh cầm bản mệnh không nhận đồng ( vì có thỉnh ta về nhận đồng đâu mà ta nhận), hoặc trình sai cửa thì vẫn được cửa đó nhận nhưng loạn bóng, đồng con đã khổ lại càng khổ thêm. Trình sai cửa sẽ có 2 trường hợp xảy ra đối với đồng con.

Trường hợp thứ nhất: Đồng con bị phạt ngay lập tức, cái phạt này còn khủng khiếp hơn cả lúc cơ hành khi chưa mở phủ.

Trường hợp thứ hai: Đồng con vẫn bình yên, tuy vậy cũng chớ vội mừng, vì phúc phần của đồng con còn dầy mà nghiệp chưa đủ để họa, nên tạm thời được hưởng cái phúc đó, thời gian qua đi khi cái Phúc đó dùng hết lại không có Bóng Thánh che chở thì guồng quay cơ hành bắt đầu chuyển động, lúc ấy kêu trời trời chẳng thấu kêu đất đất không hay.

Qua đây muốn nhắc nhở một số thanh đồng không được giao chức phận soi căn nối quả tự ý đưa đồng con dẫn trình, dù là trình tên, trình trầu hay trình đồng mở phủ cũng không được phép. Được biết có trường hợp thanh đồng không soi được căn dẫn đến soi căn sai, rồi tự ý dẫn đồng con trình tên sai cửa, hậu quả đồng con khốn đốn một thời gian dài, bóng loạn đêm nào cũng lang thang ra bãi tha ma, gia đình tan nát, sức khỏe suy sụp, đồng con này sau khi xoay khăn cuộc sống đã ổn định dần lên, sức khỏe hồi phúc, hạnh phúc gia đình hàn gắn lại. Các bạn thấy đấy, việc tiên cung tiên thánh nếu không hiểu lề lối phép tắc thì dù có tâm tốt muốn giúp người lại thành hại người.

Chỉ những lỗi nặng không thể khắc phục được thì mới cần phải xoay khăn, ví dụ như trường hợp nói ở trên và một số trường hợp khác như đồng thầy mất đột ngột đồng con phải xoay khăn để có người dìu dắt, đồng thầy làm những việc lỗi đạo bị bề trên tước quyền tước phép..v..v..

Một số lỗi khác nếu khắc phục được thì nên tìm nguyên nhân để hóa giải, chứ chớ vội xoay khăn, ví dụ mở phủ thiếu lễ mã hoặc đồng con được lộc Chúa nguyệt khi mở phủ có bóng thánh về muốn tung khăn đồng thầy ghìm bóng không cho tung khăn hầu..v..v.. đồng con bị cơ ngay sau vấn hầu, lúc này đồng con vội vàng tìm đồng thầy khác để xoay khăn mở phủ lại là không nên, thầy trò có thể khắc phục bằng cách sám hối xin dâng lễ mã và hầu hạ nhà ngài đầy đủ khi tạ bách nhật, nếu được nhà Thánh đại xá chấp nhận cho thì vừa giữ lễ được với nhà ngài lại vừa trọn đạo được với đồng thầy, tránh được cảnh 5 cha 3 mẹ.

Thanh Lam

Sát sinh và phóng sinh



SÁT SINH VÀ PHÓNG SINH
Động vật có xương sống, có thân nhiệt và khí huyết, đẻ con và nuôi con bằng sữa, thì có 1 hồn, 1 vía (có hồn, vía) và thường có trí khôn.Chẳng hạn như các loài: Trâu, Bò, Chó, Lợn, Mèo, Dê, Ngựa… 
Gia cầm, Thủy cầm và lớp Chim nói chung tuy cũng có xương sống, có khí huyết, nhưng chỉ đẻ trứng và ấp nở thành con, thì không có hồn, vía.

Trong lục đạo có đường (cõi) Súc Sinh, những tội nhân phạm vào trọng nghiệp bị đưa vào cõi này, tùy duyên mà tái sinh luân hồi chuyển kiếp thành động vật hoặc gia cầm (gà, ngan, vịt..), thủy cầm (cá, tôm, cua..) hoặc các loài chim…
Trong trường hợp vong hồn bị đầu thai mang hình hài loài súc vật như Trâu, Bò, Chó, Lợn…Nếu như vì một nguyên nhân đặc biệt, chúng ta biết được đó là do một vong hồn đầu thai chuyển kiếp, thì nên nuôi nó cho tới lúc nó hết tuổi thọ thì thôi. Khi chết rồi vong hồn ấy sẽ tiếp tục con đường tái sinh luân hồi chuyển nghiệp tùy theo duyên phận, có nhiều cơ hội tiếp cận với cõi Nhân (người).
Nếu không ai hay biết, con vật đó bị đem ra giết thịt phục vụ nhu cầu con người, thì vong hồn không thể nào tái sinh chuyển sang kiếp người được vì chưa hết thời hạn của kiếp súc vật. Vong hồn này vẫn phải tiếp tục đầu thai trở thành động vật và theo quy định của Âm Giới Luật, phải sau 12 lần bị giết mổ như thế thì vong hồn mới được chuyển kiếp tái sinh vào cõi Nhân làm người.
Cũng tương tự như với trường hợp trên, vong hồn chuyển kiếp tái sinh luân hồi gá mượn thân xác loài Thủy cầm hoặc loài Chim để tồn tại, tá nhập và điều khiển chúng. Trường hợp này thì khác với trường hợp mang hình hài loài súc vật, vì những loài thủy cầm hoặc Chim không có hồn vía. 
Trong trường hợp đối với loài Chim, nếu như người có tâm phóng sinh, mua về rất nhiều chim để làm lễ phóng sinh rồi thả đi, thì ngay lập tức vong hồn (có thể chỉ là một trong số những con chim bị bắt chứ không phải con chim nào cũng mang theo một vong hồn tội lỗi) sẽ được thoát ngay khỏi thân xác con chim để đi vào vòng tái sinh luân hồi. Khi đó linh khí của con vật chủ (là Chim) sẽ bị mất đi, thông thường nó sẽ phải chết sau thời gian 7 ngày 7 đêm, do đó sẽ không có một vong hồn nào tiếp theo tá nhập vào con chim đó nữa. Bởi vậy dẫu con chim này có bị đánh bẫy lại thì nó chỉ còn là một con chim bình thường và việc ai đó vô tình mua về làm lễ phóng sinh cho con chim ấy, tác dụng cũng như không. 
Trường hợp con chim không có duyên bị bắt về để sau đó được cúng phóng sinh, giải thoát, thì vong hồn phải gá mượn, tá nhập thân xác con chim ấy cho đến khi nó chết đi và vong hồn lại tiếp tục hành trình với duyên phận mới của mình, có thể tiếp tục đầu thai trong trạng thái gá mượn thân xác loài chim (giống như là loài ký sinh trên động vật chủ), cũng có thể phải tiếp tục đầu thai sang kiếp động vật, cũng có thể được tái sinh sang kiếp người, việc này tùy theo duyên, nghiệp, của vong hồn và theo định nghiệp báo ứng.
Trường hợp con chim (mang theo một vong hồn) bị bắt, đánh bẫy, đem giết mổ làm thịt, thì cũng phải qua 12 lần bị bắt giết như thế vong hồn mới được chuyển kiếp đầu thai vào cõi Nhân.
Với các loài thủy cầm như cá, tôm, cua… cũng giống y như vậy, không có ngoại lệ. Vong hồn chỉ gá mượn, tá nhập vào thân xác loài cá mà tồn tại trong một thời gian theo quy định, giống như một thể ký sinh trùng tác hợp trên vật chủ, điều khiển vật chủ. Khi cá được cúng phóng sinh, giải thoát, chúng ta đem thả xuống ao, hồ, sông, suối, là lập tức vong hồn “thăng” ngay, không còn trong trạng thái gá mượn thân xác cá nữa. Con cá dù có bị bắt lại ngay sau đó làm đồ nhậu cho thực khách, thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả phóng sinh siêu độ cho vong hồn. 
Từ những kết quả phân tích trên, chúng ta thấy rằng lợi ích của việc cúng phóng sinh thực sự đem đến công đức lớn lao và kết quả tốt đẹp nhanh chóng nhất cho người hành giả trên con đường tu tập nói chung và cho những ai phát tâm làm điều thiện ích nói riêng.

Qua sự việc trên sẽ có người thắc mắc rằng: con Chó, con Mèo, con Trâu, con Bò có 1 hồn 1 vía, khi chết tùy duyên chúng có thể thành tinh (thành ma), vậy con Chuột theo đó cũng có 1 hồn 1 vía tại sao không thành “ma Chuột”?
Ở đây chúng ta thấy rằng loài Chuột dẫu có hồn vía nhưng là loài động vật gây hại, bị con người xua đuổi bắt giết, tận diệt, chúng luôn phải tìm cách xa lánh, trốn chạy khi gặp con người, nên chúng thuộc dạng “vô duyên bất thành” không thể làm ma Chuột được.
Còn với các loài Chó, Mèo, Trâu, Bò… là loài vật có ích, luôn luôn gần gũi, gắn bó với con người, được con người chăm chút, vỗ về, yêu thích, nên chúng thuộc dạng “hữu duyên tất thành” mới có thể trở thành ma, thành tinh trong những điều kiện quy định đặc biệt của Âm Giới Luật.
Ngoài ra luật Âm Giới còn quy định: “Những loài vật mà hình, tượng, của chúng được sử dụng để trang trí đền, điện, chùa chiền hoặc dùng để trấn yểm, thì những loài đó được xếp vào loài Linh vật”.
Chẳng hạn cá Chép, Rắn; Rùa; Ba Ba; chim Phượng Hoàng; Dơi; Hổ; Rồng; Gà trống ngũ sắc; Chó; là những loài linh vật. Cũng vì lẽ đó, người là con nhà Thánh, nhà Phật thì không được ăn thịt những con vật này.
Sau cùng chúng ta biết rằng “Vật dưỡng Nhân” là điều do Tạo hóa quy định, không vì bất cứ lý do gì mà có thể thay đổi. Muông thú được sinh ra cũng nhằm mục đích phục vụ sự sinh tồn của con người, bởi vậy nhất định phải có những người làm nghề sát sinh. Nhưng nghề sát sinh không phải ai cũng mang tội nghiệp nặng nề, cái đó còn tùy mức độ, phạm vi, tùy duyên. Trong phạm vi cho phép thì việc sát sinh mang lại nhiều lợi ích hơn là mang trọng nghiệp. Ngoài việc giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, sát sinh có giới hạn còn giúp cho các vong hồn tội lỗi bị đọa đầy trong cõi Súc Sinh, mang hình hài loài súc vật, có được cơ hội luân hồi chuyển kiếp vào cõi Nhân làm người, tiếp tục một hành trình tu tập, sám hối, giác ngộ và tinh tấn để tiến hóa lên cõi cao hơn trong linh giới. 
Người hành nghề sát sinh chuyên nghiệp nếu biết thường xuyên cúng lễ phóng sinh thì sẽ giảm được nghiệp quả hoặc giải được trọng nghiệp.

Trên nền tảng vững vàng hiểu biết về tâm linh, chúng ta khẳng định Âm giới hay Dương gian đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những lề lối, quy định đã được đề ra. “Trần có luật trần, Âm có luật âm”,hai thế giới này hoàn toàn khác biệt nhưng lại tồn tại hòa đồng, có những việc mà Âm giới bắt buộc phải nương theo luật dương trần mà thực thi mới có kết quả. Có những điều mà Dương trần nhất định phải tuân theo luật Âm giới mà phổ biến mới đạt được mục đích âm siêu, dương thái. Như vậy thì mới không rơi vào tình trạng vận dụng, lệ thuộc, áp đặt một cách máy móc những nguyên tắc của các tôn giáo vào cuộc sống, khiến cho 
sự hiểu biết bị sai lệch, dẫn đến loạn âm, loạn dương, sinh linh rơi vào cảnh lầm than, đau khổ.

Phúc Tâm Pháp Sư


Rằm tháng bảy và cúng chúng sinh cô hồn



RẰM THÁNG BẢY VÀ CÚNG CHÚNG SINH CÔ HỒN
Dân gian truyền khẩu rằng "rằm tháng Bảy xá tội vong nhân", cho rằng các vong linh bị giam ở nơi điện ngục vào ngày đó được xá tội và thả ra . Tuy nhiên sự hiểu này không đúng, vong đã phạm tội ác phải bị giam cầm nơi địa ngục thì vĩnh viễn trong tăm tối, rất cực khổ, hàng ngày đều phải chịu hành hình và tra tấn theo những tội lỗi tương ứng đã gây ra trên cõi trần gian. Chỉ có duy nhất ngày rằm tháng Bảy là không bị đánh đập, khảo tra..... cho nên nói xá tội vong nhân là như vậy. Những vong linh nào tội nghiệp nhẹ, biết sám hối, giác ngộ, tu thân, thì mới được ân xá, được tự do.
Trong ngày này nếu như có người thân trên nhân gian tín tâm, biết nhờ tới Thầy pháp cầu siêu, thoát linh địa ngục cho, thì những vong linh trong địa ngục mới được Hội Đồng Quan Sai Địa Phủ xem xét tội trạng, công đức thân nhân và ban ân xá , giống như chim sổ lồng , thưởng hít không khí trong lành, ngắm cảnh bầu trời xanh bao la, tự do tự tại.
Đó là nói những vong bị giam nơi điện ngục, còn những vong linh cô hồn mà chúng ta thường gọi là chúng sinh thì có muôn hình vạn trạng, rất là đa dạng, có kẻ xấu, có người tốt, không phải tất cả chúng sinh đều thuần thiện. Tuy có 12 nghiệp: Sĩ Nông Công Thương Lý Bốc Nho Y Ngư Tiều Canh Mục nhưng chỉ có thập loại chúng sinh cô hồn.
Những cô hồn ta hiểu là những vong linh không nơi nương tựa, không ai cúng thờ, không người thân họ hàng, hoặc là chẳng còn người thân họ hàng nào hết. Chết vì bom đạn chiến tranh, chết vì đói khát nơi đầu đường xó chợ, chết rồi vì nhiều lý do không thể về được quê hương bản quán bơ vơ đói khát nơi đất khách quê người......Vì có quá nhiều những vong linh thuộc dạng này nên khi cúng lễ thường nói là cúng chúng sinh - đây là một bộ phận nhỏ trong chúng sinh giới.
Do đặc tính cô hồn như vậy nên không phải vong hồn nào cũng thiện chí khi đón nhận việc cúng lễ của người trần. Có những vong không hài lòng với những thực đơn hiến cúng, nên sẽ phá phách, quấy nhiễu gia chủ, bởi vì không phải lễ cúng chúng sinh (cô hồn) chỉ đơn giản là muối , gạo, xôi , bỏng ngô, bim bim, vài hộp sữa hút, ít trái cây, vài lon bia, mấy ly rượu, những bộ quần áo bé xíu chỉ dành cho bọn con nít ......Cái này còn phụ thuộc thói quen, tập quán sinh hoạt từng vùng miền, nhưng cơ bản luôn phải có Đường, Muối, Gạo, Diêm, Nước, hương, hoa, trầu cau, trái cây, xôi, khẩu thịt, rượu.
Việc cúng lễ cô hồn không đơn giản như nhiều người lầm tưởng rằng mình đã mất công cúng kiếng họ như vậy thì họ sẽ giúp cho mình điều này hay, điều kia tốt. Thực tế thì họ không giúp được gì cả, chỉ có những vong linh Gia tiên tiền tổ của gia chủ đó mới thường xuyên đi theo và quan tâm giúp đỡ cho con cháu của họ trên cõi nhân gian, người dưng nước lã thì người ta quan tâm đến làm gì. Mời họ ăn uống thì họ vào ăn, nếu ngon họ lần sau đến tiếp, không ngon họ đổ đi, vứt bỏ, chê bai đủ điều, thậm chí còn vả cho mấy cái. Mà phải cái nếu có cúng đồ ngon, sau số người đến đòi ăn cứ theo cấp số cộng mà tăng lên. Trước cúng 1 con gà, 1 mâm xôi chỉ cho nhóm 20 cô hồn, rồi số người tăng lên không đủ mà ăn chia nữa, trong lòng họ sinh ra đố kỵ, ghen ghét....rồi xảy ra điều gì tồi tệ với gia chủ thì bản thân người đó cũng chẳng hay biết nguyên nhân do đâu.
Đó là còn chưa nói đến trong số cô hồn ( chúng sinh) đó còn có cả bọn yêu tinh, yêu quái đặc tính hung hãn, quấy phá, làm loạn.
Một vài ví dụ qua đó đủ hiểu việc cúng kính lễ bái những vong linh đó hay dở thế nào. Chỉ những nơi Chùa Chiền, Đền Điện, Miếu Phủ mới có thể làm, vừa cho họ ăn uống, vừa giáo huấn giác ngộ. Bản thân mỗi nhân sinh bé nhỏ không thể làm được cho họ điều gì cả, nếu ai cũng tự ý bày biện cúng lễ thì thứ nhất là mê tín (vì không hiểu gì hết, u mê tăm tối, mù về tâm linh). Đã mê tín thì hậu quả của nó nói không hết được. Thứ hai là lãng phí tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc (Có người còn hóa mã cho chúng sinh cô hồn tới vài triệu thậm chí hàng trăm triệu tiền vàng mã). Thứ ba là làm đảo lộn trật tự nơi âm giới vì chúng sinh cô hồn đó trước đây vẫn chỉ đến những nơi nhất định, đúng luật giới để nhận hưởng thức ăn, đồ dùng, nay con người tùy tiện cúng lễ nên bọn chúng đến nhà dân nhiều hơn, không quan tâm đến nơi mà đáng lẽ họ phải đến nữa, như thế vong sẽ quấy nhiễu, tự tung tự tác ( mời họ đến ăn uống quen thói rồi, nếu không cúng kính đồ thường xuyên, đều đặn, ngon lành là chúng phá phách đừng có mong được yên thân)
Nơi chúng sinh cô hồn đến để nhận hưởng lễ vật, đồ ăn thức uống là nơi Chùa chiền, đền điện, miếu phủ. Ở đây có hành sai giám sát nên chúng sinh trật tự, không tranh cướp hỗn loạn. Ngoài ra còn hướng theo lời dăn dạy của Phật, Thánh, Thần mà tự mình có thể giác ngộ để có được những thay đổi lớn lao trong tư thế hình hài lối sống.

Những nơi không thuộc phạm vi trên thì không nên cúng lễ chúng sinh, điều đó có thể xảy ra những kết quả trái ý, và chuốc lấy tai ương. Người hiểu về tâm linh thì biết rằng mọi việc phải tuân theo trật tự, phân theo các cấp quản lý cụ thể, đúng chức năng và chuyên ngành.
Tóm lại, phải hiểu rõ vấn đề tâm linh trước khi làm những việc liên quan tới tâm linh, như vậy mới thực sự tạo phước cho bản thân và gia đình. Điều quan trọng nhất là hãy quan tâm nhiều hơn đến Cửu huyền Thất Tổ hay là Hội đồng Gia tiên nhà mình, cúng lễ cho thường xuyên, chu đáo, đó mới chính là cái gốc an lành và hạnh phúc nhất của chúng ta.
 Phúc Tâm Pháp Sư


Những nguyên nhân phát sinh bệnh tật



NHỮNG NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH BỆNH TẬT
Con người sinh sống trên đời ai cũng mong muốn thân thể mạnh khỏe, tươi vui, gia đình hạnh phúc, lộc tài vượng tiến, chẳng ai mong mình mắc bệnh tật, hoạn nạn để rồi đau buồn u ám, tiền tài đội nón ra đi.
Cổ nhân đã tìm hiểu và đúc kết một vấn đề “Chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh”, điều này có lẽ đúng phần nhiều bởi vì số người theo trường phái duy vật luôn luôn là số đông, số người duy tâm và am hiểu tâm linh cũng rất ít, bởi vậy thực chất vấn đề phát sinh bệnh tật và cách chữa trị hầu như không phải ai cũng hiểu một cách thấu đáo, nên tới lúc nản chí buông xuôi phó mặc số phận hoặc là không biết cách suy luận tìm hiểu do vốn kiến thức còn hạn chế.

Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra cho mọi người thấy tại sao con người lại mắc bệnh và trong những trường hợp nào chữa được, trường hợp nào thì không.
Bệnh tật liên quan được phân loại chia ra 3 nhóm cơ bản sau đây:
1. BỆNH THUỘC PHẦN TRẦN (yếu tố khách quan):
Đây là những thể loại bệnh phổ biến, chiếm phần lớn, mà nguyên nhân phát sinh do môi trường bị ô nhiễm bởi khói, bụi, âm thanh, nguồn nước bẩn; do chiến tranh đem đến (vũ khí hóa học, sinh học…); do hóa chất độc hại tồn dư trong rau, quả; do thiên nhiên khắc nghiệt (nóng quá, lạnh quá, bão từ…); do thói quen ăn uống mất vệ sinh do thiếu hiểu biết (tiết canh, gỏi cá, thịt lợn gạo, gia súc mắc bệnh truyền nhiễm…); do sinh hoạt không điều độ (thức quá khuya, làm quá sức, ngồi nhiều lười hoạt động…); do những phương tiện của đời sống văn minh hiện đại…..
Đối với loại bệnh này thì nhất định phải tìm thầy, tìm thuốc, đi khám chữa bệnh chiếu chụp siêu âm, xét nghiệm.., chỉ có y học cổ truyền, y học hiện đại, bác sĩ đường trần mới cứu chữa được. Bệnh mang tính chất phát sinh trong thời điểm nhất định, mang tính chất giai đoạn hoặc lâu dài nhưng có thể chữa khỏi. Trường hợp mắc bệnh do những nguyên nhân nói trên mà mê tín đi cúng lễ giải hạn thì tiền mất tật mang.

2. BỆNH THUỘC CĂN SỐ :
Bệnh này phát sinh ra bởi một nguyên nhân là nghiệp quả tiền kiếp của đương số và đây là một thể loại bệnh mà đương số phải mang theo từ khi sinh ra cho đến khi chết. Bệnh mang tính chất lâu dài, trường kỳ đeo bám. Chẳng hạn: què (liệt), mù, câm, điếc (tứ chứng nan y); thân thể đeo mang những dị tật khác thường, khó chữa. Một số trường hợp bỗng nhiên phát sinh bệnh nặng, mang u bướu lớn chảy máu, mủ hôi thối, đau đớn cả về thể xác và tinh thần khi ở độ tuổi trưởng thành….
Đối với chứng trạng thể loại của bệnh này thì thường rất nặng nề và không có cách gì có thể chữa trị được.

3. BỆNH THUỘC PHẦN ÂM: 
Bệnh phần âm thường mang tính cấp tính, giai đoạn, thuốc thang chữa trị không khỏi, không phát hiện ra nguyên nhân.
3.1. Bệnh do động mồ, động mả sinh ra:
Bệnh này diễn biến có thể nhẹ, có thể nặng mà thuốc thang dù đúng chứng bệnh vẫn không thể khỏi. Nếu như biết động phần mộ nào mà tiến hành làm lễ tạ mộ thì bệnh sẽ hết.
3.2. Bệnh do nghiệp quả của cha ông để lại:
Đối với loại bệnh này có thuốc thang chạy chữa cũng như không, nếu nghiệp nhẹ thì có thể vài ba năm, dăm bảy năm bệnh tự khỏi; nếu nghiệp nặng thì bệnh đeo bám lâu dài gây rất nhiều phiền toái, hệ lụy bất ổn cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
Chẳng hạn có những người đột nhiên mắc chứng đau đầu liên miên mà qua kiểm tra bằng y học hiện đại không phát hiện ra chứng bệnh gì, tìm hiểu bằng soi căn, gọi hồn, thì biết bệnh đó là do một vong linh tiền bối thân nhân khi hồn tiền dương thế bị ngã từ trên cao xuống vỡ sọ, vong này hợp mệnh, hợp vía với đương số nên mới sinh ra chứng bệnh lạ kỳ như vậy.
Một số trường hợp khác thì bị đau chân, đau tay, tìm hiểu thì biết có vong hợp mệnh bị giam cùm trong địa ngục….
Bệnh thuộc dạng này thì cần phải tiến hành những công việc như phả độ gia tiên, cầu siêu, hoàn thân hoàn cốt … tùy theo nguyên nhân cho những vong linh liên quan, sau khi làm lễ xong thì một thời gian ngắn sau đó bệnh tự nhiên sẽ hết.
3.3.Bệnh do vong linh gia tiên có nỗi oan ức cần bày tỏ nên nhập vào đương số gây ra hoặc do đương số có lỗi lầm gì với tổ tiên mà bị trách phạt:
Bệnh trạng trong trường hợp này thì cần phải tiến hành làm lễ giải oan ức cho vong linh hoặc tạ lỗi với tổ tiên thì bệnh sẽ hết.
3.4.Bệnh do yêu ma quỷ quái xâm nhập: 
Bệnh này thường khiến đương số có những hành động kỳ quặc, ăn nói khác lạ, tính nết bất thường,… Muốn khỏi thì phải trừ yêu, diệt ma hoặc tìm hiểu kỹ lý do chúng muốn quấy phá làm hại mà có biện pháp thích ứng với từng vụ việc .
3.5.Bệnh do khai căn, luyện đồng (phạt căn): 
Những người có mệnh đồng căn quả mà không biết, đến thời hạn bị chấm đồng bắt lính mà không hay, thì sẽ bị phạt căn. Có thể ốm yếu tới mức bò lê bò lết ở nhà nhưng khi tới đền, điện, phủ thì lại khỏe mạnh vui tươi như thường. Hoặc ở nhà thì bị đau bụng quằn quại, nhưng tới bệnh viện kiểm tra lại tự nhiên hết đau mà tìm không ra được chứng trạng gì. Có người còn bỗng nhiên mắc chứng ung thư đầu trọc lốc, người gầy đét chỉ còn da bọc xương….
Đối với thể loại bệnh này thì chỉ còn cách là xin khất đồng hoặc ra trình đồng mở phủ thì mới khỏi được.

Phúc Tâm Pháp Sư


Những nguyên nhân gây muộn duyên vô duyên trong hôn nhân



NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY MUỘN DUYÊN VÔ DUYÊN TRONG HÔN NHÂN


Tương tự với nguyên nhân gây bệnh trong bài viết tôi đã đăng trên diễn đàn, nguyên nhân gây muộn duyên, vô duyên trong hôn nhân cũng xảy ra với các nhóm như sau: 
1.DO YẾU TỐ KHÁCH QUAN (PHẦN TRẦN):
Môi trường làm việc, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình …dẫn đến muộn duyên, chậm duyên, vô duyên.
Ví dụ: Những xưởng may rất lớn có vài nghìn công nhân mà chủ yếu là nữ, do điều kiện ca kíp, sản phẩm, đặc thù công việc, nơi ăn chốn ở, khiến cho sự tiếp xúc, tìm hiểu với những đối tượng khác giới bị hạn chế, và do đó gây nên nguyên nhân muộn duyên, chậm duyên, vô duyên.

2. DO CĂN SỐ :
Nguyên nhân do Nghiệp quả tiền kiếp của đương số như : nợ Tiền duyên, phạm Cô thần Quả tú, vướng mắc vào oán thù; 
Những nguyên nhân trên đều có thể giải được.
3. DO NGUYÊN NHÂN THUỘC PHẦN ÂM: 
3.1. Do động mồ, động mả sinh ra:
Mồ mả bị động mà vong linh hợp mệnh, hợp vía với đương số cũng sẽ khiến cho nhân duyên của đương số bị trầy trật hay gặp rắc rối. Trường hợp này phải làm lễ tạ mộ thì đương số mới yên ổn, nhân duyên thuận lợi.
3.2. Do nghiệp quả của cha ông để lại:
Bởi vì nghiệp quả (hay nghiệp lực) là phương tiện của mỗi nhân sinh, cho nên nếu dòng họ tích lũy nhiều nghiệp chướng nhân duyên (tạo bởi một hay nhiều vong linh khi hồn tiền dương thế đã có những hành động sai trái như đa thê, thông dâm, cướp đoạt vợ người, chồng người; Bố chồng ăn nằm với con dâu; Mẹ vợ ăn nằm với con rể…) 
Thì sẽ để lại những hậu quả nhân duyên ngang trái cho thế hệ tiếp nối là con cháu, trong đó có nguyên nhân muộn duyên, vô duyên, chậm duyên.
Trong trường hợp này thì cần phải phả độ gia tiên, hoặc thoát linh địa ngục cho một số vong linh liên quan và tiến hành một số pháp sự khoa nghi cần thiết khác.
3.3.Do vong linh gia tiên có nỗi oan ức cần bày tỏ hoặc do đương số có lỗi lầm gì với tổ tiên mà bị trách phạt:
Thường những vụ việc có liên quan tới bà Cô Tổ dòng họ phần nhiều, có thể do nguyên nhân đương số trùng tên hiệu với bà Cô Tổ hoặc là vô tình mạo phạm hoặc là người hợp mệnh hợp vía với Tổ Cô mà không cúng thờ chu đáo hoặc Tổ Cô chưa được siêu còn bị giam trong địa ngục, động ngục…
3.4.Do yêu ma quỷ quái đeo bám: 
Yêu, ma, quỷ, quái, do vô tình hay hữu ý mà bị tiếng sét ái tình (giống như con người) lại hợp vía với đương số mà theo đuổi, ám nhập hoặc quấy nhiễu, gặp gỡ quan hệ trong mộng hoặc do lỗi của đương số vô tình hay hữu ý phá hoại, làm ô uế nơi ở của chúng …
Khi chúng đeo bám sẽ ngăn cản duyên của đương số, bởi vậy sẽ khiến cho việc tiến tới hôn nhân của đương số gặp nhiều cảnh trái ngang, buồn phiền không thể nào thông đạt.
3.5.Do khai căn, luyện đồng (phạt căn): 
Những người có mệnh đồng căn quả phải cúng thờ hầu hạ mà không biết, đến thời hạn bị chấm đồng bắt lính mà không hay, thì bị phạt căn khiến cho nhân duyên năm lần bảy lượt đổ vỡ không thể tiến tới hôn nhân. Đối với trường hợp này thì chỉ còn cách là xin khất đồng hoặc tôn nhang đội lệnh hoặc ra trình đồng mở phủ thì mới có thể nên duyên, tiến tới hôn nhân nhanh chóng.


 Phúc Tâm Pháp Sư

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

TANG GIA


TANG GIA
Những việc cơ bản cần làm khi người thân qua đời:
1. Khi người thân hấp hối: 
- Dời người sắp mất sang phòng chính.
- Hỏi xem có còn dặn dò con cháu điều gì nữa không 
- Nên thường xuyên có người túc trực ở bên cạnh

2. Khi thân nhân đã hoàn toàn tắt thở:
- Xem ngày giờ: Nhờ thầy chuyên môn xem ngày, định giờ cho việc khâm liệm, đào huyệt, an táng và các vấn đề kiêng cữ hoặc trùng tang.
Chú ý tình trạng bị trùng tang, nếu phạm thì người sống là những thân nhân của người mất sẽ phải vong mạng, đi theo trong một thời gian ngắn sau đó, có thể là sau 49 ngày, có thể sau 100 ngày, có thể sau 1 năm. 
Trùng tang ngày là nặng nhất (thường gọi Tam xa) 
Trùng tang tháng là nặng nhì (thường gọi Nhị xa)
Trùng tang giờ là nặng thứ ba (thường gọi Nhất xa)
Trùng tang năm là nhẹ nhất.
- Hú hồn: Theo phong tục, người nhà cầm chiếc áo thường mặc của thân nhân, bắc thang leo lên mái nhà, hú gọi: “Ba hồn bảy vía (chín vía) ông (hay bà) ….ở nơi đâu mau trở về nhà với gia đình ”. 
Hú ba lần thì xuống, vào nhà phủ cái áo đó lên thi thể người mất (mong sống lại). Điều này giúp cho vong hồn trong trạng thái mới xuất ra khỏi cơ thể không bị lạc lối, vất vưởng, biết tìm đường về nhà. Việc này không bắt buộc, gia đình thực hiện hay không còn tùy hoàn cảnh và phong tục.

3. Làm vệ sinh cho người mất (tắm gội):
- Chuẩn bị một cái cắt móng tay, một cái khăn mặt, một cái lược, một chậu nước thơm (Quế, Hồi, Hương Nhu, Xả, lá Bưởi) và một chậu nước ấm khác. 
- Chuẩn bị một chiếc chiếu nhỏ trải xuống đất rồi đưa thi thể xuống “Lấy nghĩa trở về với cát bụi ”, nhằm dễ thao tác công việc vệ sinh cho người mất và giải thoát điện tích âm trong cơ thể người chết. 
- Khi tắm thì nên giữ kín đáo, tránh để nhiều người trông thấy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. 
Lấy khăn mặt dấp nước ấm lau mặt và toàn bộ thân mình cho sạch rồi lau lại bằng nước ngũ vị hương. 
- Đưa thi thể lên giường, lấy lược chải tóc, phần tóc rụng để riêng vào một tờ giấy trắng sạch gói lại. Bấm cắt móng tay móng chân, lấy giấy sạch gói riêng. Gói tóc để phía trên đầu, gói móng tay để phía tay, móng chân để phía dưới chân, đặt vào trong quan tài; Bấm móng tay, lược sau đó cũng gói lại để vào trong quan tài (phía chân). 
Khăn mặt, chiếu sau đó thì đốt, bỏ đi.

4. Sau lễ mộc dục (vệ sinh thân thể):
- Đắp cho thi hài một chiếc chăn nhẹ mỏng, đặt một chiếc ghế con phía đầu giường, trên đó bày một bát cơm lồng (hai bát cơm nén chặt úp lồng nhau). Dựng một đôi đũa tre trên bát cơm kẹp quả trứng vịt luộc đã bóc vỏ vào giữa rồi thắp hương. 
- Chuẩn bị ảnh chân dung, khung ảnh, để lồng ảnh người quá cố thay (cho bài vị).
- Chuẩn bị vải xô đủ xé làm khăn tang cho thân nhân. 
- Mua giấy bản, chè khô loại tốt để trị quan. 
- Thành lập Ban Lễ Tang : 
Tang chủ, chủ phụ. Người hộ tang (giúp chỉ huy, quán xuyến, sắp xếp việc thực hiện lễ tang); Người tư thử (giúp ghi đăng kí danh sách khách đến viếng), 
Người tư hóa (giúp ghi chép tiền nong của khách đến phúng viếng và theo dõi việc chi tiêu).
- Báo tang: trình báo việc tang gia cho tổ dân phố, thôn, xã, các cấp chính quyền, đoàn thể liên quan. 
- Thông báo cho bà con họ mạc, con cháu xa gần, bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng,… 
- Viết Cáo phó để thông báo sự việc

5. Trị quan: 
Quan tài mang về, người giúp việc trải giấy bản kín hai lượt, rắc chè khô vào trong quan tài

6. Khâm liệm:
(Lưu ý kiêng người nhà ai có tuổi tam hợp, nhị hợp tuổi với tuổi người mất và các tuổi Thìn - Dần - Dậu - Tỵ nên tránh mặt khi khâm liệm hoặc nếu hoàn cảnh không thể cho phép thì đứng ở phía sau cùng)
Các con cháu, người thân vào, người chấp sự xướng: 
- Tự lập : mọi người đứng gần vào một chút 
- Cử ai : người thân khóc cả lên. 
- Quỳ : con cháu quỳ xuống ngồi trên hai gối 
Chấp sự cũng quỳ chắp tay mà khấn rằng: “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan, cẩn cáo”. 
Sau đó đứng lên và tiếp xướng: 
-Phục : con cháu vái lễ phục đầu xuống
-Hưng : thẳng người dậy (vẫn quỳ trên hai gối) 
-Bình thân : đứng thẳng lên, tư thế bình thường.

Tiếp đó thân nhân người mất tránh ra hai bên, người giúp việc phủ vuông vải trắng lên mặt, đi găng tay, đi tất chân cho người mất rồi đặt thi thể vào tấm vải xô trắng mà bó lại (đây gọi là tiểu liệm: thay áo cho người mất). Quá trình liệm tránh để nước mắt con cháu nhỏ xuống thi hài.
7. Nhập quan (đại liệm hoặc nhập liệm)
- Chọn ngày, giờ cát lành, tránh xung phạm với tuổi người chết. 
- Những người giúp việc sẽ đưa người mất vào áo quan, đặt cho ngay ngắn, chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào thì lấy quần áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ rồi đậy nắp quan tài lại, nhưng chưa đóng đinh chốt .
(Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan)
- Khiêng quan tài đặt vào chính giữa nhà hoặc gian giữa, để đầu hướng vào bên trong, chân hướng ra phía ngoài cửa. Nếu trong nhà còn có người cao tuổi mà người mất là hàng con cháu thì đặt quan tài sang gian cạnh, đây là điều kiện ở thôn quê không gian rộng rãi mới áp dụng được, ở nơi phố xá thành thị đất chật thì phải làm tại các nhà tang lễ, nên không theo cách này.
- Trên nắp quan đặt một bát cơm gạo tẻ lồng đơm chặt (lấy hai bát cơm lèn chặt rồi úp vào nhau) tượng trưng cho trái đất và cũng thể hiện nền nông nghiệp lúa nước, thức ăn nuôi sống con người. Một quả trứng vịt luộc bóc vỏ (tượng trưng cho lưỡng nghi bởi có cả lòng đỏ và trắng, thực ra là hút khí độc, khí lạnh từ thi hài). Hai chiếc đũa tre đầu trên chẻ bông (tượng trưng cho mây trời) cắm vào bát cơm (nối thông âm dương, ám chỉ sự sinh sôi nẩy nở từ cái chết). 
- Thắp 7 ngọn nến (nam) hoặc 9 ngọn nến (nữ) và cắt một khoanh thân chuối dày chừng 10cm để cắm hương (đại hàn dùng âm tiễn âm).
(Trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan thì dùng cách: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu, dầu nóng xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài đã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái).

8. Thiết linh (Bày bài vị)
Lập bàn thờ tang và trình bày bài vị, ngày nay bài vị được thay thế bằng bức ảnh người quá cố. Đặt bàn thờ tang ở phía trước quan tài (phía chân) có ngăn cách một y môn bằng vải xô trắng. Ngoài ảnh chân dung người mất, trên bàn thờ tang còn có mâm ngũ quả, bát hương (có nơi dùng khoanh thân cây chuối), hai ngọn nến đặt hai bên, một khoảng đủ rộng phía trước để khách đến viếng còn đặt lễ (trường hợp bàn vong nhỏ nên để một bàn khác thấp hơn để đặt lễ viếng). 
Phong tục buộc hai cây chuối nhỏ ở hai bên để vong linh đi về được dễ dàng. Dưới gầm bàn vong còn đặt một chậu nước để khi rút bớt chân hương dúi vào tắt tránh việc khói hương nồng nặc, cay mắt. 
Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống, mỗi lần vái lạy chỉ vái hai cái.

9. Thành phục :
Là lễ phát tang, con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
Một số tang phục :
a.Áo xô, khăn xô có hai giải ở phía sau (gọi là khăn ngang): Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai dải dài bằng nhau. Nếu mẹ còn, cha mất hoặc ngược lại, thì hai dải bên dài bên ngắn lệch nhau.
b.Con trai chống gậy: 
Tang cha gậy tre (cha con cách khúc)
Tang mẹ gậy vông (mẹ con liền khúc)
c.Mũ rơm quấn đầu, dây chuối thắt lưng….
(Ngày nay, nhiều nơi đã bỏ tang phục này).

Ở thành phố theo nếp sống hiện đại, dự đám tang tại nhà tang lễ dùng băng đen đeo làm tang phục tiện hơn.
10. Trong thời gian chưa an táng:
a. Trình báo tổ tiên:
Trước đây phong tục gia đình rước hồn bạch (Khăn trắng đắp mặt người chết tết lại) đến nhà thờ họ. Hồn bạch đặt phía trước bàn thờ, bên dưới, không được đưa lên bàn thờ tổ. Nội dung: Báo cáo với Hội đồng gia tiên về việc thân phụ hoặc thân mẫu đã về chầu tiên tổ…. Xong lại rước hồn bạch về nhà mình, đặt lại trên linh tọa. 
Ngày nay việc này đã đơn giản hơn, chỉ sắm hương, hoa, trầu cau, trái quả, xôi, khẩu thịt đến nhà thờ họ lễ bái, báo tang với Cửu Huyền Thất Tổ là đủ.

b.Kèn giải: 
Phường kèn (Đội nhạc hiếu) do gia chủ thuê túc trực bên linh cữu thổi kèn, đánh trống, mỗi khi tiến hành làm các lễ hay khi có khách đến viếng hoặc khóc thay cho những người phải chịu tang chưa về hoặc không thể về kịp. Cũng có người đến viếng nhờ phường kèn khóc giúp để bày tỏ nỗi tiếc thương.

c. Chúc thực: 
Vào buổi tối, phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng, có thể còn có các vãi tụng kinh và cảnh chèo đò. Vào giờ ăn tối, các con dâng cơm, trà, rượu, ngày nay thủ tục này chỉ còn ở một số vùng quê. Đối với nơi thành phố nhà chật hẹp, người đông đúc không khí ngột ngạt, không tiện, đã bỏ việc chúc thực.

e. Phúng viếng: Khi thân bằng cố hữu đến phúng viếng, người chủ tang và chủ phụ đứng ở hai bên bàn thờ tang (tả nam, hữu nữ) và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách vái hai vái thì tang chủ lễ tạ lại một vái. 
Trách nhiệm tiếp trầu, nước, cỗ bàn thuộc về người hộ tang.
Nếu có người con trai nào đi vắng chưa kịp về thì để mũ, khăn xô và gậy cạnh hương án.

11. Truy điệu và phát dẫn:
a.Trước khi di quan, ban tang lễ tiến hành đọc điếu văn. Điếu văn là bài văn tế được soạn bởi người hiểu biết lễ nghi, đọc trước quan tài và toàn thể khách tới phúng viếng, tóm tắt tiểu sử, công việc, công trạng.. của người mất và bày tỏ lòng thương tiếc với người đã khuất.
b. Đại diện gia đình hiếu chủ phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn.
c. Vừa tới giờ đã chọn, chủ tang đến vái lạy trước linh sàng : “được giờ xin rước linh cữu lên đại dư”. Sau đó dưới sự điều hành của chấp sự, tiến hành việc di quan (chuyển quan tài ra xe tang). Các vòng hoa của con cháu, bạn bè, thông gia, cơ quan, đoàn thể được cài hai bên xe tang. Xe tang đi trước, thân nhân, người nhà và khách viếng đi phía sau linh cữu
d. Bàn thờ vong (thường gọi là Linh sa) do 4 nam thanh khiêng đi phía trước xe tang trên đó có ảnh người quá cố, mâm ngũ quả, bát hương, đèn nến; 
e. Ở thôn quê đại dư là xe tang có người đẩy, yêu cầu nhẹ nhàng, đi chậm, con cháu đi theo sau linh cữu phải mặc đồ tang. Nếu có đi qua cầu, kênh, mương, nơi ngã 3 sông thì rải ít tiền vàng làm tiền đò cho vong. 
Nếu người quá cố đã quy y theo phật đạo, thì thực hiện theo nghi lễ Phật giáo có các vãi đi phía trước đội cầu Bát Nhã, cầm Phướn, vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật giúp linh hồn được yên ổn, nhẹ nhàng siêu thoát.

12. An táng: 
Trước đó có làm lễ yết cáo Đương cai bản xứ Hậu thổ Linh kỳ nguyên quân tôn thần, tại nghĩa trang quy định, để xin đào huyệt và an táng thân nhân. Lễ vật gồm đèn, hương, hoa, vàng tiền, trầu cau, rượu, lễ mặn. 
Đúng giờ lành đã chọn, nhặt bỏ hương nến, bát cơm, quả trứng trên quan tài rồi tiến hành đưa xuống huyệt mộ từ từ bằng hai sợi thừng to (chão), định vị theo hướng đã chọn. Xong, lấp đất đắp mộ hình tháp cụt.
Mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự bày tỏ sự cảm ơn tới những người đến viếng.

13. Rước vong về:
Sau khi đắp mộ xong, bàn vong được đưa về nhà người mất có kèn trống đi kèm hoặc không. Bàn thờ người vừa mất không thờ chung với ban thờ gia tiên mà phải lập một ban riêng ở bên cạnh và thấp hơn để tiện việc cúng tam nhật phục hồn (kể từ ngày an táng) hoặc cúng cơm thất (7) tuần… Trên bàn thờ đặt bát hương, ảnh chân dung, lọ hoa, nến.
Cạnh ban thờ có treo các bức trướng mà khách đến viếng , có điều kiện thì làm đôi câu đối cho hợp cảnh hợp tình, ví dụ: chung cho bàn thờ cha mẹ “Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục ; Khuất còn thêm tủi phận làm con” hoặc: “Người về âm cảnh thân thư thái ; Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi”.
Xưa tục để 2 năm 3 tháng dư ai mới bỏ bàn thờ vong và rước vong lên cùng với Hội đồng gia tiên, nay thủ tục này không còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nếp sống văn hóa, bởi vậy sau 50 ngày hoặc 100 ngày có thể mời pháp sư thầy về cúng lễ rước vong lên cùng với tiên tổ và bỏ bàn thờ vong.

NHỮNG NGOẠI LỆ VÀ KIÊNG KỴ:
1.Người chết khi cha mẹ vẫn còn sống: 
Theo quan niệm xưa đó là bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm, do vậy khi liệm phải quấn một vành khăn tang trên đầu người mất. Nếu bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ còn thì phải quấn 2 vòng. 
Cha mẹ thì không được để tang con.

2.Người chết trong ngày tết: 
Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui xã hội, vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. 
Nhà có đại tang kiêng không đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. 
Trường hợp có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất ngay trong ngày đó, nếu để sang năm mới thì có nhiều điều bất tiện. 
Trường hợp chết đúng ngày mùng một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng ba làm lễ phát tang.

3. Có tang trong khi cận ngày hôn lễ: 
Theo lễ nghi thì khi trong nhà còn tang, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn, nếu quá câu nệ thì gay go cho cả hai gia đình, vì vậy phải “Cưới bôn tang, tức là cưới chạy tang”. Khi đó người chết cứ cho nằm tạm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa nhập quan, hoặc gia đình có thể tự làm thủ tục khâm liệm, nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục. Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận tối lửa tắt đèn có nhau, coi như người nhà. Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng... nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời cũng miễn, sẽ thông cảm sau. Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. 
Nếu hai gia đình thông cảm cho nhau, có thể trong một ngày, từ sáng đến trưa cưới dâu, chiều tối phát tang cũng xong. Khi đó việc cưới khỏi cần chọn ngày, cốt ở giờ Hoàng đạo, dù vừa làm dâu, làm rể được ít giờ vẫn chịu tang như các thành viên khác.

4.Trường hợp nhà có đám cưới mà hàng xóm lân cận có đám tang: Thì các hoạt động vui vẻ nên giảm bớt, lưu ý tránh tình trạng kẻ khóc người cười. Trường hợp có quốc tang cũng như vậy.
5.Người chết không có con hoặc không có con trai thực hiện theo nguyên tắc thừa tự: khi đó áp dụng “vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn”. Người chủ tang là người đã được lập tự hay là con người em trai hoặc con gái trưởng hoặc cháu ngoại.
6.Bắc cầu giải oan: là việc chiêu hồn người chết tại nơi người xấu số bị tai nạn như chết đuối, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... về nơi thờ phụng. Việc này gia chủ không thể tự thực hiện được mà phải mời thầy, thường là các thầy pháp hoặc pháp sư.

Phúc Tâm Pháp Sư


BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT