Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Vụ chùa Ba Vàng là hệ quả của “rối loạn nhận thức”

Vì sao người ta dễ dàng trở nên u mê trước những bịa đặt về giáo lý Phật giáo? Vì sao việc lợi dụng đức tin để trục lợi càng ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn? Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tôn giáo nên ứng xử thế nào nếu có các sự việc tương tự?


Chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh). Ảnh: Trang thông tin chùa Ba Vàng

Phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vụ việc đang xảy ra ở chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).
“Tôi không ngạc nhiên”
Phóng viên (PV): Ông có ngạc nhiên với sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thật ra tôi không nhạc nhiên. Bởi lẽ nếu sự việc không xảy ra ở chùa Ba Vàng thì nó sẽ xảy ra ở nơi khác. Đây chỉ là hệ quả biến tướng của rất nhiều việc thôi. Trước đây chúng ta đã thấy việc “dâng sao giải hạn” diễn ra ở nhiều chùa rồi. Chuyện ở chùa Ba Vàng chỉ là chuyển hình thức “dâng sao giải hạn” sang hình thức mê tín dị đoan khác.
PV: Vì sao hiện nay nhiều người tìm đến các tôn giáo, tín ngưỡng thay vì tìm kiếm niềm tin ở thực tại?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chuyện “dâng sao giải hạn” hay chuyện ở chùa Ba Vàng đang cho người ta thấy bản chất sự thay đổi của tôn giáo, cụ thể ở đây là Phật giáo. Nó thể hiện một nhu cầu hoặc rối loạn nhận thức của người dân trong những vấn đề liên quan đến xã hội, đến văn hóa.
Rõ ràng bây giờ có những vấn đề liên quan đến đức tin, đến niềm tin của người dân đối với thực tại. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi người ta thiếu niềm tin. Xã hội có rất nhiều người có uy tín còn làm sai mà dân chúng còn không tin được thì người ta biết tin vào ai? Khi niềm tin có thật mất đi, bị lung lay thì người ta phải đi tìm một niềm tin khác mà tôn giáo hay tín ngưỡng có thể cung cấp cho người ta niềm tin đó. Người ta tìm đến sự cứu rỗi của tôn giáo, tín ngưỡng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Viết Tuân

PV : Và người ta đã tìm thấy cơ hội để trục lợi từ niềm tin của một nhóm người khác...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Các tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian vừa qua phát triển mạnh lên, đặc biệt là Phật giáo hay các tín ngưỡng dân gian khác. Mặt tích cực là cho người ta niềm tin, dù có một niềm tin hư ảo vẫn còn hơn là không có niềm tin, việc này giúp cho một bộ phận người dân sống tốt hơn.
Bản chất của Phật giáo là vô thần, từ bi và thoát tục. Khi người ta đi theo Phật giáo thì sẽ chịu ảnh hưởng những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, làm con người ta sống tốt hơn, lương thiện hơn. Ở các cộng đồng tôn giáo ở bất cứ đâu, bao giờ người ta cũng làm được những việc tốt, việc thiện.
Mặt tiêu cực là gì? Không phải tất cả nhưng thường khi người ta tìm đến niềm tin tôn giáo nghĩa là người ta bị bế tắc trong cuộc sống. Niềm tin tôn giáo của dân chúng lại được tiếp sức bởi những người đề cao lợi ích của tôn giáo, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Họ lợi dụng niềm tin tôn giáo để làm ăn kinh tế. Chính nó đã làm tôn giáo, tín ngưỡng bị méo mó. Hiện nay, vấn đề này tương đối trầm trọng. Những người lợi dụng tôn giáo đã biến niềm tin tự thân mỗi người trở thành môt nhu cầu “khách quan”.

Hoạt động "gọi vong" trái với giáo lý Phật giáo tại chùa Ba Vàng. Ảnh: laodong.vn

Khi giá trị cũ đã mất còn giá trị mới chưa hình thành
PV: Ông nghĩ khi nào thì chuyện trục lợi từ đức tin của dân chúng sẽ dừng lại hoặc giảm bớt so với hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có một khái niệm khoa học xã hội trong một xã hội chuyển đổi là “hiệu ứng con lắc”, khi thái quá cái này thì sẽ chuyển sang thái quá cái ngược lại. Ví dụ, trước kia, có một giai đoạn, chúng ta “vô thần” hoàn toàn. Chúng ta từng chứng kiến người ta biến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trở thành kho thóc, trường học, ủy ban... Đến một giai đoạn, chúng ta lại thần thánh hóa tất cả mọi thứ. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng đó trong xã hội. Người ta có thể cắm hương ở bất kì chỗ nào, kể cả gốc cây, đầu đường xó chợ... Cái gì cũng được “thiêng hóa”. Thậm chí người ta còn mê tín hơn cả thời kì phong kiến. Trên thế giới chắc chẳng có chỗ nào có chuyện thắp hương trong cửa hàng, đốt vía, v.v... Bản thân “hiệu ứng con lắc” cũng có sự điều chỉnh nhưng nó cần có thời gian. Việc chúng ta đang chỉ trích việc “dâng sao giải hạn”, “trục vong”... chính là quá trình tự điều chỉnh của xã hội. Với tư cách là một người hoạt động văn hóa, tôi tin rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi về hành vi phù hợp. Nếu chúng ta làm đúng, làm quy củ thì quá trình này diễn ra nhanh, còn nếu để xã hội tự điều chỉnh thì sẽ tốn thời gian hơn.
PV: Theo ông, làm sao để nhận diện được bản chất các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để không bị sa vào chuyện u mê hay bị lợi dụng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bây giờ, khi nhìn những hiện tượng như “chùa Ba Vàng” thì một mặt chúng ta phân tích đánh giá, một mặt cần phát hiện ra bản chất của hiện tượng này. Chúng ta cần hiểu được sự thay đổi bản chất văn hóa trong nền kinh tế thị trường, nơi mà các giá trị đang bị thay đổi, nơi mà các giá trị cũ đã mất đi còn giá trị mới chưa hình thành. Hệ thống các chuẩn mực xã hội đã được đưa ra nhưng để thực thi trong cuộc sống thì gặp rất nhiều vấn đề.
Ví dụ, ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra văn bản về quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức nhà nước; các bộ ngành, địa phương cũng đưa ra các quy tắc ứng xử để tạo ra một hành lang chung về hệ thống nguyên tắc đạo đức. Thế nhưng 12 năm qua nó vẫn chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Nó có nhiều lý do, hoặc vì văn bản quá phức tạp, hoặc vì các cơ quan truyền thông chưa truyền đạt được đầy đủ thông điệp, hoặc do chính những người thực hiện. Những người thực hiện có thể biết hoặc không biết, hoặc biết nhưng vẫn không làm vì nếu làm họ sẽ bị lạc lõng giữa mọi người. Ai cũng biết quy định ra ngoài đường không vứt rác, nhưng tất cả đều vứt rác ra đường. Hoặc vì không có đủ chỗ để vứt rác, hoặc vì ai cũng vứt nên mình cũng vứt.

Mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng. Ảnh: laodong.vn

Tìm ra lý do sẽ có giải pháp
PV: Có một số thông tin nói rằng việc ở chùa Ba Vàng là do phật tử làm chứ không phải do chính các sư làm, nếu điều đó có thật thì sao? .
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta cần xác định rõ bản chất của sự việc. Nếu theo đúng bản chất Phật giáo là “vô thần, từ bi, thoát tục” thì không thể có những chuyện đó trong chùa được. Không thể nói đây không phải là hoạt động của sư sãi. Chùa có người trụ trì thì không thể nói tôi không biết, không liên quan được.
PV: Nhìn tổng thể thì chúng ta phải ứng xử với các sự việc tương tự việc ở chùa Ba Vàng như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hiến pháp quy định chúng ta được tự do tôn giáo, tín ngưỡng, do vậy chúng ta không thể áp dụng các quy định hành chính mà phải dùng đến các giáo luật, phải có sự chung tay của giáo hội.
Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao những chuyện như chùa Ba Vàng thường xảy ra trong Phật giáo mà không phải ở tôn giáo khác, tại sao lại thường xảy ra ở miền Bắc mà không phải ở miền Trung hay miền Nam? Tìm thấy lý do sẽ có giải pháp xử lý.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Tử Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT