“Nếu lễ dâng sao giải hạn mà giải hết được hạn cho chúng ta thì liệu có giải được nạn chết cho chúng ta không? Chúng ta sống mãi được hay sao khi ai cũng phải chết. Cứ sắp chết ta lại dâng sao giải hạn, thế có được không?”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nêu vấn đề.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì Chùa Ba Vàng, Phó trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong tất cả các giáo lý của nhà Phật không có một bài kinh nào nói về việc sao chiếu mệnh và Đức Phật cũng không dạy dâng sao giải hạn. Đức Phật không nói cuộc sống của mỗi chúng ta lại phụ thuộc vào một ngôi sao nào đó, dù ngôi sao đó là biểu tượng hay đó là một ngôi sao có thật ở trên bầu trời này mà Đức Phật nói chúng sinh tùy theo nghiệp mà lưu chuyển.
“Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp và là người thừa tự của nghiệp”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho hay: “Chúng ta tạo ra nghiệp, nghiệp ấy dẫn dắt mỗi chúng ta. Cho nên cuộc sống của mỗi chúng sinh chịu ảnh hưởng của nghiệp cũ rất nhiều. Nghiệp cũ phân loại chúng ta thành người sang, kẻ hèn, người giàu kẻ nghèo, người may mắn người bất hạnh, người xấu kẻ đẹp, người dốt kể thông minh; người bệnh tật hay khỏe mạnh trường thọ… Tất cả những cái này ảnh hưởng từ nghiệp cũ của mỗi chúng ta rất lớn”.
Vì thế, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Đức Phật dạy muốn thay đổi của mình thì pải thay đổi nghiệp, chuyển hóa nghiệp mà muốn chuyển hóa nghiệp chúng ta phải tu tập”.
“Đức Phật thuyết ra kinh nhân quả trong đó có ba nghiệp (tam nghiệp) mà chúng ta gây ra (thân, khẩu, ý). Thân nghiệp (sát sinh, trộm cắp, tà dâm), khẩu nghiệp (nói dối, nói xấu, nói lời ác); ý nghiệp (tham lam ích kỷ, sân hận, oán thù, si mê tà kiến). Đó là 10 ác nghiệp, nếu chúng ta làm những ác nghiệp này sẽ chịu quả báo đau khổ.
Còn không làm điều ác này, tu tập thiện nghiệp, không sát sinh mà phóng sinh, cứu vật cứu người, cúng dường; chúng ta không tà dâm mà sống lành mạnh, chung thủy… thì cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp, sẽ khác.
Đáng lẽ chúng phải trả một quả khổ như thế này nhưng trước đó chúng ta có tu tập “thân tu giới, tâm tu tuệ” thì nó sẽ chuyển hóa nghiệp này, sẽ hết đau khổ.
Chứ không phải chúng ta làm cái lễ dâng sao giải hạn mà hết được”, Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.
Dâng sao có giải được cái chết, tật bệnh, tai nạn hay không? (Ảnh minh họa) |
Vị sư trụ trì chủa Ba Vàng cũng đặt ra một loạt câu hỏi: Nếu lễ dâng sao giải hạn mà giải hết được hạn cho chúng ta thì liệu có giải được nạn chết cho chúng ta không? Chúng ta sống mãi được hay sao khi ai cũng phải chết? Cứ sắp chết ta lại dâng sao giải hạn, thế có được không? Chắc chắn là chúng ta biết không ai có thể giải được.
Và cứ dâng sao giải hạn thì không còn ai bệnh tật gì nữa, không còn ai bị tai nạn nữa, các chiến sĩ trước khi ra trận làm dâng sao giải hạn thì ra chiến trận không bao giờ phải chết nữa… chúng ta có làm được điều đó không?.
Chúng ta biết mỗi năm có bao nhiêu phật tử, nhân dân đi giải hạn mà có hết được hạn không?.
“Chắc chắn không hết được hạn. Bản thân quý thầy chứng kiến những điều này. Rất nhiều người dâng sao giải hạn rồi mà hạn vẫn xảy ra. Điều ấy cho thấy việc dâng sao giải hạn là không đúng. Đạo Phật là đạo thực tế, chúng ta phải tu tập mới chuyển hóa được nạn của mình. Nạn là do nghiệp sinh ra. Chính chúng ta phải tu tập, mới chuyển hóa được nghiệp của mình, chuyển hóa nạn của mình được. Hoạn nạn là do nghiệp sinh ra.
Nghiệp được chuyển thì hoạn nạn sẽ chuyển. Đã gieo đủ duyên thì sẽ gặt quả. Chúng ta phải tu tập gieo những nhân mới, nhân duyên lành để chuyển quả báo xấu (hoạn nạn) của mình.
Cho nên theo Đạo Phật thì dâng sao không giải được hạn. Chuyển hóa tâm mình thì chuyển hóa được nghiệp”, Đại đức nhấn mạnh.
Ông cũng kể lại câu chuyện từng đọc trong kinh phật, có chú tiểu ở với một hòa thượng tu tập trên núi. Hòa thượng biết chú tiểu này chỉ còn 7 ngày nữa là sẽ bỏ mạng nên ngài cho chú tiểu về quê thăm bố mẹ một tuần. Ông nghĩ chú sẽ bỏ mạng ở tại quê nhà. Trên đường về quê chú tiểu đi qua một con suối, đúng lúc ấy có một cơn mưa lớn đổ xuống, chú tiểu không thể qua. Đứng bên bờ suối, chú tiểu nhìn thấy trên dòng suối có một bóng cây, trên đó là vô số những con kiến và chỉ trôi một đoạn nữa là những con kiến sẽ bị sóng đánh chết. Chú tiểu liền lội xuống suối tìm mọi cách kéo cái cây ấy lên bờ cứu thoát cả đàn kiến. Sau đó đợi mưa tạnh chú mới vượt suối trở về nhà.
Chú hoan hỉ ở với bố mẹ một tuần rồi xin quay trở lại chùa. Khi chú trở về chùa, sư phụ ngạc nhiên khi chú trở về bình an với sắc diện tươi tắn. Sư phụ cũng không biết nguyên nhân tại sao nên có hỏi chú tiểu trong thời gian về con có làm được điều gì thiện không? Chú tiểu thưa “bạch thầy con cũng chẳng làm được viện thiện gì nhiều. Con về nhà chơi”. Rồi chú chợt nhớ ra chuyện mình đã cứu đàn kiến ở bên suối. Sư phụ mới nói, nhờ cái nhân lành này con mới vượt qua được kiếp nạn.
“Qua câu chuyện này chúng ta thấy có thể chuyển được hạn của mình bằng chính việc tu tập. Theo đó tâm tốt đẹp của mình sẽ chuyển hóa được nghiệp chướng, được tai nạn.
Phật tử phải chính tín, nhất là đầu năm chúng ta đi lễ chùa khắp nơi, nếu chúng ta còn tin sao chiếu mạng thì chúng ta rất dễ lạc vào các điều mê tín. Và mê tín như thế thì có khi tiền mất, tật mang có khi lo lắng suốt cả một năm đều không tốt. Chúng ta cứ tin lời Phật dạy, thực hành theo lời Ngài chỉ dạy chúng ta sẽ được cuộc sống tốt đẹp hơn vượt qua được các ách nạn”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.
“Quan niệm sao chiếu mệnh xuất phát từ các vị chiêm tinh gia. Những nhà chiêm tinh quan niệm rằng con người là tinh hoa của trời đất, mỗi chúng ta như một ngôi sao. Cho nên mỗi chúng sinh ở dưới này tương ứng với một ngôi sao, cho nên ngôi sao ở trên trời ảnh hưởng đến vận mệnh của chúng ta dưới trái đất này. Ngôi sao ấy tắt là cuộc đời của chúng ta cũng tắt, hoặc ngôi sao bừng sáng thì cuộc đời cũng tốt đẹp, sáng lán.
Thuật sao chiếu mạng đến Trung Quốc, các đạo gia đúc kết lại có 9 ngôi sao chính chiếu mạng cho tất cả loài người. Trong 9 ngôi sao này có ngôi sao tốt, sao xấu.
Người dân Việt Nam cũng ảnh hưởng văn hóa phương Bắc với quan niệm có sao chiếu mạng, nên cứ đầu năm là kéo nhau đi xem sao tốt sao xấu rồi tìm cách cúng dâng sao. Sao xấu lo âu buồn phiền cả năm, sao tốt có khi lại chủ quan nên thực chất mà nói việc đi xem như thế này không có lợi gì hết, không giúp cho mình điều gì”, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói.
|
N. Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét