Tương truyền rằng, chúa hiển linh, ngự khắp nơi khắp cảnh trong năm phương trời đất, chúa dạo chơi khắp chốn, cứ đúng vào lúc canh ba giờ Tí, chúa hiện hình ra người mĩ nữ, gọi xe rong chơi, rồi đi về đến “Cây Đa mười ba gốc” là nơi chúa hiển linh, trả tiền cho phu xe, nhưng khi biết ra thì toàn là tiền âm. Chúa cũng thẳng tay trừng trị kẻ nào còn ngang ngược, chúa hành cho chân tay tê liệt, nằm mơ toàn thấy ma quỷ. Cũng có một câu chuyện truyền lại là: vào thời Pháp thuộc có một me Tây bị chúa hành cho chí rận, khắp người ngứa ngáy không yên, phải đến kêu xin, sám hối cửa chúa thì được khỏi, tạ ơn chúa, me Tây đó đã lập đền thờ rất trang nghiêm, quanh năm cũng lễ rất tấp nập.
Chúa Bà Năm Phương chỉ được hầu ở một số vùng (đặc biệt là Hải Phòng là nơi sinh quán quê nhà của Chúa Bà năm xưa). Hải Phòng và một số địa phương lân cận, trong các đàn lễ mở phủ thường có dâng một tòa đàn gọi là: Đàn Chúa Bà (gồm có hình Chúa Quận Năm Phương, hai cô hầu cận, có khi là có cả hình 12 cô nàng (tất cả đều màu trắng), nón chúa hài cườm, một cỗ xe ngựa (hoặc xe phu kéo) hay thường gọi là Xe Chúa Bà) và thỉnh mời Chúa Bà Năm Phương về ngự để chứng đàn đó.
Chúa Năm Phương thường ngự về trước Chầu Năm Suối Lân hoặc cũng có một số người hầu chúa sau Tam Vị Chúa Mường. Chúa ngự về thường mặc áo trắng (hoặc có khi chỉ choàng chiếc khăn phủ diện) làm lễ khai cuông rồi cầm tiền tung lên trên ban Công Đồng trong bản đền bản điện để khai quang chứng đền, chứng điện, chứng đàn, chứng phủ (ở một số nơi khác còn hầu chúa về múa quạt hoặc múa mồi).
Dâng đồ cúng Chúa là nón trắng hài cườm trắng.
Đền Bà Chúa Năm Phương:
Đền Chúa Bà Năm Phương được lập ở rất nhiều nơi, nhưng nổi tiếng hơn cả là một số ngôi đền ở nguyên quán Hải Phòng, đất chúa ngự: đầu tiên phải kể đến Chùa Cấm thuộc Phố Cấm, Hải Phòng ( tên tự là Cấm Giang Bản Cảnh Linh Từ hay Nguyệt Quang Tự, trong bản tự có hẳn cung cấm bề thế uy nghiêm thờ chúa), sau đó là Vườn Hoa Chéo, trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Phòng (đây là nơi trước đây người me Tây kia lập đền tạ ơn chúa, đền xưa rất lộng lẫy, nhưng bây giờ đã không còn do tàn phá của chiến tranh, chỉ còn lại dấu tích nhỏ nhưng vẫn là nơi linh thiêng, hàng tháng có rất nhiều người dân đến đây lễ chúa), rồi “Cây Đa mười ba gốc” là ngôi miếu nhỏ thờ chúa (ở trên đường ra sân bay Cát Bi) là nơi chúa gọi phu xe chở về chốn đó, có cả Đền Tiên Nga cũng thuộc đường Lê Lợi, Hải Phòng, cuối cùng là ngôi miếu nhỏ không tên trên đường Lê Thánh Tông. Các ngôi đền đó đều tổ chức ngày tiệc chúa là ngày 16/6 âm lịch.
Tính ra, xưa kia, trên đất Hải Phòng có ít nhất là năm nơi thờ Chúa Bà, vậy nên, khi chúa ngự, văn có hát rằng:
“Năm Phương, năm miếu rõ ràng”
Hay khi nói về sự tích Bà Chúa Quận Năm Phương giáng sinh, văn hát:
“Tỏ thềm đan thấy trong tích cũ
Chốn lạc xuyên thủy tú sơn thanh
Bạch Hoa Công Chúa giáng sinh
Vào nhà họ Vũ phúc lành tộc cao
Điềm xà thủy mộng trao dưới trướng
Khi giáng trần thoang thoảng mùi hương”
Và một bản văn nữa cũng hát rằng:
“Hương trời thoảng thoảng gió đưa
Dấu thiêng ghi để ngàn xưa còn truyền
Có Bà Chúa Quận Năm Phương
Hình dung nhan sắc khác vời tiên cung”
Còn có cả một đoạn nói về quyền phép của Chúa Bà:
“Cứ đúng vào canh ba giờ Tí
Hiện ra người mĩ nữ cung nương
Quả nón dâu áo trắng hài cườm
Dạo chơi khắp hết năm phương lại về
Gọi phu xe trả cho tiền giấy
Biết Chúa Bà tay lạy miệng van
[…] Trần gian báng nhạo điêu ngoa
Sai cô thị nữ thu ba hồn về
Đêm nằm mơ thấy ma cùng quỷ
Chúa làm cho liệt vị chân tay
Phải đi thỉnh thánh mời thầy
Xem ra mới biết về tay Chúa Bà”
Nguồn: hatvan.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét