Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Văn hóa hầu đồng và nguy cơ biến tướng

Người ra hầu đồng có đủ các lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Làm thế nào để nét đẹp văn hoá trong tâm linh tín ngưỡng của người Việt không bị biến tướng thành mê tín dị đoan hay lãng phí là điều thực sự đáng bàn.


Từ tháng giêng âm lịch kéo dài cho đến tháng ba, khắp đền nọ, phủ kia lại rộn ràng điệu múa lời ca của những thanh đồng từ ông Bẩy Bảo Hà, Chầu bé Bắc Lệ, cô Chín đền Sòng cho đến ông Hoàng Mười Nghệ An… Thanh đồng có khi chỉ là cô bé, cậu bé mới vừa lên 6 tuổi, còn đang tập đánh vần nhưng trong giá hầu đã trở thành một quan hoàng, quan quận. Hay lắm khi một bà bán rau bỗng chốc trong giá đồng lại thành một cô bé yểu điệu thục nữ, xinh dẹp dịu dàng, toàn thân lấp lánh.
Người ra hầu đồng có đủ các lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Làm thế nào để nét đẹp văn hoá trong tâm linh tín ngưỡng của người Việt không bị biến tướng thành mê tín dị đoan hay lãng phí là điều thực sự đáng bàn.
Gia đình túng quẫn, vợ chồng lục đục vì hầu đồng
Kể cũng lạ, cậu Nghĩa - thanh đồng nức tiếng của Hà Thành bảo: “Thanh đồng mà chỉ cần nhìn thấy nhau một cái là biết liền, biết ngay người đó là thanh đồng. Người có căn có quả, cái phong thái cốt cách cũng khác người thường, nhưng bây giờ có nhiều đồng đua, đồng đú, bọn đồng non thì làm sao bằng đồng già”. Đồng già là người ra hầu cửa thánh lâu năm tường tận từng giá hầu. 
Cậu Nghĩa bảo: “Nhiều đồng lắm tiền nhiều của, mở giá hầu hết cả vài trăm triệu là để khoe mẽ đồng sang, đồng xịn. Sang hay xịn còn phụ thuộc vào đồng có biết lễ nghi phép tắc nhà Thánh hay không?! Thanh đồng thứ thiệt là thanh đồng thuộc từng lời văn, hiểu từng câu hát, lời thơ với cảnh hoà hợp, vào vấn hầu người đến dự hầu bị cuốn, bị say theo từng giá hầu.
Giá hầu vấn cô Sáu trong tam, tứ phủ.
Người ta chỉ tưởng rằng ra hầu đồng là những người đã lớn nhưng nhiều năm trở lại đây thanh đồng lại phần nhiều là những người trẻ tuổi, ngoài những chàng trai cô gái xinh đẹp thì có những em bé mới 6 tuổi đã ra hầu đồng. Cảnh tượng cậu bé Đức Anh, Hoàn Kiếm, Hà Nội say trong lời ca tiếng hát, đập bàn, đứng lên múa trong giá đồng trong giá quan thật uy nghi  và đáng yêu.
Người nhà cậu bảo: “Cậu” có căn có quả nên trước sau gì cũng phải ra hầu cửa Thánh cửa Mẫu, vậy thì cho cậu hầu sớm, trước là để xin chư Phật, chư Thánh chứng cho tâm thành, sau là để cho cậu không ốm quặt quẹo”. Nhiều người cung kính, lễ bái khi “cậu” vào giá quan Hoàng Bẩy: “Lạy cậu ạ, cậu cho con thêm tài thêm lộc, cậu cho con đi một về mười, cậu cho tốt tươi, tươi tốt. Lạy cậu, cậu múa đẹp quá ạ!”. Bà Nga làm ở một công ty bảo hiểm nhiều năm đi dự hầu của người quen. Một ngày đẹp trời bà về nhà tuyên bố với mọi người bà phải ra trình đồng vì Thánh đã “chấm đồng”.
Vốn nhiều năm theo thanh đồng dự hầu bà biết chút chút rồi mời thầy về chỉ bảo thêm. Những năm đầu hầu cửa Thánh, cửa Mẫu công việc của bà trôi chảy, việc kí các hợp đồng xuôi chèo mát mái, bà bảo: “Thánh thương nên cho ăn lộc”. Nhưng hai ba năm trở lại đây công việc không còn thuận lợi, cô con gái lấy chồng làm ăn thua lỗ, tài sản phải mang đi cầm cố, bà Nga lo tiền cho con gái và con rể đến điêu đứng, nhiều người khuyên bà thôi thì cứ khất đồng (hoãn không hầu đồng nữa xin khất) khi nào có tiền rồi mới lại tính chuyện hầu đồng sau.
Nhưng bà nhất quyết không chịu, bà bảo: “Thánh không như Phật, trái ý thánh thì thánh phạt, thuận ý thánh thì thánh thương, vừa mới ra hầu được hai năm giờ khi khất thì thánh vật cho chết”. Bà Nga còn cường điệu: “Có khi lúc ấy đến cái  bát mẻ để ăn cơm cũng không còn”. Bà Nga cho rằng, đã không hầu thì thôi mà hầu thì phải lịch sự.
Vậy là, vốn lâm vào cảnh túng bấn, bà Nga càng túng quẫn hơn, giật gấu vá vai, vay mượn nhằng nhịt để làm cái lễ hầu, những mong sau hầu có lộc, mọi chuyện được thông đồng bén giọt. Bà mua hoa tươi dâng đủ các ban, sắm lễ to hoành tráng, lộc mang về cho người đến dự hầu cũng phải khệ nệ túi to, túi nhỏ. Tiền vung ra để tung tuy là mệnh giá thấp 5.000 đồng và 2.000 đồng nhiều hơn cả lá tre. Nhưng tiền tặng người đến dự hầu và tặng cung văn, tay quỳnh, tay quế sau mỗi giá lên đến hàng trăm triệu, vàng mã đốt nghi ngút, lửa cháy rực, khói mù mịt. Nhưng rồi, hầu xong lộc đâu chưa thấy chỉ thấy nợ lại càng thêm nợ.
Cô Mai là giáo viên tiểu học nhà ở ngõ Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuổi cô đã ngoại tứ tuần mà vẫn chưa được tấm chồng nào, nghe có người mách ra hầu đồng sẽ được Mẫu thương. Vậy là cô ra hầu cửa Thánh. Vào giá hầu cô cũng say theo cung đàn tiếng nhạc, lời ca, lúc vào giá quan Tam cô cũng lẫm liệt uy nghiêm, phong độ. Đến giá quan Hoàng cô cũng rất mực phong lưu, đến giá cô bé cô nhí nhảnh, yêu kiều, đến giá cô Bơ Thoải cô sầu muộn nỉ non. Cô ra hầu đồng được hai năm thì tình đến rồi tình lại tan, có duyên mà chẳng có phận. Nghĩ lại đời mình như nước chảy mây trôi, chưa có thuyền nào neo đậu, nên đến giá cô Bơ cô lại chảy nước mắt khóc thầm. Vậy mà, cô vẫn quyết chí đi hầu nhiều, cô nhớ cái ngày cô có vấn hầu ở Chúa Thác Bờ, Hoà Bình.
Ngôi đền của chúa Thác Bờ nằm treo leo trên lưng chừng núi, mặt cửa đền hướng ra dòng sông nước chảy lặng lờ phía trước, khung cảnh hữu tình như một bức tranh thuỷ mặc. Đến một ngày cô cũng nên duyên với người khách thập phương đến vãng lai cửa chùa Thác Bờ ngây ngất xem cô hầu đồng. Cô nên duyên vợ chồng với một ông giáo hơn cô chục tuổi, mất vợ đã lâu.
Từ ngày lấy chồng đến nay đã hai năm nhưng cô vẫn chưa có con, cô bảo: Mỗi năm hai vấn hầu, xuân thu nhị kì, vào mùa xuân và mùa thu sẽ ra hầu để các thánh thương sẽ cho một mụn con. Nhưng vì chuyện này mà vợ chồng cô lại bất hoà, thấy vợ hầu tiêu tốn mỗi lần đến dăm, bẩy chục triệu đồng, chồng cô tiếc tiền. Ông cằn nhằn bảo, lương giáo viên ba cọc ba đồng, mở hầu thế thì còn tiền đâu để dưỡng già.

Thanh đồng vào giá quan Hoàng Mười.
Ông lại cho vợ mình là người mê tín dị đoan, tin tâm linh mù quáng mà không biết suy xét phân biệt đúng sai. Cô Mai thì nghĩ chồng mình là kẻ bủn xỉn, tiếc tiền với cửa Mẫu. Thế nên hai bên hục hặc với nhau không biết bao lần, cuộc hôn nhân của cô ít nhiều sóng gió.
Ông Trần Tuấn M là một đại gia kinh doanh bất động sản ở quận Lê Chân, Hải Phòng. Về kinh tế thì ông no đủ dư thừa, duy chỉ việc khiến ông sầu muộn là cậu quý tử đến tuổi trưởng thành chỉ mải ăn chơi. Ngoài việc chơi bời lêu lổng, không chịu học hành, cậu còn “đập đá”, hút cần. Nghe mách nước, ông thuê người hầu đồng để giải hạn, giải vía.
Tiền đổ vào mỗi giá hầu đồng không ít. Hầu thuê là cậu Hùng ở Hà Nội, một thanh đồng nức tiếng trong giới hầu đồng. Lắm khi cậu Hùng về tận Nghệ An có đất ông Hoàng Mười ngự để vào vấn hầu cho linh thiêng. Rồi lại về Đền ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, hay Công Đồng Bắc Lệ ở Lạng Sơn. Thông thường mỗi năm người ta chỉ một lần đầu năm hoặc hai vấn hầu vào đầu năm và cuối năm thì ông M lại cho hầu bất kể khi nào.
Lúc kinh doanh của ông gặp trục trặc, ông cho người mời cậu Hùng hầu. Lúc thằng con của ông lô đề cờ bạc, hút hít ông cũng cho hầu. Khi sức khoẻ không tốt ông cũng mời hầu. Riết rồi thành quen, cả năm ông có tới sáu bẩy vấn hầu. Ô M bảo lâu lâu dăm bữa nửa tháng mà không nghe thấy hát văn, mắt không nhìn thấy người hầu là ông lại thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu một cái gì đó, ông lại mời cậu Hùng chuẩn bị sắm sửa làm lễ hầu cho ông.
Chẳng biết thực hư ông M sắm sanh mỗi giá hầu bao nhiêu tiền, chỉ biết riêng cái dàn vàng mã đã đến dăm ba chục triệu, còn tiền lộc chia quà cho hơn ba chục người ngồi đấy, cả cung văn và người dự hầu… Sau mỗi giá hầu, tiền phát chia lộc cho mỗi người là 200 nghìn đồng. Tính ra 40 người là 8 triệu đồng. Mà 20 vấn hầu  đã tiêu tốn 160 triệu. Chưa kể tiền quà lễ bày biện, lộc bánh trái, dầu gạo cho mỗi người đến dự khi về đều khệ nệ một túi quà to.
Tiền chi ra không ít, vàng mã chất hàng đống, ngựa mã bày hàng đàn rồi đốt nghi ngút, tiền lộc chia cho người đến dự cứ hàng thếp mệnh giá 200 nghìn đồng mới tinh. Cứ thếp này vừa hết, thếp khác lại vung ra. Tiền tung lả tả. Ông M cứ hy vọng, cho rằng chuyện hầu Thánh là “có bệnh thì vái tứ phương”, biết đâu “cô cho ăn lộc thì muốn làm người thường cũng khó”.
Những kiểu hầu đồng trái khoáy
Phủ Dầy ở Nam Định tháng giêng đông người trảy hội. Nơi đây là thủ phủ của những thanh đồng. Khắp các phủ, các ban từ ban Công đồng, cho đến ban Tam Toà Thánh Mẫu, ban Đức Thánh Trần, bà Mẫu Thượng Ngàn và 24 cô Sơn Trang, ban trong ban ngoài, ban chính giữa, bên phải, bên trái đều dập dìu người đến hầu, nhộn nhịp tiếng đàn tiếng hát. Người đến dự hầu ngồi chật kín, khách thập phương đến lễ bái lại tò mò vui mắt đứng nhìn, tạo không khí đông vui nhộn nhịp. Nhưng nhộn nhịp quá lại thành nhộn nhạo. Cung văn bên nào cũng muốn thể hiện, họ hát và bật loa rõ to, loa bên này chĩa vào bên kia. 
Dàn “ông ngựa” chuẩn bị đốt cho lễ hầu đồng.
Bên cung của Công đồng, một thanh đồng đang vào giá Hoàng Mười, khoác lên bộ gấm màu vàng của quan Hoàng Mười, thanh đồng cầm gươm uy nghi lẫm liệt hoà và say trong câu hát của cung văn: “Đường về Nghệ An ngàn mây xanh thắm/ Nắng sớm long lanh núi Hồng soi bóng dòng Lam/ Tiếng chim ca hoà trong gió líu lo rộn ràng/ Về Nghệ An thấy lòng xuyến xao nghe danh thơm ông Hoàng Mười vang…” thì ngay ở ban Sơn Trang đã thấy cung văn bên này tấu lời ca tiếng nhạc cô Bơ: “Lược ngà rẽ mái tóc mây/ Nón kinh cô Bơ đội chân đi hài thêu hoa/ Ngọt ngào má phấn môi son/ Lưng ong yểu điệu vẻ còn tốt tươi/ Vẻ thiên nhiên hình dung cô từng thước/ Gót hài hoa càng bước càng xinh…”. 
Hai tay quỳnh, tay quế (nâng khăn sửa túi cho thanh đồng) cô Bơ dịu dàng yểu điệu, mặt hoa da phấn - vẻ đẹp của thiếu nữ tuổi vừa xuân xanh. Bên nào cũng muốn hút người dự hầu nên loa hát càng ngày càng to, nhạc càng ngày càng lớn, người đi dự hầu của thanh đồng bên này nhìn sang “nhà” của thanh đồng bên kia. Mắt của người đi dự hầu được dịp đảo liên tục hết nhìn Hoàng Mười lẫm liệt lại nhìn cô Bơ “mặt ngài, mắt phượng, miệng cười nở hoa”. Chính vì không bên nào chịu nhường bên nào mà đã từng có chuyện hai cung văn xông vào choảng nhau, kẻ túm cổ, người xé áo khiến cảnh tượng càng thêm hỗn loạn.
Hoạt động tín ngưỡng hầu đồng trong tam, tứ phủ của người Việt hiện nay phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, hiếm thấy ở miền Nam. Đã có một thời gian dài hầu đồng bị cấm đoán và mai một. Theo nhiều nhà nghiên cứu như Giáo sư Trần Lâm Biền, hay nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Giáo sư Ngô Đức Thịnh đều cho rằng hoạt động này ngày nay có nhiều chỗ sai biệt, thậm chí là lệch lạc và phản cảm, gây méo mó hình ảnh của tín ngưỡng thờ Mẫu trong tam, tứ phủ của người Việt. 
Thậm chí đã có những người lợi dụng việc lên đồng để kiếm lời bằng cách buôn thần bán thánh, vờ vịt phán bảo, vờ cho là thánh nhập, làm mất đi vẻ đẹp trang trọng, linh thiêng của tín ngưỡng. Nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là hầu đồng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nghiên, nếu không gìn giữ và duy trì đúng cách thì di sản phi vật thể này sẽ bị biến tướng và tác động xấu đến đời sống văn hóa tâm linh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT