Ở Nam Định có một hiện tượng tín ngưỡng, tâm linh được cho là cân bằng, đối xứng một cách rất tự nhiên: Nếu như Đền Trần tượng trưng cho tín ngưỡng thờ Cha thì Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Nếu như Đền Trần có nghi lễ khai Ấn đêm 14 tháng Giêng thì Phủ Dầy gắn liền với chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên. Câu nói “tháng Tám giỗ cha, Tháng Ba giỗ Mẹ” từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức người dân địa phương.
Thờ Mẫu - thiêng liêng nhưng
gần gũi
Quần thể di tích Phủ Dầy nằm trên
diện tích khoảng 10 km2, thuộc địa bàn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định),
gồm 20 di tích đền phủ, lăng tẩm gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng
giờ đây đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Được thực hành ở nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước, nhưng Phủ Dầy được
xem là một trung tâm lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chả thế mà, sau khi tín ngưỡng thờ
Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, Chính phủ đã giao cho tỉnh
Nam Định thay mặt các địa phương tổ chức lễ đón nhận. Và địa điểm Nam Định lựa
chọn tổ chức chính là tại Quần thể di tích Phủ Dầy.
Không phải chuyên gia, nhà nghiên
cứu nên khi được hỏi, có lần ông Trần Vũ Toán - thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung
(thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy) đã giải thích về tín ngưỡng thờ Mẫu một cách
đơn giản nhưng sâu sắc: “Ai trong chúng ta cũng có Mẹ. Mẹ chính là người sinh
ra và nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tâm hồn chúng ta. Thờ Mẫu (Mẹ) là thờ một
biểu tượng rất đỗi thân thương, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng”. Gắn liền
với tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ Chầu văn (hầu đồng).
Theo đánh giá của giới nghiên cứu,
Chầu văn là một hình thức diễn xướng tâm linh, tích hợp nhiều giá trị nghệ
thuật, từ âm nhạc đến thời trang, hát múa. Lời văn mượn lời thơ ca dân gian để
ca ngợi những nhân thần có công với dân với nước. Có lần, nghe lời văn chầu
trong một giá đồng ở phủ Vân Cát, chúng tôi hiểu các thanh đồng đang tái hiện,
ngợi ca Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Vậy nhưng, những ai quan tâm hẳn
đều biết tín ngưỡng thờ Mẫu có lịch sử rất thăng trầm. Đã có thời kỳ tín ngưỡng
này không được khuyến khích vì bị đồng nhất với mê tín, dị đoan. Nhiều người
cao tuổi ở Nam Định cho biết trước đây chỉ những người có “căn quả” mới đi lễ
Phủ Dầy và thường đi một cách kín đáo. Khi còn bé, người viết cũng từng chứng
kiến ở quê mình những người có căn quả, hay đi lễ phủ, lên đồng thường bị xóm
làng xì xào, cười chê.
Tuy nhiên, theo thời gian, với cái
nhìn cởi mở hơn của xã hội, tín ngưỡng thờ Mẫu được nhìn nhận lại theo hướng
tích cực hơn. Nhiều nhà nghiên cứu, bằng sự tâm huyết của mình cũng đã góp phần
làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu,
khẳng định tính nhân văn, tính thuần Việt của tín ngưỡng này. Đặc biệt, kể từ
khi tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, kể từ khi
“Lễ hội Phủ Dầy” và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” được Bộ VH-TT-DL cấp bằng
công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia, những định kiến mới dần
dần bị xóa bỏ.
Rõ hơn cả, đến Phủ Dầy ngày nay
không chỉ có người dân trong tỉnh Nam Định mà còn từ rất nhiều tỉnh thành trong
cả nước, nhất là dịp đầu xuân và trong lễ hội “tháng Ba giỗ Mẹ”. Nhiều đoàn
khách quốc tế cũng đã về đây để tham quan, tìm hiểu việc thực hành tín ngưỡng
thuần Việt này...
Ngổn ngang sau tôn vinh
Có một thực tế: sau khi được thế
giới ghi nhận, tôn vinh, bên cạnh niềm tự hào, việc bảo vệ, phát huy di sản tín
ngưỡng thờ Mẫu như thế nào vẫn đang là câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều năm phục
vụ phủ Nguyệt Du Cung, ông Trần Vũ Toán cho biết không phải ai đến lễ Mẫu cũng
hiểu được ý nghĩa việc mình làm. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu, trăm
triệu đồng để tổ chức những giá đồng. Sau những lần “bốc đồng” như vậy có người
lâm cảnh nợ nần, gia cảnh lục đục.
“Nói đến Mẫu là nói đến sự gần
gũi. Thờ Mẫu là việc làm cả đời không hết, cần sự thực tâm. Việc bỏ tiền mua
vui nơi đền phủ là việc không nên. Nếu là “đồng thực”, là “chân đồng” thì chỉ
với vài quả quýt vẫn có thể ngồi hầu Thánh cả buổi, - ông chia sẻ: - Rồi nữa,
để “nịnh đồng”, muốn đồng cho nhiều lộc, có cung văn còn “chế tác” lời mới cho
bài văn thêm nhộn nhưng rất phản cảm”.
Có lần ông Toán đã phải mời một
cung văn ra ngoài để “chấn chỉnh”, vì dám thản nhiên hát “Nhà nước vẫn còn xổ
số thì chúng con vẫn chơi lô đề”. Ở nhiều giá đồng, lúc thăng hoa, nhiều người
còn tung, ném tiền vung vãi, rất phản cảm, không hề biết đồng tiền có in hình
Quốc huy, hình lãnh tụ, cần phải trân trọng.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo
tàng tỉnh Nam Định thì dùng hình ảnh “ngựa phải có dây cương” để cảnh báo tình
trạng hoạt động hầu đồng tràn lan hiện nay. Theo ông Thư, không nên hiểu việc
tín ngưỡng được thế giới vinh danh như là việc “được cấp thẻ hành nghề hầu đồng”,
để rồi khắp nơi tổ chức hầu đồng, đưa hầu đồng ra cả nhà hàng để trình diễn.
“Hầu đồng là một nghi lễ tín
ngưỡng, không phải ai cũng có thể thực hành. Nói như dân gian thì phải là những
người có “căn quả” mới có thể “bắc ghế hầu thánh”. Họ được thánh thần mượn thân
xác nhập vào. Thánh “bảo” múa bên trái thì múa bên trái, “bảo” múa bên phải thì
múa bên phải. Thanh đồng có nói gì cũng là lời Thánh nói. Vì vậy, hầu đồng chỉ
có thể diễn ra trong không gian tín ngưỡng, cụ thể là trong các đền phủ. Không
thể có chuyện đưa hầu đồng ra cả nhà văn hóa, cả nhà hàng để tổ chức hay tổ
chức thi xem thanh đồng nào hát hay, thanh đồng nào múa dẻo. Như vậy là đã trần
tục hóa tín ngưỡng”, - ông Thư phân tích.
Công tác quản lý của chính quyền ở
một quần thể có tới 20 điểm di tích như tại Phủ Dầy cũng lắm nỗi gian nan. Theo
đó, huyện Vụ Bản từng nhiều lần muốn lập Ban quản lý Quần thể di tích, nhưng vì
nhiều nguyên nhân - nhất là không nhận được sự hợp tác từ những vị thủ nhang -
dẫn đến mong muốn chưa thành. Không có Ban quản lý chuyên trách dẫn đến nhiều
vi phạm, lộn xộn diễn ra ở đây không được xử lý triệt để, phổ biến là tình
trạng xâm lấn di tích để kinh doanh dịch vụ. Di tích nào cũng cố tuyên truyền,
quảng bá mình là chính, là đầu tiên, là trước nhất... nhằm khuếch trương, lôi
kéo khách về đền, phủ mình trong khi ai cũng biết cả Quần thể di tích đều chung
việc phụng thờ Mẫu. Đặc biệt, việc thu chi của các điểm di tích luôn là một “bí
mật”.
Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch
UBND huyện Vụ Bản, ngân sách huyện không thu được gì từ các hoạt động tại Phủ
Dầy. Chỉ có ngân sách xã Kim Thái thu được một khoản (khoảng vài tỷ đồng/ năm)
từ các đền phủ thông qua việc khoán thu...
Người dân xã Kim Thái - những người đang trực tiếp gìn giữ, lưu truyền tín ngưỡng thờ Mẫu. |
Quyết tâm lập lại “trật tự” ở Phủ
Dầy, năm 2015, huyện Vụ Bản xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, phát huy giá
trị lịch sử, văn hóa quần thể di tích này. Một trong những “điểm nhấn” của Quy
chế là “chặn” việc bố trí thủ nhang theo kiểu “cha truyền, con nối”. Thay vào
đó, các thủ nhang sẽ được người dân địa phương lựa chọn, bầu. Người nào “trúng”
sẽ được giao nhiệm vụ trông coi di tích trong thời hạn 5 năm, hết thời hạn
trên, việc bầu cử được thực hiện lại. Ai đủ điều kiện đều được “ứng cử”. Sau
mấy năm được ban hành, đến nay quy định này vẫn đang còn gây tranh cãi ở địa
phương.
Trên thực tế đến nay một số thủ
nhang vẫn chưa chấp hành quy định này. Người ủng hộ bảo quy định như vậy là cần
thiết, bởi di tích là của chung cộng đồng xây dựng, không phải của riêng ai,
nên được nhân dân, chính quyền tín nhiệm thì làm, không thì thôi. Người phản
đối bảo lúc di tích bị bỏ hoang, gia đình họ đã phải kiên nhẫn, bỏ nhiều công
lao gìn giữ, tôn tạo, không lẽ nay lại không được trông coi; rồi làm việc tâm
linh không thể theo nhiệm kỳ như của chính quyền. Có lẽ do còn nhiều tồn tại
trong công tác quản lý nên dù tỉnh Nam Định đã có đề nghị nhưng đến nay Di tích
Phủ Dầy vẫn chưa được nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia hạng đặc biệt...
Trước thực tế trên, nói như Phó
Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Đỗ Văn Kỳ mới đây, hiện chính quyền huyện cũng chỉ
biết kiên trì tuyên truyền, vận động để các thủ nhang và mọi người dân hiểu rõ
mục đích, tuân thủ quy chế chung, qua đó cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị
của một di sản văn hóa không phải ở đâu cũng có được!
Trần Duy Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét