Đây là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn; là dịp để các nghệ nhân tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh bạn thể hiện tài năng. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu với du khách thập phương về giá trị văn hóa của quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật của loại hình này trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời góp phần định hướng nhận thức, hoàn thiện nội dung, hình thức âm nhạc, đồng thời đẩy lùi những quan điểm lệch lạc, thiếu lành mạnh và phản cảm liên quan đến hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu.
Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng năm 2019 có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống dựng xây đất nước; ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; diễn xướng 36 giá đồng thường được các thanh đồng sử dụng hầu thánh tại các đền, miếu, phủ… Đối tượng tham dự gồm các nghệ nhân, các CLB thanh đồng tiêu biểu trên địa bàn 9 huyện, thành phố tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện công tác chuẩn bị cho Liên hoan đã hoàn tất. Trung tâm đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Ban Tổ chức, Hội đồng thẩm định nghệ thuật; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn bị cơ sở vật chất. UBND huyện Tam Đảo sẽ hỗ trợ kinh phí cho 6 câu lạc bộ trong tỉnh và 4 câu lạc bộ các tỉnh, thành phố trong khu vực về tham gia Liên hoan. Các nghệ nhân và câu lạc bộ thanh đồng sẵn sàng phục vụ du khách về tham quan vãn cảnh tại Khu danh thắng Tây Thiên – nơi diễn ra Liên hoan - những tiết mục hát Văn, Chầu văn đặc sắc nhất.
Nghi lễ Chầu ăn còn được gọi là hát Văn - hầu đồng, hát Văn - hầu thánh, ngự đồng, loan giá ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. Hát Văn, hát Chầu văn gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt. Toàn bộ giá trị của nó nhằm thể hiện tinh thần thượng tôn dân tộc, ghi nhớ công ơn tổ tiên, các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước, lập ấp, lập làng hoặc dạy nhân dân một nghề nào đó… Những vị thánh nhân này là những người thật, việc thật, hoặc cũng có thể là hình tượng hóa từ những điển hình cụ thể trong đời sống của người Việt trải dài theo chiều dài lịch sử của dân tộc. Và từ những nhân vật thật ấy được đưa lên thành một tín ngưỡng, có người còn cho rằng mang dáng dấp của một đạo, mà lại là thứ đạo có thể coi là cốt lõi của dân tộc: đạo Mẫu. Về nghệ thuật, hát Văn, hát Chầu văn là một tập hợp vô cùng đa dạng của nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam, từ âm nhạc đến múa, đến trang phục truyền thống của nhiều dân tộc anh em…
Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)..., sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
Lê Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét