Hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bên cạnh hệ thống nghi lễ và lễ hội phong phú và đa dạng của nó,...
Tại Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được di danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuy nhiên, việc nhận thức về di sản này còn chưa thống nhất trong cộng đồng. Đặc biệt, sau khi di sản được công nhận, có những ý kiến lo ngại, hầu đồng sẽ trở nên phổ biến, sẽ chệch hướng trở thành mê tín, dị đoan….
Bà Từ Thị Loan (ảnh) - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - thành viên Hội đồng xây dựng “Hồ sơ Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về những vấn đề xung quanh nhận thức, phát huy giá trị di sản này.
Thưa bà, vì sao tên gọi của di sản này lại là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, trong khi trước đây, chúng ta từng được công nhận là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” chứ không có thêm chữ “thực hành”?
Hồ sơ quốc gia của Việt Nam khi đệ trình UNESCO có tên gọi “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Sau này, Ban Thư ký của Ủy ban Liên Chính phủ đề nghị nên đổi tên thành “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Bởi gần đây trước những vấn đề nhạy cảm trong xung đột tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới, UNESCO không muốn sa vào vấn đề công nhận tôn giáo, tín ngưỡng, mà chỉ ghi nhận việc thực hành chúng.
Tuy nhiên, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng phải hiểu và biết rõ tín ngưỡng thì mới thực hành tín ngưỡng được. Trong Hồ sơ chúng tôi cũng trình bày rất rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu xa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Do vậy, trong danh xưng của di sản sẽ bao hàm cả việc thực hành tín ngưỡng lẫn những tri thức, hiểu biết về tín ngưỡng, những giá trị của tín ngưỡng.
Cũng như khi UNESCO công nhận “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” thì không chỉ đơn thuần xét đến khía cạnh âm nhạc của một loại hình dân ca, mà phải đặt trong không gian văn hóa nơi diễn ra sinh hoạt quan họ, gắn liền với lối chơi quan họ, những nét đẹp văn hóa gắn với quan họ. Tương tự như vậy là “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” và các di sản khác. Trong các Hồ sơ, vấn đề bối cảnh văn hóa, phông nền văn hóa luôn luôn được đặt ra.
Sau khi được UNNESCO công nhận, một số người đánh đồng giữa di sản này với lên đồng/hầu đồng? Bà nghĩ sao về cách nghĩ này?
Như trên đã nói, phải hiểu rõ về tín ngưỡng thờ Mẫu, nắm rõ về di sản mới có thể phát biểu chính xác về di sản. Hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bên cạnh hệ thống nghi lễ và lễ hội phong phú và đa dạng của nó, đó là các nghi thức cúng, lễ của người dân vào các dịp lễ, tết, ngày sóc, ngày vọng; việc chăm sóc đèn nhang của các thủ nhang vào ngày thường tại các đền, phủ, điện thờ; những hoạt động lễ hội rất quy mô diễn ra vào dịp tháng Ba, tháng Tám hàng năm với lễ rước thỉnh kinh, hội kéo chữ (“hoa trượng hội”), sự thấm nhuần và niềm kính cẩn đối với các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn chầu, các bài thơ giáng bút, các câu đối, văn bia, hiểu biết về di tích, điện thần, vị thần chủ…
Có thể nói, trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, như nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình dân gian, các hình thức sinh hoạt cộng đồng…
Nếu chỉ nhấn mạnh đến hầu đồng là hiểu rất phiến diện về di sản. Hầu đồng là nghi lễ đặc trưng giúp phân biệt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với các tín ngưỡng khác, nhưng chỉ có những người có “căn đồng”, “căn số” thực sự mới có thể và cần thiết hầu đồng, chứ đa phần người dân vẫn cầu cúng, phụng thờ các Thánh Mẫu mà không nhất thiết phải tiến hành hầu đồng.
Dư luận xã hội đang lo ngại hầu đồng dễ bị biến tướng hoặc thương mại hóa. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử sâu xa và bản chất của hầu đồng. Qua các nguồn sử liệu (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư; Việt sử thông giám cương mục; Đại Việt Thông sử …) có thể thấy lên đồng đã được phản ánh về sự xuất hiện từ thời Lý và phát triển khá thịnh vào giai đoạn thế kỷ 17 - 18. Lên đồng cũng là hình thức nghi lễ có ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các dân tộc vùng Nam Phi, Nam Mỹ, có những điểm gần gũi với hình thức Shaman giáo, phổ biến ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Java, Palawan, Madagasca, Nam Trung Hoa, Siberia... Dù phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, thậm chí có thời bị hạn chế, cấm đoán, nhưng sinh hoạt nghi lễ này vẫn tồn tại bền bỉ, dai dẳng, trường tồn với thời gian. Vậy chắc hẳn nó phải có sức sống mãnh liệt và có những hạt nhân hợp lý của nó.
Trên phương diện khoa học, một số nghiên cứu cũng cho thấy, lên đồng là một liệu pháp trị bệnh rất tốt, có tác dụng hỗ trợ tâm lý và sức khỏe. Sau buổi hầu đồng, các ông/bà đồng thường cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái, mãn nguyện.
Các con nhang đệ tử cũng thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau: chữa trị bệnh tật; tìm lời giải cho những vấn đề khó xử; cầu phúc, lộc, tài; giải thoát vận hạn… Theo các nhà nghiên cứu, việc trở lại trạng thái cân bằng, thanh thản hay khỏi bệnh của ông/bà đồng cũng như con nhang đệ tử là kết quả của một quá trình giải tâm lý, giải ám thị tự thân, mà nghi lễ lên đồng chỉ là phương tiện cộng hưởng, bổ trợ về mặt tâm linh. Bình thường không ai dễ gì bỏ tiền ra để theo một vấn hầu tốn kém một cách vô lý nếu không đạt được một hiệu quả nào đó.
Nghiên cứu sâu về các bản hội, chúng tôi cũng thấy các con nhang đệ tử thường tập hợp xung quanh một “đồng thầy” có uy tín nào đó. Tuy hoàn cảnh xuất thân, tình trạng kinh tế, địa vị xã hội khác nhau, nhưng niềm tin tôn giáo đã gắn kết họ lại để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau cả trong thực hành nghi lễ lẫn trong cuộc sống đời thường.
Về phía đồng thầy, nếu là những người có “căn số” thực sự, họ rất lo sợ bị Thánh phạt nếu làm sai trái. Do vậy, đây là mối quan hệ được củng cố và kiểm chứng qua thời gian, không dễ gì có chuyện lừa bịp, trục lợi. Người ta gắn bó với nhau bằng niềm tin tâm linh, tìm kiếm chỗ dựa tinh thần và thấy linh nghiệm thì mới tin theo.
Bên cạnh đó, lên đồng cũng là một hình thức diễn xướng tâm linh tổng thể mang tính nguyên hợp cao, tích hợp nhiều biểu hiện văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc như: hát chầu văn, múa thiêng, nhạc lễ, trang phục, trình diễn… Nếu đánh đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với sinh hoạt lên đồng thì vô hình chung đã làm hạn hẹp lại di sản và nếu chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của lên đồng thì lại càng hạn hẹp hơn.
Như vậy, cần hiểu thế nào về di sản của chúng ta?
Trước hết, tín ngưỡng này tôn vinh và đề cao vai trò của người Mẹ, người phụ nữ. Trong bối cảnh xã hội phụ quyền chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, việc đề cao, coi trọng người phụ nữ có giá trị đặc biệt. Tín ngưỡng này cũng gắn bó mật thiết với đạo lý uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên của người Việt, ý thức hướng về cội nguồn mà người Mẹ là biểu tượng cao nhất.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng đề cao tinh thần yêu nước, thương nòi. Các Thánh Mẫu được phối thờ với các nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại đa phần là những người có công với nước, với dân như Trần Hưng Đạo hóa thân thành Đức Thánh Trần, mẹ Âu Cơ thành Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xí thành Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái...
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là thờ cúng Bà Mẹ Tự nhiên, hóa thân thành các Thánh Mẫu cai quản các miền của vũ trụ: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thoải (Thủy) cai quản miền sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất đai. Cách nhận thức thế giới như vậy có mặt tích cực là giúp con người coi trọng Bà Mẹ Tự nhiên, từ đó có ý thức bảo vệ thiên nhiên, không phá hoại, xâm hại môi trường.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng chính là một “bảo tàng sống” lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc trong các nghi thức, nghi lễ và lễ hội. Tín ngưỡng này cũng thể hiện sự dung hợp tôn giáo giữa tín ngưỡng bản địa với Đạo giáo, Phật giáo và các tín ngưỡng khác với sự hiện diện của Phật Bà Quan Âm, Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng như các vị Thánh người dân tộc thiểu số Mường, Tày, Nùng, Dao…
Một điểm nữa là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hướng về cuộc sống trần thế, về đời sống hiện tại với những ước mong về sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc được hiển thị ngay trong thế giới này chứ không phải trong cuộc sống tương lai, ở thế giới bên kia sau khi chết như đối với các tôn giáo khác. Đó là một nhân sinh quan hoàn toàn mang tính tích cực trong thế giới hiện đại ngày nay.
Xin cám ơn bà!
TÙNG LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét