Với người dân Hải Phòng, Bà chúa Năm Phương ngự trị trong tiềm thức như một
vị thánh mẫu có nhiều quyền năng với những câu chuyện thần bí, đã nhiều lần hiển
linh để phù hộ cho nước, che chở cho dân. Nhưng, rất ít người biết rằng, bà vốn
được sinh ra trong một gia đình họ Vũ tại làng cổ Gia Viên (xưa có tên là làng
Cấm), thuộc Tổng Gia Viên, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, nay thuộc quận Ngô
Quyền, Hải Phòng.
Bà
sinh ra và lớn lên với một dung nhan tươi tốt, mọi bề đảm đang. Khi Đức Ngô Quyền
khởi binh chống lại quân Nam Hán, bà được phong nữ tướng lo việc quân lương, tạo
sức mạnh giúp quân ta đánh tan quân xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra
một kỷ nguyên độc lập cho đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Với những
đóng góp to lớn của Bà, Đức Vương Ngô Quyền đã phong tước hiệu cho bà là Ngô
Vương Vũ quận chúa. Theo Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, khi đó do Ngô Quyền chỉ xưng
Vương, không xưng Đế nên Bà chỉ được phong tước hiệu Quận chúa. Sau này, với những
cống hiến và công lao to lớn của Đức vương Ngô Quyền người dân tự phong cho
Ngài là Ngô Vương Thiên Tử, theo đó Vũ quận chúa được dân phong là Quyến hoa
Công chúa. Năm 1924, Vua Khải Định (triều Nguyễn) chính thức sắc phong tặng Bà
là “Vũ quận Quyến hoa Công chúa Tôn Thần” và chuẩn cho làng Gia Viên được phụng
thờ. Tuy nhiên, không chỉ ở làng Gia Viên, sau này, cứ ở đâu có thờ Ngô Quyền
thì ở đó đều có phối hưởng thờ bà chúa Vũ quận.
Trải qua thời gian,
với nhiều biến cố của lịch sử, trong tiềm thức người dân Hải Phòng, ngôi đền thờ
Bà Vũ quận Quyến Hoa Công chúa trở thành chốn linh thiêng với nhiều điều linh ứng.
Chẳng hạn, chuyện trước khi đánh trận trên sông Bạch Đằng, Đức thánh Trần Hưng
Đạo đã vào đền thắp hương và đã được Bà phù hộ cho đánh tan quân địch... Cũng từ
trong tiềm thức người dân, Bà chúa Vũ quận không phải người trần gian mà là một
vị tiên nữ trên Thiên Đình, được giáng trần để “hộ quốc tý dân” (phù hộ cho nước,
che chở cho dân”. Khi đã hồi tiên, Chúa Bà được giao quyền cai quản năm phương
trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương vậy nên được tôn xưng là Bà Chúa Quận Năm
Phương. Cũng có ý kiến cho rằng bà là Chúa Nam Phương, được giao quyền cai quản
đất Nam (tức Việt Nam). Tương truyền rằng, chúa hiển linh, ngự khắp nơi khắp cảnh
trong năm phương trời đất, chúa dạo chơi khắp chốn, cứ đúng vào lúc canh ba giờ
Tí, chúa hiện hình ra người mỹ nữ, gọi xe rong chơi, rồi đi về đến “Cây Đa mười
ba gốc” là nơi chúa hiển linh, trả tiền cho phu xe, nhưng khi biết ra thì toàn
là tiền âm. Chúa cũng thẳng tay trừng trị kẻ nào còn ngang ngược, Chúa hành cho
chân tay tê liệt, nằm mơ toàn thấy ma quỷ. Cũng có một câu chuyện truyền lại
là: vào thời Pháp thuộc có một me Tây (vợ của ông chủ Nhà máy cơ khí Robert) bị
chúa hành cho chí rận, khắp người ngứa ngáy không yên, phải đến kêu xin, sám hối
cửa Chúa mởi khỏi. Tạ ơn chúa, me Tây đó đã lập đền thờ rất trang nghiêm, bắc
ghế hầu Chúa, quanh năm cúng lễ rất tấp nập. Cách đây chưa lâu, câu chuyện về
nơi Chúa ngự ở Vườn hoa chéo cũng còn mang đầy chất huyền bí. Chẳng hạn, cho đến
nay, nhiều người dân ở Hải Phòng còn truyền tai nhau câu chuyện, vào năm 1968,
khi có phong trào bài xích mê tín dị đoan, người đứng ra chỉ đạo chặt phá cây
đa tại Vườn hoa chéo, sau này sinh con gái bị mắc chứng tâm thần, dở ngây, dở dại...
Chúa Bà Năm Phương
chỉ được hầu ở một số vùng như Hải Phòng và một số địa phương lân cận. Trong
các đàn lễ mở phủ thường có dâng một tòa đàn gọi là: Đàn Chúa Bà (gồm có hình
Chúa Quận Năm Phương, hai cô hầu cận, có khi là có cả hình 12 cô nàng (tất cả đều
màu trắng), nón chúa hài cườm, một cỗ xe ngựa (hoặc xe phu kéo) hay thường gọi
là Xe Chúa Bà) và thỉnh mời Chúa Bà Năm Phương về ngự để chứng đàn đó. Chúa Năm
Phương thường ngự về trước Chầu Năm Suối Lân hoặc cũng có một số người hầu chúa
sau Tam Vị Chúa Mường. Chúa ngự về thường mặc áo trắng. Đền Chúa Bà Năm Phương
được lập ở rất nhiều nơi, nhưng nổi tiếng hơn cả là một số ngôi đền ở Hải
Phòng, đất Chúa ngự: đầu tiên phải kể đến Chùa Cấm thuộc Phố Cấm, Hải Phòng
(tên tự là Cấm Giang Bản Cảnh Linh Từ hay Nguyệt Quang Tự, trong bản tự có hẳn
cung cấm bề thế uy nghiêm thờ Chúa), sau đó là đền Tiên Nga (số 53 Lê Lợi, phường
Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng; Vườn Hoa Chéo, trên đường Trần Hưng Đạo, Hải
Phòng (đây là nơi trước đây người me Tây kia lập đền tạ ơn chúa, đền xưa rất lộng
lẫy, nhưng bây giờ đã không còn do tàn phá của chiến tranh, chỉ còn lại dấu
tích nhỏ nhưng vẫn là nơi linh thiêng, hàng tháng có rất nhiều người dân đến
đây lễ chúa), rồi “Cây Đa mười ba gốc” là ngôi miếu nhỏ thờ Chúa (ở trên đường
ra sân bay Cát Bi) là nơi chúa gọi phu xe chở về chốn đó, cuối cùng là ngôi miếu
nhỏ không tên trên đường Lê Thánh Tông. Các ngôi đền đó đều tổ chức ngày tiệc
chúa là ngày 16/6 âm lịch. Tính ra, xưa kia, trên đất Hải Phòng có ít nhất là
năm nơi thờ Chúa Bà, vậy nên, khi chúa ngự, văn có hát rằng:
“Năm Phương, năm miếu
rõ ràng
Ngũ Phương Bản Cảnh
tiên nàng dâng hoa”
Năm 2003, tôi mua
được căn nhà nhỏ trong ngõ 31 Lê Lợi, ngay gần ngôi đền thờ Chúa Vũ Quận. Tôn
trọng tục lệ thờ cúng của người xưa, được nương nhờ trên đất Chúa, mỗi
khi có công việc hệ trọng, tôi lại ra đền thắp hương, xin Chúa phù hộ, che chở.
Đêm 30 Tết, vào khoảnh khắc giao thừa linh thiêng, tôi cùng các thành viên
trong gia đình lại ra Đền thắp hương, cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới
đến. Có lẽ, Chúa thương tôi là người thật tâm, có đức nên những điều cầu khấn của
tôi đều được linh ứng. Tôi tự nghiệm thấy, ngoài nỗ lực của bản thân, sự thành
công trong công việc, trong cuộc sống, nhiều khi tôi gặt hái được cũng là nhờ
có được may mắn, có quý nhân giúp đỡ. Các cụ có câu: Có thờ có thiêng, có kiêng
có lành. Tôi không có ý định “khuyên” mọi người làm những điều giống như mình
nghĩ, qua câu chuyện về bà Chúa Năm phương tôi muốn nói đến sự tự hào của chúng
tôi, những người mang họ Vũ, dù là nam hay nữ đều cần phải khắc ghi truyền thống
của tổ tiên, dòng họ, một truyền thống rất đáng tự hào: “Vì nước vì dân”.
BTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét