Thầy Hải chia sẻ, ông lo ngại bùng phát lên các ông đồng bà đồng “khóa học ngăn ngày” tự xưng và nghi lễ hầu đồng ngày càng biến tướng, thành dịch vụ làm giàu mất hết tôn kính, linh thiêng.
Em về nuôi cái cùng con
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng
Câu ca dao như thúc giục lòng người về 1 mảnh đất giàu truyền thống Cách Mạng với những nét văn hóa rất riêng. Là một tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng không có những công trình kiến trúc hoành tráng, không có những khu du lịch được đầu tư lớn nhưng phong cảnh núi rừng với thiên nhiên hùng vĩ nơi đây đã níu chân biết bao du khách!
Nằm tại vùng Đông Bắc của Việt Nam, phía Tây giáp với Tuyên Quang và Hà Giang, phía Nam giáp với Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng ngày hôm nay vẫn giữ được nét hoang sơ với núi, rừng, thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, lộng lẫy mà vẫn dịu dàng thanh thoát giữa đất trời. Bức tranh non nước xanh thẳm ấy cuốn hút bao người.
Nếu đến với Cao Bằng, chúng ta không nên bỏ qua những địa điểm du lịch hấp dẫn như thác Bản Giốc; động Ngườm Ngao; suối Lê - Nin; hang Pắc Bó; hồ Thang Hen,... Ngoài ra du khách còn có thể được đắm chìm trong không gian văn hóa độc đáo của đồng bào người Tày, Nùng,... với những điệu hát Then say đắm lòng người, những món ăn độc đáo mang hương vị của núi rừng. Chúng ta cùng khám phá vẻ đẹp vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.
Địa danh Pác Bó – Nơi hành trình về nguồn
Vượt qua quãng đường gần 300km từ Hà Nội chúng tôi đã có đặt chân lên thành phố Cao Bằng, tiếp đón tôi là nghệ nhân đồng thầy Ngô Cao Hải – một người con của vùng đất này. Chúng tôi lên xe cùng ông đi khám phá nơi tham quan đầu tiên là khu di tích Pác Bó nổi tiếng, là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945).
Đặt chân đến khu di tích Pác Bó, mọi người sẽ cảm nhận cảnh quan nơi đây thật hoành tráng. Dừng chân nơi Nhà trưng bày khu di tích Pác Bó, bạn sẽ thấy những hiện vật trưng bày gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta giai đoạn trước năm 1945 như chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su giản dị... mà Người đã dùng. Cách khu nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa là núi Các Mác, suối Lênin trong xanh thơ mộng, với những đàn cá tung tăng bơi lội dưới những tán cây rừng… Tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Cảm giác bình yên như được giao hòa cùng núi rừng, sông suối… làm mọi người khó có thể quên khi đặt chân đến nơi này.
Vẫn còn đó cột mốc 108 và cây si già như chứng tích lịch sử chứng kiến giây phút đầu tiên nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách. Ở lưng chừng núi, hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) là nơi ở của Người. Xa xa, bên bờ suối là chiếc “bàn đá chông chênh” nơi Người từng ngồi “dịch sử Đảng”. Mỗi hiện vật đều ghi dấu hình ảnh của Người. Một chuyến đến thăm khu di tích lịch sử Pác Bó, du khách vừa được ngắm cảnh đẹp thơ mộng, tận hưởng không gian trong lành khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc; vừa có dịp hiểu hơn về cuộc đời bình dị mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Suối Lê nin – Pác Pó |
Khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, nơi có mộ anh Kim Đồng và tượng đài anh khang trang tại chân Rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh rừng cây nghiến xanh biếc, luôn toả bóng mát với những làn gió vi vu, như ru anh yên nghỉ. Tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên và Nhi đồng của tỉnh Cao Bằng, cả nước thường tụ hội tại đây cắm trại, vui chơi ca hát.
Di tích Kéo Oai (Kéo Vai) thôn Lam Sơn. Đây là nơi đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên mở các lớp huấn luyện, tổ chức các hội cứu quốc trong những năm 1941 - 1943. Đồng thời nơi đây là trạm giao liên do đồng chí Kế Hùng phụ trách. Tại Bó Kéo Oai tháng 10/1941 thành lập đội Việt Minh Châu, thành lập đội võ trang của tỉnh và là trạm chờ nhận nhiệm vụ của các đồng chí cán bộ Trung ương, địa phương...
Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những di tích lịch sử cách mạng trên mảnh đất anh hùng này. Thế hệ trẻ ngày nay vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến hành trình về với cội nguồn cách mạng, để tìm đến với những di tích lịch sử quý giá này.
Khu di tích lịch sử Kim Đồng |
Đến với Cao Bằng những ngày đầu xuân không thể không nhắc đến những lễ hội truyền thống như lễ hội Quảng Uyên nơi có di tích lịch sử Đền thờ Nùng Trí Cao xã Sóc Hà, huyện Quảng Uyên hay lễ hội cầu mùa của người Phố Cũ của người thành phố Cao Bằng…
Lễ hội truyền thống chùa Phố Cũ |
Nghệ nhân Thanh đồng Ngô Cao Hải – Tôi quyết giữ bằng được cung cách hầu Thánh xưa.
Sau chuỗi hành trình khám phá về địa danh về những nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Cao Bằng, chúng tôi mới được ngồi cùng nghệ nhân đồng thầy Ngô Cao Hải để trò chuyện và nhận thức rõ hơn về nét văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cộng đồng quan tâm nhiều hơn tới việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của một văn hóa tín ngưỡng tâm linh đậm chất thuần Việt. Thế nhưng đồng thầy cựu như nghệ nhân đồng thầy Ngô Cao Hải lại trăn trở nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn khi nghi lễ hầu đồng truyền thống lại không được những thanh đồng trẻ mặn mà tiếp tục phát huy và gìn giữ. Song với đó là những biến tướng, những nét văn hóa du nhập khó kiểm soát trong việc thực hiện nghi lễ hầu đồng của giới thanh đồng trẻ lại liên tục được mở rộng và có phần khó kiểm soát.
Nghệ nhân, đồng thầy Ngô Cao Hải và bản điện Tiểu Ngọc Thanh |
Nhấp chén nước trà còn đang nghi ngút khói thầy Hải chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của thầy. Sinh ra và lớn lên ngay tại chính mảnh đất Cao Bằng từ những năm thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng nhưng với truyền thống cách mạng của cha ông, thầy Hải chính là người tiếp nối lá cờ Cách Mạng truyền thống đó của gia đình và đi theo tiếng gọi của cách mạng khi Tổ Quốc lâm nguy. Ông lên đường nhập ngũ, hết sức mình sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Hòa bình lập lại, ông trở về xây dựng quê hương, phát triển kinh tế xã hội. Là một người con của Thánh, căn hồ số phủ đồng thầy Ngô Cao hải luôn tự hoàn thiện bản thân mình và tích thật nhiều công đức bằng việc làm thiện tâm hàng ngày. Là người được nhân dân địa phương hết lòng tin tưởng và ủng hộ với thái độ khiêm nhường, bản tính hòa nhã, lương thiện. Ông luôn coi mình chỉ là lính ghế của Thánh, ngoài lúc nhập đồng thì thầy chỉ là một người phàm tục, các con nhang đệ tử ai cũng được thầy yêu quý và tôn trọng. Đồng thầy Ngô Cao Hải hiện đang quản lý và phụng thờ bản điện Tiểu Ngọc Thanh thành phố Cao Bằng. Ngôi điện Tiểu Ngọc Thanh là ngôi điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu gồm có 3 ngôi: Đệ nhất thượng thiên, Đệ nhị thượng ngàn, Đệ tam thoải phủ đó là ba vị thánh mẫu khác nhau. Có tài liệu cho rằng Tam tòa Thánh mẫu đều là 3 hiện thân khác nhau của Mẫu Liễu Hạnh – vị Mẫu Nghi thiên hạ 3 lần giáng trần. Mẫu Liễu Hạnh hóa thân vào cả 3 thiên: Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoải phủ. Đây cũng là nơi để thôn dân bản hạt xa gần về để giao lưu văn hóa và cầu xin những điều tốt đẹp đến với gia đình vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng.
Là người luôn coi trọng những giá trị truyền thống, chính vì thế khi biết tin Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức được UNESCO vinh danh ông đã mất ngủ triền miên vì trăn trở lo lắng về những mặt trái của giới thanh đồng đạo quan trẻ ngày nay. Thầy Hải chia sẻ, ông lo ngại bùng phát lên các ông đồng bà đồng “khóa học ngăn ngày” tự xưng và nghi lễ hầu đồng ngày càng biến tướng, thành dịch vụ làm giàu mất hết tôn kính, linh thiêng. Phải chăng đó là nỗi niềm riêng của người “lỗi mốt”? Ngày nay nhiều “đồng to bóng lơn” luôn cạnh tranh nhau phô trương thanh thế bằng lễ vật ngập ngụa, tiền vung mọi nơi mọi lúc. Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của đồng thầy Ngô Cao Hải mà còn là của cả một lớp thế hệ những thầy cựu như đồng thầy Đỗ Thị Nga, đồng thầy Trần Thị The…luôn bảo vệ hết mình cung cách hầu truyền thống. Về văn hóa kiến trúc đền phủ và phối tự thờ cần tuân thủ theo cách phối thờ của từng cung từng cửa. Cửa Thiên, cửa Địa, cửa Thoải cần phối thờ sao cho đúng. Kiến trúc đền phủ miếu mạo cần ưu tiên kiến trúc Việt, chất liệu Việt. Lối tạc tượng pháp cũng mất dần đi những lối tạc xưa, có nhiều yếu tố dung tục du nhập vào. Nhạc lễ trong nghi thức hầu đồng cũng cần tuân theo các bản cung văn xưa với thể thơ song thất hoặc lục bát. Người cung văn hát được 15, 16 làn điệu khác nhau đó là sự khéo léo tài tình trong xử lý của người hát văn. Thầy nhớ như in những câu thơ tả cảnh hầu đồng, người hát văn dâng Thánh bằng cả tâm hồn, sức sống mãnh liệt của đạo đồng:
“Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”
Thầy Hải luôn cho rằng việc bảo tồn lối hát chầu văn cổ xưa, lối hát mộc mạc chuyên sâu là việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết hiện nay. Những người có căn có đồng mới được chọn hát chầu văn hầu Thánh, mới đủ khả năng chuyển biến từ thể trạng này sang thể trạng kia, xử lý những câu hát khó. Dáng khăn áo hầu đồng, trang phục trong hầu đồng cũng cần bảo tồn theo lối xưa, dáng áo Việt, chất liệu Việt, ẩm thực Việt. Một người thầy hành trì việc đạo việc đời cần luôn mở tâm từ bi, bố thí, cúng dường. Đồng thầy Ngô Cao Hải luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, luôn hướng tâm hành thiện, việc âm thì bố thí cô hồn, việc dương thầy luôn quan tâm gieo trồng những mầm xanh của đất nước, giúp đỡ tạo điều kiện cho những trẻ em vùng sâu vùng xa vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tất cả các con đồng của thầy đều nhờ lộc Mẫu mà thành tâm quyên góp hồi hướng tích phúc tích đức cho bản thân và con cháu sau này. Xây nhà cho người neo đơn, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, con em thương binh liệt sĩ. Hỗ trợ người dân trồng rừng, tránh vỡ đê điều. Tất cả những việc làm đó đều là ý chỉ của Thánh Mẫu, thầy đều dạy con nhang đệ tử của mình tu tâm hành thiện, tích phúc tích đức.
Vất vả là thế, gian truân là thế nhưng đã là một nghệ nhân đông thầy chân chính thì việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là tôn chỉ hàng đầu, là việc là lâu dài và thường xuyên của cả cộng đồng nói chung và của các nghệ nhân thanh đồng nói riêng. Những nghệ nhân hát văn tuổi cao truyền dạy bài bản cổ cho thế hệ trẻ tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Xuân Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét