Tín ngưỡng nghi lễ hầu đồng là di sản khiến các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa của Việt Nam đau đầu vì nỗi lo biến tướng, thương mại hóa.
Theo khảo sát của Hội di sản văn hóa Thăng Long tháng 12/2018 về số lượng đền thờ mẫu, phủ, điện, chùa có ban thờ mẫu ở 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy:
Hà Nội là địa phương có nhiều đền, điện, phủ thờ mẫu nhất cả nước với 580 đền, phủ, miếu thờ mẫu; 1.640 chùa có phối thờ mẫu; hơn 1.200 điện tư gia; 2.050 thanh đồng; 570 đồng thầy; gần 800 thủ nhang và hơn 800 đồng đền, đồng điện.
Vào thời điểm hiện nay khi mà tín ngưỡng thờ mẫu và hầu đồng có chiều hướng phát triển mạnh thì đây cũng là di sản khiến các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa đau đầu vì nỗi lo biến tướng, thương mại hóa.
Những thanh đồng chân chính thường không phô trương sự giàu sang trong các nghi lễ hầu đồng. Ảnh: Tùng Dương. |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Nghiên cứu viên cao cấp - Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nói: "Hiện tượng thanh đồng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi không phải là ít.
Những thầy này không biết là do quen mồm hay cố tình mà hễ gặp ai cũng phán là có căn có số, phải ra trình đồng mở phủ thì mọi chuyện mới hanh thông, mới có lộc, mới được thăng tiến.
Đó có lẽ là do mặt trái của cơ chế thị trường tác động khiến người ta chỉ vì ham muốn vật chất tầm thường đã làm những chuyện sai trái.
Nhiều người vì thiếu hiểu biết, hoặc đang gặp trắc trở trong cuộc sống mà nghe thầy phán chắc như đinh đóng cột thì tâm lý có thể lung lay, nhiều khi không có tiền nhưng cũng cố vay mượn để làm, vô cùng tốn kém".
Một vấn đề khác được Phó Giáo sư Nguyễn Thị Yên cảnh báo là chuyện vinh danh thanh đồng khá dễ dãi, chỉ cần bỏ ra ít chi phí là có thể được sướng tên ở một sự kiện nào đó.
"Một bản đền được công nhận và ông thầy ở đó lại được vinh danh nghệ nhân thì các con nhang đệ tử kéo đến nhiều. Những thanh đồng không đàng hoàng sẽ lợi dụng vào đó để trục lợi", bà Yên nói.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng, viện nghiên cứu tôn giáo chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Hiện nay tín ngưỡng hầu đồng đang phát triển rất mạnh, xâm nhập vào đời sống xã hội và có những biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong thực hành nghi lễ, làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng và xã hội”.
Trong khi chúng ta đang nỗ lực để tôn vinh di sản, thì vẫn còn một bộ phận thanh đồng trong quá trình thực hành tín ngưỡng đã có những hành vi biểu hiện trục lợi, tiêu cực, làm xấu đi nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bản chất là do tác động của quy luật cung - cầu, cộng với nhu cầu của con người thời kinh tế thị trường và đặc biệt là tư duy sử dụng tín ngưỡng cho mục đích cầu tài cầu lộc, chính vì thế mà tín ngưỡng hầu đồng bị biến tướng.
“Hầu đồng hiện đại bây giờ thì người ngồi đồng có khả năng tâm lý rất ít. Trước đây, hầu đồng chỉ khu trú ở những người có căn tính đặc biệt, bản thân thể tạng của họ đã khác những người bình thường, còn ngày nay người ngồi đồng có thể là bất kỳ ai muốn lên đồng, thích lên đồng", Tiến sĩ Mai cho hay.
Những thanh đồng đàng hoàng sẽ không lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. Ảnh: Tùng Dương. |
Xét về mặt tâm lý và qua những nghiên cứu cận tâm lý cho thấy những người như vậy có ý thức không mạnh như người bình thường và khi ở vào trạng thái đặc biệt, với không gian đặc biệt của thực hành nghi lễ và niềm tin tôn giáo cộng với khả năng tự ám thị cái vô thức có thể trỗi dậy rất mạnh.
“Theo các nghiên cứu thì từ năm 1986 đến nay thì các đối tượng tham gia nghi lễ hầu đồng đã mở rộng ra rất nhiều và đương nhiên bản chất sự việc cũng sẽ thay đổi theo.
Có người thì múa mang tính chất biểu diễn, có không ít người múa rất là vụng và có thể nói là rất xấu. Tóm lại thời nay chỉ là diễn xướng lên đồng chứ hoàn toàn không hề có bản chất và mục đích tín ngưỡng dân gian như xưa.
Nhiều đứa trẻ hiện nay không phải vì những yếu tố đặc biệt như đã nêu trên phải ra trình đồng mà chỉ vì ông, bà hoặc cha mẹ chúng thích hầu đồng thì gia đồng cho chúng, hơn nữa bản tính trẻ con vì được thay nhiều quần áo sặc sỡ, tô son đánh phấn và được múa nên chúng thấy thích”, Tiến sĩ Mai chia sẻ.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam - nguyên Cục trưởng cục di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch chia sẻ: "Nghi lễ hầu đồng cũng giống như các lĩnh vực hoạt động khác ở trong đời sống xã hội, nó đều có mặt trái và hiện tượng tiêu cực đi kèm.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là toàn diện nhưng còn mang tính khái quát, chưa chi tiết và cụ thể hóa, chưa theo kịp những diễn biến mới nhất trong thực tế và chắc chắn sẽ rất khó điều chỉnh ngay lập tức.
Khi một vấn đề có tính quy luật như vậy thì ta phải nghĩ đến phòng ngừa, cùng một diễn biến ở trong đời sống xã hội nhưng mỗi năm, mỗi vụ việc lại biểu hiện ở một khía cạnh rất khác".
Vấn đề kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay không đơn thuần chỉ là cấm, mà phải làm sao để biến các quy định trong Luật thực sự đi vào đời sống.
"Những đồng thầy có uy tín, đã được tôn vinh là nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ ở Việt Nam phải là người đầu tiên có trách nhiệm, chấn chỉnh bản hội mà họ đang nắm giữ.
Họ phải lan tỏa những ảnh hưởng tốt đẹp của mình tới các cá nhân và nhóm người trong bản hội và toàn xã hội.
Họ có trách nhiệm giáo dục những thanh đồng trong bản hội, những con nhang đệ tử của mình, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt mới cho phép làm lễ ra đồng hoặc đưa ra khỏi bản hội những thanh đồng có biểu hiện đi ngược với đạo lý tốt đẹp, có nhưng việc làm gây phản cảm, làm biến dạng nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu .
Những đồng thầy phải tự thanh lọc trong bản hội của mình, không được nể nang hoặc chiều lòng nhau. Nếu họ tự giác và nghiêm túc thực hiện những điều đó thì sẽ hạn chế được rất nhiều những biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu vốn đã rất trang nghiêm, linh thiêng và tốt đẹp trong quá khứ", Phó Giáo sư Bài nói.
Một số thanh đồng, chủ đền chỉ phải nộp một khoản tiền nào đó là đã được vinh danh nghệ nhân hoặc công nhận bản đền. Ảnh: Tùng Dương. |
Cơ quan quản lý nhà nước rất khó theo dõi chi tiết từng hành vi văn hóa cụ thể mà phải dựa vào cộng đồng - những người sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu, không có ai giám sát và hiểu được cặn kẽ từng hiện tượng như họ.
"Các đồng thầy họ sẽ là những người phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hoạt động trái pháp luật, thậm chí có thể khai trừ ra khỏi bản hội những người không tuân thủ pháp luật của Nhà nước cũng như các quy tắc do các thành viên trong bản hội đã đồng thuận. Đồng thời đề xuất với các cơ quan quản lý văn hóa những vấn đề cần quan tâm xử lý kịp thời", ông Bài nói.
Với những hiện tượng có biểu hiện lệch lạc thì các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời sửa đổi và bổ xung các chi tiết để uốn nắn, định hướng, tránh để những vấn đề đó diễn ra quá lâu thành lối mòn trong suy nghĩ của cộng đồng thì lúc đó mới sửa luật thì sẽ quá muộn.
"Thách đố hiện nay đặt ra với Việt Nam khi UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đặc biệt là khi chúng ta trình hồ sơ có kèm theo cam kết, cùng các kế hoạch hoạt động bảo vệ di sản.
Nếu chúng ta không làm rốt ráo, quản lý thật chặt chẽ thì có thể còn tiếp tục bị những người xấu lợi dụng làm cho biến tướng. Cứ như vậy đến một lúc nào đó có thể bị UNESCO xem xét loại ra khỏi danh mục chứ không phải đã được công nhận là di sản rồi thì muốn để nó phát triển ra sao cũng được.
Điều đáng lo nữa là hiện nay, hiện tượng tiêu cực đang tự diễn biến trong nội bộ các bản hội và các câu lạc bộ Đạo Mẫu vẫn còn xảy ra", ông Bài chia sẻ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình tín ngưỡng này.
Việc cần nhất bây giờ là các cơ quan quản lý từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm dưới luật thật chi tiết và có kế hoạch hành động bảo tồn di sản theo từng giai đoạn cụ thể, từng thời gian và giao trách nhiệm cụ thể cho các bản hội.
Cần có cam kết giữa các bản Hội với sở văn hóa tỉnh, thành phố về từng hoạt động cụ thể, từng bước đi đến thống nhất chung về những quy định được phép và không được phép trong nghi lễ hầu đồng.
Tùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét