Đền Sinh, hay còn gọi là đền Mẫu Sinh ở thôn An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương) xưa nay được mệnh danh là nơi "ban con" rất linh thiêng cho những cặp vợ chồng không may vướng phải cảnh hiếm muộn. Từ nhiều năm nay, tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi tìm về đây để cầu tự và làm lễ tạ ơn "mẹ đá" đã "ban con"…
"Mẹ đá" linh thiêng
Ông Vũ Xuân Sơn, trưởng ban quản lý khu di tích đền Sinh, đền Hóa cho hay, theo bia kí, đền Sinh đền Hóa có từ thế kỷ thứ 6. Vào giờ Dần (khoảng 5h) ngày 8/5, trẻ mục đồng thả trâu sớm để sáng còn đi cày thì bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Đám trẻ gọi nhau lại thì bỗng dưng thấy phiến đá nơi phát ra tiếng khóc nứt đôi ra. Phiến đá có hình thù giống một người mẹ đang trong tư thế sinh nở. Tại chỗ lõm của phiến đá rộng chừng khoảng một chiếc chiếu, trẻ chăn trâu nhìn thấy một cậu bé (tiếng hán gọi là thiên đồng) mặt mũi hồng hào xinh xắn, tiếng khóc vang như tiếng chuông. Trẻ chăn trâu mới gọi nhau lại, lấy tay làm kiệu, lấy nón làm nọng và lấy khăn của bé gái làm cờ rước ngài đến vị trí đền thánh Hóa ngày nay (cách vị trí hòn đá 800m), bỗng dưng mây mưa sấm chớp, cát bay, đá cuộn khắp nơi mù mịt.
Lúc ấy, thiên đồng bỗng biến mất. Trẻ chăn trâu chỉ nghe thấy một tiếng vọng lại rằng: Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ, nhưng đã lộ trong cõi trần thế nên lại phụng chiếu về chầu thượng đế. Bọn trẻ đều kinh sợ, khi về nói lại cho mọi người, mọi người tụ họp ở nơi đó thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước, rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ. Từ đó anh linh hiển ứng, bảo hộ cho dân được khoẻ mạnh, giàu có vậy. Vì thế người dân mới lập hai ngôi đền: Đền Sinh - nơi sinh ra và đền Hóa - nơi hóa về trời để thờ phụng.
Đền Sinh là nơi nhiều người tin tưởng lui đến cầu tự. |
Dẫn chúng tôi vào khu hậu cung, ông Sơn tỉ mỉ giới thiệu về "người mẹ đá". Theo lý giải của ông, phần đầu phiến đá chính là đầu. Khối đá phía dưới là bầu ngực. Hai khối đá lớn, dài hai bên là đầu gối. Giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân.
Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... ngài đều phù các triều đại và được sắc phong. Hiện trong chùa còn giữ 11 sắc phong của các đời vua ban. Nhắc đến minh chứng tướng Phi Bồng phò cho quốc thái dân an không thể kể đến một chứng tích ở thời Trần. Vào thời vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên kéo sang xâm lược. Trần Hưng Đạo từ đại bản doanh ở Vạn Kiếp đã đi đến đền Mẫu sinh. Nghe nhân dân kể lại về truyền thuyết nơi đây, Trần Hưng Đạo đã ngủ lại đền một đêm. Đêm đó, ông nằm mơ thấy một ông lão râu tóc trắng xoá, đi từ phương Bắc vào trong đền, tự xưng là quan thiên thần tên là Phi Bồng Hạo Thiên giáng xuống hòn đá thời Tiền Lê, nay nghe quốc lão phụng mệnh đánh giặc Nguyên đi qua đất này nên muốn phù giúp, đợi khi bình định giặc xong mong vua ban sắc phong, ngôi vị linh hiển. Sáng hôm sau, Trần Hưng Đạo tỉnh dậy, nghe quân lính báo cáo, đêm qua sau một trận mưa gió mây đen ở đâu xuất hiện hàng trăm quân sĩ và chiến thuyền hùng mạnh. Lúc ấy, tinh thần chiến đấu của quân ta lên rất cao và sau đó giành được chiến thắng. Trận ấy, quân Nguyên đại bại, nhà vua mở tiệc khao thưởng, phong Trần Hưng Đạo làm Quốc Lão Đại Vương. Đại vương tấu rằng: Quân Nguyên sớm bình định là nhờ sức phù trợ ngầm của thần linh. Vua nghe được truyện đó liền sai sứ giả sắc phong bách thần, sắc phong nguyên tự thần hiệu: Phi Bồng Hạo Thiên Tối Linh thượng đẳng thần, sắc chỉ ban cho thần tử ở xã Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn cùng các trang ấp nghênh đón mĩ tự của thần về lập đền, điện thờ tự.
Khối đá hình người trở dạ trong khu vực hậu cung. |
"Cầu được ước thấy"?
Liên quan đến nghi thức cầu tự tại đền Sinh, ông Sơn cho biết, nghi thức này cũng bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 và lưu truyền đến tận ngày nay. Thuở ấy, có vợ chồng ông Chu Danh Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi mà chưa sinh được một mụn con. Hai vợ chồng ăn ở phúc đức, làm nhiều việc thiện nhưng mãi chưa có con. Nghe dân chúng mách bảo, hai ông bà sắm sửa lễ vật đến đền này khấn lễ và xin ngủ lại một đêm. Trong đêm, bà mơ thấy một quan thiên thần báo mộng sẽ cho một thiên thần đầu thai vào nhà họ Chu. Sáng hôm sau hai ông bà ra về thì bà gặp một nốt chân, bà Ba ướm chân vào đó thì đột nhiên biến mất. Sau đó quả như mộng báo, bà hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. Bà đặt tên con làâ Chu Phúc Uy. Chu Phúc Uy ngay từ khi mới sinh ra đã mặt mũi khôi ngô, tuấn tú hơn người. Năm 15 - 16 tuổi, Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn lại tìm về đền Sinh để cầu tự, mong sinh được con cái.
Để ghi nhận thông tin về sự linh thiêng trong tục cầu tự, chúng tôi đã tiếp chuyện với ông Phạm Văn Được (người viết sớ hơn 10 năm nay ở cổng đền Sinh-PV). Ông Được vốn là người rất cẩn thận và thường xuyên ghi chép lại tên tuổi, địa chỉ của những người đến đền Sinh cầu khấn. Ông cũng được các cặp vợ chồng đến cầu khấn tin tưởng là người có "duyên" khấn vái xin lộc thánh. Theo tục ở đây, những ai đã đến cầu khấn và về có con thì đều quay lại lễ tạ. Đó chính là cơ sở để ông Được thống kê được số ca cầu tự thành công. Theo ghi nhận của ông Được, bình quân mỗi năm có khoảng 70% số cặp vợ chồng quay lại lễ tạ. Riêng năm Quý Mùi (2003) có sự đột biến khi 365 trường hợp đến xin con thì có 325 trường hợp quay lại làm lễ tạ. Trong năm Nhâm Thìn vừa qua, cũng có gần 500 trường hợp đến xin con.
Theo lời kể của ông Được, một trong những trường hợp mà ông ấn tượng là một cặp vợ chồng quê ở Nghệ An. Cả hai đã bước sang tuổi 38 mà vẫn chưa có được mụn con. Dù đã chạy chữa khắp các bệnh viện, áp dụng rất nhiều bài thuốc dân gian mà tin vui mãi vẫn không thấy đến. Để giảm bớt áp lực về tâm lý, họ còn nhận một cháu bé làm con nuôi. Hai vợ chồng hết mực yêu thương đứa trẻ song chưa khi nào nguôi ước muốn có một đứa con do mình sinh ra.
Một lần, ra Hà Nội chơi, anh chị được người quen kể về ngôi đền linh thiêng này nên đã bắt xe về Chí Linh đến đền làm lễ xin con. Gần một năm sau, anh chị gọi điện báo tin vui cho ông Được và nhờ ông làm lễ tạ ơn thánh. "Tôi làm nghề cũng là để kiếm chút tiền phụ giúp gia đình. Song điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đó là đón nhận tin vui của các cặp vợ chồng hiếm muộn báo lại sau khi đến đền thánh. Lúc ấy, tôi thấy mình như người thân trong gia đình họ, cùng san sẻ niềm vui bất tận", ông Được tâm sự. Rất tiếc đó cũng mới chỉ là lời kể của ông Được, những thông tin trên chưa được một cơ quan chức năng nào kiểm chứng, xác thực.
Ông Vũ Xuân Sơn, trưởng ban quản lý khu di tích đền Sinh cho biết: "Chúng tôi cũng không tổng kết xem có bao nhiêu trường hợp đã có con sau khi đến xin đức Mẫu. Thông thường, những cặp vợ chồng đến lễ thường xoa tay vào phiến đá có hình hài nhi. Chúng tôi cũng chỉ nghe họ kể lại là trước đó họ đến cầu xin và đã có được con thì cũng chỉ biết thế. Tôi nghĩ, người dân mệnh danh cho ngôi đền là nơi cầu tự linh thiêng là do đức tin của họ. Thiết nghĩ, khi họ đã có niềm tin, tâm hồn thư thái thì mọi bức bối căng thẳng về tâm lý hiếm muộn con được giải quyết…
Ông Trần Đình Chung, phó chủ tịch phụ trách văn xã UBND xã Lê Lợi cho biết: Trên địa bàn xã Lê Lợi, có hai di tích nổi tiếng là đền Sinh và đền Hóa. Chúng tôi luôn vận động người dân có ý thức bảo vệ di tích, sinh hoạt tín ngưỡng có văn hóa, không sa đà vào mê tín dị đoan. Còn liên quan đến việc xin con ở đền Sinh có thể là do đức tin. Thực tế, chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh được mức độ thành công của các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm về đây cầu tự. Những con số trên chỉ là ghi chép của một số người và chưa thể kiểm chứng được.
Phạm Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét