Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Mẫu Liễu Hạnh là ai?


🌻Mẫu Liễu Hạnh là ai? Đức độ thế nào? Hiển Thánh ra sao mà lại được suy tôn là “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam?


🌱Không phải tự nhiên mà cứ vào ngày mồng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm, hàng ngàn người lại quy tụ về phủ Vân Cát ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để tổ chức lễ “Rước Mẫu Thỉnh Kinh” nhằm tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh – người đứng đầu của đạo Mẫu tại Việt Nam. Hãy cùng Phủ Giầy – Phủ Vân Cát tìm hiểu xem vậy Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ai? Đức độ của Ngài ra sao? Quyền năng của Ngài thế nào mà ngàn đời nay được nhân dân suy tôn, phụng thờ đến vậy?



🌱Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong bốn vị thần tứ bất tử trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Ngài là biểu tượng của người mẹ hiền, đề cao ba chữ “Trinh” – “Hiếu” – “Từ” (Tấm lòng trinh bạch – Hiếu thuận với cha mẹ, quê hương – Từ bi, bác ái với mọi người)



🌱Thánh Mẫu Liễu Hạnh nguyên là Đệ nhị tiên nữ Quỳnh Nga – con gái Vua cha Ngọc Hoàng. Ba lần Ngài giáng trần đều hiển linh để giúp dân, giúp nước nên được người dân suy tôn và lập đền thờ.



🌼Theo cuốn “Cát Thiên tam thế thực lục”, “Vân hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh” thì Thánh Mẫu giáng sinh lần thứ nhất ở Quảng Nạp – Ý Yên (nay là xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào làm con gái nhà ông Phạm Đức Chính (hiệu Huyền Viên) và bà Thuần Nhất vào ngày 6 tháng 3 năm 1434 (niên hiệu Thiệu Bình) triều vua Lê Thái Tông. Ngài được đặt tên là Phạm Thị Nga.



Nàng Phạm Thị Nga là một cô gái xinh đẹp, thông minh. Dù đến tuổi cập kê, được nhiều người xin hỏi cưới nhưng nàng vẫn quyết thủ thân trong trắng:



“Cuộc đời như thể phù vân
Thần tiên bận lấy duyên trần làm chi”



Ở nhà, nàng làm tròn đạo hiếu với cha mẹ “mùa hạ quạt mát, mùa đông chăn mềm”. Khi cha mẹ đau yếu thì thuốc thang, cơm cháo nửa bước không rời.



Khi nàng 30 thì cha mẹ khuất núi, Phạm Thị Nga hết sức đau lòng chẳng còn thiết tha làm ăn nên gia cảnh sa sút. May có vua Động Đình đem vàng bạc giúp đỡ, nàng ăn nên làm ra, của cái gấp 5 gấp 7 hồi cha mẹ còn sống. Làm được bao nhiêu của cải nàng đều mang đi khắp nơi ban phát cho những người nghèo khó, sửa sang phần mộ tiên linh, xây đền chùa. Năm 1473 (niên hiệu Hồng Đức thứ tư) , Tiên Chúa hết hạn phàm trần. Vào một đêm tối tự nhiên gió rung cây ngã, xe loan cùng mây ngũ sắc rước Ngài về tiên cung.



🌼Theo cuốn “Nữ thần Vân Cát” trong tập “Truyền kỳ tân phả” của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm – người sinh sau Mẫu Liễu 100 năm và cuốn “Cát Thiên Tam thế thực lục” do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển cùng một số nho sĩ viết vào năm Duy Tân thất niên (1913), Mẫu Liễu giáng sinh lần 2 ở thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định làm con ở nhà ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc. Ông bà vốn người ăn ở hiền lành, thường làm việc nhân nghĩa nhưng đến 40 tuổi vẫn chưa có một mụn con.



Vào một đêm rằm trung thu, trăng trong gió mát, ông Lê Thái Công nằm mộng thấy mình được mấy lực sĩ đưa đến nơi bồng bềnh mây khói, thành vàng điện ngọc. Bỗng ông thấy một nương tử mặc áo hồng, tay nâng chén ngọc dâng mời chúc thọ Ngọc Hoàng. Nhưng chẳng may làm rơi chén ngọc. Ngay lúc đó một viên quan hàng bên tả bước ra mở sổ ngọc ghi chép ít chữ. Rồi ông lại nghe thấy tiếng sang sảng như sấm sét phán truyền:



- Nhà ngươi chê nơi văn minh hay sao?



Rồi đoạn lôi vị áo hồng đánh vỡ chén ngọc ra cửa Nam, có người mang kim bài, trên kim bài có ghi hai chữ “SẮC GIÁNG”



Khi giật mình tỉnh giấc, ông Lê Thái Công đã thấy vợ mình hạ sinh được một cô con gái, bèn đặt tên là Giáng Tiên. 



Lớn lên Giáng Tiên xinh đẹp vô cùng, được gợi ca:



“Ví như hoa là hoa biết nói
Ví như ngọc là ngọc có hương”



Nàng không chỉ xinh đẹp, yêu kiều mà còn nhất mực thông minh, trên thông kinh văn dưới tường địa lý. Năm 18 tuổi, nàng kết hôn cùng Đào Lang (quê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và sinh được một người con trai và một người con gái.



Đến năm 21 tuổi, nàng hết hạn trần gian phải về trời. Cả gia đình đều hết sức buồn rầu. Nhưng vì vương vấn duyên trần Ngài thường ẩn hiện khắp nơi, giúp dân trồng lúa, nuôi gia súc, lập trường cho trẻ em được học hành con chữ… Những lúc thanh nhàn Ngài lại làm thơ, thổi sáo tung tích như áng mây trôi nổi. Có khi giả làm cô gái đẹp ngồi thổi sáo dưới trăng, lúc hóa thành bà lão chống gậy…ai buông lời bỡn cợt đều chuốc tai vạ. 



Nổi bật nhất là 2 lần Mẫu Liễu hiển linh đối thơ với trạng nguyên Phùng Khắc Hoan tại xứ Lạng và phủ Tây Hồ.Để lại những áng văn và những giai thoại tuyệt đẹp cho hạ thế.



🌼Lần 3 Thánh Mẫu giáng trần ở Kẻ Sỏi – Nghệ An và kết duyên với Mai Sinh – một người khôi ngô tuấn tú và nhất mực văn hay chữ tốt. Sau này Mai Sinh đỗ đạt cao, làm quan tại viện Hàn Lâm. Nhưng giữa lúc ấm êm hạnh phúc, nàng hết hạn về trời. 



Vì quyến luyến trần giang nên đã xin Ngọc Hoàng giáng trần cùng hai vị Tiên nương hóa thành những cô gái đẹp bán rượu ở đèo Ngang – Ba Dội, khi hóa thành bà già bán hàng ở Phố Cát – Sòng Sơn. Những lãng khách qua đường nếu ai đúng mực Ngài phù cho. Ngược lại những kẻ buông lời bỡn cợt thì sẽ bị tai vạ, vật chết. 



Đời Cảnh Trị (1663 – 1672) nhà vua nghe đồn có yêu quái ở vùng Thanh Hóa bèn cho quan quân cùng các đạo sĩ đến trừ tà rồi dùng đại bác bắn tan tác đền miếu của Ngài. Mẫu Liễu hết sức tức giận bèn làm cho dân chúng ở nơi đó bệnh dịch. Quá sợ hại, dân địa phương phải vào tâu vua xin Thánh Mẫu thương tình tha mạng thì mới được yên thân!



Năm Dương Hòa thứ 8 (1642) nhà vua tổ chức cuộc thi Bách Thần xem sự hiển linh. Nhà vua mới truyền rằng: Có tấm lụa trắng trước mặt, đem xé làm trăm mảnh. Nếu Liễu Hạnh công chúa thật sự linh thiêng thì phải biến trăm mảnh lụa thành một mảnh lụa nguyên vẹn. Ngài liền hóa phép, các dải lụa biến thành chữ “THÁNH THỌ VÔ CƯƠNG” rồi lại hóa thành “MÃ VÀNG CÔNG CHÚA TẠ ƠN”. Ngài lại làm phép biến trăm mảnh biến lại thành tấm lụa hoàn chỉnh để trước mặt nhà vua. Sự hiển thánh này khiến nhà vua kính nể, bèn phong Thánh cho Ngài.



Khi quân Xiêm sang xâm lược nước ta, nhà vua sai quận công Phan Văn Phái đi tiễu trừ. Khi quân đến Đèo Ngang , quận công vào đền Tiên Chúa, xin Ngài phù cho quân Hậu Lê thắng trận. Khi lâm trận, Tiên Chúa hóa phép cho trời nổi gió, cả đá bay về phía quân địch khiến chúng thiệt mạng vô kể. Quân ta thừa thắng xông lên, đánh cho quân Xiêm tan tác, không còn một mống.



Thắng trận, Phan Quận Công bèn tâu với vua Lê, vua cảm phục sắc phong cho mẫu Liễu là “CHẾ THẮNG BẢO HÒA DIỆU ĐẠI VƯƠNG”, lập đền thờ để dân chúng khắp nơi hương khói phụng sự Ngài.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT