Hầu đồng ở Bắc Việt Nam trước kia chỉ khu trú trong hệ thống các di tích thờ thánh Trần, thánh Mẫu ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, và đền thờ vua cha Bát Hải (Thái Bình). Nhưng từ sau đổi mới, nhất là những năm gần đây hầu đồng diễn ra khá sôi nổi ở hầu khắp các di tích lịch sử văn hóa. Các canh hầu không chỉ được tổ chức ở những đền thờ Thánh nữa mà mở rộng cả ở các đình, chùa. Sự phát triển mạnh mẽ của hầu đồng với mật độ gia tăng cả về số lượng người gia đồng tại các địa phương đã kéo theo tình trạng các chùa đua nhau xây thêm phủ Mẫu. Chỉ cần dạo một lựơt các di tích trên địa bàn Bắc Bộ và Hà Nội cũng nhận ra các điện Mẫu đều có niên đại khoảng từ năm 1996 đến 2000 trở lại đây. Thống kê nguyên ở Hà Nội thôi cũng đã thấy hàng loạt các di tích có điện Mẫu và tổ chức hầu đồng: Đền Ba Cây, đền Đầm Sen (Hoàng Mai); đền Dâu, đền Cây Xanh, đền Lý Quốc Sư, đền Hưng Nghĩa (Hoàn Kiếm); đền Hai Bà, đền Lương Yên (Hai Bà Trưng); đền Ngọc Hà (Ba Đình); chùa Bộc, đền Bích Câu (Đống Đa); phủ Tây Hồ, đền Nghĩa Dũng (Tây Hồ); đền, chùa Bà Tấm, đền Dầm, đền Sở (Gia Lâm)... đó là chưa kể đến hệ thống các điện tư gia ngày một nhiều nằm lẫn trong hàng nghìn khu dân cư của Hà Nội.
Hầu đồng bây giờ không nhất thiết phải cố định vào dịp nào nữa mà đã diễn ra theo phổ rộng và rải đều trong năm. Theo báo cáo của phòng nghiên cứu văn hóa Huyện Vụ Bản (năm 2007) thì hằng năm tại cơ sở di tích quần thể phủ Giầy có tới khoảng 500 canh hầu/ một di tích. Tuy nhiên khi khảo sát điều tra thực tế tại phủ Tiên Hương (phủ chính) và căn cứ vào tài liệu ghi chép của thủ nhang tại phủ, chỉ tính riêng trong năm 2008 các bản hội và cá nhân đăng ký hầu tại phủ, con số đã lên tới 1.288 canh hầu, tập trung cao nhất là vào dịp đầu năm từ tháng 1 đến tháng 3. Trong số những canh hầu kể trên thì tỷ lệ những canh hầu của người Hà Nội là đông hơn cả, chiếm tới 350 lượt; Bắc Ninh 108; Quảng Ninh 14; Hải phòng 20 còn lại là các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Miền Nam (1). Mật độ hầu trong năm tập trung chủ yếu vào ba tháng đầu năm từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch.
Tương tự như vậy, khi được hỏi về số lượng các canh hầu do các chủ điện tư gia tổ chức tại điện nhà riêng, đại bộ phận đều cho biết họ tổ chức từ 50-70 vấn hầu/năm (2). Trong một phỏng vấn sâu khác tại chùa Trắng - Tả Thanh Oai (HN) cũng được cho biết con số 20 canh hầu/tháng 8-2007; một cung văn hạng thường (chỉ hát hầu những vấn hầu có quy mô vừa và nhỏ) cũng cho biết từ năm 2002 trở lại đây mỗi năm anh và các bạn hát của mình tham gia khoảng trên 100 canh hầu (3). Con số thực tế cho thấy người dân đô thị Hà Nội hầu đồng chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này phần nào cũng cho chúng ta thấy được bức tranh về thực trạng đời sống tâm linh của người dân đô thị Hà Nội nói chung.
Các hình thức hầu đồng ở Bắc Bộ hiện nay
Cùng với sự tăng cường về tần xuất các canh hầu đồng thì tính chất và hình thức các cuộc hầu cũng khá đa dạng và phong phú với nhiều tên gọi khác nhau: hầu trình (hầu trình diện cửa thánh trong dịp lễ hội), hầu khai điện (hầu đầu năm mới), hầu tạ (hầu vào cuối năm để tạ ơn thần thánh), hầu mừng đồng (tổ chức một đại lễ hầu mừng cho căn đồng đã qua một giai đoạn thử thách dài - 9 năm), hầu tiễn căn (để di cung bán số tiễn đi căn mạng, duyên nợ của một người có căn đồng nhưng không muốn gia đồng, vì thế còn được gọi là hầu trả nợ Tứ phủ), hầu trình đồng (tổ chức hầu đồng để một người có thể thành đệ tử (ghế) của thần linh). Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhausong quá trình thâm nhập các bản hội của các căn đồng, chúng tôi nhận thấy về cơ bản đều được tổ chức dưới 3 hình thức chính là hầu trình trầu, hầu vui và hầu chứng đàn.
Hầu trình trầu
Hầu trình trầu hay còn gọi là hầu trình cũng là những hoạt động lên đồng hầu bóng thông thường, hầu trình chỉ tập trung nhiều nhất ở những thời điểm lễ hội của các di tích lịch sử văn hóa (nhà Trần, hoặc di tích thờ Mẫu Liễu - Nam Định). Trong hình thức hầu trình, người ngồi đồng chỉ hầu 1-2 giá với mục đích để thần linh giáng về (cụ thể là Đức Thánh Trần, hay Mẫu) nhập vào người đồng thầy và chứng nhận cho các con nhang đệ tử đến trình diện cửa thánh. Những người về đây hầu trình thường là những người dân nghèo, hoặc các tiểu thương, tiểu chủ, họ được cho là có căn đồng nhưng do không có điều kiện gia đồng làm lính tứ phủ nên hàng năm chỉ có mâm trầu cau và sớ tấu về lễ bái cửa thánh. Người đi hầu trình thường đi thành từng đoàn từ 10 đến 15 người, thậm chí tới 40 người. Họ là bạn buôn bán nhỏ với nhau, hoặc ở cùng một địa phương và lập thành đoàn đi lễ thánh. Trong đoàn bao giờ cũng có một đồng trưởng (đồng thầy) để lên đồng làm lễ. Nhiều đoàn còn may khăn đóng áo dài cùng màu rất trịnh trọng, Khi vào lễ thánh, đồng thầy thực hiện nghi lễ hầu đồng để cho thần linh giáng về nhận lời tấu xin hay chứng “quả đàn quả lễ” (nhận đàn lễ). Khi hầu đồng, đồng thầy cũng có một đến hai người hầu dâng để giúp họ lên khăn áo. Trong hình thức hầu này, giá đồng thường giáng là các quan (quan đệ nhất - đệ ngũ) để chứng lễ cho con nhang đệ tử. Lễ vật trong hầu trình đơn giản chỉ là một mâm trầu cau và một mâm gồm toàn lá sớ ghi tên họ và những sở nguyện của các con nhang trong đoàn cùng một ít vàng hương, có đoàn thêm mâm hoa quả. Những mâm trình như thế thường là để chung cho cả đoàn, tuy nhiên cũng có đoàn mỗi người đội một khay nhỏ gồm 15 quả cau, 15 lá trầu, một ít hoa quả và cài vào đó lá sớ ghi tên họ của mình cùng sở nguyện và một tập sắc bằng lụa có in chữ Hán (tấm lụa này có ý nghĩa như là chứng chỉ thừa nhận căn đồng đó thuộc dòng Thanh đồng, hiện tượng này chỉ gặp ở các đoàn về trình Đức Thánh Trần). Khi “thánh” giáng, đồng thầy làm động tác khai quang tẩy trần cho toàn bộ những thành viên ngồi trong chiếu chầu. Sau đó ra hiệu cho từng người trong đoàn đã ngồi sẵn xung quanh lần lượt vào chiếu đội mâm trầu cau, sớ tấu lên đầu, đồng thầy dùng ba nén hương cháy chứng lễ cho từng người, cứ lần lượt như vậy cho đến người cuối cùng. Chứng lễ xong, đồng thầy trong vai “thánh” múa vài ba đường đao, kiếm, đôi khi cũng phát chút ít lộc cho những người xung quanh, sau đó thì thăng đồng.
Các vấn hầu kiểu này thường không có cung văn, nếu có cũng rất ít thần linh được triệu thỉnh (chỉ vài ba giá đồng là nhiều). Những đoàn như thế này về rất đông trong lễ hội đền Trần cũng như lễ hội phủ Giầy trong những ngày chính hội. Theo quan sát trong 3 ngày 12 đến 14-8-2007, mỗi ngày ở đền Thượng (đền Thiên Trường - Nam Định) có tới vài chục đoàn về hầu trình trầu. Tập trung nhiều nhất là các đoàn tỉnh Ninh Bình, Nam Định (vùng Xuân Trường, Hải Hậu), Hưng Yên, Thái Bình, và Hà Tây (cũ).
Hầu vui
Hầu vui còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau tùy theo thời điểm được chọn để lên đồng hầu bóng: hầu khai đàn (đầu năm), hầu tạ (cuối năm), hầu mừng đồng (sau 8-10 năm gia đồng của các căn đồng, hầu tiệc hoàng 10; tiệc cô Bơ...). Người tổ chức hầu vui là người đã chịu thụ lễ gia đồng trình lính và đã là tôi tứ phủ. Mục đích hầu vui được tổ chức nhằm mục đích cầu cho gia sự nhà căn đồng yên ổn, tài lộc dồi dào và cũng là dịp để khao đãi bạn đồng tạo điều kiện để các thành viên trong bản hội về bản điện dâng lễ thánh cầu cho toàn gia an khang thịnh vượng. Từ tính chất này hầu vui còn được hiểu là hầu để cầu xin thánh ban lộc ban tài cho bách gia trăm họ.
Đối với những đồng thầy có điện tư thì hầu vui tổ chức ngay tại điện nhà, những người đã gia đồng rồi nhưng chưa lập điện tại nhà thì phải hầu nhờ tại điện của chùa, phủ hoặc mượn điện tư gia của đồng thầy (người đã gia đồng cho mình). Để tổ chức thành công một canh hầu thì các căn đồng phải chuẩn bị khăn áo cho những giá (ngôi thánh) mà mình định lên đồng, mua sắm lễ vật để phát lộc chứ không có trầu cau hay mã lễ (trong hầu vui không bắt buộc phải có đồ mã, tuy nhiên nếu chủ thể có điều kiện tiến vàng mã thì cũng không sao, nhưng số vàng mã đó chỉ là tiền vàng chứ không có hình nhân và các con vật). Trong hầu vui, lộc tiền và lộc quả được chuẩn bị khá nhiều. Hầu vui là để thỏa mãn đời sống tâm linh, tinh thần của bản thân các căn đồng nên toàn bộ kinh phí bỏ ra sắm lễ lộc, cũng như tiền lộc và bữa cơm thết khách là do các đồng phải tự chuẩn bị. Trong hầu vui các căn đồng lên đồng rất nhiều giá, có khi là 15 giá, cũng có khi lên tới 36 giá. Có thể nói chỉ trong những canh hầu kiểu này mới bộc lộ đầy đủ phong cách và vị trí xã hội của các căn đồng (đồng sang lính lịch sự, hay đồng khó lính hèn (4)) và cũng là dịp để phô trương thanh thế của người chủ lễ (5). Với mục đích thỏa mãn cái tôi (khoe sang, khoe đẹp) và gây ảnh hưởng của mình trong giới, nên trong các canh hầu vui rất đa dạng về mức độ chi phí: có canh hầu chỉ từ 4-5 triệu đồng với khoảng 20 người dự, tiền lộc chỉ là những đồng có mệnh giá 500- 5000 đồng. Song cũng có canh hầu tên tới 120 triệu đồng với hàng trăm người dự và tiền lộc mệnh giá từ 10.000 đến hàng trăm nghìn đồng. Trong hầu vui, khi được mời đến dự, tất thảy các vị khách mời đều đem theo phong bao đặt lễ vào cửa điện, với số lượng tiền không bắt buộc mà chỉ tùy tâm nên có người nhiều người ít. Theo quan sát, khách đến dự có người đặt 100 nghìn, 50 nghìn, vài ba trăm, cũng có người chỉ 10 nghìn. Tất cả những tiền đó được coi là tiền mừng thầy được bắc ghế hầu thánh. Toàn bộ số tiền này hiện nay chưa thống kê được là bao nhiêu, song điều chắc chắn là sau cuộc hầu, nó thuộc về người lên đồng hầu thánh hôm đó.
Trình tự một canh hầu vui diễn ra cũng bao gồm các bước: cung văn dạo văn công đồng, trùm khăn phủ diện, bỏ khăn khi thánh giáng về và các đồng cũng làm việc thánh (múa đao, kiếm, hèo, quạt, chèo đò hái hoa... sau đó phát lộc và kết thúc một giá (thánh thăng) bao giờ cũng bằng điệu văn chầu xe giá hồi cung và tiếp tục các giá khác cho đến khi hết, giá nào về có riêng văn giá đó.
Hầu chứng đàn và nghi lễ mở phủ
Hầu chứng đàn là một loại hình hầu giá đồng để thánh hiển linh về chứng đàn lễ cho người có căn số. Tuy nhiên hầu chứng đàn cũng phân thành hai loại, một dạng hầu chứng đàn để tiễn căn số cho người có căn cao số nặng (điều này có thể hiểu như một cuộc lễ để hóa giải mọi cơ duyên giữa con người với thần linh tứ phủ). Hầu chứng đàn được các căn đồng giải thích là khi một người có căn đồng thì phải gia đồng để bắc ghế hầu Thánh, nhưng vì điều kiện người đó không thể gia đồng (6) được thì phải lập đàn lễ kêu lên thánh Mẫu, thánh Cha xá, miễn cho và các đồng thầy sẽ làm phép di cung bán số (đổi số mệnh của ngườì đó sang một người khác và cung tiến hình nhân về tứ phủ để thế mạng). Từ ý nghĩa này, hầu chứng đàn còn được gọi là hầu tiễn căn (tiễn đi căn số của mình). Ngoài ra cũng có một hình thức hầu giá đồng khác và cũng là hầu chứng đàn lễ nhưng lại kèm theo nghi thức chứng đồng trình lính cho con nhang. Hình thức này được gọi là hầu mở phủ hay hầu trình đồng. Để tiện phân biệt hai loại hầu này, sau đây chúng tôi gọi theo cách của giới đồng bóng là hầu tiễn căn và hầu mở phủ.
Khác với trong hầu vui chủ thể ngồi đồng đã là tôi tứ phủ, chủ thể trong hầu chứng đàn đều chưa từng chịu lễ trình đồng. Vì vậy dù là để tiễn đi căn cao số dầy của mình hay gia đồng nhập lính thì họ cũng phải nhờ chủ thể thứ hai là đồng thầy thực hiện nghi lễ lên đồng để “thánh nhập/ giáng” vào chủ thể thứ hai này mà thụ lễ cho họ.
Hầu tiễn căn với ý nghĩa dùng đàn lễ và hình nhân để thay thế cho sinh mạng của người có căn tứ phủ về hầu hạ thánh nơi tứ phủ. Trong hầu tiễn căn cần thiết khá nhiều lễ vật để kêu xin thần linh tứ phủ cho được di cung bán số (đổi cung mạng). Tuy nhiên mỗi lần tiễn căn chỉ có giá trị trong 12 năm, vì vậy hình thức hầu này còn được gọi là hầu khất đồng, hay hầu trả nợ tứ phủ.
Trình tự của một canh hầu tiễn căn bao gồm các bước: cúng khai đàn trong vòng 3-4 tiếng (đàn lễ to thì có 5 người cúng gồm 1 pháp sư và 4 thầy cúng tứ phủ, đàn lễ nhỏ thì chỉ một thầy cúng); cung văn thỉnh văn công đồng để đồng thầy vào hầu giá, bao giờ cũng có bước các giá quan về chứng lễ vật, ngoài lễ tam sinh (xôi thịt, cua, ốc, cá) còn bao gồm rất nhiều đồ vàng mã: voi, ngựa, thuyền, mảng, lốt ba đầu, hình nhân, mũ áo, giày, hài, tiền vàng và cả 1-4 tòa hình nhân tượng trưng cho bà chúa các phủ... Sau khi chứng lễ xong đem hóa ngay, sau đó đồng thầy nhập đồng các giá thần linh khác như chầu Bà, ông Hoàng, Cô, Cậu và cũng làm các “việc thánh” như múa đồng, phán bảo, phát lộc...
Hầu mở phủ là canh hầu được tổ chức với mục đích là mở phủ trình đồng cho người có căn đồng, vì vậy còn được gọi là hầu trình đồng. Trong hầu trình đồng cũng phải sắm rất nhiều lễ vật như trong chuẩn bị cho nghi lễ hầu tiễn căn, tuy nhiên có thêm 4 chum nước gắn cờ hiệu 4 phủ và bày trên ban thờ, cạnh đó là các mâm lễ gồm: trứng, gạo, muối để làm nghi thức đập chum vảy nước thánh. Cuộc hầu sau khi đã qua các nghi thức lên đồng hầu tráng bóng các giá Mẫu là đến giá hàng quan về chấm đồng, và cứ mỗi giá quan nào về thì người chịu lễ cũng được làm nghi thức chấm đồng (chứng người) bởi vị quan đó, thao tác tiếp theo là quan mở cờ hiệu gắn trên miệng chum nước của phủ ấy và lấy gáo múc một chút nước bên trong vẩy nhẹ vào mâm lễ vật để cạnh gồm trứng, gạo, muối sau đó tưới vào chậu cây để gần (có nơi làm động tác này bằng cành hoa, lá). Ý nghĩa của nghi thức này là nước thánh tưới vào cây thì cây lớn, vẩy vào trứng, trứng nở thành con, vảy vào gạo, gạo thành cơm... (lúc này cung văn thường tấu khúc trứng rồng lại nở ra rồng). Chi tiết này thực chất cũng chỉ là thể hiện ước muốn phồn thực của cư dân nông nghiệp mà thôi. Sau đó thầy đồng/thánh bốc một chút gạo, một chút muối, và 5 quả trứng có bọc giấy màu của phủ đó để vào một đĩa nhỏ trao cho người chịu lễ. Cứ như vậy qua 4 giá quan đại diện cho 4 phủ thì người chịu lễ gia đồng phải chịu 4 lần nghi thức vẩy nước và nhận 4 đĩa lộc gồm trứng, gạo, muối (7). Sau 4 giá quan thì đến giá quan Triệu và mọi nghi thức cũng giống như trong hầu tiễn căn.
Tiếp theo các giá quan là các giá chầu Bà về chứng lễ 3, 4 tòa và mọi đồ mã lễ được hóa hết. Tuy nhiên trong hầu trình đồng có một chút khác biệt với hầu tiễn căn ở chỗ khi các giá chầu kết thúc bằng giá chầu lục và các nghi thức hóa đồ mã thì đồng thầy không tiếp tục lên đồng nữa mà thoát khỏi chiếu lễ và tung khăn phủ diện cho người chịu lễ ngồi sẵn phía sau. Hành động này được gọi là “rút khỏi mái nhà thánh” để nhường cho người chịu lễ lúc này đã là đồng lính tiếp tục lên đồng cho đến khi kết thúc buổi lễ (nhiều trường hợp đồng thầy vẫn ngồi lại cạnh hầu dâng, hoặc trong vai trò hầu dâng để nhắc nhở đồng tân làm đúng phép đồng). Việc thay thế đồng thầy tiếp tục hầu đồng của đồng lính được coi là để “tiếp lộc” (tiếp thêm lộc của thánh cho đồng mới).
Hầu tiễn căn, hầu trình đồng, hầu vui đều có thể tiến hành tại điện Mẫu của chùa, đền hoặc tại phủ Mẫu hay ở điện tư gia đều được. Tuy nhiên để có thể thực hiện được nghi lễ này các con nhang đệ tử cần phải có sự trợ giúp tuyệt đối của đồng thầy - người chủ điện thờ thánh và cũng là người trực tiếp làm lễ cho họ. Trước kia đồng thầy thường kê biên các thứ cần thiết cho cho cuộc lễ và con nhang phải tự đi mua đem đến, song ngày nay đồng thầy cũng đồng thời là nhà cung cấp mọi thứ mà cuộc lễ cần. Thực tế điều tra tham dự cho thấy hầu hết các đồng thầy hiện nay đều “phát giá trọn gói” cho gia chủ, hình thức này xem ra có vẻ tiện cho cả đôi đường. Với các con nhang thì không phải đôn đáo hỏi han mua sắm mà chỉ cần đúng ngày giờ đó là đến chịu lễ, còn đồng thầy thì cũng có thể thiết kế nên một cuộc lễ theo đúng ý của mình.
Điều tra phỏng vấn sâu các đồng thầy, đồng lính (8) ở những địa bàn khác nhau cho thấy hiện nay “giá” của một lễ tiễn căn cũng như lễ gia đồng rất đa dạng với nhiều mức khác nhau. Song phổ biến có 3 mức: mức thấp nhất hiện nay ở Hà Nội có giá là 8 triệu đồng (và cũng chỉ có thể tiến hành ở các điện tư gia); mức thứ hai (thường làm ở các điện Mẫu, chùa, đền ở Hà Nội) có giá 13-15 triệu đồng (9); mức thứ 3 lên đến 35 triệu đồng ở những đền to phủ lớn: phủ Giầy (Nam Định); đền Dâu (Hà Nội)(10). Toàn bộ số tiền đó đều do con nhang (người chịu lễ) đưa trọn gói cho đồng thầy, đồng thầy sẽ dùng để mua sắm lễ vật, làm cơm thết khách và phát lộc tiền (cả tiền tung và tiền ban lộc) trong canh hầu khi các ngôi thánh giáng về.
Để có thể thiết kế được các canh hầu thích hợp với những hoàn cảnh kinh tế khác nhau, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng khác nhau của các con nhang đệ tử, các đồng thầy ngày nay cũng tự kiến tạo cho mình một mạng lưới các quan hệ xã hội với đầy đủ các thành viên cần thiết để có thể cung ứng các lễ vật và trợ giúp Đồng Thầy thực hành những cuộc lễ thành công. Những nhân vật đó gồm: 2-4 người hầu dâng có kinh nghiệm và khéo tay trong trang trí ban thờ cũng như hóa trang cho các đồng khi thực hành lễ thức; 2-3 ban cung văn với trình độ cao thấp khác nhau, họ là thành phần tạo nên tiết tấu chính của cuộc lễ (11); 2-3 cơ sở làm vàng mã với những chất lượng và hình thức khác nhau: đẹp, vừa phải; ngoài ra là những người chuyên cung cấp hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt và một vài người chuyên phụ trách công việc bếp núc, nấu ăn để làm cơm thết bạn đồng sau khi kết thúc cuộc lễ. Tất cả những người này hoặc đã có đồng hoặc chưa gia đồng (12) nhưng cũng là những con nhang đệ tử thường xuyên đến lễ tại bản điện. Họ lập thành một bản hội và thường xuyên có quan hệ qua lại với nhau và với đồng thầy. Mỗi khi có cuộc lễ tại điện của đồng thầy họ chính là những thành viên tham dự trong vai trò trợ giúp (hầu dâng lên khăn áo); thỉnh mời thánh giáng đồng (cung văn); tung hô, hưởng ứng, phụ họa (các con nhang, đệ tử); chuẩn bị các chất liệu cấu thành buổi lễ (vàng mã, hoa quả, bánh kẹo...). Với những đặc thù riêng của thực hành nghi lễ lên đồng như vậy nên mỗi đồng thầy đều có một bản hội riêng của mình, số lượng các thành viên trong bản hội ít nhất cũng tới 30 người và tăng dần theo thời gian đồng thầy hành nghề cũng như bổ sung qua các quan hệ bởi cả đồng thầy và đồng lính. Trong bản hội có tồn tại những quy tắc ứng xử bất thành văn giữa các thành viên với nhau: tôn trọng và hỗ trợ đồng thầy vô điều kiện, có thời cơ là lôi kéo các con nhang, tín chủ cho bản điện của đồng thầy. Ngược lại đồng thầy cũng là người chịu trách nhiệm về đời sống tâm linh cho các đệ tử của mình, luôn luôn tạo điều kiện cho các đệ tử trong bản hội bán được hàng hóa hay sản phẩm của họ cho các cuộc lễ như: hoa quả, bánh kẹo, quần áo, vàng mã... và đến dự lễ để “hưởng lộc Thánh” khi bản điện có tổ chức lên đồng cho dù canh hầu đó đồng thầy là chủ thể hay là khách thể (13).
Đi liền với sự phong phú của các hình thức hầu đồng các lễ vật cung tiến về tứ phủ trong các canh hầu cũng là những biểu hiện rõ nét nhất của một nền kinh tế hàng hóa. Điều đặc biệt hơn là thành phần dân cư gia đồng trình lĩnh cũng tăng cả về số lẫn chất lượng. Mặc dù chưa có con số thống kê chính sách nhưng con số 1.288 canh hầu được tổ chức ở phủ Tiên Hương (Nam Định) với 350 lượt của người Hà Nội cũng phần nào phản ảnh sự đông đảo này của các tầng lớp đồng. Có những bản hội của những thương nhân lớn, có bản hội của những thương nhân nhỏ; trong các đồng cũng có người có căn đồng thực sự (khi lên đồng họ hoàn toàn mất ý thức) và cũng có người bình thường (khi lên đồng họ hoàn toàn tỉnh táo). Thành phần xuất thân của các đồng cũng hết sức đa dạng có ngườì từng bị điên dở, có người chỉ hay ốm đau lặt vặt, có công chức về hưu, có thương nhân lớn - nhỏ , có người đồng tính, có người bình thường..., tất cả đều đến với lên đồng với nhiều lý do khác nhau, song điều chung nhất ở họ là đều nhận được từ hầu đồng những thứ họ cần!
Hầu đồng hiện nay ở Bắc Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
Thực trạng của lên đồng hầu bóng ở Bắc Việt Nam như đã nêu ở trên đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề, có cả những mặt tốt và cũng tồn tại khá nhiều nổi cộm.
Cùng với hiện tượng siêng năng đi lễ của nhiều thành phần dân cư, sự bùng phát và hưng thịnh trở lại của lễ thức hầu đồng, một phần thể hiện sự sung túc của đời sống kinh tế người dân với mong muốn được tham quan du lịch, song phần khác cũng thể hiện nhu cầu tâm linh đang ngày càng cao trong đời sống tinh thần của con người thời hiện đại. Vậy thực chất của vấn đề ở đây là gì, nó có còn chỉ là biểu hiện của “phú quý sinh lễ nghĩa” hay là dấu hiệu của những đòi hỏi về một cuộc sống bên trong - cuộc sống tinh thần.
Sự gia nhập ngày càng đông các tín đồ đạo Mẫu cho dù nhìn dưới góc độ họ có căn đồng thật sự hay tự nhận mình là người có căn đồng, hoặc được cho là có căn đồng thì cũng phản ảnh một sự thật về tình trạng rối nhiễu tâm, sinh lý đã và đang ngày một gia tăng trong cộng đồng người Việt nhất là người Việt ở các đô thị lớn, nơi chịu những tác động mạnh nhất của hệ lụy kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu.
Việc tìm đến với thần, phật vốn dĩ vẫn là nét ứng xử với tự nhiên mang tính truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam, song sự gia tăng có tính chu kỳ của các thực hành tâm linh nói chung, hầu đồng nói riêng (14) một mặt phản ảnh tác dụng của chính sách cởi mở về tự do tôn giáo của Đảng và nhà nước ta, song mặt khác cũng phần nào dung chứa, báo hiệu sự mất an ninh con người ở phương diện an toàn tâm - thể. Trong bối cảnh xã hội với những nghịch lý về phát triển như: đời sống kinh tế nâng cao thì cũng là lúc môi trường sống bị đe dọa; xã hội phát triển thì cũng là lúc khoảch cách giàu nghèo ngày càng gia tăng; các vấn đề xã hội nảy sinh và ngày càng trở nên phức tạp; cơ hội và rủi ro cùng song hành tồn tại khiến cho sự thành công cũng dễ dàng hơn và thất bại cũng không lường trước nổi. Kinh tế thị trường khiến cho cuộc sống con người sôi động và cũng năng động hơn, song dường như trong sự năng động đó hàm chứa cả sự phiêu lưu mạo hiểm... tất cả đặt con người trước những mối đe dọa bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn, vì vậy đi lễ nói chung, hầu đồng nói riêng đã và đang đóng vai trò như một sự bảo hiểm hữu hiệu để đời sống tinh thần con người được bình an.
Sự nhiều lên về số lượng các điện thờ thánh tứ phủ ở khắp các loại hình di tích: đình, đền chùa, phủ và sự tái xuất hiện điện thờ tư gia cùng hiện tượng các nhà sư “thi nhau” trình đồng và tổ chức hầu đồng ở các chùa đã bộc lộ tính thích ứng của tín ngưỡng này trong cơ chế mới, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ nét tính thực dụng của hệ thống tín ngưỡng này. Sự xuất hiện nhiều nhặn của các đồng trong xã hội Bắc Việt Nam thông qua chỉ báo về nguồn gốc xuất thân của các đồng, cho thấy ngày nay người ta đến với điện mẫu không chỉ vì tâm linh, và cũng không cần phải tìm hiểu về cơ chế tâm linh của hầu đồng nữa mà đến với lên đồng là để thỏa mãn những nguyện vọng của mỗi cá nhân.
Các cơ sở di tích, điện thờ thánh công - tư đã và đang chuyển hóa từ vị thế là những không gian thực hành hoạt động tâm linh sang thành những cơ sở dịch vụ tâm linh và vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Nghi lễ lên đồng cũng như các đồng thầy xưa từ chỗ chỉ đơn thuần là người thực hành các hoạt động tâm linh với mục đích thiện là nhằm cứu giúp những người bị hành, bị ma ám (xưa kia lên đồng là để trừ tà sát quỷ) thì nay họ đã trở thành những người có độc quyền được gia giá với các “thượng đế”, khía cạnh này khiến hành nghề tâm linh đã và đang trở thành một “nghề hot” hiện nay. Đó là chưa kể ở lĩnh vực nghề nghiệp này còn có khá nhiều lợi thế: thứ nhất không bị ai kiểm duyệt, kiểm soát (vì lý do tự do tôn giáo), thứ hai sản phẩm mà nghề này tạo ra không bị mặc cả bao giờ (không ai đi mặc cả giá một canh hầu tiễn căn hay hầu trình đồng, và cũng chẳng con nhang nào mặc cả giá một bộ trang phục thần thánh hay mặc cả thêm bớt một đàn lễ mã để chuộc mệnh cho mình... tất cả đều mặc nhiên do các thầy phát giá và người chịu lễ chỉ có theo!
Sự biểu hiện của nghề này thể hiện khá rõ ở cách ứng xử với các con nhang đệ tử của đồng thầy, họ không phải là những người chuyên lo việc chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh cho con người nữa mà trở thành một địa chỉ dịch vụ hẳn hoi. Tính dịch vụ ở chỗ mỗi đồng Thầy tự thiết lập cho mình một mạng lưới xã hội gồm các thành viên có khả năng cung cấp các sản phẩm phục vụ cho nghi lễ hầu đồng: từ hầu dâng chuyên nghiệp, đến các nhà cung cấp mã lễ các chủng loại với các giá khác nhau; các cung văn với những tầng bậc, trình độ cao thấp khác nhau để cùng hội lại thành một hệ thống dịch vụ mà người điều hành là đồng thầy. Với hình thức tổ chức mạng xã hội kiểu này, Đồng Thầy đã hoàn toàn lo trọn gói cho con nhang trong việc thực hành nghi lễ từ các khâu: thầy cúng, trang phục, vàng mã, lễ vật và con nhang chỉ đơn thuần là những khách hàng và đến chịu lễ theo đúng ngày giờ. Hơn nữa tính dịch vụ còn thể hiện ở khả năng cung cấp dịch vụ với các mức giá khác nhau: thấp - trung bình - cao. Mà các cấp bậc cung văn hay mức độ đầy đủ, đẹp đẽ của các đồ lễ, mã, tất cả để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng từ khách nghèo đến khách giàu, thậm chí cả các đại gia đều hài lòng. Có thể nói, các đồng thầy chủ điện công, tư gia hiện nay đều có thể đáp ứng mọi nhu cầu của quý khách!
Ở nhiều điện công thì dịch vụ này còn được tổ chức khá hoàn hảo và chuyên nghiệp tới mức tạo thành một hệ thống dịch vụ đầy đủ ngay tại cơ sở di tích. Tại đây có cả thầy cúng, cung văn, hầu dâng của bản điện (họ ăn, ngủ và làm việc tại di tích); trong di tích cũng bán cả vàng mã, trang phục cũng như các dụng cụ khác dùng trong nghi lễ lên đồng hầu bóng, thậm chí cả dịch vụ đổi tiền - cung cấp lễ vật và cả nơi ăn chốn nghỉ cho các đồng về hầu đồng tại đây.
Trở thành một dạng dịch vụ, đồng nghĩa với nó là xuất hiện những khuynh hướng rõ rệt của kinh doanh dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vai trò điều tiết của hệ thống quản lý nhà nước đối với các hình thức kinh doanh dịch vụ đã và đang bộc lộ nhiều lúng túng. Dịch vụ tâm linh chưa được thừa nhận trong văn bản pháp quy, song trên thực tế thì rất nhiều các cơ sở tâm linh đã và đang hoạt động và vận hành theo khuynh hướng này. Điều rất dễ nhận thấy là do chưa thừa nhận nên tất yếu cũng chưa có chế tài cụ thể trong quản lý loại hình dịch vụ này, vì vậy không tránh khỏi bộc lộ rất nhiều bất cập và phức tạp. Tình trạng vàng thau lẫn lộn, tâm linh và phi tâm linh cũng vì thế mà khó phân biệt rạch ròi, khiến cho hầu đồng ở Bắc Việt Nam hiện nay nằm trong tình trạng khen - chê cùng song hành tồn tại. Vì vậy để có thể xây dựng một hồ sơ di sản văn hóa về hầu đồng còn cần rất nhiều công phu, sức lực và cả tài năng, tâm huyết.
________________
1. Riêng các canh hầu của các đồng khu vực Nam Bộ là ít nhất và cũng chỉ ở Sài Gòn hoặc Bình Dương và đại bộ phận là người ở Bắc vào sinh sống, điều này được lý giải là đất Bắc mới là đất hầu bóng chứ miền Nam không phải là cái nôi của lên đồng, hầu bóng.
2. Tư liệu phỏng vấn sâu một đồng thầy ở một điện tư gia, Định Công, Hoàng Mai.
3. Tư liệu phỏng vấn sâu một cung văn ở Triều Khúc, Thanh Xuân.
4. Một cách nói của các đồng thầy ý chỉ về sự giàu sang phú quý hay sự nghèo hàn của mình và các thành viên bản hội.
5. Theo quan niệm của giới đồng bóng, một thầy đồng mà có nhiều con nhang theo tức là thầy đồng đó cao tay, có nhiều lộc thánh.
6. Ở đây chúng tôi dùng từ gia (với ý nghĩa tham gia vào ) điều này đùng với ý nghĩa của cuộc lễ là nhằm để cho các con nhang trở thành đệ tử trong đội ngũ những đệ tử của của thánh, chứ không phải “ra” là nghĩa đi ra, tách ra.
7. Những thứ này người chịu lễ hôm đó phải đem về và nấu lên để ăn (và phải ăn hết chứ không được cho ai theo quan niệm dân gian nếu ăn được hết những thứ đó coi như người ấy đã được lộc/phép của thánh).
8. Tư liệu phỏng vấn sâu của tác giả trên khoảng 15 căn đồng, trong đó có 5 đồng thầy và 8 đồng lính là phỏng vấn sâu thường xuyên, 2 đồng lính là khách về hầu điện thánh trong ngày lễ hội và tác giả chỉ phỏng vấn sâu họ được 1 lần.
9. Trong một lần trong vai con nhang có nhu cầu làm lễ, tác giả được 1 nhà sư chùa Trắng (Hà Nội) ra giá là 13 triệu năm 2007.
10. Nguồn: tư liệu điều tra thực địa.
11. Các cung văn ngày nay cũng tập hợp nhau lại thành các ban chuyên đi phục vụ các canh hầu. Có ban chỉ có 2 người, người chơi bộ gõ (trống, phách), người chơi đàn nguyệt và cả hai cùng thay nhau hát; có ban lên tới 5 người với những nhạc cụ phong phú hơn gồn cả tiêu, sáo, trống phách, đàn nguyệt, nhị, xênh tiền, thậm chí cả tam thập lục.
12. Theo nguyên tắc của lên đồng thì những người hầu dâng phải là những người đã trình đồng, còn các đối tượng khác có thể có thể không. Song qua phỏng vấn sâu được biết đại bộ phận các thành viên của bản hội đều là những đồng anh lính chị hoặc những bạn đồng của chủ điện, còn lại một số là các con nhang theo bản điện lễ lạt vào các dịp tuần rằm.
13. Trong thực tế có nhiều đồng tân mới trình đồng nên không có điện riêng, vì vậy khi tổ chức các canh hầu tạ lễ hay hầu vui nhân tiệc mừng của vị thánh nào đó, họ đều mượn điện tư gia của đồng thầy hoặc các điện Mẫu tại chùa hay phủ để tổ chức hầu, hình thức này gọi là mượn cảnh.
14. Dõi theo lịch sử hình thành và phát triển của nghi lễ hầu đồng cho thấy các giai đoạn hầu đồng phát triển mạnh như sau: Chu kỳ thứ nhất là giai đoạn TK XVII-XVIII; chu kỳ thứ hai vào giai đoạn 1930-1945; và chu kỳ thứ 3 là giai đoạn 1995 đến nay. Tất cả những giai đoạn này, lịch sử xã hội đều có những biến động khá lớn về cả kinh tế, xã hội và văn hóa.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét