Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Ai phải ra hầu? Hiểu như nào là có căn?


Những người sát căn được phân loại ra thành 1 số hệ sau, không phải cứ sát căn là phải Trình đồng mở phủ!



1. Chỉ cần năng đi lễ.
2. Đội bát nhang.
3. Tôn nhang bản mệnh.
4. Trả mã sơn trang.
5. Trả mã tam tứ phủ tiễn căn.
6. Trình cho yên bản mệnh.
7. Tôn cấp lập thờ, 1 Đền 1 Phủ.

NHỮNG KHÁI NIỆM MÀ NHIỀU NGƯỜI CÒN CHƯA BIẾT 



===================



Căn Đồng là gì? Số Lính là gì? Khi nào phải hầu Đồng? Tiễn Căn là gì? Giải căn là gì? Thải Đồng là gì? Giải Đồng là gì?



===================



💥 CĂN ĐỒNG



- Những người có căn quả tứ phủ đều được mọi người công nhận là căn Đồng. Dân gian cho rằng số mệnh con người do con tạo xoay vần, do thiên cơ định sẵn, nghĩa là do trời định, bản thân sinh ra đã có số phận được sắp đặt sẵn. Còn Đạo Phật không có quan niệm số và mệnh, mà chỉ có quan niệm về luật nhân quả: Gieo nhân nào gặt quả đó, không có chuyện số phận do một thế lực siêu nhiên nào tạo ra.


Thông thường người Việt Nam vẫn tin cả số mệnh và luật nhân quả. Vậy căn số có thể hiểu là số phận con người không phải ngẫu nhiên mà đã được định trước bởi số mệnh và bị chi phối bởi quy luật nhân quả (người ta còn gọi là căn quả). Luật nhân quả xét tới cả tiền kiếp và hậu kiếp. Khi xem xét tam kiếp (ba sinh): Tiền kiếp - Hiện kiếp - Hậu kiếp, Phật giáo giải thích được chuyện có người ăn ở lương thiện mà vẫn nghèo khổ, xui xẻo, kẻ phá bĩnh làm việc ác mà vẫn sung sướng chưa bị quả báo là do họ vẫn còn nghiệp báo từ kiếp trước và quả báo chưa hiện ra trước mắt nhưng chắc chắn sẽ hiện ra.


- Căn đồng số lính: có thể hiểu là số phận của 1 người đã được định sẵn là phải ra hầu thánh để làm lính, làm đồng bốn phủ. Dĩ nhiên điều đó cũng tuân theo quy luật nhân quả: gieo nhân nào thì gặp quả đấy, tuy nhiên cũng như gieo hạt giống thì đến lúc hạt nẩy mầm thành cây cây ra hoa kết quả thì cũng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh vào tay người chăm sóc, hạt giống được chọn để gieo tuy ko phải giống tốt nhưng ngày ngày bạn chăm sóc tốt cây vẫn có thể ra trái ngon và ngược lại.



Chúng ta thử nghĩ xem nói về căn đồng số lính cũng có thể có trường hợp 1 người kiếp trước báng bổ thần thánh, phá hoại đền chùa, không tin vào nhân quả, không thành tâm biết ơn các vị thần thánh, hay chế giễu những người đi lễ thành tâm nơi cửa thánh, cũng có thể họ thấy nam giới đi lễ họ chê cười thì kiếp này có thể họ lại phải đèn hương phụng sự, ra bắc ghế hầu thánh. Điều gì cũng có thể xảy ra, cũng có thể tiền kiếp tuy ta nhất tâm phụng sự cửa thánh nhưng chưa trọn vẹn thì kiếp này ta lại tiếp tục phụng sự. Hoặc gia tiên gây nghiệp (đời cha ăn mặn đời con khát nước). Ngược lại do phúc quả gia tiên được Thánh Ân và còn muôn ngàn căn do khác mà ta ko biết được. 



Nhưng như tôi đã nói dù hạt giống ko tốt nhưng nếu kiếp này ta sống tốt chăm sóc tốt cho cây của chúng ta thì nó cũng có thể ra hoa thơm quả ngọt.



- Căn ai ghế vị Thánh nào thuộc Tứ phủ cai Đồng, đối với đa số người nhập Đạo phải biết. 
Nhân duyên : 



+ Ví dụ như nếu xét một cách gọi là khách quan: anh tiền kiếp anh đánh bắt sát hại quá nhiều Thủy tộc mà các quan thủy thần cai quản khúc sông đó thuộc cửa Ông Bơ chẳng hạn, vậy họ tấu lên Thánh Hoàng Bơ và Thánh hoàng vào sổ bắt lính kiếp này trả nghiệp, vậy Ông Bơ sẽ chấm đóng đầu Đồng là chuyện thường. Hoặc kiếp trước anh là lính thấy giặc đã chạy không vì nước quên mình nhát gan hèn yếu mà lúc đó Thổ địa Thần kỳ sơn thần địa chúa thấy được họ thuộc lộ vị Thánh nào họ tấu lên đó ví như họ tấu Quan lớn Tuần hay Quan Hoàng Mười, Hoàng Bẩy, các Chầu các Chúa vậy vị Thánh đó vào sổ anh là người vị Thánh đó. Hoặc tiền kiếp anh là người lính, quan quân, là những người theo Thánh tại thế đi chống giặc, theo vị Thánh nào tiền kiếp thì kiếp này vị Thánh đó cai Đồng. Hoặc giả anh là người bình thường kiếp trước nhưng có ân duyên với đất nước này hy sinh vì đất nước này...Ví dụ: Ông Hoàng 10 chẳng hạn, Ngài khi còn tại thế, bị giặc Minh đuổi chạy đến một ngã ba có anh nông dân thấy vậy liền nói tướng quân chạy hướng này, và khi giặc đuổi đến nơi anh đứng ra chỉ hướng khác hoặc lấy thân mình cản bọn giặc kéo dài thời gian, căn nó cũng ở chỗ đó... Nói chung căn số muôn hình vạn trạng, âm dương đều thúc đẩy nhân duyên, tiền kiếp, hiện kiếp, gia tiên 



- Căn ai??? Chỉ có người thầy có lệnh khai hồ nhà Thánh mới soi rõ được (soi căn nối quả cụm từ này truyền lại từ xưa , thầy nào mà không soi căn được mà khai hồ cho con nhang chỉ là mở đồng chui, mà chỉ có đồng căn nông hay căn duyên thì mở đồng chui được còn sát âm và căn sâu thì mệt đồng con. Loại này: ít nhất phải tạ Bách nhật là phải biết con nhang mình căn ai ghế ai, chỉ có người có lệnh khai hồ mới mở đồng quả). Nhiều người mở đồng chui nên dạo này loạn, người ta nói bản hội cơ cánh ông Đồng nó ở chỗ này. Nói chung việc căn ai, bóng ai, ghế ai việc đó rất quan trọng nhưng là chỉ dành cho Đồng tân lính mới, nhập Đạo để yên căn yên số mà trình tấu đúng căn ghế đúng cửa, để tu cho trọn, cho thông. 



Trên đây là nói một cách đơn giản để người đời và đại chúng hiểu về căn đồng, còn thực tế về người tu Đạo (chân Đồng có gốc) hoặc đã vào bước luyện đồng hoặc chứng Đồng quan lính Thánh mới biết căn Đồng gọi là Thánh linh căn Đại Địa: gồm 4 loại 9 hàng, nông sâu (khác với linh căn đạo giáo, lục căn đạo Phật) Ứng với tứ phủ các tòa ghế bóng và đường tu khi luyện Đồng thuộc bốn Phủ và nhà Trần tại Việt Nam này chấm xét Ân Duyên (việc này không dám tiết lộ về Đạo miễn bàn luận). Không giống với căn tu Phật:



+ Căn tu Phật (của người tu hành xuất gia) cũng là căn tu khi ta có lòng hướng phật trong luân hồi muôn vạn kiếp, (Phật tính) nên có quả này .



Căn như trên tôi nói khác với căn thuộc các pháp môn nhà Phật (lục căn vi lục thức)



"Lục căn" 六根 (thuật ngữ Phật giáo ): gồm "nhãn" 眼 mắt, "nhĩ" 耳 tai, "tị" 鼻mũi, "thiệt" 舌 lưỡi, "thân" 身 thân, "ý" 意 ý.



====================



💥 SỐ LÍNH 



Số lính dành cho đại đa số người đã mở phủ và là lính ghế bốn phủ chia ra như sau: Cũng căn cứ vào căn gốc mà cắt cử .



👉 ĐỒNG DUYÊN ( đồng dương) chỉ phụng sự hầu hạ gieo duyên với nhà Thánh an mệnh cửa Đình Thần Đại Địa Nam Việt, Gia trì tín ngưỡng việt .



👉 ĐỒNG ÂM 



Chỉ những người được cha cắt mẹ cử hành Đạo, quảng Đạo quảng bá Thánh Ân cho bách gia :
- Soi bói (đồng soi)
- Gọi hồn (đồng dí)
- Kêu cầu xin giải hạn chống ách trừ tai giúp bách gia (Đồng thỉnh Đồng cầu)
- Cúng lễ kêu cầu làm pháp sự hoặc trừ tà sát quỷ ..... ( Đồng Pháp )
- Đồng nối Đạo (quan Thầy)



👉 ĐỒNG QUẢ 



Người được cha cắt mẹ cử ban ân cho vài loại năng lực một thân .



👉 ĐỒNG QUAN LÍNH THÁNH (Đồng tu) cái này xin miễn trình bầy.



=====================



Nhìn chung với con mắt người đời hầu đồng là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, diễn sướng lại các tích của chư Thánh cửa Đình Thần khi còn sống. Nhưng những người căn sâu quả nặng thì khác, họ mới hiểu thế nào là Đồng là Lính. Nhưng hiện nay việc trình đồng mở phủ diễn ra tràn lan, một số người không có căn số phụng sự cha mẹ (Lính ghế) nhưng vẫn tin lời thầy bà hám tiền mà mở phủ, đặc biệt vì ham cầu lộc thánh với tâm mong cầu tiền tài làm ăn nên trình đồng mở phủ rất nhiều. Việc này là loạn nhất, sau đó là việc nghiệp nặng ma tà giả dạng nhà Thánh bắt đồng bắt cơ đầy là loạn thứ hai.
Hai đối tượng này hiện nay rất nhiều, ra hầu hạ cậy tiền cậy của làm nhiều trò kịch cỡm trên sập công đồng toàn là thánh tha ma nhập, làm ô uế cửa Thánh, ô danh nhà Đồng.



Làm lính có công làm đồng có phép, toàn thầy mượn đạo tạo đời ăn trên ngồi chốc. Quả mình không có đi mở quả cho người, nên thánh tha ma nhập càng loạn.



Mấy kẻ cứ mở miệng ra là Thánh nhưng làm thì toàn mùi tiền với danh, quá tà ma. Cái gì cũng lễ bái quàng xiên (các cụ nói cấm sai: Đồng nát là loại đồng cốt quàng xiên). Ai đến cũng bị chúng nói quàng xiên, đặc biệt loại Đồng gì mà: Coi con nhang mình mở phủ như con bệnh (nên nhớ họ vì căn quả với nhà Thánh cơ hành mới vậy, không phải là con bệnh mà đòi lấy tiền chữa bệnh), và Thầy Đồng không phải là bác sỹ mà là người đốt đuốc soi căn nối quả, soi đường tu. Quan Thầy ngày xưa họ mở phủ đâu có lấy tiền. Muốn có tiền thì họ tu đầy quả, nhà Thánh sẽ cắt cử và đã ban cho năng lực (như trên tôi đã nói) gọi là kiếm được chút ngân xuyến để ổn định cuộc sống. Lấy đó mà chi dùng làm động lực mà hành Đạo (chứ không phải lạm dụng năng lực mà làm giầu)



3 loại căn sâu quả nặng mới phải hầu ,chứ căn nông miễn hầu .



Bây giờ nhà nhà lên sập, người người lên sập, mà loại này lại càng không được Thánh ân nên càng phá Đạo, lộc lá tiền nong trong Đền Phủ rải như bươm bướm, như cái chợ, mỗi vấn hầu đến cả trăm triệu, dẫn đến những người căn sâu cơ đầy không có tiền càng không theo được. Mà đối tượng căn càng sâu thì cuộc sống càng khổ biết mình phải mở phủ trình Đồng nhưng tiền không có để theo vào lại càng khổ hơn. Vậy dưới con mắt nhân thế bây giờ gọi là Đạo Mẫu (Đạo mà phải có rất nhiều tiền mới nhập được đạo), vậy thì phải gọi là Đạo của người có tiền. Nếu mà Đạo như vậy gọi là Đạo tiền thì hay hơn. 



Những việc quái gở trượt dốc đi quá xa vòng quay và tâm ý ngàn xưa của chư Thánh Đình Thần và Đạo Việt, dẫn đến chuyện cung cầu bây giờ mới có hai từ: "Giải căn".



=====================



💥 GIẢI CĂN?



Căn là gốc rễ, vậy cái cây mà chặt rễ liệu có sống được không??? 
Chỉ có người căn duyên, căn quá nông hoặc giả căn (căn nông nhưng ma tà bám tá oan gia trái chủ hay gia tiên thúc đẩy ra trình đồng) và không căn làm lễ này thì không sao. Nhưng nếu có căn sâu quả nặng với Đạo thì giải đi đâu, chỉ có giải xuống hố. Hoặc những người kể cả căn nông khi đã trình Đồng mà Thánh đã nhận Đồng cũng không giải được, càng ngày càng loạn .



=====================



💥 TIỄN CĂN? (chưa ra hầu thì gần giống như trên) Tiễn đi đâu? ai nhận của mình mà đòi tiễn!



=====================



💥 GỈAI ĐỒNG?



👉 Bây giờ vì Đạo đã sặc mùi quái gở và mùi tiền nên cái gì cũng có. Hệ lụy là hiện nay có nhiều ông sư Đạo sỹ một mùa và Thầy Đồng Tà ma làm lễ thải Đồng cho mọi người (đặc biệt những người đang bị thử lính, khảo lính và cơ hành đủ loại). Hoặc tiễn căn cho người vì sợ tiền nong và nhìn hàng vạn tấm gương tầy liếp, lỗi đồng lỗi đạo, Thánh tha ma nhập làm loạn dẫn đến hết phúc hết quả vì ra trình đồng mà vất vưởng, cuối đời sống mà như con ma, thậm chí nợ nần chồng chất, gia đình tan nát.



👉 Nghe đến mình có căn, hay cảm nhận, hay được báo, hay đi xem bói là sợ bể mật, nghe thấy làm được lễ tiễn căn là đi xin tiễn.



👉 Một số người mới ra mở phủ vài năm đã thải đồng, sợ không theo được vì tiền bạc và thậm chí thầy tà dẫn đạp hành đủ trò hoặc khảo lính khổ không tả được vội vàng nghe lời đường mật cũng xin tiễn.
Khi mở phủ Thanh đồng nào cũng khấn cũng nguyện cũng thề trước của Thánh: "Con xin phụng sự cha mẹ tới mãn chiều xế bóng". Vậy Thải đồng có khác gì phản giáo chà đạp lại lời thề của mình với cửa Đình thần. Cho nên nghe lời mấy tay thầy một mùa thải đồng thì rước họa vào thân. Vậy có trường hợp nào thải Đồng được không? Câu trả lời là có:



☘️ ỐM THA GIÀ THẢI 



- Thuận theo lẽ tự nhiên, quy luật tạo hóa, khi các thanh Đồng về già qua 61 tuổi sức khỏe lúc này không cho phép, không phụng sự Phật Thánh được nữa nên làm lễ thải Đồng. Tuy vậy thải Đồng chứ không giải Điện, nếu có điện tư tôn cấp lập thờ chư Thánh thì vẫn đèn nhang, phụng thờ, tuy nhiên không làm việc nữa: không soi bói, hầu hạ...Trừ khi trong gia đình không có ai có căn Đồng, không có ai tiếp quản nên giải điện. 



- Hoặc bệnh tật tai nạn què quặt, sức khỏe ốm yếu... không thể hầu hạ phụng sự thì nhà Thánh sẽ tha cho và làm lễ giải Đồng. 



- Hoặc Thánh tha ma nhập, trường hợp này có căn Đồng nhưng lại sai phép tắc, phạm lỗi nặng….sám hối nhà ngài xin giải Đồng (lễ rũ Đồng nếu già trên 61 tuổi thì xin giải Đồng), dưới 61 tuổi giải rồi làm lễ Tái Phủ, trường hợp này có thể xin không làm việc âm nữa: soi bói, gọi hồn….nhưng vẫn phải đèn nhang, phụng thờ và hầu hạ nếu có Điện tư gia it nhất trong ba năm khi làm lễ rũ Đồng Tái Phủ. 



- Hoặc căn sâu nhưng tâm vọng cầu lấy Đạo tạo đời hoặc lợi dụng năng lực soi bói gọi hồn xem xét bừa bãi đảo loạn âm dương. Vì tiền vì bạc vì lợi vì danh hại người hại đạo không qua được bước khảo Lính khảo Đồng đã làm loạn Đạo dẫn đến ma tà ám tá.



- Hoặc ngay từ đầu phúc mỏng nghiệp dày, có căn nhưng không đi đúng đường tà ma đưa lối, chọn phải thầy tà, bị tà ma ám tá. 



===================



Khi Thánh đã tha và ma đã bám vào (có thể cộng sinh <<ăn lộc vong tà >> hoặc đã bị tà ma trộm hết phúc quả) cũng làm lễ rũ Đồng rũ khăn rũ áo mà Tái Phủ lại đi cho đúng đường đúng Đạo (đặc biệt trót theo loại thầy tà ma ám tá, thánh tha ma nhập có thể có quyền xoay khăn).Trường hợp này dưới 61 tuổi cũng vẫn phải tái phủ lại, còn trên 61 tuổi cũng làm như trường hợp trên.



==================



Căn là gốc rễ mà đặc biệt Thánh linh căn Đại Địa của cửa Đình Thần, nó ăn vào hồn cốt của người Việt, là người sống có trước có sau chứ không phải ra Đồng vì cái gì đó. Hay mong cầu lộc lá rồi không đi đúng đường đúng Đạo thì lại thải Đồng là bỏ luôn việc hầu hạ phụng sự nhà Thánh.



Con người ví như cái cây, căn là rễ, vậy cây mà chặt rễ có sống được không (trừ khi không có căn hoặc căn nông thì giải được tiễn được thải được). Ra trình Đồng không phải vì hai chữ lộc lá, khi đã tròn quả tu mới biết thế nào là nhà Thánh ân duyên ban cho Đồng quan lính Thánh để luyện Đồng thành Đạo. Người có căn sâu quả nặng phải biết mọi việc là do số mệnh sắp đặt, từ trong luân hồi trong muôn vàn kiếp Đại địa Nam Việt mà ta có căn, cũng là Thánh ân, căn là rễ là gốc của mình tiễn sao được. Người có căn khi đã ra trình Đồng, đã buông lời thề nhập Đạo đến mãn chiều xế bóng thì đừng bao giờ nghĩ đến hai từ giải Đồng hay Thải Đồng, không kẻo rước họa vào thân.



==================



Đặc biệt các vị mang danh là Thầy, hãy nhớ làm gì cũng lên cân nhắc đừng có suốt ngày: trả mã tứ phủ để tiễn căn,giải Đồng với thải Đồng. Nhà Thánh không phải chủ nợ, kẻ mà làm lễ cho thiên hạ những lễ này nếu làm cho người người có căn sâu quả nặng với cửa Đình Thần thì muôn đời không mở mặt được, thậm chí con cháu cũng phải vạ, dòng họ cũng phải vạ theo.


Nguồn: Fb Thầy Trần

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Bí quyết thay đổi vận mệnh



Có một số bạn thường hỏi: “ Tại sao hai chị em sinh đôi cùng giờ, cùng ngày cùng tháng, cùng năm mà người sướng người khổ, vậy lá số tử vi sai à ?”. Từ khi còn trong bụng mẹ, mỗi một người đều đã được định sẵn một số phận, số phận ấy được định trước bởi phúc phần của dòng họ và duyên nghiệp của chính bản thân mỗi người, tuy vậy thiên mệnh (cố định) có thể thay đổi phần nào đó nhờ Vận mệnh (sự vận động của bản thân), bài viết hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn những điều đã chiêm nghiệm và chắt lọc trong bao năm qua, mong rằng sẽ giúp các bạn một phần nào làm chủ số phận của mình.

Đã là con người ai cũng mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc và thành công, nhưng có những người dù đã hết sức cố gắng nhưng vẫn thất bại, ngược lại có người lại rất nhàn nhã, sống một đời phú quý, vinh hiển.

Bí quyết làm nên thành công đó là gì?

Đa số chúng ta đều đổ lỗi cho số phận, nhưng ít ai chịu để ý nguyên nhân và làm thế nào để thay đổi cuộc đời của mình.

1. PHÚC ĐỨC:

- Phúc đức âm phần: Đây là yếu tố đầu tiên và ảnh hưởng rất nhiều đến con cháu. Con người ăn ở tốt - xấu thế nào thì cuộc đời sẽ trả đúng như thế. Khi thác về với Tiên tổ thì ĐỨC còn lại bao nhiêu mà lúc còn sống không sử dụng hết sẽ được chuyển thành PHÚC và đến đời con cháu lại tiếp tục được thụ hưởng. Dòng chảy luân hồi này cứ thế tiếp diễn từ hết đời này sang đến đời khác. Đó cũng là lý do thay lời giải thích tại sao luôn luôn có sự khác nhau giữa con người này với con người kia. Con người được hưởng thụ hay không được hưởng thụ hoặc hưởng nhiều hay ít, âu cũng là tùy thuộc vào Phúc Đức của người đó dày hay mỏng. Người xưa có câu: "Có phúc tất có phần” là lẽ vậy.

- Phúc đức dương phần: Trong cuộc sống cho dù Phúc âm có cao dày đến đâu, nếu cứ ỷ vào nhờ vả Phúc âm,bóc gỡ sử dụng liên tục, thường xuyên làm điều ác,tham lam, không chịu tu nhân tích đức,không chịu rèn luyện… thì chẳng mất chốc quả núi Phúc âm kia sẽ bị bào mòn dẫn tới suy kiệt và cũng là lúc thời điểm con người bị trừng phạt,do phần âm không còn đủ sức mạnh che chở. Viết đến đây hẳn có bạn sẽ thắc mắc, tại sao nhiều người làm ác nhưng vẫn sống nhởn nhơ ngoài xã hội, đó là bởi vì phúc ấm tổ tiên còn dầy nên che chở được cho người đó, khi phúc đó hết rồi thì con cháu của người làm việc ác sẽ gánh chịu hậu quả, phàm làm việc gì hãy nghĩ đến hậu quả rồi hãy làm các bạn nhé. Vì vậy cổ nhân vẫn dạy chúng ta rằng sống cần phải tích Phúc đức cho con cháu mai sau, khi chúng ta làm từ thiện để đem lại lợi ích cho nhiều người là chúng ta tích Phúc đức. Khi làm việc thiện, chúng ta không chấp nhặt vào đó để kể công lạo hay cầu mong phước báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ bớt đi, tâm chấp ngã sẽ nhẹ hơn trước. Phúc đức có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, để bớt chướng ngại trên đường Đạo.

2. SỐ MỆNH:

Là căn số do trời định, có những người sinh ra là người bình thường, có người số phận làm quan, người có duyên tu, người căn 4 phủ..v..v...

Ví dụ: có người không có căn số làm quan nhưng cứ cố mãi cố mãi vẫn không được rồi sinh ra chán nản oán trách số phận. Biết được số mệnh chúng ta sẽ đi đúng đường và hài lòng với những gì mình đang có. Đối với người có căn quả được bề trên độ, như: Phật độ, Mẫu độ, Quan độ..v..v.. chúng ta ngoài việc báo hiếu với cha mẹ trên dương thế thì cần biết kêu cầu đến Vị độ âm cho mình, nếu đã được chọn sẵn là con nhà 4 phủ thì nhất tâm theo Cha mẹ tiên Thánh để được nhà ngài trợ độ thì cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều.

3. CÔNG ĐỨC:

Nếu phúc đức là hành động bên ngoài như: bố thí, cúng dường, làm việc thiện… thì công đức chính là công phu tu tập bên trong. Bản thân tu tâm dưỡng tính, học hỏi, tu tập để phát huy trí tuệ, học ở đây có thể là học từ sách vở, lý thuyết đi đôi thực hành, hoặc học trong kinh sách nhà phật. Ví dụ: Nếu bạn phát tâm ấn tống kinh sách thì đó là PHÚC ĐỨC, nhưng nếu bạn không đọc kinh sách không hiểu đạo lý nhà phật thì bạn chỉ gieo phúc đức, nếu bạn đọc và hiểu, hành trì theo kinh sách, kìm chế được chấp ngã thì gọi là CÔNG ĐỨC. Hoặc bạn góp tiền để giúp người nghèo đó là PHÚC ĐỨC, cũng với số tiền đó nhưng bạn khởi tâm bỏ công sức ra để nấu cơm phát miễn phí cho người nghèo thì đó gọi là CÔNG ĐỨC.

4. TU TÂM:

Muốn thay đổi số phận bản thân mỗi người phải tự thay đổi, có thái độ sống tích cực, có trách nhiệm sống đối với bản thân, có kế hoạch cho tương lai. Tay làm hàm nhai tay quay miệng trễ phải không các bạn. Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.

5. MỒ MẢ TỔ TIÊN:

- Từ đường dòng họ: Hàng năm các bạn nên đầu năm lễ cuối năm tạ tại Từ đường dòng họ để cầu xin sự phù hộ của các chân linh trong họ, nếu có chếch lệch trong phần từ đường thì kịp thời khắc phục, “ Âm có siêu thì Dương mới thái” .

- Mộ phần: “ Sống vì mồ mả không ai sống vì cả bát cơm” mồ mả tổ tiên tác động trực tiếp đến con cháu đời sau mà đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thể hiện dưới dạng vô hình. Bởi vì mỗi người chúng ta đều có tần số gen trùng với tần số những người đã mất trong dòng họ, nếu Mộ phần của Tổ tiên không được yên sẽ ảnh hưởng đến người sống trên dương. Hầu như những người thành công trên đường Công danh, Quan trường, Tiền bạc…ngoài yếu tố Số mệnh thì đều ứng với việc Mồ mả Tổ tiên kết phát. Có nhiều người hiểu được điều này nên khi đã thành công thì họ rất quan tâm chăm sóc Mồ mả và thờ cúng Tổ tiên, nhưng cũng không ít người lại tưởng mình giỏi là do tự bản thân họ học hỏi đường dương mà thành nên không biết quan tâm đến Mồ mả và thờ cúng Tổ tiên cho chu đáo dẫn đến một ngày hết may mắn lại trở về hai bàn tay trắng.

6. NƠI Ở:

Vùng đất ở rất quan trọng đối với con người, con người ấy ở những vùng đất khác nhau thì sẽ tạo nên con người khác nhau, Nơi nào được thế phong thủy, tụ sinh khí con người ở đấy sẽ phát triển thịnh vượng hơn. Chính vì thế khi mua nhà hay dọn đến nhà mới điều tiên quyết trước tiên chính là xem địa thế đất ở, đất có hợp với gia chủ không, có vong trên đất không, có tiền chủ hậu chủ ngự trên đất không..v..v.. và cách hóa giải. Phần dương trạch cũng rất quan trọng các bạn ạ.

Các bạn thân mến, số phận của mỗi người là do chính bản thân mình tạo ra “ Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Thanh Lam 

Hầu đồng ở Bắc Bộ, thực trạng và vấn đề

Hầu đồng ở Bắc Việt Nam tr­ước kia chỉ khu trú trong hệ thống các di tích thờ thánh Trần, thánh Mẫu ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, và đền thờ vua cha Bát Hải (Thái Bình). Nh­ưng từ sau đổi mới, nhất là những năm gần đây hầu đồng diễn ra khá sôi nổi ở hầu khắp các di tích lịch sử văn hóa. Các canh hầu không chỉ đư­ợc tổ chức ở những đền thờ Thánh nữa mà mở rộng cả ở các đình, chùa. Sự phát triển mạnh mẽ của hầu đồng với mật độ gia tăng cả về số l­ượng ngư­ời gia đồng tại các địa phương đã kéo theo tình trạng các chùa đua nhau xây thêm phủ Mẫu. Chỉ cần dạo một lựơt các di tích trên địa bàn Bắc Bộ và Hà Nội cũng nhận ra các điện Mẫu đều có niên đại khoảng từ năm 1996 đến 2000 trở lại đây. Thống kê nguyên ở Hà Nội thôi cũng đã thấy hàng loạt các di tích có điện Mẫu và tổ chức hầu đồng: Đền Ba Cây, đền Đầm Sen (Hoàng Mai); đền Dâu, đền Cây Xanh, đền Lý Quốc S­ư, đền H­ưng Nghĩa (Hoàn Kiếm); đền Hai Bà, đền Lư­ơng Yên (Hai Bà Trưng); đền Ngọc Hà (Ba Đình); chùa Bộc, đền Bích Câu (Đống Đa); phủ Tây Hồ, đền Nghĩa Dũng (Tây Hồ); đền, chùa Bà Tấm, đền Dầm, đền Sở (Gia Lâm)... đó là chưa kể đến hệ thống các điện tư­ gia ngày một nhiều nằm lẫn trong hàng nghìn khu dân c­ư của Hà Nội.
Hầu đồng bây giờ không nhất thiết phải cố định vào dịp nào nữa mà đã diễn ra theo phổ rộng và rải đều trong năm. Theo báo cáo của phòng nghiên cứu văn hóa Huyện Vụ Bản (năm 2007) thì hằng năm tại cơ sở di tích quần thể phủ Giầy có tới khoảng 500 canh hầu/ một di tích. Tuy nhiên khi khảo sát điều tra thực tế tại phủ Tiên Hư­ơng (phủ chính) và căn cứ vào tài liệu ghi chép của thủ nhang tại phủ, chỉ tính riêng trong năm 2008 các bản hội và cá nhân đăng ký hầu tại phủ, con số đã lên tới 1.288 canh hầu, tập trung cao nhất là vào dịp đầu năm từ tháng 1 đến tháng 3. Trong số những canh hầu kể trên thì tỷ lệ những canh hầu của ngư­ời Hà Nội là đông hơn cả, chiếm tới 350 lượt; Bắc Ninh 108; Quảng Ninh 14; Hải phòng 20 còn lại là các tỉnh Thái Bình, Hải D­ương, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Miền Nam (1). Mật độ hầu trong năm tập trung chủ yếu vào ba tháng đầu năm từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch.
T­ương tự nh­ư vậy, khi đư­ợc hỏi về số lư­ợng các canh hầu do các chủ điện tư­ gia tổ chức tại điện nhà riêng, đại bộ phận đều cho biết họ tổ chức từ 50-70 vấn hầu/năm (2). Trong một phỏng vấn sâu khác tại chùa Trắng - Tả Thanh Oai (HN) cũng đư­ợc cho biết con số 20 canh hầu/tháng 8-2007; một cung văn hạng th­ường (chỉ hát hầu những vấn hầu có quy mô vừa và nhỏ) cũng cho biết từ năm 2002 trở lại đây mỗi năm anh và các bạn hát của mình tham gia khoảng trên 100 canh hầu (3). Con số thực tế cho thấy ngư­ời dân đô thị Hà Nội hầu đồng chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này phần nào cũng cho chúng ta thấy đ­ược bức tranh về thực trạng đời sống tâm linh của ngư­ời dân đô thị Hà Nội nói chung.
Các hình thức hầu đồng ở Bắc Bộ hiện nay
Cùng với sự tăng cường về tần xuất các canh hầu đồng thì tính chất và hình thức các cuộc hầu cũng khá đa dạng và phong phú với nhiều tên gọi khác nhau: hầu trình (hầu trình diện cửa thánh trong dịp lễ hội), hầu khai điện (hầu đầu năm mới), hầu tạ (hầu vào cuối năm để tạ ơn thần thánh), hầu mừng đồng (tổ chức một đại lễ hầu mừng cho căn đồng đã qua một giai đoạn thử thách dài - 9 năm), hầu tiễn căn (để di cung bán số tiễn đi căn mạng, duyên nợ của một người có căn đồng nhưng không muốn gia đồng, vì thế còn được gọi là hầu trả nợ Tứ phủ), hầu trình đồng (tổ chức hầu đồng để một người có thể thành đệ tử (ghế) của thần linh). Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhausong quá trình thâm nhập các bản hội của các căn đồng, chúng tôi nhận thấy về cơ bản đều đ­ược tổ chức dư­ới 3 hình thức chính là hầu trình trầu, hầu vui và hầu chứng đàn.

         Hầu trình trầu

Hầu trình trầu hay còn gọi là hầu trình cũng là những hoạt động lên đồng hầu bóng thông th­ường, hầu trình chỉ tập trung nhiều nhất ở những thời điểm lễ hội của các di tích lịch sử văn hóa (nhà Trần, hoặc di tích thờ Mẫu Liễu - Nam Định). Trong hình thức hầu trình, ng­ười ngồi đồng chỉ hầu 1-2 giá với mục đích để thần linh giáng về (cụ thể là Đức Thánh Trần, hay Mẫu) nhập vào ng­ười đồng thầy và chứng nhận cho các con nhang đệ tử đến trình diện cửa thánh. Những ng­ười về đây hầu trình th­ường là những người dân nghèo, hoặc các tiểu thương, tiểu chủ, họ đư­ợc cho là có căn đồng nh­ưng do không có điều kiện gia đồng làm lính tứ phủ nên hàng năm chỉ có mâm trầu cau và sớ tấu về lễ bái cửa thánh. Ng­ười đi hầu trình th­ường đi thành từng đoàn từ 10 đến 15 người, thậm chí tới 40 người. Họ là bạn buôn bán nhỏ với nhau, hoặc ở cùng một địa ph­ương và lập thành đoàn đi lễ thánh. Trong đoàn bao giờ cũng có một đồng trư­ởng (đồng thầy) để lên đồng làm lễ. Nhiều đoàn còn may khăn đóng áo dài cùng màu rất trịnh trọng, Khi vào lễ thánh, đồng thầy thực hiện nghi lễ hầu đồng để cho thần linh giáng về nhận lời tấu xin hay chứng “quả đàn quả lễ” (nhận đàn lễ). Khi hầu đồng, đồng thầy cũng có một đến hai ngư­ời hầu dâng để giúp họ lên khăn áo. Trong hình thức hầu này, giá đồng thường giáng là các quan (quan đệ nhất - đệ ngũ) để chứng lễ cho con nhang đệ tử. Lễ vật trong hầu trình đơn giản chỉ là một mâm trầu cau và một mâm gồm toàn lá sớ ghi tên họ và những sở nguyện của các con nhang trong đoàn cùng một ít vàng hương, có đoàn thêm mâm hoa quả. Những mâm trình nh­ư thế thư­ờng là để chung cho cả đoàn, tuy nhiên cũng có đoàn mỗi ng­ười đội một khay nhỏ gồm 15 quả cau, 15 lá trầu, một ít hoa quả và cài vào đó lá sớ ghi tên họ của mình cùng sở nguyện và một tập sắc bằng lụa có in chữ Hán (tấm lụa này có ý nghĩa như là chứng chỉ thừa nhận căn đồng đó thuộc dòng Thanh đồng, hiện tượng này chỉ gặp ở các đoàn về trình Đức Thánh Trần). Khi “thánh” giáng, đồng thầy làm động tác khai quang tẩy trần cho toàn bộ những thành viên ngồi trong chiếu chầu. Sau đó ra hiệu cho từng ng­ười trong đoàn đã ngồi sẵn xung quanh lần l­ượt vào chiếu đội mâm trầu cau, sớ tấu lên đầu, đồng thầy dùng ba nén hương cháy chứng lễ cho từng người, cứ lần l­ượt nh­ư vậy cho đến người cuối cùng. Chứng lễ xong, đồng thầy trong vai “thánh” múa vài ba đư­ờng đao, kiếm, đôi khi cũng phát chút ít lộc cho những ng­ười xung quanh, sau đó thì thăng đồng.
Các vấn hầu kiểu này thư­ờng không có cung văn, nếu có cũng rất ít thần linh được triệu thỉnh (chỉ vài ba giá đồng là nhiều). Những đoàn như­ thế này về rất đông trong lễ hội đền Trần cũng nh­ư lễ hội phủ Giầy trong những ngày chính hội. Theo quan sát trong 3 ngày 12 đến 14-8-2007, mỗi ngày ở đền Thượng (đền Thiên Trường - Nam Định) có tới vài chục đoàn về hầu trình trầu. Tập trung nhiều nhất là các đoàn tỉnh Ninh Bình, Nam Định (vùng Xuân Tr­ường, Hải Hậu), Hưng Yên, Thái Bình, và Hà Tây (cũ).

          Hầu vui

Hầu vui còn đ­ược gọi bằng nhiều tên khác nhau tùy theo thời điểm đư­ợc chọn để lên đồng hầu bóng: hầu khai đàn (đầu năm), hầu tạ (cuối năm), hầu mừng đồng (sau 8-10 năm gia đồng của các căn đồng, hầu tiệc hoàng 10; tiệc cô Bơ...). Người tổ chức hầu vui là người đã chịu thụ lễ gia đồng trình lính và đã là tôi tứ phủ. Mục đích hầu vui đư­ợc tổ chức nhằm mục đích cầu cho gia sự nhà căn đồng yên ổn, tài lộc dồi dào và cũng là dịp để khao đãi bạn đồng tạo điều kiện để các thành viên trong bản hội về bản điện dâng lễ thánh cầu cho toàn gia an khang thịnh vư­ợng. Từ tính chất này hầu vui còn đư­ợc hiểu là hầu để cầu xin thánh ban lộc ban tài cho bách gia trăm họ.
Đối với những đồng thầy có điện tư­ thì hầu vui tổ chức ngay tại điện nhà, những ng­ười đã gia đồng rồi nh­ưng chư­a lập điện tại nhà thì phải hầu nhờ tại điện của chùa, phủ hoặc m­ượn điện tư­ gia của đồng thầy (ngư­ời đã gia đồng cho mình). Để tổ chức thành công một canh hầu thì các căn đồng phải chuẩn bị khăn áo cho những giá (ngôi thánh) mà mình định lên đồng, mua sắm lễ vật để phát lộc chứ không có trầu cau hay mã lễ (trong hầu vui không bắt buộc phải có đồ mã, tuy nhiên nếu chủ thể có điều kiện tiến vàng mã thì cũng không sao, nhưng số vàng mã đó chỉ là tiền vàng chứ không có hình nhân và các con vật). Trong hầu vui, lộc tiền và lộc quả được chuẩn bị khá nhiều. Hầu vui là để thỏa mãn đời sống tâm linh, tinh thần của bản thân các căn đồng nên toàn bộ kinh phí bỏ ra sắm lễ lộc, cũng nh­ư tiền lộc và bữa cơm thết khách là do các đồng phải tự chuẩn bị. Trong hầu vui các căn đồng lên đồng rất nhiều giá, có khi là 15 giá, cũng có khi lên tới 36 giá. Có thể nói chỉ trong những canh hầu kiểu này mới bộc lộ đầy đủ phong cách và vị trí xã hội của các căn đồng (đồng sang lính lịch sự, hay đồng khó lính hèn (4)) và cũng là dịp để phô tr­ương thanh thế của ng­ười chủ lễ (5). Với mục đích thỏa mãn cái tôi (khoe sang, khoe đẹp) và gây ảnh hư­ởng của mình trong giới, nên trong các canh hầu vui rất đa dạng về mức độ chi phí: có canh hầu chỉ từ 4-5 triệu đồng với khoảng 20 ngư­ời dự, tiền lộc chỉ là những đồng có mệnh giá 500- 5000 đồng. Song cũng có canh hầu tên tới 120 triệu đồng với hàng trăm ng­ười dự và tiền lộc mệnh giá từ 10.000 đến hàng trăm nghìn đồng. Trong hầu vui, khi được mời đến dự, tất thảy các vị khách mời đều đem theo phong bao đặt lễ vào cửa điện, với số lư­ợng tiền không bắt buộc mà chỉ tùy tâm nên có ng­ười nhiều ng­ười ít. Theo quan sát, khách đến dự có ng­ười đặt 100 nghìn, 50 nghìn, vài ba trăm, cũng có người chỉ 10 nghìn. Tất cả những tiền đó được coi là tiền mừng thầy được bắc ghế hầu thánh. Toàn bộ số tiền này hiện nay chưa thống kê được là bao nhiêu, song điều chắc chắn là sau cuộc hầu, nó thuộc về ngư­ời lên đồng hầu thánh hôm đó.
Trình tự một canh hầu vui diễn ra cũng bao gồm các bư­ớc: cung văn dạo văn công đồng, trùm khăn phủ diện, bỏ khăn khi thánh giáng về và các đồng cũng làm việc thánh (múa đao, kiếm, hèo, quạt, chèo đò hái hoa... sau đó phát lộc và kết thúc một giá (thánh thăng) bao giờ cũng bằng điệu văn chầu xe giá hồi cung và tiếp tục các giá khác cho đến khi hết, giá nào về có riêng văn giá đó.

         Hầu chứng đàn và nghi lễ mở phủ

Hầu chứng đàn là một loại hình hầu giá đồng để thánh hiển linh về chứng đàn lễ cho ng­ười có căn số. Tuy nhiên hầu chứng đàn cũng phân thành hai loại, một dạng hầu chứng đàn để tiễn căn số cho người có căn cao số nặng (điều này có thể hiểu nh­ư một cuộc lễ để hóa giải mọi cơ duyên giữa con ngư­ời với thần linh tứ phủ). Hầu chứng đàn được các căn đồng giải thích là khi một ng­ười có căn đồng thì phải gia đồng để bắc ghế hầu Thánh, nh­ưng vì điều kiện người đó không thể gia đồng (6) đư­ợc thì phải lập đàn lễ kêu lên thánh Mẫu, thánh Cha xá, miễn cho và các đồng thầy sẽ làm phép di cung bán số (đổi số mệnh của ngườì đó sang một ngư­ời khác và cung tiến hình nhân về tứ phủ để thế mạng). Từ ý nghĩa này, hầu chứng đàn còn được gọi là hầu tiễn căn (tiễn đi căn số của mình). Ngoài ra cũng có một hình thức hầu giá đồng khác và cũng là hầu chứng đàn lễ như­ng lại kèm theo nghi thức chứng đồng trình lính cho con nhang. Hình thức này đ­ược gọi là hầu mở phủ hay hầu trình đồng. Để tiện phân biệt hai loại hầu này, sau đây chúng tôi gọi theo cách của giới đồng bóng là hầu tiễn căn và hầu mở phủ.
Khác với trong hầu vui chủ thể ngồi đồng đã là tôi tứ phủ, chủ thể trong hầu chứng đàn đều chưa từng chịu lễ trình đồng. Vì vậy dù là để tiễn đi căn cao số dầy của mình hay gia đồng nhập lính thì họ cũng phải nhờ chủ thể thứ hai là đồng thầy thực hiện nghi lễ lên đồng để “thánh nhập/ giáng” vào chủ thể thứ hai này mà thụ lễ cho họ.
Hầu tiễn căn với ý nghĩa dùng đàn lễ và hình nhân để thay thế cho sinh mạng của người có căn tứ phủ về hầu hạ thánh nơi tứ phủ. Trong hầu tiễn căn cần thiết khá nhiều lễ vật để kêu xin thần linh tứ phủ cho đ­ược di cung bán số (đổi cung mạng). Tuy nhiên mỗi lần tiễn căn chỉ có giá trị trong 12 năm, vì vậy hình thức hầu này còn được gọi là hầu khất đồng, hay hầu trả nợ tứ phủ.
Trình tự của một canh hầu tiễn căn bao gồm các bước: cúng khai đàn trong vòng 3-4 tiếng (đàn lễ to thì có 5 người cúng gồm 1 pháp sư và 4 thầy cúng tứ phủ, đàn lễ nhỏ thì chỉ một thầy cúng); cung văn thỉnh văn công đồng để đồng thầy vào hầu giá, bao giờ cũng có bước các giá quan về chứng lễ vật, ngoài lễ tam sinh (xôi thịt, cua, ốc, cá) còn bao gồm rất nhiều đồ vàng mã: voi, ngựa, thuyền, mảng, lốt ba đầu, hình nhân, mũ áo, giày, hài, tiền vàng và cả 1-4 tòa hình nhân tượng trưng cho bà chúa các phủ... Sau khi chứng lễ xong đem hóa ngay, sau đó đồng thầy nhập đồng các giá thần linh khác như chầu Bà, ông Hoàng, Cô, Cậu và cũng làm các “việc thánh” như múa đồng, phán bảo, phát lộc...
Hầu mở phủ là canh hầu đ­ược tổ chức với mục đích là mở phủ trình đồng cho người có căn đồng, vì vậy còn được gọi là hầu trình đồng. Trong hầu trình đồng cũng phải sắm rất nhiều lễ vật nh­ư trong chuẩn bị cho nghi lễ hầu tiễn căn, tuy nhiên có thêm 4 chum nư­ớc gắn cờ hiệu 4 phủ và bày trên ban thờ, cạnh đó là các mâm lễ gồm: trứng, gạo, muối để làm nghi thức đập chum vảy n­ước thánh. Cuộc hầu sau khi đã qua các nghi thức lên đồng hầu tráng bóng các giá Mẫu là đến giá hàng quan về chấm đồng, và cứ mỗi giá quan nào về thì ng­ười chịu lễ cũng đ­ược làm nghi thức chấm đồng (chứng ngư­ời) bởi vị quan đó, thao tác tiếp theo là quan mở cờ hiệu gắn trên miệng chum nư­ớc của phủ ấy và lấy gáo múc một chút nước bên trong vẩy nhẹ vào mâm lễ vật để cạnh gồm trứng, gạo, muối sau đó t­ưới vào chậu cây để gần (có nơi làm động tác này bằng cành hoa, lá). Ý nghĩa của nghi thức này là n­ước thánh tưới vào cây thì cây lớn, vẩy vào trứng, trứng nở thành con, vảy vào gạo, gạo thành cơm... (lúc này cung văn thư­ờng tấu khúc trứng rồng lại nở ra rồng). Chi tiết này thực chất cũng chỉ là thể hiện ư­ớc muốn phồn thực của cư­ dân nông nghiệp mà thôi. Sau đó thầy đồng/thánh bốc một chút gạo, một chút muối, và 5 quả trứng có bọc giấy màu của phủ đó để vào một đĩa nhỏ trao cho người chịu lễ. Cứ nh­ư vậy qua 4 giá quan đại diện cho 4 phủ thì ng­ười chịu lễ gia đồng phải chịu 4 lần nghi thức vẩy nước và nhận 4 đĩa lộc gồm trứng, gạo, muối (7). Sau 4 giá quan thì đến giá quan Triệu và mọi nghi thức cũng giống nh­ư trong hầu tiễn căn.
Tiếp theo các giá quan là các giá chầu Bà về chứng lễ 3, 4 tòa và mọi đồ mã lễ được hóa hết. Tuy nhiên trong hầu trình đồng có một chút khác biệt với hầu tiễn căn ở chỗ khi các giá chầu kết thúc bằng giá chầu lục và các nghi thức hóa đồ mã thì đồng thầy không tiếp tục lên đồng nữa mà thoát khỏi chiếu lễ và tung khăn phủ diện cho ng­ười chịu lễ ngồi sẵn phía sau. Hành động này đ­ược gọi là “rút khỏi mái nhà thánh” để nh­ường cho ngư­ời chịu lễ lúc này đã là đồng lính tiếp tục lên đồng cho đến khi kết thúc buổi lễ (nhiều trường hợp đồng thầy vẫn ngồi lại cạnh hầu dâng, hoặc trong vai trò hầu dâng để nhắc nhở đồng tân làm đúng phép đồng). Việc thay thế đồng thầy tiếp tục hầu đồng của đồng lính đư­ợc coi là để “tiếp lộc” (tiếp thêm lộc của thánh cho đồng mới).
Hầu tiễn căn, hầu trình đồng, hầu vui đều có thể tiến hành tại điện Mẫu của chùa, đền hoặc tại phủ Mẫu hay ở điện t­ư gia đều đư­ợc. Tuy nhiên để có thể thực hiện được nghi lễ này các con nhang đệ tử cần phải có sự trợ giúp tuyệt đối của đồng thầy - người chủ điện thờ thánh và cũng là người trực tiếp làm lễ cho họ. Trước kia đồng thầy thường kê biên các thứ cần thiết cho cho cuộc lễ và con nhang phải tự đi mua đem đến, song ngày nay đồng thầy cũng đồng thời là nhà cung cấp mọi thứ mà cuộc lễ cần. Thực tế điều tra tham dự cho thấy hầu hết các đồng thầy hiện nay đều “phát giá trọn gói” cho gia chủ, hình thức này xem ra có vẻ tiện cho cả đôi đường. Với các con nhang thì không phải đôn đáo hỏi han mua sắm mà chỉ cần đúng ngày giờ đó là đến chịu lễ, còn đồng thầy thì cũng có thể thiết kế nên một cuộc lễ theo đúng ý của mình.
Điều tra phỏng vấn sâu các đồng thầy, đồng lính (8) ở những địa bàn khác nhau cho thấy hiện nay “giá” của một lễ tiễn căn cũng như lễ gia đồng rất đa dạng với nhiều mức khác nhau. Song phổ biến có 3 mức: mức thấp nhất hiện nay ở Hà Nội có giá là 8 triệu đồng (và cũng chỉ có thể tiến hành ở các điện t­ư gia); mức thứ hai (thư­ờng làm ở các điện Mẫu, chùa, đền ở Hà Nội) có giá 13-15 triệu đồng (9); mức thứ 3 lên đến 35 triệu đồng ở những đền to phủ lớn: phủ Giầy (Nam Định); đền Dâu (Hà Nội)(10). Toàn bộ số tiền đó đều do con nhang (ng­ười chịu lễ) đ­ưa trọn gói cho đồng thầy, đồng thầy sẽ dùng để mua sắm lễ vật, làm cơm thết khách và phát lộc tiền (cả tiền tung và tiền ban lộc) trong canh hầu khi các ngôi thánh giáng về.
Để có thể thiết kế được các canh hầu thích hợp với những hoàn cảnh kinh tế khác nhau, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng khác nhau của các con nhang đệ tử, các đồng thầy ngày nay cũng tự kiến tạo cho mình một mạng lưới các quan hệ xã hội với đầy đủ các thành viên cần thiết để có thể cung ứng các lễ vật và trợ giúp Đồng Thầy thực hành những cuộc lễ thành công. Những nhân vật đó gồm: 2-4 người hầu dâng có kinh nghiệm và khéo tay trong trang trí ban thờ cũng như hóa trang cho các đồng khi thực hành lễ thức; 2-3 ban cung văn với trình độ cao thấp khác nhau, họ là thành phần tạo nên tiết tấu chính của cuộc lễ (11); 2-3 cơ sở làm vàng mã với những chất lượng và hình thức khác nhau: đẹp, vừa phải; ngoài ra là những người chuyên cung cấp hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt và một vài người chuyên phụ trách công việc bếp núc, nấu ăn để làm cơm thết bạn đồng sau khi kết thúc cuộc lễ. Tất cả những người này hoặc đã có đồng hoặc chưa gia đồng (12) nhưng cũng là những con nhang đệ tử thường xuyên đến lễ tại bản điện. Họ lập thành một bản hội và thường xuyên có quan hệ qua lại với nhau và với đồng thầy. Mỗi khi có cuộc lễ tại điện của đồng thầy họ chính là những thành viên tham dự trong vai trò trợ giúp (hầu dâng lên khăn áo); thỉnh mời thánh giáng đồng (cung văn); tung hô, hưởng ứng, phụ họa (các con nhang, đệ tử); chuẩn bị các chất liệu cấu thành buổi lễ (vàng mã, hoa quả, bánh kẹo...). Với những đặc thù riêng của thực hành nghi lễ lên đồng như vậy nên mỗi đồng thầy đều có một bản hội riêng của mình, số lượng các thành viên trong bản hội ít nhất cũng tới 30 người và tăng dần theo thời gian đồng thầy hành nghề cũng như bổ sung qua các quan hệ bởi cả đồng thầy và đồng lính. Trong bản hội có tồn tại những quy tắc ứng xử bất thành văn giữa các thành viên với nhau: tôn trọng và hỗ trợ đồng thầy vô điều kiện, có thời cơ là lôi kéo các con nhang, tín chủ cho bản điện của đồng thầy. Ngược lại đồng thầy cũng là người chịu trách nhiệm về đời sống tâm linh cho các đệ tử của mình, luôn luôn tạo điều kiện cho các đệ tử trong bản hội bán được hàng hóa hay sản phẩm của họ cho các cuộc lễ như: hoa quả, bánh kẹo, quần áo, vàng mã... và đến dự lễ để “hưởng lộc Thánh” khi bản điện có tổ chức lên đồng cho dù canh hầu đó đồng thầy là chủ thể hay là khách thể (13).
Đi liền với sự phong phú của các hình thức hầu đồng các lễ vật cung tiến về tứ phủ trong các canh hầu cũng là những biểu hiện rõ nét nhất của một nền kinh tế hàng hóa. Điều đặc biệt hơn là thành phần dân cư gia đồng trình lĩnh cũng tăng cả về số lẫn chất lượng. Mặc dù chưa có con số thống kê chính sách nhưng con số 1.288 canh hầu được tổ chức ở phủ Tiên Hương (Nam Định) với 350 lượt của người Hà Nội cũng phần nào phản ảnh sự đông đảo này của các tầng lớp đồng. Có những bản hội của những thương nhân lớn, có bản hội của những thương nhân nhỏ; trong các đồng cũng có người có căn đồng thực sự (khi lên đồng họ hoàn toàn mất ý thức) và cũng có người bình thường (khi lên đồng họ hoàn toàn tỉnh táo). Thành phần xuất thân của các đồng cũng hết sức đa dạng có ngườì từng bị điên dở, có người chỉ hay ốm đau lặt vặt, có công chức về hưu, có thương nhân lớn - nhỏ , có người đồng tính, có người bình thường..., tất cả đều đến với lên đồng với nhiều lý do khác nhau, song điều chung nhất ở họ là đều nhận được từ hầu đồng những thứ họ cần!
Hầu đồng hiện nay ở Bắc Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
Thực trạng của lên đồng hầu bóng ở Bắc Việt Nam như đã nêu ở trên đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề, có cả những mặt tốt và cũng tồn tại khá nhiều nổi cộm.
Cùng với hiện tượng siêng năng đi lễ của nhiều thành phần dân cư, sự bùng phát và hưng thịnh trở lại của lễ thức hầu đồng, một phần thể hiện sự sung túc của đời sống kinh tế người dân với mong muốn được tham quan du lịch, song phần khác cũng thể hiện nhu cầu tâm linh đang ngày càng cao trong đời sống tinh thần của con người thời hiện đại. Vậy thực chất của vấn đề ở đây là gì, nó có còn chỉ là biểu hiện của “phú quý sinh lễ nghĩa” hay là dấu hiệu của những đòi hỏi về một cuộc sống bên trong - cuộc sống tinh thần.
Sự gia nhập ngày càng đông các tín đồ đạo Mẫu cho dù nhìn dưới góc độ họ có căn đồng thật sự hay tự nhận mình là người có căn đồng, hoặc được cho là có căn đồng thì cũng phản ảnh một sự thật về tình trạng rối nhiễu tâm, sinh lý đã và đang ngày một gia tăng trong cộng đồng người Việt nhất là người Việt ở các đô thị lớn, nơi chịu những tác động mạnh nhất của hệ lụy kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu.
Việc tìm đến với thần, phật vốn dĩ vẫn là nét ứng xử với tự nhiên mang tính truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam, song sự gia tăng có tính chu kỳ của các thực hành tâm linh nói chung, hầu đồng nói riêng (14) một mặt phản ảnh tác dụng của chính sách cởi mở về tự do tôn giáo của Đảng và nhà nước ta, song mặt khác cũng phần nào dung chứa, báo hiệu sự mất an ninh con người ở phương diện an toàn tâm - thể. Trong bối cảnh xã hội với những nghịch lý về phát triển như: đời sống kinh tế nâng cao thì cũng là lúc môi trường sống bị đe dọa; xã hội phát triển thì cũng là lúc khoảch cách giàu nghèo ngày càng gia tăng; các vấn đề xã hội nảy sinh và ngày càng trở nên phức tạp; cơ hội và rủi ro cùng song hành tồn tại khiến cho sự thành công cũng dễ dàng hơn và thất bại cũng không lường trước nổi. Kinh tế thị trường khiến cho cuộc sống con người sôi động và cũng năng động hơn, song dường như trong sự năng động đó hàm chứa cả sự phiêu lưu mạo hiểm... tất cả đặt con người trước những mối đe dọa bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn, vì vậy đi lễ nói chung, hầu đồng nói riêng đã và đang đóng vai trò như một sự bảo hiểm hữu hiệu để đời sống tinh thần con người được bình an.
Sự nhiều lên về số lượng các điện thờ thánh tứ phủ ở khắp các loại hình di tích: đình, đền chùa, phủ và sự tái xuất hiện điện thờ tư gia cùng hiện tượng các nhà sư “thi nhau” trình đồng và tổ chức hầu đồng ở các chùa đã bộc lộ tính thích ứng của tín ngưỡng này trong cơ chế mới, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ nét tính thực dụng của hệ thống tín ngưỡng này. Sự xuất hiện nhiều nhặn của các đồng trong xã hội Bắc Việt Nam thông qua chỉ báo về nguồn gốc xuất thân của các đồng, cho thấy ngày nay người ta đến với điện mẫu không chỉ vì tâm linh, và cũng không cần phải tìm hiểu về cơ chế tâm linh của hầu đồng nữa mà đến với lên đồng là để thỏa mãn những nguyện vọng của mỗi cá nhân.
Các cơ sở di tích, điện thờ thánh công - tư đã và đang chuyển hóa từ vị thế là những không gian thực hành hoạt động tâm linh sang thành những cơ sở dịch vụ tâm linh và vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Nghi lễ lên đồng cũng nh­ư các đồng thầy x­ưa từ chỗ chỉ đơn thuần là ng­ười thực hành các hoạt động tâm linh với mục đích thiện là nhằm cứu giúp những ng­ười bị hành, bị ma ám (xưa kia lên đồng là để trừ tà sát quỷ) thì nay họ đã trở thành những người có độc quyền được gia giá với các “thượng đế”, khía cạnh này khiến hành nghề tâm linh đã và đang trở thành một “nghề hot” hiện nay. Đó là chưa kể ở lĩnh vực nghề nghiệp này còn có khá nhiều lợi thế: thứ nhất không bị ai kiểm duyệt, kiểm soát (vì lý do tự do tôn giáo), thứ hai sản phẩm mà nghề này tạo ra không bị mặc cả bao giờ (không ai đi mặc cả giá một canh hầu tiễn căn hay hầu trình đồng, và cũng chẳng con nhang nào mặc cả giá một bộ trang phục thần thánh hay mặc cả thêm bớt một đàn lễ mã để chuộc mệnh cho mình... tất cả đều mặc nhiên do các thầy phát giá và người chịu lễ chỉ có theo!
Sự biểu hiện của nghề này thể hiện khá rõ ở cách ứng xử với các con nhang đệ tử của đồng thầy, họ không phải là những ngư­ời chuyên lo việc chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh cho con ng­ười nữa mà trở thành một địa chỉ dịch vụ hẳn hoi. Tính dịch vụ ở chỗ mỗi đồng Thầy tự thiết lập cho mình một mạng lưới xã hội gồm các thành viên có khả năng cung cấp các sản phẩm phục vụ cho nghi lễ hầu đồng: từ hầu dâng chuyên nghiệp, đến các nhà cung cấp mã lễ các chủng loại với các giá khác nhau; các cung văn với những tầng bậc, trình độ cao thấp khác nhau để cùng hội lại thành một hệ thống dịch vụ mà người điều hành là đồng thầy. Với hình thức tổ chức mạng xã hội kiểu này, Đồng Thầy đã hoàn toàn lo trọn gói cho con nhang trong việc thực hành nghi lễ từ các khâu: thầy cúng, trang phục, vàng mã, lễ vật và con nhang chỉ đơn thuần là những khách hàng và đến chịu lễ theo đúng ngày giờ. Hơn nữa tính dịch vụ còn thể hiện ở khả năng cung cấp dịch vụ với các mức giá khác nhau: thấp - trung bình - cao. Mà các cấp bậc cung văn hay mức độ đầy đủ, đẹp đẽ của các đồ lễ, mã, tất cả để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng từ khách nghèo đến khách giàu, thậm chí cả các đại gia đều hài lòng. Có thể nói, các đồng thầy chủ điện công, tư­ gia hiện nay đều có thể đáp ứng mọi nhu cầu của quý khách!
Ở nhiều điện công thì dịch vụ này còn được tổ chức khá hoàn hảo và chuyên nghiệp tới mức tạo thành một hệ thống dịch vụ đầy đủ ngay tại cơ sở di tích. Tại đây có cả thầy cúng, cung văn, hầu dâng của bản điện (họ ăn, ngủ và làm việc tại di tích); trong di tích cũng bán cả vàng mã, trang phục cũng như­ các dụng cụ khác dùng trong nghi lễ lên đồng hầu bóng, thậm chí cả dịch vụ đổi tiền - cung cấp lễ vật và cả nơi ăn chốn nghỉ cho các đồng về hầu đồng tại đây.
Trở thành một dạng dịch vụ, đồng nghĩa với nó là xuất hiện những khuynh hướng rõ rệt của kinh doanh dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vai trò điều tiết của hệ thống quản lý nhà nư­ớc đối với các hình thức kinh doanh dịch vụ đã và đang bộc lộ nhiều lúng túng. Dịch vụ tâm linh ch­ưa được thừa nhận trong văn bản pháp quy, song trên thực tế thì rất nhiều các cơ sở tâm linh đã và đang hoạt động và vận hành theo khuynh h­ướng này. Điều rất dễ nhận thấy là do chư­a thừa nhận nên tất yếu cũng ch­ưa có chế tài cụ thể trong quản lý loại hình dịch vụ này, vì vậy không tránh khỏi bộc lộ rất nhiều bất cập và phức tạp. Tình trạng vàng thau lẫn lộn, tâm linh và phi tâm linh cũng vì thế mà khó phân biệt rạch ròi, khiến cho hầu đồng ở Bắc Việt Nam hiện nay nằm trong tình trạng khen - chê cùng song hành tồn tại. Vì vậy để có thể xây dựng một hồ sơ di sản văn hóa về hầu đồng còn cần rất nhiều công phu, sức lực và cả tài năng, tâm huyết.
________________
1. Riêng các canh hầu của các đồng khu vực Nam Bộ là ít nhất và cũng chỉ ở Sài Gòn hoặc Bình Dương và đại bộ phận là người ở Bắc vào sinh sống, điều này được lý giải là đất Bắc mới là đất hầu bóng chứ miền Nam không phải là cái nôi của lên đồng, hầu bóng.
2. Tư liệu phỏng vấn sâu một đồng thầy ở một điện tư gia, Định Công, Hoàng Mai.
3. Tư­ liệu phỏng vấn sâu một cung văn ở Triều Khúc, Thanh Xuân.
4. Một cách nói của các đồng thầy ý chỉ về sự giàu sang phú quý hay sự nghèo hàn của mình và các thành viên bản hội.
5. Theo quan niệm của giới đồng bóng, một thầy đồng mà có nhiều con nhang theo tức là thầy đồng đó cao tay, có nhiều lộc thánh.
6. Ở đây chúng tôi dùng từ gia (với ý nghĩa tham gia vào ) điều này đùng với ý nghĩa của cuộc lễ là nhằm để cho các con nhang trở thành đệ tử trong đội ngũ những đệ tử của của thánh, chứ không phải “ra” là nghĩa đi ra, tách ra.
7. Những thứ này ngư­ời chịu lễ hôm đó phải đem về và nấu lên để ăn (và phải ăn hết chứ không đ­ược cho ai theo quan niệm dân gian nếu ăn được hết những thứ đó coi như người ấy đã đư­ợc lộc/phép của thánh).
8. Tư liệu phỏng vấn sâu của tác giả trên khoảng 15 căn đồng, trong đó có 5 đồng thầy và 8 đồng lính là phỏng vấn sâu thường xuyên, 2 đồng lính là khách về hầu điện thánh trong ngày lễ hội và tác giả chỉ phỏng vấn sâu họ được 1 lần.
9. Trong một lần trong vai con nhang có nhu cầu làm lễ, tác giả đ­ược 1 nhà sư chùa Trắng (Hà Nội) ra giá là 13 triệu năm 2007.
10. Nguồn: tư liệu điều tra thực địa.
11. Các cung văn ngày nay cũng tập hợp nhau lại thành các ban chuyên đi phục vụ các canh hầu. Có ban chỉ có 2 người, người chơi bộ gõ (trống, phách), người chơi đàn nguyệt và cả hai cùng thay nhau hát; có ban lên tới 5 người với những nhạc cụ phong phú hơn gồn cả tiêu, sáo, trống phách, đàn nguyệt, nhị, xênh tiền, thậm chí cả tam thập lục.
12. Theo nguyên tắc của lên đồng thì những người hầu dâng phải là những người đã trình đồng, còn các đối tượng khác có thể có thể không. Song qua phỏng vấn sâu được biết đại bộ phận các thành viên của bản hội đều là những đồng anh lính chị hoặc những bạn đồng của chủ điện, còn lại một số là các con nhang theo bản điện lễ lạt vào các dịp tuần rằm.
13. Trong thực tế có nhiều đồng tân mới trình đồng nên không có điện riêng, vì vậy khi tổ chức các canh hầu tạ lễ hay hầu vui nhân tiệc mừng của vị thánh nào đó, họ đều mượn điện tư gia của đồng thầy hoặc các điện Mẫu tại chùa hay phủ để tổ chức hầu, hình thức này gọi là mượn cảnh.
            14. Dõi theo lịch sử hình thành và phát triển của nghi lễ hầu đồng cho thấy các giai đoạn hầu đồng phát triển mạnh như sau: Chu kỳ thứ nhất là giai đoạn TK XVII-XVIII; chu kỳ thứ hai vào giai đoạn 1930-1945; và chu kỳ thứ 3 là giai đoạn 1995 đến nay. Tất cả những giai đoạn này, lịch sử xã hội đều có những biến động khá lớn về cả kinh tế, xã hội và văn hóa.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT