Ngày 8/4, tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ, thần điện và nghi lễ”. Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ nhiều câu chuyện, kiến thức tín ngưỡng thờ Mẫu, văn hóa tâm linh, đặc biệt là về trang phục trong nghi lễ hầu đồng ở Việt Nam.
Trang phục bát nháo
Nghi lễ hầu đồng là nghi lễ tín ngưỡng đặc trưng tại Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hoạt động tín ngưỡng này có từ thời nhà Lý. Thời đó, kinh tế khó khăn nên người lên đồng (thanh đồng) chỉ có bộ quần áo màu nâu là chủ yếu. Họ lấy 4 dải lụa thể hiện các màu khác nhau gồm: Màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu xanh để thắt lưng, mỗi dải thể hiện một vị thần linh. Đặc biệt, khăn phủ diện trong hầu đồng là khăn rất cũ, bắt buộc phải màu đỏ, mang ý nghĩa là màu của bầu trời, sinh khí, màu máu, hạnh phúc và sự tái sinh.
Tuy nhiên, giờ đây nhiều thanh đồng không nắm được kiến thức này nên sử dụng khăn màu vàng, xanh dẫn đến sai giá trị gốc. Hiện nay, ngoài trang phục của các giá đồng cao (vua, quan lớn) thì trang phục giá cậu, giá cô trở đi đã có sự phá cách hơn rất nhiều.
Một buổi biểu diễn hầu đồng. Ảnh: Nam Nguyễn |
Theo các chuyên gia, thanh đồng hiện nay thu nhặt quá nhiều yếu tố tâm linh trong dân gian, của các dân tộc thiểu số. Vì vậy, các thanh đồng thoải mái sáng tạo, thậm chí mặc cả trang phục truyền thống của người Mông, Dao đỏ để hiện hiện nghi lễ hầu đồng. Mặt khác, nhiều trang phục của các thanh đồng quá chạy theo thị hiếu, kiểu dáng, màu sắc không phù hợp.
Theo khảo sát của các chuyên gia, đối với các Đồng cựu (những thanh đồng 80 - 90 tuổi không đủ sức hầu đồng nữa), màu sắc trang phục trước đây được đảm bảo hết sức nghiêm ngặt, còn hoa văn có ý nghĩa riêng. Ví dụ giá Mẫu phải hoa văn cửu phụng, giá Ông Hoàng thêu hoa văn bối tử (ngũ phúc); giá quan lớn thêu hổ phù…
“Từng thanh đồng có cảm quan, cộng với thẩm mỹ, ý thức khác nhau nên có người tuân thủ theo trang phục truyền thống, có người sáng tạo vô tội vạ nên trang phục hầu đồng đang bị biến tướng rất nhiều' - TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu tôn giáo chia sẻ.
Đừng làm mất bản sắc văn hóa
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tính ngẫu hứng trong trang phục hầu đồng là do hiểu biết của mỗi thanh đồng và sự cảm nhận của họ về thần linh. Dùng trang phục để đưa thánh thần từ trên cao, hiện diện trong cuộc đời thật, sống cùng con người thật… là điều nhân văn của thực hành nghi lễ hầu đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sáng tạo thế nào để đừng làm mất đi bản sắc văn hóa, để kho tàng di sản trang phục của nghi lễ hầu đồng là bảo tàng sống về trang phục văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm về việc sự biến tướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt nói riêng và văn hóa hầu đồng nói chung, Đại đức Thích Thanh Tuấn cho rằng: “Chúng ta không có sách về việc mở phủ hay các nghi lễ của tứ phủ hiện nay nên câu cửa miệng của các thanh đồng là trăm thầy trăm phép, nghìn thầy, nghìn quân và việc quản lý không chặt chẽ khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ ở Việt Nam biến dạng đi đáng kể”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sáng tạo trong trang phục truyền thống là điều không thể thiếu để duy trì, giúp di sản văn hóa tồn tại. Tuy nhiên, những sáng tạo đó phải dựa trên giá trị gốc. Người sáng tạo trang phục không hiểu về màu sắc tâm linh thì khi tạo ra sản phẩm mới cũng không có giá trị.
Ngày 1/12/2016, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại TP Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Lê Tấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét