Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ đã gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt từ ngàn đời, đó là nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần yêu nước, yêu lao động, cần cù sáng tạo của dân tộc. Và trong hồ sơ trình Unesco công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là văn hóa phi vật thể của nhân loại, các nhà khoa học đã chứng minh tín ngưỡng thờ Mẫu chính là tinh thần đoàn kết dân tộc thể hiện qua nội dung các bài hát văn và đã được cụ thể hóa bằng hình thức diễn xướng qua nghi lễ hầu đồng.
Thờ Mẫu là 1 tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Nó có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình.
Đó là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa… bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên nên họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao là Mẫu và thờ Mẫu, với mong muốn Mẫu sẽ bảo trợ và che chở cho cuộc sống của họ. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu lúc này là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần được cho là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên mang tính quy luật nhằm che chở cho sự sống của con người.
Theo thời gian, khái niệm Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng, các vị công chúa, hoàng hậu, hay bà tổ cô của dòng họ, bà tổ nghề của một làng nghề…; còn trong dân gian, là những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với nước, với dân, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của thánh Mẫu. Họ là những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở, vừa huyền bí lại vừa gần gũi.
Các vị nữ thần được tôn vinh với các chức vị thánh Mẫu phải kể đến như như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu… hoặc Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ, người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…
Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo. Nó không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi bởi đạo Mẫu quan tâm trước hết đến đời sống trần gian của con người về nhiều mặt như sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc…
Tục thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn bởi các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những anh hùng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở người Việt đã phát triển hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ rồi Tứ phủ. Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ, đó là: Thiên phủ (miền trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu, gồm: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Còn Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp. Đến thờ Mẫu Tứ phủ thì có thêm Địa phủ đứng đầu là Mẫu Địa Phủ (Mẫu đệ tứ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.
Trong quá trình biến đổi, phát triển từ thờ Mẫu đến Mẫu Tam phủ rồi Tứ phủ, vào khoảng thế kỷ 16, vừa là nhu cầu phát triển nội tại của thứ tín ngưỡng thờ Mẫu có từ trước, vừa là khát vọng của quần chúng nhân dân, vì thế tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa Việt Nam đã thờ thêm một Mẫu mang tính phổ biến đó là Mẫu Liễu Hạnh. Quan niệm dân gian thường xem bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên (vì bà là con gái của Ngọc Hoàng thượng đế).
Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện ở thế kỷ 16 nhưng cho đến nay chưa có tài liệu chính xác để khẳng định Tứ phủ có từ bao giờ. Cũng có thể từ Tam phủ chuyển sang Tứ phủ là sự thể hiện tư duy trong dân gian, từ Tam phủ lên Tứ phủ cho đầy đủ về vũ trụ.
Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành thần chủ của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta càng phát triển mạnh và nâng lên một trình độ cao hơn, toàn diện hơn. Nếu như từ tín ngưỡng thờ Mẫu đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã có một sự phát triển từ cụ thể lên phổ quát, thì từ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ lại có sự phát triển ở chỗ tính phổ quát ấy được bổ sung bằng những quan niệm nhân sinh và vũ trụ, nó thể hiện tính hệ thống cao hơn, đặc biệt là trong những nghi thức, lễ hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét