Thực hành diễn xướng tại hội thảo |
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng lâu đời có nguồn gốc từ thời Tiền sử, người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm nữ thần Mẹ hay còn gọi là Thánh Mẫu. Đáp ứng được nhu cầu trong đời sống tâm linh của dân chúng, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn biến chuyển, thích ứng với sự thay đổi của xã hội qua từng thời kỳ lịch sử và đã phát triển đến đỉnh cao, hình thành tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XVI. Tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người Việt, có sức lan tỏa mạnh, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, làm ăn thuận lợi, may mắn. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân với nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Nghi lễ chầu văn hay còn gọi là hầu đồng – một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang đầy tính thiêng được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016 với tên gọi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Hải Phòng là thành phố ven biển thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước. Hàng trăm năm qua, trong tiến trình phát triển, Hải Phòng thu hút nhiều cư dân từ các địa phương khác và cả từ nước ngoài đến sinh cơ, lập nghiệp. Những cư dân này xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố đa tín ngưỡng, tôn giáo và đa văn hóa; trong đó có các loại hình tín ngưỡng và đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển. Tùy theo mỗi thời kỳ thăng trầm của đất nước mà tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hải Phòng có những nét phát triển riêng biệt, độc đáo, để lại những dấu ấn trong lối sống của người dân miền cửa biển. Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thời mẫu trên địa bàn TP Hải Phòng” nhằm nghiên cứu, thảo luận, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề được dư luận quan tâm trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội TP Hải Phòng.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về: Tín ngưỡng thờ Mẫu Hải Phòng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ; Tổ hợp nữ thần biển độc đáo: Từ vụ Thánh nương – Liễu Hạnh công chúa ở các làng chài thuộc huyện đảo Cát Hải; Vai trò của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện nay: Trường hợp người Việt Bắc Bộ di cư vào Kon Tum; Chúa bà Nam Phương – Nét đặc thù trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hải Phòng; Hoạt động thờ Mẫu ở Hải Phòng, những giá trị cơ bản cần phát huy và một số hạn chế cần khắc phục; Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn TP Hải Phòng. Những trao đổi, thảo luận của các đại biểu nhằm tìm hiểu và đánh giá thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn TP Hải Phòng; đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tín ngưỡng thời Mẫu trong xã hội đương đại.
HẢI ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét