Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Nghiệp hát văn

Trong ngành hát văn, nghệ nhân Lê Bá Cao là một trong những người luôn nghiêm túc nhìn nhận và lên tiếng về những bất cập của giới nghề. Thẳng thắn, bộc trực mà thâm thúy, không ít lần cụ Cao đã giúp lớp nghệ nhân thế hệ sau nghiệm ra những giá trị của người xưa. Nghe cụ kể về chuyện nghề, chuyện đời đầy khảng khái, ít ai biết rằng cuộc hành trình với nghiệp hát văn của người nghệ nhân sinh năm 1932 này cũng lắm nỗi gian truân.
Nghệ nhân Lê Bá Cao (Ảnh: báo Nhân dân)
Hát văn, đi cúng vốn là nghiệp của gia đình, bởi thế Lê Bá Cao đã được bố cho đi phụ giúp từ năm bảy tuổi, cũng là khi Hà Nội loạn lạc. "Có hôm đi cúng về khuya quá giờ thiết quân luật, thấy ô-tô của Tây đỗ lại, chĩa súng vào thì ông cụ tôi vội giơ đàn mà nói "xin xin bồ đà (đi lễ)" là cho đi. Ấy thế mà khi Tây nó đánh về đây, bố vẫn bị bắt làm tù binh mất một năm. Năm 1946 - 1947, khi ông được thả về cũng là lúc tôi bắt đầu học hát văn cùng bố và các thầy", cụ Cao tâm sự.
Thời ấy, trò phải tự mình hình dung lối hát mà ứng tác vì thầy chỉ dạy các chiêu nghề cơ bản, song bù lại rất nghiêm khắc. "Tôi mà hát sai là bố giật luôn phách, phạng vào đầu gối. Nước mắt chảy ròng ròng mà tôi vẫn phải gảy đàn, đánh nhịp. Ði hát cho người ta lên đồng từ chập tối đến 1 - 2 giờ đêm phải ngồi đánh nhịp trường canh cho thật vững, đánh xô đi là chết với ông", cụ Cao nhớ lại.
Cụ Cao có một xoang giọng đặc biệt mà dân gian gọi là thổ đồng - trầm mà pha mầu kim loại (đồng) cùng với hơi ngân hạt lựu nên được nhiều ông bà đồng ưa chuộng. Hai cha con người nghệ nhân vẫn tiếp tục lăn lộn cùng nghề khắp nội ngoại thành Hà Nội đến năm 1953 đành phải ngừng lại.
Gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nhưng sự say mê nghiệp cầm ca dường như đã ăn vào máu, khiến cụ Cao không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ. Hễ có dịp, hay có ai nhờ vả, gợi nhắc, là cụ lại cố gắng gạt chuyện mưu sinh, những phiền toái bên ngoài để thả hồn cùng điệu hát.
Lăn lộn với nghề thêm mấy chục năm khắp các đền phủ, trông nom năm ngôi đền khu vực phía nam Hà Nội, khi về già, ông lại trở về coi quản ngôi chùa làng mình. "Tôi nghỉ hát văn lâu rồi, giờ cầm đàn tay đã cứng, đánh sai cả nốt đây này! Hơi của mình không cao như xưa được nữa, giờ chỉ "là là mặt đất" thôi!", ông cười hóm hỉnh.
Giờ, ngoài việc thỉnh thoảng có người mộ tài mời đi hát, ông lại hàn huyên cùng những học trò hát văn của mình về biến đổi khôn lường của hát văn thời nay. Với con mắt đã trải nghề mấy chục năm, cụ Cao kể ngày xưa lên đồng rất chân phương, ngay cả từ trang phục. Năm áo - năm mầu có thêu thì thêu tản vân, lên các giá quan thì thay khăn xếp, lên giá trầu khăn vuông thêu phượng có rua và thay đổi mạng, xà tích, dao quai... cho phù hợp. Hình thêu lưỡng long chầu nguyệt, rồng ngũ chảo, tứ chảo (4 - 5 móng) hầu như không có, bởi đó là biểu tượng vua chúa. "Ấy thế mà giờ thì giá quan lớn nào cũng thêu đầy rồng chầu mặt nguyệt. Ðúng là cuộc sống tân tiến nên các quan cũng phải tân tiến theo. Cái này gọi là quan của thị trường mà!", cụ cười với vẻ thâm thúy.
Với cụ, không phê phán thì tín ngưỡng hầu đồng sẽ ngày càng biến dạng. Chọn cách hài hước hóa câu chuyện tâm linh, cụ Cao kể, "Có bà đồng đòi lên năm quan ngũ hổ (vốn chỉ được mời khi thầy pháp sư có đồng trượng cúng trừ tà khí). Lên năm ông rồi, lại đòi lên thêm một ông hổ nữa. Cung văn mới trêu "5 ông tôi đã mời rồi, còn ông hổ cái tôi mời ông lên".
Có tiếng trong nghề, nên nhiều người muốn theo nghiệp cung văn đã tìm đến cụ. Nhưng chỉ những ai thật sự nghiêm túc, và trân trọng những giá trị truyền thống thì cụ Cao mới nhận. Trong khi, sự xô bồ của sinh hoạt tâm linh chỗ này, chỗ khác ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giới cung văn. Nhiều người đi học để làm tiền, chứ không phải lấy cái nghề. "Thậm chí, các anh còn kêu "bắt chúng con học thế này thì 4, 5 năm cũng chả kiếm được tiền", cụ Cao ngán ngẩm.

Tín ngưỡng Tứ phủ với những đổi thay chắc sẽ còn trải dài trong những câu chuyện của cụ Cao. Hiện cụ đang giúp sức cho Câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật Hát Văn truyền lại vốn cổ cho thế hệ sau. Theo cụ, trước tiên là truyền lại cho những người đã có nghề các làn điệu và kỹ thuật hát văn chân chính theo lối cổ. "Lớp này phải dạy ngay chứ để họ hỏng thì đời sau này cũng hỏng hết, vì chúng tôi già rồi, toàn những người 80 - 90 tuổi, mấy năm nữa đi hết thì lấy ai truyền dạy cho", cụ Cao chia sẻ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT