Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Đền Nguyệt Hồ - Điểm du lịch Văn hóa tâm linh độc đáo

Đền Nguyệt Hồ là một trong những di tích cổ gắn liền với truyền thống lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Giang. Ngôi đền nằm ở vùng đất có nhiều di tích thuộc thượng lưu dòng sông Thương. Dọc ven dòng sông này có rất nhiều các điểm di tích thờ Mẫu nhưng được quan tâm và chú ý nhiều hơn là đền Nguyệt Hồ thuộc xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế.


Theo bề dày lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu đền Nguyệt Hồ đã có nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng của nhiều thời đại phủ lên. Song điều quan trọng hơn cả là từ lâu đời ngôi đền cổ này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian gắn liền với truyền thuyết và lịch sử của dân tộc.
Những năm gần đây, đền Nguỵêt Hồ là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hàng năm, có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các tỉnh thành trong nước hành hương tìm về đền Bà Chúa Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Theo truyền thuyết và tài liệu xưa ghi chép lại: “Đệ Nhị Nguyệt Hồ là bà Chúa Bói dưới thời Hùng Vương. Tương truyền rằng, chúa bà Nguyệt Hồ vốn là người thôn nữ ở đất Bắc Giang, từ nhỏ đã sống trong cảnh cơ hàn. Bà là người rất tốt bụng, thảo hiền, có lòng nhân hậu, vì vậy, Lão Tổ Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh đã truyền dạy cho bà những đạo pháp của mình và đặt tên hiệu cho bà là Nguyệt Hồ (hay Huyết Hồ). Sau khi đã học được phép của Tiên Sinh, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Chẳng bao lâu, danh tiếng đồn của Chúa Nguyệt Hồ đã lan tới kinh đô, đức vua bèn truyền chỉ, mời chúa về kinh đô, mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận”.
Trong Tam Vị Chúa Mường thì bà chúa Nguyệt Hồ là bà chúa bói danh tiếng bậc nhất và rất hay ngự đồng. Khi ngự đồng, chúa mặc áo xanh, múa mồi. Đôi khi chúa ngự về còn dùng lá trầu quả cau để xem bói, phán bảo trần gian.
Theo thần tích và truyền thuyết ở vùng Bo (Yên Thế), sự tích chúa Nguyệt Hồ được ghi chép lại như sau: Cuối đời Hùng Duệ Vương quân Thục ồ ạt mang quân sang xâm chiếm giang sơn họ Hùng. Hùng Duệ Vương bèn hạ chiếu đi các nơi tìm người tài giỏi để giúp vua trừ giặc. Lúc bấy giờ ở vùng Bo (Yên Thế) có hai ông Cao, Quý ra ứng tuyển và được vua chọn đi dẹp giặp. Bái tạ ơn vua, hai ông kéo quân về vùng Bo (Yên Thế) ngày đêm luyện tập binh mã chờ thời cơ diệt giặc.
Khi quân Thục kéo sang, hai bên giao chiến ác liệt, thế giặc mạnh, quân ta yếu, hai ông Cao, Quý chỉ huy quân sĩ rút lui theo triền sông Thương rồi lựa thế đất hiểm trở quay lại giết giặc. Thuyền chiến dùng giằng chưa đi được vì các bà con gái lưu luyến yêu mến vùng đất này nên đã dời thuyền trở lại vùng Bo. Hai ông chỉ huy quân sĩ quay lại đánh giặc, bị bất ngờ phản công, quân Thục tự nhiên vỡ trận thua to, những kẻ tháo lui đều bị quân sĩ truy đuổi tiêu diệt hết.
Thắng giặc hai ông trở về khao thưởng quân sĩ rồi hồi triều báo công với vua. Trước khi hồi triều hai ông phi thẳng ngựa đến khu Rừng Từ để nhìn bao quát vùng Bo một lần nữa rồi bỗng nhiên hóa tại đó.
Phu nhân và con gái biết tin nhớ thương nên cũng tự hóa theo hôm đó vào ngày 15/2. Sau khi đánh thắng quân Thục, nhà vua phong cho các danh tướng là Thượng Đẳng Phúc Thần và truyền cho các địa phương, nơi các danh tướng đánh giặc, xây dựng đền miếu để thờ phụng mãi mãi.
Triều vua Lê Đại Hành có sắc phong cho các vị Thần ở vùng Bo là: “Cao Sơn Quý Minh đại đức hùng lược trác vĩ Đại Vương Thượng đẳng Thần”. Đến triều Nguyễn địa phương xây dựng miếu thờ ở Huyết Hồ, xin triều đình cho thờ nữ thần là Nguyệt Nga phu nhân và con gái của vị thần họ Cao.
Triều vua Tự Đức năm thứ ba (1850) ban sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân và ban cho dân xã vùng Bo phụng thờ. Sau lại có sắc phong cho Nguyệt Nga công chúa. Đời vua Duy Tân năm thứ nhất (1907) cũng có sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân.
Đền bà chúa Nguyệt Hồ có lịch sử từ lâu đời, xưa ngôi đền có một cung đặt tượng thờ Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu, qua thời gian ngôi đền đã được nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm công đức tu sửa tôn tạo nhiều lần thêm phần khang trang tố hảo.
Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khu sân đền, hồ Nguyệt, khu đền chính gồm tòa đại bái và hậu cung, kiến trúc theo lối cổ truyền thống. Trong hậu cung đặt tượng Bà Chúa bản đền, chúa Nguyệt Hồ, tức Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng Chầu, ông Hoàng, các Cô, Cậu và Đức Thánh Trần.
Hai cung ngoài tòa đại bái cũng bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Như vậy, theo bề dày lịch sử, đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên nhiều lớp tín ngưỡng, ngoài thờ “Bà chúa Nguyệt Hồ- Chúa Bói”, còn thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”, thờ Cô, thờ Cậu, thờ Sơn Trang, thờ các ông Hoàng và đức Thánh Trần Triều... và từ lâu đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên một lớp tín ngưỡng “thờ Mẫu”.
Theo các nhà nghiên cứu thì tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là tín ngưỡng của người Việt cổ có từ lâu đời và ngày càng phát triển.
Ngày lệ bà Chúa Nguyệt Hồ là ngày 15/2 âm lịch. Trong ngày lệ chính nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau khi tế lễ tại đền Trung lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguỵêt Hồ được tiến hành với những nghi lễ độc đáo như lễ dâng văn chúa Nguyệt Hồ.
Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn. Người được chọn diễn xướng hát văn phải có giọng hát hay, đàn giỏi, gia đình không có tang bụi. Trong nghi thức thờ Mẫu ở đền bà chúa Nguyệt Hồ còn có lệ hầu bóng được diễn ra trong các dịp đầu năm và trong ngày lễ hội. Khách về lễ Mẫu và hầu bóng chủ yếu là khách thập phương từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội... tụ hội về đây để được dâng văn hầu chúa Nguyệt Hồ.
Hội đền Nguyệt Hồ nằm trong không gian chung của tín ngưỡng thờ Mẫu theo tuyến hành lễ đền Nguyệt Hồ-đền Suối Mỡ-đền Bắc Lệ- đền Mỏ Ba-đền Thượng Đồng Đăng và cuối cùng xuôi về đền Bà chúa Kho-Bắc Ninh.


Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Tuyên Quang: Thăm đền Mẫu Thượng

Đền Thượng hay đền Mẫu Thượng thuộc xóm 14, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) nằm dựa lưng vào chân núi Dùm, nhìn ra dòng Lô Giang thơ mộng, hiền hòa. Với giá trị về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, ngôi đền là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thăm quan du lịch của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang và du khách thập phương.

Núi Dùm bên dòng sông Lô thơ mộng tại thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Lê Hoàn
Linh thiêng đất mẫu

Tuyên Quang là mảnh đất mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến Tuyên Quang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu thêm những giá trị về văn hóa, về truyền thống lịch sử của một vùng quê cách mạng qua các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng. Trong đó phải kể đến các công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc vừa có giá trị về văn hóa tâm linh; giá trị từ sự linh thiêng của tín ngưỡng Thờ Mẫu - một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam, trong đó “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có giá trị đặc sắc bởi di sản này gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và lưu truyền từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của mẫu đệ tam (Mẫu Thoải), vị thần cai quản vùng sông nước.

Cổng đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang
Từ bến xe ô tô Tuyên Quang, theo đường Bình Thuận qua cầu Nông Tiến khoảng 500 m, rẽ trái theo Quốc lộ 2C mới chúng tôi dừng chân tại xã Tràng Đà, nơi tọa lạc ngôi đền thờ Mẫu đúng vào thời điểm tết đến xuân về. Một phong cảnh thanh bình, trù phú hiện ra trước mắt…

Đền Thượng nằm tại chân đỉnh núi Dùm, bên dưới là dòng sông Lô trữ tình lững lờ trôi. Ảnh: Lê Hoàn
Ngôi đền Thượng đã từng có các tên gọi: Đền Sâm Sơn (hay đền Tình Húc). Đây là tên gọi dưới thời Nguyễn, vì lúc đó, núi Dùm được gọi là núi Sâm Sơn thuộc thôn Viên Lâm, xã Tình Húc, tổng Bình Ca, huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình (Tuyên Quang). Trong nhân dân còn lưu truyền câu: “Thượng thác Ghềnh, Hạ cầu Chả” - nghĩa là trên thác Ghềnh có đền Thượng, phía dưới gần cầu Chả có đền Hạ. Tên đền Thượng được nhân dân gọi đến ngày nay.

Đền Thượng là một ngôi đền cổ có từ lâu đời (sắc phong sớm nhất vào năm 1743) có niên đại cùng thời với đền Hạ - đền thờ hai nữ thần có quan hệ mật thiết với nhau. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian phát triển, nhân dân đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng hệ thống tượng Ngọc Hoàng, Long Vương, quan Hoàng vào phối thờ.

Một chiếc khánh cổ được đúc đầu thể kỷ XIX còn lưu giữ tại đền. Ảnh: Lê Hoàn
Tương truyền, từ xưa kia có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Nơi con thuyền đỗ bên bờ sông xưa là đền Thượng, nay thuộc xóm 14, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Theo quan niệm của dân gian, hai vị công chúa chính là hiện thân của con gái Long Vương. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu về văn hóa, sở dĩ Đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa và Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa được tôn là Mẫu Thoải vì có sắc phong của nhà nước phong kiến xưa.

Đền Thượng nằm tại chân đỉnh núi Dùm, một bên dựa vào núi, bên dưới là dòng sông Lô trữ tình lững lờ trôi, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy ngôi đền tạo nên khung cảnh trữ tình, thanh bình, linh thiêng.

Đền Thượng là công trình kiến trúc của một tín ngưỡng cổ, với nhiều di vật, hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau. Hiện nay trong đền còn chứa đựng nhiều văn bản, thư tịch Hán Nôm cổ như: hoành phi, câu đối, sắc phong... Đền Thượng là di tích rất có giá trị trong việc nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và là địa điểm hấp dẫn thu hút khách thập phương về chiêm bái sự linh nghiệm của đền. năm 2015, đền Thượng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Độc đáo lễ rước Mẫu 3 đền

Trong năm, tại đền Thượng thường tổ chức các ngày lễ lớn như: Lễ khai bút vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch (ngày mở cửa đền); Lễ Thượng nguyên vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch (lễ giải hạn cho dân); Lễ cầu mưa từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 4 âm lịch; Lễ mừng sinh nhật các Mẫu và các vị quan Hoàng vào các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đặc biệt, trước đây trong tháng 2 và tháng 7 âm lịch có hội rước Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và là dịp để nhân dân thể hiện các nghi thức diễn xướng.

Một giá hầu đồng tại đền Thượng. Ảnh: Lê Hoàn
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La. Hiện nay, lễ rước Mẫu tại thành phố Tuyên Quang đã được khôi phục và được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch - rước Mẫu từ đền Ỷ La và đền Thượng về nhập cung tại đền Hạ (hai chị em công chúa gặp nhau) và ngày 16 tháng Giêng làm lễ hoàn cung với nhiều hoạt động độc đáo và hấp dẫn. Phần lễ gồm lễ rước kiệu Mẫu và lễ tế. Lễ rước kiệu Mẫu bắt đầu từ đền Mẫu Ỷ La ra đền Hạ, tiếp đến lễ rước kiệu Mẫu từ đền Thượng qua sông về đền Hạ để cùng hợp tế.

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian (Kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng chuyền hơi, đập niêu, nhảy bao bố, chọi gà,...) cùng các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như: Giới thiệu trang phục (khăn áo) trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; trình diễn diễn xướng dân gian (nghi thức hầu đồng) kết hợp với biểu diễn âm nhạc (hát văn).

Ngày 23/01/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài, Ảnh: Lê Hoàn 

Các cấp bậc, thứ tự trong đạo Phật được xưng hô ra sao?

Đạo Phật đã có mặt tại Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, những giá trị tinh thần của Phật giáo đã đi vào đời sống xã hội như một thực thể hòa hợp và gắn bó, những tác động và ảnh hưởng của Phật giáo được biểu hiện trong từng nhịp sống của người dân đất Việt. Đức Phật đã dạy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, nghĩa là đạo Phật hiện hữu ngay tại thế gian, việc đạo không thể tách rời việc đời.



Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời. Trong mối quan hệ khăng khít ấy, người theo đạo và người xuất gia tu đạo luôn giữ một mối quan hệ gắn bó, nhưng cũng chính từ đó, việc xưng hô như thế nào trong các quan hệ mang tính xã hội đó cũng đặt ra những vấn đề cần giải đáp, tránh những cách xưng hô không phù hợp, gây tâm lý e ngại, lúng túng cho người giao tiếp, thậm chí là xúc phạm không đáng có cho những người tham gia giao tiếp.

Trong đạo Phật, có thể chia ra hai trường hợp xưng hô, một là xưng hô giữa hàng phật tử xuất gia với phật tử xuất gia; hai là xưng hô giữa người phật tử xuất gia với phật tử tại gia. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến danh xưng trong đạo Phật, đó là cách tính tuổi và các phẩm trật trong đạo Phật. Có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là tuổi đời và tuổi đạo. Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ năm sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia tu đạo. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới (giới tỳ kheo và tỳ kheo ni) đồng thời, hàng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ. Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).

Một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu. Đó là các vị đồng chân nhập đạo. Tùy theo số tuổi, vị này được giao việc làm trong chùa và học tập kinh kệ, nghi lễ. Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới, gọi là Sa di (đối với nam) hay Sa di ni (đối với nữ). Đến năm được ít nhất là 20 tuổi đời và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tập, vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Đại đức (nam) hay Sư cô (nữ). Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ kheo (nam) hay Tỳ kheo Ni (nữ) trước pháp danh của vị xuất gia.

Giới cụ túc (Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni) là giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời, không phải thụ giới nào cao hơn. Việc thụ Bồ tát giới (tại gia hay xuất gia) là do sự phát tâm riêng của từng vị theo Phật giáo Bắc tông (Phật giáo Nam tông không có giới này). Nhìn chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như sau: Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại đức; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo được 25 tuổi đạo, được gọi là Thượng tọa; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa thượng; Đối với bên nữ (ni bộ): năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 25 tuổi đạo, được gọi là Ni sư; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Ni trưởng.

Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo, được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của Giáo hội, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp Đại lễ hay Đại hội Phật giáo, trong các giới đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.

Đối với các bậc Hòa thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở Giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại lão Hòa thượng hay Trưởng lão Hòa thượng. Điều này không thấy áp dụng đối với hàng giáo phẩm Ni. Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các Hội đồng Trưởng lão, hoặc Hội đồng Chứng minh tối cao của các cấp Giáo hội. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức đôi khi vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn để biểu hiện sự khiêm nhường theo đúng tinh thần Phật giáo.

Giữa các vị xuất gia, thường xưng con hay xưng pháp danh, pháp hiệu và gọi vị kia là thầy hoặc gọi cấp bậc hay chức vụ vị đó đảm trách theo nguyên tắc bên ni trọng bên tăng. Tuy nhiên những vị tăng trẻ tuổi vẫn tôn xưng các vị ni lớn tuổi mà xưng con gọi thầy hay phẩm trật với các vị ni. Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng thầy hay sư phụ, Tôn sư, Ân sư. Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng sư phụ, thường gọi nhau là sư huynh, sư đệ, sư tỷ, sư muội, và gọi các vị ngang vai vế với sư phụ là sư thúc, sư bá. Trong đạo Phật có các danh xưng đạo hữu (bạn cùng theo đạo), pháp hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp). Các danh xưng tín hữu (bạn cùng tín ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không thấy được dùng trong đạo Phật.

Khi tiếp xúc với chư tăng ni, quý vị cư sĩ phật tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản gọi bằng thầy hay cô nếu như không biết rõ hay không muốn gọi phẩm trật của vị tăng ni và thường xưng là con. Trong tinh thần Phật pháp, người thụ ít giới tôn kính người thụ nhiều giới hơn chứ không phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế gian để tỏ lòng khiêm cung, kính Phật, trọng tăng, cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ tự ái, mong đạt trạng thái niết bàn vô ngã theo lời Phật dạy. Có những vị cao tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ để tránh ngại ngùng cho cả hai bên. Khi qui y Tam bảo, thụ ngũ giới (tam quy, ngũ giới), mỗi vị cư sĩ phật tử tại gia có một vị thầy truyền giới cho mình. Vị ấy được gọi là thầy Bản sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị thầy Bản sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng thầy.

Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn hệ phái Phật giáo Nam tông chỉ có tăng, không có ni nên danh xưng chung đối với các vị Nam tông là sư. Một điều chú ý là đối với Phật giáo Nam tông, thường không dùng danh xưng thầy để gọi các nhà sư. Việc xưng hô không đúng phẩm vị của tăng ni, xưng hô khác biệt trước mặt và sau lưng, tất cả đều nên tránh bởi vì không ích lợi cho việc tu tâm, dưỡng tính.

Khi tiếp xúc với cư sĩ, phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi (hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng có khi chư tăng ni xưng là thầy, hay cô và gọi quý vị là đạo hữu, hay quý đạo hữu. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo hoặc không kèm theo tiếng xưng hô của thế gian. Cũng có khi chư tăng ni, tùy theo tuổi tác của phật tử xuất gia, mà gọi theo cách gọi của thế gian và xưng là nhà chùa. Đây là một cách nói gần gũi thường được sử dụng trong các sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày chứ không phải trong các nghi thức hay các văn bản có tính chất hành chính. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia là quý phật tử, từ này không sai, nhưng chưa thật chính xác bởi vì xuất gia hay tại gia đều cùng là phật tử, chứ không riêng tại gia là phật tử mà thôi. Việc một phật tử xuất gia ít tuổi gọi một phật tử tại gia nhiều tuổi bằng con và xưng thầy thực là không phù hợp. Không nên gọi như vậy để tránh sự tổn đức và không nên bất bình khi nghe như vậy để tránh bị loạn tâm. Theo truyền thống phương Đông tuổi tác rất được kính trọng trong xã hội, dù tại gia hay xuất gia.

Trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách thuyết giảng, chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách xưng hô xã giao người đời thường dùng hằng ngày. Danh xưng cư sĩ thường dùng cho phật tử tại gia, đã qui y Tam bảo, thụ ngũ giới. Những vị cư sỹ phát tâm tu tập và góp phần hoằng pháp còn được gọi là Ưu bà tắc (thiện nam, cận sự nam) hay Ưu bà di (tín nữ, cận sự nữ).

Trong cách gọi dân gian, Phật giáo cũng sử dụng các danh xưng như: sư chú, sư bác, sư ông, sư bà hay sư cụ. Điều này cũng có sự phân biệt nhất định. Sư chú dành để chỉ những người xuất gia ở chùa nhưng chưa được thụ giới; sư bác chỉ những người đã được thụ giới Sa di hay Sa di Ni; sư ông, sư bà để chỉ những người đã được thụ giới tỷ kheo và tỷ kheo Ni. Ngoài ra, đối với các vị bán thế xuất gia, nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu tập và thụ giới như trên, cho nên cách xưng hô cũng không khác. Tuy nhiên để tránh việc gọi một người đứng tuổi xuất gia là chú tiểu, giống như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế xuất gia này là sư chú, hay sư bác. Bên cạnh đó, các xưng hô trong đạo như sư ông, sư bà, sư cụ cũng thường được dành để gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc gọi chư tôn đức có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia. Một danh xưng nữa là pháp sư thường dành cho các vị xuất gia tăng hay ni có khả năng và hạnh nguyện thuyết pháp độ sanh. Ngoại đạo thường hay lạm dụng danh xưng này để chỉ các ông bà thầy pháp, thầy cúng.
 Danh xưng sư Tổ được dành cho chư tôn đức lãnh đạo các tông phái còn tại thế, danh xưng Tổ sư được dành cho chư tôn đức đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao trọng đại đối với nền đạo. Đối với các bậc cao tăng thạc đức thường trụ ở một tự viện, người trong đạo thường dùng tên của ngôi già lam đó để gọi quý ngài, tránh gọi bằng pháp danh hay pháp hiệu để tỏ lòng tôn trọng, kính ngưỡng.

Đức Phật đã dạy “hằng thuận chúng sinh”, nghĩa là nếu phát tâm tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn thuận theo việc dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem an lạc cho chúng sanh, tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang tu trong đạo. Các vị phát tâm xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia, thực hành hạnh ái ngữ, đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua chi lời nói, quan tâm chi chuyện ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh chấp danh tiếng, tranh cãi lợi dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ. Đồng quan điểm hay không, được cung kính hay không, xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, tránh sự tranh cãi.

Nhất niệm sân tâm khởi,
Bách vạn chướng môn khai.
Nhất niệm sân tâm khởi,
Thiêu vạn công đức lâm.

Nghĩa là: Một lần nghĩ đến sự sân hận, trăm điều chướng nghiệp sẽ nảy sinh, một lần nghĩ đến sự sân hận, tiêu tan mọi công đức tu tập. Do đó, trong cách xưng hô nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhặt. Trong đạo Phật, cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến, không suy chuyển, đó là phẩm hạnh, phẩm chất, đức độ, sự nỗ lực, cố gắng  tu tâm dưỡng tính không ngừng cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh giác ngộ và giải thoát, đối với Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Đó cũng chính là một phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy./.
Theo Phúc Nguyên (Ban tôn giáo Chính phủ)

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Những tranh luận về “Xuất xứ của Mẫu Thoải” trong Đạo mẫu Việt Nam

Mẫu Thoải được người dân trong nhân gian tôn thờ là mẹ của sông nước Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những huyền tích về Mẫu thoải được tương truyền thì những cuộc tranh cãi của các nhà nghiên cứu về “Xuất xứ của Mẫu Thoải” trong Đạo mẫu Việt Nam cũng là câu chuyện chưa có hồi kết. Ai cũng có lập luận của riêng mình, chính vì lẽ đó mà những bí ẩn về Mẫu thoải vẫn còn là một dấu chấm hỏi còn bỏ ngỏ…

Hình tượng mẫu thoải trong dân gian Việt Nam
Huyền tích Mẫu Thoải trong dân gian Việt Nam
Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Thuở trời đất mới mở mang, đất đai đang chờ khai phá, vua Kinh Dương Vương đi chu du các nơi.
Một ngày nọ, Kinh Dương Vương còn lấy cô gái chăn dê có nhan sắc tuyệt trần, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân tên là Thần Long rồi sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ - con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống biển.
Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV bình luận đoạn này như sau: “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt.
Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”
Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay). 
Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần.
Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng có ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông. 

Mẫu Thoải xuất hiện trong bản hát Chầu…

Trong cõi nhân gian, cõi thủy cung chính là nơi Bát Hải Long Vương cai quản. Mọi việc mưa gió trần gian đều do lệnh chỉ từ Động Đình Hồ. Long Vương Động Đình Hồ có đệ tam công chúa là Xích Lân Long Nữ.
Công Chúa được Vua Cha rất mực yêu quý. Nàng thường ra vào mọi nơi trong thủy cung mà không bị quản thúc. Vua Động Đình Hồ có ý gả công chúa cho Kính Xuyên. Kính Xuyên cũng là dòng dõi lệnh tộc chốn thủy cung.
Sau khi công chúa xuất giá về cửa nhà Kính Xuyên, nàng luôn giữ tròn đạo tiết kính thờ cha mẹ chồng. Đối với chồng thì hết mực mến thương, thuận đạo phu tòng không hề sai khác. Kính Xuyên vốn dòng nho nhã nhưng tính khí lại ưa chơi bời, thường xuyên cùng bạn bè trà tửu mà bỏ bê nghĩa phu thê, lâu ngày chẳng đoái hoài đến công chúa.
Ít lâu sau Kính Xuyên cưới một người vợ lẽ là Thảo Mai. Thảo Mai cũng là người có nhan sắc nhưng lại gian xảo khôn lường. Một hôm nọ, Thảo Mai viết một bức tình thư trá rằng đó là thư của công chúa viết cho tình nhân, không giữ trọn đạo tiết với Kính Xuyên. Kính Xuyên đùng đùng nổi giận từ mặt mà đuổi công chúa đi.
Cha mẹ chồng cũng ít nhiều khuyên can nhưng không được. Vậy là Công Chúa mắc vào dây gieo oan thất tiết mà bị Kính Xuyên sai gia nhân đày lên nơi rừng xanh xa xôi. Lúc bấy giờ,  Liễu Nghị là hàn sĩ trên đường lai kinh tái thí thì gặp công chúa và nhận lời giúp công chúa đưa thư về cho “cố quốc”.
Công Chúa liền viết bức thư phong rồi trao cho Liễu Nghị cùng với cây kim thoa tín vật. Xong rồi Liễu Nghị tạ từ công chúa rồi lên ngựa thẳng lối mà đi, bụi vẫn tung mù mà bóng chàng dần dần khuất dạng… Liễu nghị đưa thư về tới Động Đình Hồ, Công Chúa được khải hoàn thủy quốc.
 Long Vương liền thiết tiệc khải hoàn đón công chúa và khoản đãi đáp ơn đối với Liễu Nghị. Công Chúa lúc bấy giờ từ trong cung bước ra mà cúi đầu cảm tạ Liễu Nghị.  
Liễu Nghị quả thực cũng có cảm tình với Công Chúa nay lại thuận duyên nên nghĩa phu thê, chàng bèn cúi đầu mà ưng thuận. Đức Long Vương đứng ra làm chủ hôn cho công chúa và Liễu Nghị .
Thủy cung mở đại tiệc linh đình , khắp nơi vang lời ca tiếng hát, tiêu thiều nhã nhạc. Đức oai danh tiên chúa vang dội khắp nơi, gần xa kính vái. Muôn dân lập đền thờ tôn ngài làm “Thủy cung Thánh Mẫu” - bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ.

Những tranh cãi chưa hồi kết về Mẫu Thoải

Trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền ( Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam) về huyền tích Mẫu Thoải trong nhân gian. Anh Hiền thể hiện sự đồng tình tuyệt đối với những gì mà Tiến sĩ  Trần Trọng Dương đã từng phân tích trong “Kinh Dương Vương – ông là ai” đăng trên tạp chí Tia sáng (năm 2013). 
Ở đó, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho rằng truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường. Đồng thời, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận định về nguồn gốc của các mô-típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Toàn thư.
Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân - Âu Cơ, và coi đó như nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương - triều đại mà người Việt ngày nay coi như lịch sử đích thực của mình. 
“Từ những phân tích của Tiến sĩ Trần Trọng Dương, thì có chăng Việt Nam đang tôn thờ một nhân vật trong văn học Trung Quốc được thần thánh hóa trở thành Mẫu của Việt Nam? Nếu thật thì có khác gì chúng ta thờ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới của Ngô Thừa Ân…” – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tỏ thái độ khẳng khái khi nói về tục thờ Mẫu Thoải.
Nhà nghiên cứu văn hóa cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng, ngày xưa ở những làng xã tiểu nông, khi tầm nhìn còn hạn hẹp thì người ta thấy cái gì hay người ta thờ. Tuy nhiên, lúc này khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên văn minh chúng ta phải có sự so sánh, nhận định một cách khoa học, bình tĩnh hơn.
Đừng nên vì nghĩ rằng ngày xưa nhân gian tôn thờ cái gì thì có nghĩa bây giờ tất cả những cái đó là đúng. Ngày xưa, có thể nó có tính hợp lý của nó vì là thời phong kiến, trung cổ. Còn ngày nay thì không thể im lặng trước luồng dư luận cho rằng “Chúng ta đang tôn thờ một nhân vật văn học Trung Quốc mãi mãi được”. Chúng ta cần phải làm sáng tỏ nó ra. Và cho dân chúng một câu trả lời chính xác để tránh sự hoài nghi và sự phân tán tư tưởng. 
Bên cạnh những hoài nghi ấy, cũng đã có nhiều người đứng ra giải thích nhằm “lấp đầy” những khiếm khuyết về lịch sử như đã trình bày trên.
Tuy nhiên, dường như chưa có một lời giải thích nào thuyết phục để nhằm làm ngưng lại hoàn toàn cuộc tranh luận về Huyền tích Mẫu Thoải. Chính vì lẽ đó mà đến nay những băn khoăn về gốc gác của mẹ tổ sông nước trong tam tòa tứ phủ vẫn là một dấu chấm hỏi chưa hẹn ngày có hồi đáp.
Hoàng Lâm

“Gọi “hồn” rồi thu tiền là hành vi trục lợi, bôi nhọ nhà Phật”

Hoạt động gọi vong báo oán tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh để thu tiền đang gây xôn xao dư luận. Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, đây là hành vi trục lợi, trái với giáo lý Phật giáo và người dân cần tỉnh táo, tránh mê muội, tránh bị lợi dụng. 


“Nhiều tăng ni, phật tử cả nước bày tỏ sự bất bình”
Đó là lời chia sẻ của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước hoạt động gọi “vong” tại chùa Ba Vàng. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, đây là sự việc rất đáng buồn, ảnh hưởng lớn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết: “Phật giáo hướng con người làm việc thiện, tu nhân tích đức. Việc thỉnh “vong” để hóa giải nghiệp oan gia là không đúng. Mỗi người phải tự làm việc tốt, việc thiện để hóa giải nghiệp cho mình, chứ không phải thỉnh “vong”. Nếu phật tử dẫn dắt con người đi vào con đường đó là không đúng theo chính pháp Phật giáo”.
Hàng nghìn phật tử nghe trụ trì chùa Ba Vàng thuyết giảng về thế giới tâm linh, cúng vong hồn tối 21/3.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, việc phật tử Phạm Thị Yến đem chuyện nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị sát hại và nhiều vụ việc khác để giải nghĩa cho việc “oan giá trái chủ” là hoàn toàn không đúng với tôn chỉ của giáo lý đức Phật, không đúng với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Nhiều tăng ni, phật tử cả nước bày tỏ sự bất bình trước vụ việc này, nhất là khi vụ việc lại xảy ra tại một ngôi chùa nổi tiếng. Chúng tôi buồn vì vụ việc đã ảnh hưởng, làm sai lệch tinh thần của giáo lý Phật giáo”, Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ kiểm điểm sư trụ trì chùa Ba Vàng - thành viên của Giáo hội - vì đã để xảy ra vụ việc nói trên. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang chờ báo cáo từ Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, sau đó sẽ có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Trả lời báo chí về vụ việc, Đại đức Thích Đạo Hiển, đại diện Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cho biết, Giáo hội cũng đã nhiều lần có ý kiến với Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng nhưng hoạt động này vẫn diễn ra. Ban Trị sự cũng đã nhắc nhở chùa Ba Vàng không nên để hiện tượng gọi "vong", mê tín diễn ra trong nhà chùa.  
Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cũng đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an, các tổ chức tôn giáo và chính quyền TP Uông Bí phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc này, để nhân dân không bị sa đà vào những niềm tin mù quáng.
“Gọi "hồn" rồi thu tiền là hành vi trục lợi, bôi nhọ nhà Phật”
Trao đổi xoay quanh hoạt động cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam khẳng định rằng, đây là hành động mê tín, dị đoan bởi việc "gọi vong, gọi hồn" không gắn với hoạt động của nhà chùa.
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam khẳng định rằng, đây là hành động mê tín, dị đoan.
“Giáo lý nhà Phật chỉ hướng con người sống tu tập, phải đạo, hướng thiện, làm việc tốt thì sẽ nhận được điều tốt đẹp. Việc phật tử tổ chức gọi "hồn" giải oan nghiệp rồi thu tiền của nhân dân tại chùa Ba Vàng là hành động trục lợi, bôi nhọ giáo lý nhà Phật. Phật tử, nhân dân đến chùa với mục đích cầu an, tu nhân tích đức chứ không phải là nộp tiền để được gọi "vong". Đây tuyệt nhiên không phải là tinh thần của Phật giáo”, Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, vụ việc diễn ra tại chùa Ba Vàng đang gây xôn xao dư luận cần phải được làm rõ để giúp nhân dân hiểu đúng giáo lý, tinh thần Phật giáo. Để người dân tránh mê muội vào những hoạt động không đúng với Phật pháp.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển cho rằng “lợi dụng tâm linh để kiếm tiền như “buôn thần bán thánh”, hành động này không phù hợp với nhà chùa”.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, việc thu tiền này là hiện tượng núp bóng, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo trục lợi bất chính. Hành vi này làm ô danh Phật pháp, đáng bị lên án...
Nguyễn Hằng

Vụ chùa Ba Vàng là hệ quả của “rối loạn nhận thức”

Vì sao người ta dễ dàng trở nên u mê trước những bịa đặt về giáo lý Phật giáo? Vì sao việc lợi dụng đức tin để trục lợi càng ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn? Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tôn giáo nên ứng xử thế nào nếu có các sự việc tương tự?


Chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh). Ảnh: Trang thông tin chùa Ba Vàng

Phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vụ việc đang xảy ra ở chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).
“Tôi không ngạc nhiên”
Phóng viên (PV): Ông có ngạc nhiên với sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thật ra tôi không nhạc nhiên. Bởi lẽ nếu sự việc không xảy ra ở chùa Ba Vàng thì nó sẽ xảy ra ở nơi khác. Đây chỉ là hệ quả biến tướng của rất nhiều việc thôi. Trước đây chúng ta đã thấy việc “dâng sao giải hạn” diễn ra ở nhiều chùa rồi. Chuyện ở chùa Ba Vàng chỉ là chuyển hình thức “dâng sao giải hạn” sang hình thức mê tín dị đoan khác.
PV: Vì sao hiện nay nhiều người tìm đến các tôn giáo, tín ngưỡng thay vì tìm kiếm niềm tin ở thực tại?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chuyện “dâng sao giải hạn” hay chuyện ở chùa Ba Vàng đang cho người ta thấy bản chất sự thay đổi của tôn giáo, cụ thể ở đây là Phật giáo. Nó thể hiện một nhu cầu hoặc rối loạn nhận thức của người dân trong những vấn đề liên quan đến xã hội, đến văn hóa.
Rõ ràng bây giờ có những vấn đề liên quan đến đức tin, đến niềm tin của người dân đối với thực tại. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khi người ta thiếu niềm tin. Xã hội có rất nhiều người có uy tín còn làm sai mà dân chúng còn không tin được thì người ta biết tin vào ai? Khi niềm tin có thật mất đi, bị lung lay thì người ta phải đi tìm một niềm tin khác mà tôn giáo hay tín ngưỡng có thể cung cấp cho người ta niềm tin đó. Người ta tìm đến sự cứu rỗi của tôn giáo, tín ngưỡng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Viết Tuân

PV : Và người ta đã tìm thấy cơ hội để trục lợi từ niềm tin của một nhóm người khác...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Các tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian vừa qua phát triển mạnh lên, đặc biệt là Phật giáo hay các tín ngưỡng dân gian khác. Mặt tích cực là cho người ta niềm tin, dù có một niềm tin hư ảo vẫn còn hơn là không có niềm tin, việc này giúp cho một bộ phận người dân sống tốt hơn.
Bản chất của Phật giáo là vô thần, từ bi và thoát tục. Khi người ta đi theo Phật giáo thì sẽ chịu ảnh hưởng những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, làm con người ta sống tốt hơn, lương thiện hơn. Ở các cộng đồng tôn giáo ở bất cứ đâu, bao giờ người ta cũng làm được những việc tốt, việc thiện.
Mặt tiêu cực là gì? Không phải tất cả nhưng thường khi người ta tìm đến niềm tin tôn giáo nghĩa là người ta bị bế tắc trong cuộc sống. Niềm tin tôn giáo của dân chúng lại được tiếp sức bởi những người đề cao lợi ích của tôn giáo, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Họ lợi dụng niềm tin tôn giáo để làm ăn kinh tế. Chính nó đã làm tôn giáo, tín ngưỡng bị méo mó. Hiện nay, vấn đề này tương đối trầm trọng. Những người lợi dụng tôn giáo đã biến niềm tin tự thân mỗi người trở thành môt nhu cầu “khách quan”.

Hoạt động "gọi vong" trái với giáo lý Phật giáo tại chùa Ba Vàng. Ảnh: laodong.vn

Khi giá trị cũ đã mất còn giá trị mới chưa hình thành
PV: Ông nghĩ khi nào thì chuyện trục lợi từ đức tin của dân chúng sẽ dừng lại hoặc giảm bớt so với hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có một khái niệm khoa học xã hội trong một xã hội chuyển đổi là “hiệu ứng con lắc”, khi thái quá cái này thì sẽ chuyển sang thái quá cái ngược lại. Ví dụ, trước kia, có một giai đoạn, chúng ta “vô thần” hoàn toàn. Chúng ta từng chứng kiến người ta biến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trở thành kho thóc, trường học, ủy ban... Đến một giai đoạn, chúng ta lại thần thánh hóa tất cả mọi thứ. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng đó trong xã hội. Người ta có thể cắm hương ở bất kì chỗ nào, kể cả gốc cây, đầu đường xó chợ... Cái gì cũng được “thiêng hóa”. Thậm chí người ta còn mê tín hơn cả thời kì phong kiến. Trên thế giới chắc chẳng có chỗ nào có chuyện thắp hương trong cửa hàng, đốt vía, v.v... Bản thân “hiệu ứng con lắc” cũng có sự điều chỉnh nhưng nó cần có thời gian. Việc chúng ta đang chỉ trích việc “dâng sao giải hạn”, “trục vong”... chính là quá trình tự điều chỉnh của xã hội. Với tư cách là một người hoạt động văn hóa, tôi tin rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi về hành vi phù hợp. Nếu chúng ta làm đúng, làm quy củ thì quá trình này diễn ra nhanh, còn nếu để xã hội tự điều chỉnh thì sẽ tốn thời gian hơn.
PV: Theo ông, làm sao để nhận diện được bản chất các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để không bị sa vào chuyện u mê hay bị lợi dụng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bây giờ, khi nhìn những hiện tượng như “chùa Ba Vàng” thì một mặt chúng ta phân tích đánh giá, một mặt cần phát hiện ra bản chất của hiện tượng này. Chúng ta cần hiểu được sự thay đổi bản chất văn hóa trong nền kinh tế thị trường, nơi mà các giá trị đang bị thay đổi, nơi mà các giá trị cũ đã mất đi còn giá trị mới chưa hình thành. Hệ thống các chuẩn mực xã hội đã được đưa ra nhưng để thực thi trong cuộc sống thì gặp rất nhiều vấn đề.
Ví dụ, ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra văn bản về quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức nhà nước; các bộ ngành, địa phương cũng đưa ra các quy tắc ứng xử để tạo ra một hành lang chung về hệ thống nguyên tắc đạo đức. Thế nhưng 12 năm qua nó vẫn chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Nó có nhiều lý do, hoặc vì văn bản quá phức tạp, hoặc vì các cơ quan truyền thông chưa truyền đạt được đầy đủ thông điệp, hoặc do chính những người thực hiện. Những người thực hiện có thể biết hoặc không biết, hoặc biết nhưng vẫn không làm vì nếu làm họ sẽ bị lạc lõng giữa mọi người. Ai cũng biết quy định ra ngoài đường không vứt rác, nhưng tất cả đều vứt rác ra đường. Hoặc vì không có đủ chỗ để vứt rác, hoặc vì ai cũng vứt nên mình cũng vứt.

Mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng. Ảnh: laodong.vn

Tìm ra lý do sẽ có giải pháp
PV: Có một số thông tin nói rằng việc ở chùa Ba Vàng là do phật tử làm chứ không phải do chính các sư làm, nếu điều đó có thật thì sao? .
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta cần xác định rõ bản chất của sự việc. Nếu theo đúng bản chất Phật giáo là “vô thần, từ bi, thoát tục” thì không thể có những chuyện đó trong chùa được. Không thể nói đây không phải là hoạt động của sư sãi. Chùa có người trụ trì thì không thể nói tôi không biết, không liên quan được.
PV: Nhìn tổng thể thì chúng ta phải ứng xử với các sự việc tương tự việc ở chùa Ba Vàng như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hiến pháp quy định chúng ta được tự do tôn giáo, tín ngưỡng, do vậy chúng ta không thể áp dụng các quy định hành chính mà phải dùng đến các giáo luật, phải có sự chung tay của giáo hội.
Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao những chuyện như chùa Ba Vàng thường xảy ra trong Phật giáo mà không phải ở tôn giáo khác, tại sao lại thường xảy ra ở miền Bắc mà không phải ở miền Trung hay miền Nam? Tìm thấy lý do sẽ có giải pháp xử lý.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Tử Hưng

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Chùa Ba Vàng chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia

Hình ảnh từ vệ tinh năm 2006 cho thấy chùa Ba Vàng chỉ là một chấm xanh khiêm nhường giữa núi rừng bạt ngàn của TP Uông Bí, Quảng Ninh. Nhưng đến năm 2016, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, chiếm dụng hàng chục ngàn mét vuông đất.

Hình ảnh vệ tinh của chùa Ba Vàng năm 2006 và năm 2016 - Ảnh: Google Earth
Và sau "sự cố" chùa tuyên truyền mê tín dị đoan về vong báo oán, giải nghiệp thu lợi tiền tỉ bị báo chí phanh phui, dư luận đặt câu hỏi về việc hàng chục ngàn mét vuông đất vốn là tài sản quốc gia đã bị biến thành "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương", một cái "tổ" buôn thần bán thánh.
Theo giới thiệu của chùa Ba Vàng, ngôi chùa này trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhắn, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phía tây TP Uông Bí, giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn, bên trái là những dãy núi Thanh Long "trùng điệp chầu về", bên phải là những dãy núi Bạch Hổ "hùng vĩ phục xuống".
Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và đến năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng ximăng.
Ngôi chùa Ba Vàng cũ trước khi bước vào một cuộc đại xây dựng - Ảnh: Chùa Ba Vàng
Đến năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm trụ trì chùa Ba Vàng. Từ đây, một kế hoạch xây lên ngôi chùa trên núi lớn nhất Đông Dương được ấp ủ. Tháng 1-2011, ngôi chùa được khởi công xây dựng lần thứ tư với quy mô to lớn kỷ lục.
Sau 3 năm xây dựng, chùa đã hoàn thiện một số hạng mục như: Ngôi Đại Hùng bảo điện rộng 4,500m2, Lầu Chuông rộng 112m2, Lầu Trống rộng 112m2, hành lang La Hán rộng 200m2, nhà bảo tàng rộng 700m2, thư viện rộng 700m2, khu nhà tăng rộng 1.600m2, thiền đường rộng 960m2, cổng đá, cổng tam quan trung, cổng tam quan nội và một số công trình phụ.
Ngày 9-3-2014, chùa Ba Vàng tổ chức đại lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương".
Tháng 12-2014, thầy trụ chì Thích Trúc Thái Minh đã bảo vệ thành công luận án "Ngôi chùa có chính điện lớn nhất Đông Dương" trước hội đồng giáo sư Đại học Kỷ lục thế giới.
Từ một ngôi chùa nhỏ khép nép giữa núi rừng, Ba Vàng trở thành "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương", chiếm dụng hàng chục hàng mét vuông đất - Hình ảnh vệ tinh trên Google Earth của chùa Ba Vàng năm 2016.
Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo và văn hóa đã bày tỏ lo ngại về việc bùng nổ xây chùa to, tượng lớn, nhiều cơ sở tôn giáo liên tục chạy đua công bố những kỷ lục về các công trình tôn giáo.
Các nhà nghiên cứu và cả những phật tử chân tu cảnh báo: Việc chính của chùa không phải là đua chen những kỷ lục về xây dựng mà là giáo hóa tâm linh, hoằng dương Phật pháp. Những chùa đua chen xây dựng to lớn chỉ làm tâm linh bị u mê hơn.
Một số hình ảnh về "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương" được đăng tải trên trang web của chùa Ba Vàng:













THIÊN ĐIỂU


BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT