Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM
………………………………………………............
Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm sau mới dọn rửa.

Thói quen này thường do bận rộn, ăn tối muộn, nên sau khi dùng cơm thì ai nấy đều mệt mỏi muốn đi nghỉ luôn. Hoặc cũng có thể họ muốn tránh sự ồn ào, làm ảnh hưởng đến những người trong nhà đã đi ngủ trước. Với một số gia đình, thì chủ yếu là do… lười.
Kèm theo đống bát đũa dở, là các RÁC THỨC ĂN. Thường thì là xương gà, xương cá, xương lợn, vỏ tôm vỏ ốc, cơm thừa, canh cặn, rau củ quả… đều là những thứ PHÂN HUỶ NHANH. Để qua 1 đêm là bốc mùi hôi thối.
Rác thức ăn hôi thối sẽ HẤP DẪN các vong tà khu vực xung quanh tìm đến. Với những gia đình thờ cúng cẩn thận, được thần linh bảo vệ thì không sao, vong tà không xâm nhập được. Nhưng đa số trường hợp, vong tà có thể ra vào nhà mình như chốn không người.
II/ TẠI SAO VONG TÀ RA VÀO ĐƯỢC NHÀ MÌNH?
…………………………………………………………………
Đến đây, nhiều quý bạn hẳn sẽ thắc mắc. Đất có thổ công, làm sao vong tà vào nhà được?

Điều này đúng và không đúng. Có 6 vị thần linh rất gần gũi với mỗi gia đình, là Sơn Thần, Long Thần, Thổ Địa, Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ. Trong đó, Sơn Thần, Long Thần, Thổ Địa cai quản từng khu đất và long mạch. Còn Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ cai quản và bảo vệ từng gia đình. Tuy nhiên, chỉ với các gia đình thờ phụng thành tâm và chu đáo (không cần quá cầu kỳ đâu bà con), mới được họ bảo vệ trước sự xâm nhập của vong tà bên ngoài. Còn không thì họ cũng không có nghĩa vụ gì phải phụng sự và bảo vệ chúng ta.
III/ NĂNG LƯỢNG CAO CHIÊU LINH KHÍ
NĂNG LƯỢNG THẤP CHIÊU TÀ KHÍ
……………………………………………………….
Quay lại câu chuyện với rác thức ăn. Một cách dễ hiểu thì, những nơi sạch sẽ, năng lượng cao, hương thơm thì thu hút linh khí. Những nơi bẩn thỉu, năng lượng thấp, hôi thối sẽ thu hút tà khí.

Nên là, việc để bát đũa dở qua đêm cùng rác thức ăn trong nhà, hoặc thậm chí đồ ăn thừa để trên bàn không đậy kỹ hay cất vào tủ lạnh, đều có nguy cơ dẫn nhập vong tà vào căn nhà mình.
IV/ CÁCH XỬ LÝ ĐƠN GIẢN
………………………………………….
Tốt nhất là không nên để bát đũa dở qua đêm. Trường hợp bất khả kháng, thì nên gom rác thức ăn lại rồi bỏ ra bên ngoài. Tiếp theo, TRÁNG QUA BÁT ĐŨA 1 LẦN – nhằm loại bỏ hết rác thức ăn. Bát đũa vẫn chưa sạch dầu mỡ, nhưng chí ít đã sạch được rác thức ăn, và có thể để qua đêm, sáng hôm sau xử lý.

Sau khi GOM RÁC THỨC ĂN, vứt vào THÙNG RÁC nằm BÊN NGOÀI phạm vi nhà mình.
Với một số chung cư thì sẽ hơi bất tiện, không phải lúc nào nhà rác cũng mở cửa. Quý bạn có thể BUỘC CHẶT TÚI RÁC, không để thoát mùi ra ngoài, rồi đặt tạm ngoài logia / ban công, sáng hôm sau mang rác đi đổ.
Với thức ăn còn thừa, nên cất tủ lạnh. Nếu để ngoài tủ lạnh, thì nên đậy vung xoong nồi, cover cẩn thận, đậy lồng bàn càng tốt. Những loại thức ăn khô (lạc rang chẳng hạn) thì không đáng ngại, vì tốc độ phân huỷ chậm.
*********
Quý bạn thân mến,

Bên cạnh yếu tố tâm linh, thì các phương cách ở trên cũng mang ý nghĩa khoa học, nó tạo ra môi trường sống trong lành, giúp ích cho sức khoẻ cả gia đình. Xét trên phương diện phong thuỷ, phương cách trên giúp duy trì mức năng lượng của căn nhà, và tăng vận khí cho những người sinh sống trong căn nhà này. Chúng tôi hi vọng, kiến thức trên đây sẽ giúp quý bạn tự cải thiện được phong thuỷ trong căn nhà của chính mình.
Nếu bài viết có ý nghĩa đối với quý bạn, hãy để lại comment, và hãy giúp Phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ bài viết đến nhiều người. Sự chia sẻ của các bạn luôn là niềm động viên lớn để Phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh ngày càng mang đến những bài viết bổ ích, giúp các bạn cải vận được cho chính mình và gia đình.
Trân trọng

Phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi?

Hôm nay tôi sẽ nói về đề tài rất quen thuộc, đó là Thuyết luân hồi của đạo Phật. Với đề tài này nhiều người còn hoang mang, nhất là giới trí thức trẻ, không biết thuyết luân hồi có đúng không, tại sao đức Phật lại nói thuyết luân hồi. Vì vậy ở đây tôi sẽ thứ tự giải thích cho quý vị hiểu.


Đức Phật nói về thuyết luân hồi

Sở dĩ đức Phật nói thuyết luân hồi là có lý do. Trước hết chúng ta tìm hiểu ngay bản thân đức Phật. Khi còn là Thái tử dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết, Ngài có những thắc mắc trong lòng. Chính vì thế Thái tử không yên tâm sống trong cảnh vương giả, nên quyết chí tu hành. Thắc mắc trước kia của Ngài cũng có thể là thắc mắc của tất cả chúng ta hiện giờ, nhưng mình ít quan tâm tìm cách giải quyết.
Thắc mắc thứ nhất, Ngài nghĩ con người ai cũng bị sanh già bệnh chết khổ như nhau, vậy từ đâu chúng ta đến đây? Thắc mắc thứ hai, sau khi chết rồi ta sẽ đi về đâu? Thắc mắc thứ ba, muốn ra khỏi vòng sanh tử đó phải làm sao? Đó là ba vấn đề tối hệ trọng của kiếp con người.
Bởi thắc mắc như vậy nên Ngài không yên tâm sống trong cảnh nhung lụa, vui theo thế gian nên mới quyết tâm đi tu. Khi đã đi tu, ban đầu Ngài tìm đến những vị nổi tiếng thời đó để học đạo. Các vị thầy ấy dạy cho Ngài tu chứng từ Sơ thiền tới Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Ngài thấy cũng chưa giải quyết được vấn đề mình thắc mắc. Thế là tìm thầy khác cao hơn, Ngài tiếp tục đạt các quả vị từ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cho đến Phi phi tưởng xứ. Được bốn tầng định cao tột ấy rồi Ngài thấy cũng chưa giải quyết được ba vấn đề mình hằng ôm ấp trong lòng. Lúc này không còn vị Thầy nào đủ sức chỉ giáo cho Ngài nổi nữa.
Ngài từ giã các vị Thầy đó, tìm cách tu khác. Hồi xưa ở Ấn Độ nhiều người cho rằng tu khổ hạnh đến chỗ tột cùng sẽ ngộ đạo, nên Ngài cũng tu khổ hạnh hết sáu năm, rốt cuộc không giải quyết được ba vấn đề trên. Cuối cùng Ngài tới cội Bồ-đề trải cỏ ngồi kiết già. Khi ngồi xuống đây, Ngài thệ nguyện rằng: “Ta ngồi dưới cội cây này nếu không thành đạo, thà xương tan thịt nát quyết không rời khỏi cội cây này”. Với ý chí quyết liệt như thế, suốt bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, tới đêm thứ bốn mươi chín Ngài giác ngộ thành Phật, giải quyết triệt để ba vấn đề trọng đại đã thắc mắc lâu nay.

Ngộ đạo là ngộ cái gì?


Trước tiên Ngài chứng được Túc mạnh minh. Chữ “túc” là đời trước, “mạng” là sinh mạng, “minh” là sáng suốt. Túc mạng minh là sáng suốt, thấu rõ tột cùng đời trước của mình, giải đáp được câu hỏi thứ nhất “Ta từ đâu đến đây?” Trong kinh diễn tả Ngài thấy rõ, nhớ rõ từ vô số kiếp về trước của mình, như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài đã từng sanh ở đâu, làm gì…tất cả những chuyện quá khứ của Phật sau này được các thầy Tỳ-kheo kết tập lại thành kinh Bổn Sanh. Ngài cũng thấy biết đời trước của các đệ tử sanh ở đâu, làm gì… được kết tập thành kinh Bổn Sự. Như vậy cái nhớ của Ngài là trực tiếp nhớ chứ không qua ai kể lại, cũng không phải do suy luận mà ra. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ nhất.
Kế tiếp, Ngài chứng được Thiên nhãn minh. Thiên nhãn minh là con mắt sáng suốt thấy tột cùng những gì rất xa, rất nhỏ, Ngài thấy tường tận hết. Ngài thấy chúng sanh chết đây sanh kia, do nghiệp dẫn đi trong sáu đường, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua, người lại một cách rõ ràng. Phật biết rõ con người chết rồi không phải là hết mà theo nghiệp thọ sanh trong Lục đạo luân hồi. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ hai. Thấy tường tận như vậy nên Ngài mới nói thuyết luân hồi.
Đến canh năm, khi sao Mai vừa mọc Ngài chứng được Lậu tận minh. “Lậu” là rơi rớt, “tận” là hết. Tức biết tường tận lý do gì khiến chúng sanh có mặt ở đây, muốn không còn tiếp tục thọ sanh ở những đời sau nữa thì phải tu cách nào? Nói rõ hơn, Phật thấy rõ nguyên nhân từ đâu chúng sanh có sanh tử và nguyên nhân để chấm dứt sanh tử, không còn rơi rớt, trầm luân trong tam giới nữa. Thấy tường tận như vậy gọi là chứng Lậu tận minh. Thế là Ngài tuyên bố giác ngộ viên mãn, thành Phật.
Vì thế chúng ta biết đức Phật nói thuyết luân hồi không phải do suy luận, do tưởng tượng. Khi tâm Ngài an định trí tuệ sáng ra nên nhớ được tất cả mọi việc trong vô số kiếp về trước. Kế đến khi chứng được Thiên nhãn minh, Ngài thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo là do nghiệp dẫn, điều này hơi khó hiểu. Nghiệp làm sao thấy? Mắt phàm chúng ta không thấy nhưng với mắt Thánh thì thấy.

Phật thấy rõ ràng chúng sanh do nghiệp lành, nghiệp dữ dẫn đi thọ sanh chớ không phải ngẫu nhiên

Nghiệp dẫn mình đi trong sáu đường sanh tử luân hồi. Sáu đường đó là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba đường ác; người, a tu la và trời là ba đường lành.
Trong sáu đường ấy, loài súc sanh và ngạ quỷ ở lẫn với mình, nhưng ta chỉ thấy được súc sanh, chớ không thấy ngạ quỷ. Còn địa ngục, có người nói đào sâu dưới đất là địa ngục, không phải vậy.
Địa là chỗ, ngục là hình phạt đau khổ. Những chúng sanh nào có nghiệp ác sau khi chết cùng sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ, đó gọi là địa ngục. Chớ không có chuyện như người ta tưởng tượng quỷ sứ tới dắt đi, mà là nghiệp dẫn. Nghiệp từ tâm tưởng hiện ra. Ví dụ hồi xưa ta hành hạ ai khổ sở, bây giờ sắp chết sực nhớ lại người đó, thấy họ đánh đập mình, rượt đuổi mình nên ta chạy. Thế là chạy thẳng vào chỗ khổ. Đó là trường hợp đi trong các đường dữ.
Trở lại đường lành, cõi người là đường lành thấp nhất. Như vậy chúng ta hãnh diện mình đang ở trong đường lành, nhưng nếu không khéo tu thì sẽ tuột xuống đường dữ. Được ở trong đường lành mình phải cố gắng tu tập để vươn lên, chớ không nên tự mãn. Vì khi hưởng hết phước lành ta sẽ đọa vào các đường dữ.
Do trí tuệ đức Phật thấy tường tận các điều như đã nói. Chẳng những thế Ngài còn thấy cả vi trùng nên Phật nói ta xem thấy trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Đó là thấy chớ không phải suy luận. Cho tới Ngài nhìn trên không gian bao la, thấy hằng hà sa số thế giới không thể kể hết. Dùng từ hằng hà sa số để nói nhiều như cát sông Hằng. Như vậy cái thấy biết của Phật không thể nghĩ lường.
Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ.
Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”. Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi.
Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.

Hiện tại trong thân mình có luân hồi không?

Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi lại: “Hiện tại trong thân mình có luân hồi không?” Tim đập tống máu đi nuôi khắp cơ thể, máu chạy vòng vòng rồi cũng trở về tim. Cứ thế luẩn quẩn vòng quanh hoài, không đi đâu khác. Y học dùng từ tuần hoàn máu, nghĩa là máu đi rồi trở về, đi rồi trở về. Đó là nói luân hồi trong con người. Còn quả đất có luân hồi không? Nó quay hoài hết ngày tới đêm, đó cũng là luân hồi. Thành ra con người ở trong vòng luân hồi mà không biết. Đó là một lẽ thực chớ không phải suy lý gì hết.
Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở lại cõi người Phật dạy phải thọ Tam quy, giữ năm giới. Năm điều kiện đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng ta phải nhớ.
Muốn được lên nữa thì tu Thập thiện, tức tu mười điều lành được lên cõi trời. Còn hạng trung là a-tu-la. A-tu-la làm lành nhiều lắm, siêng năng bố thí tu phước nhưng động tới liền sân. Đây là thần chớ không phải trời. Thế nên quý vị trong khi bố thí làm phước, nhớ đừng sân. Vì đó là nhân sanh vào loài a-tu-la. Cho nên ai tu mà hay gây gổ thường bị quở là hiện tượng a-tu-la đó.
Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết, không tư cách như con người. Đó là ý nghĩa của luân hồi.
Nói luân hồi trong sáu đường, nhưng ai bắt mình đi? Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không ai có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định tự ta chọn lựa mà thôi. Không phải ta có tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có phước Phật đưa lên cõi trời. Như hiện giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có người khá giả có kẻ nghèo nàn, cơ cực là do ai? Đổ thừa trời khiến, được không? Sự thực tại người không có phước nên tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại nên nghèo. Còn người có phước tính đâu trúng đó nên giàu. Đó là do phước nghiệp riêng của mỗi người tạo ra, chớ không phải ai đem đến cho mình. Vì chúng ta không biết điều đó nên đổ thừa đây kia, mà không nhận ra nguyên nhân do chính mình.
Đời hiện tại của chúng ta có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng, hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất quan trọng. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và mai sau được tốt đẹp hơn.
Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai hết.
Thế gian thường có bệnh, mình nghèo mà ai giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở thấy người học giỏi thì ganh tỵ. Đó là tật xấu, tự mình chuốt nghiệp mà thôi. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua ba vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng. Ngày nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng ta nhìn nông cạn quá nên không tin được.

Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn?

Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành, điều thiện. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì. Khi quy y thọ năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được không?”, quý vị giữ được thì nói “dạ được”, còn nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ Phật đâu có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình không thích những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở thích, việc làm của mình trong đời này.
Có người ra đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quá khứ đã tích lũy sẵn nên bây giờ nó hiện ra nơi mình.
Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do cái gì tạo? Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những sai biệt khác nhau.
Thế thì muốn trên đường luân hồi mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào?
Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu. Vì chúng ta không hiểu như thế ghét ai liền kiếm chuyện gây sự với người ta. Cứ vậy mà tạo nghiệp chồng chất tiếp nối không có ngày cùng.

Quí vị thấy quý thầy, quý cô trong Thiền viện ngồi lim dim ngó xuống hoài, đó là làm gì? Là ngồi thiền, cốt để định cái ý đó nên gọi là Thiền định. Tất cả những nghĩ suy lăng xăng, lộn xộn bắt nó lặng xuống hết. Chưa lặng thì ráng ngồi lâu cho nó lặng. Chừng nào nó lặng được rồi thì nhân tạo nghiệp không còn, mà nhân tạo nghiệp không còn thì quả luân hồi sanh tử đâu có. Đó là giải thoát sanh tử.Nhà Phật nói nghiệp từ thân, miệng, ý mà sanh. Nhưng thực ra ý chủ động tạo nghiệp. Miệng nói tốt xấu cũng từ ý, thân làm tốt xấu cũng từ ý. Ý là nói chung cho tất cả những phân biệt thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy… đều là ý nghĩ của mình. Chúng ta sống chạy theo những ý nghĩ đó là chạy theo nghiệp. Bởi có ý nghĩ xấu nên mình mới nói bậy, làm bậy. Do ý nghĩ tốt nên ta mới nói lành, làm lành. Khi thân này hoại thì nghiệp đó không hoại, vì nó đâu có tướng mạo mà hoại, nên sẽ theo ta thọ sanh ở đời sau. Nhà Phật gọi là mang nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Vậy muốn chấm dứt nghiệp phải điều phục được chú “ý” này.
Thế nên muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm niệm rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự tích lũy của đời trước, không nghi ngờ gì hết. Nên nhiều người ngạc nhiên, tại sao người đó còn nhỏ mà không chịu ăn mặn? Còn có kẻ cha mẹ khuyên ăn chay thì ăn không được, một ngày cũng không ăn nổi. Đó là do tích lũy từ trước, bây giờ gặp lại thấy quen, thấy thích, chớ không phải bổng dưng mà có.
Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ tích lũy đó không mất. Vì vậy trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi người. Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng thèm suy gẫm gì hết, cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên.
Trên đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên xin cái gì cũng không ai cho. Tại mình hay tại trời đất xui khiến. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá, bây giờ tới phiên người ta hắt hủi lại mình. Bình đẳng thôi. Cụ thể như mấy chú đi bắt chó, dù không có xách vòng, không làm gì hết đi chơi thường thôi, mà mấy con chó nó ghét, nó sủa ghê lắm. Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Đó là một lẽ thực.
Đức Phật do tu mà chứng biết nên nói ra như vậy, chúng ta không thấy là vì chưa đủ trí tuệ. Bao giờ mình tu được như Phật cũng sẽ thấy biết như Ngài. Trong kinh kể lại Tôn giả Mục Kiền Liên khi chứng A-la-hán rồi, một hôm Ngài đi trên đường thấy có loài quỷ đầu rất to, bụng lại nhỏ xíu thân thể ghê gớm lắm. Ngài về thuật lại với Phật, Phật nói ta cũng thường thấy chúng, nhưng nói không ai biết nên ta không nói. Vậy ai tu tới đó, chứng tới đó đều thấy như nhau, chớ không phải chỉ riêng Phật thôi.
Nhiều người bảo những gì mắt thấy tai nghe tôi mới tin. Nhưng mắt mình chắc gì thấy được tất cả mọi cảnh giới. Cái thô thì thấy, cái tế không thấy. Như vi trùng nếu không nhờ kiến hiển vi làm sao con người thấy được? Đem con mắt phàm phu so sánh với con mắt Thánh nhân thì thật là quá thô thiển. Như những luồng điện nó đi tứ tung trên trời mình thấy không? Không. Mà có không? Có đầy đủ. Cho nên chúng ta không nên tin vào con mắt còn rất hạn chế của mình. Có những cái hiện thực mà mình chưa thấy được, chưa hiểu được. Thế nên chớ vội cho cái thấy nghe của mình là đúng. Mới nghe đàng kia trở lại thuật lại đã trật lất rồi, nhiều khi còn dậm thêm một hai tiếng theo ý mình nữa. Rõ ràng cái thấy nghe của kẻ phàm phu không có giá trị thực.
Vậy nhờ Túc mạng minh và Thiên nhãn minh, đức Phật nói cho chúng ta biết thuyết luân hồi. Nghe thế rồi, ta tự kiểm điểm lại mình xem điều đó có phải là lẽ thực không? Biết được lẽ thực rồi mình phải làm sao? Tha hồ chạy đâu thì chạy hay phải chọn đường mà đi? Phật dạy chúng ta phải chọn đường mà đi sao cho hiện đời được an ổn và mai kia cũng an ổn. Đó là tu.

Tu là để cứu Phật hay cứu mình?

Nhiều người nói thương Phật quá nên tôi tu. Phật khổ cái gì mà thương? Chính mình mới khổ đây nè. Mình khổ, mình thương mình, mình tu chớ không phải thương Phật. Chúng ta mang ơn Phật chỉ đường cho mình tu, chớ không phải vì Phật mà tu. Chúng ta tự kiểm điểm lại bản thân, xem hiện giờ mình đã thực hiện được những gì Phật dạy, xứng đáng đi đường nào? Như vậy tự biết mai kia khổ hay vui rồi, đâu cần phải hỏi ai. Phật tử có bệnh cứ thắp nhang cầu Phật độ cho con đời sau được sung sướng, hết khổ. Mình cứ tạo nghiệp ác mà cầu Phật độ, làm sao độ được?
Đến thứ ba là Phật chứng được Lậu tận minh, Ngài thấy rõ nguyên nhân nào đưa con người đi trong sanh tử và nguyên nhân nào để dứt mầm sanh tử. Do thấy rõ như vậy nên sau đó đức Phật mới đi giáo hóa chúng sanh. Lần thuyết pháp đầu tiên Ngài nói pháp Tứ đế, là bốn chân lý chắc thật do đức Phật thấy như thế nên nói ra như thế. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
Khổ đế là do Ngài chứng nghiệm được cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người. Chúng ta có chấp nhận con người là khổ không? Những vị còn trẻ có lẽ chưa chấp nhận điều này đâu, vì còn nhiều hạnh phúc. Nhưng Phật nói tất cả đều khổ. Tại sao? Dù thầy thuốc hay bác sĩ có chắc mình khỏi đau khỏi già không? Có đau, có già thì có khổ. Và cái khổ cuối cùng là khổ chết. Trong cuộc sống con người giành giật để có miếng ăn no đủ cũng là khổ rồi, lại còn nội thân bệnh hoạn, già chết ụp tới không ai tránh khỏi. Như thế không khổ là gì?

Khổ đế rồi tới Tập đế. Đó là nhân tạo khổ như tham, sân, si… Muốn hết Tập thì phải diệt nó, diệt hết tập thì tự nhiên quả không còn. Diệt các thứ tập nhân khổ chính là diệt ý phân biệt phải quấy, hơn thua, làm phát sinh phiền não tham, sân, si đó. Con đường tu rất rõ ràng. Nhiều người không hiểu, cứ ngỡ tu Phật là phải tích cực làm này, làm nọ, chớ ngồi thiền yên lặng cả ngày vô lý quá. Nhưng họ không ngờ chính đó là nhắm thẳng gốc để trị. Trị gốc được rồi thì sẽ dứt nhân, quả theo đó cũng không còn.
Quý vị làm lành thì tốt sẽ được lên cõi lành. Nhưng ở cõi lành hưởng hết phước, không biết tu sẽ tuột xuống lại. Còn người muốn dứt hết mầm sanh tử, luân hồi lên xuống thì phải dứt ngay cái ý. Ý lặng được rồi thì tâm định, tâm định mới không đi trong vòng lục đạo nữa. Cho nên nói đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát là dứt hết những mầm tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để đi trong sanh tử.
Cho nên Lục Tổ Huệ Năng dạy: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”. Ngay đó Thượng tọa Minh liền ngộ đạo. Bây giờ quý vị ngồi năm ba phút không nghĩ điều gì hết, lúc đó có biết không? Cái biết ấy đâu phải do suy nghĩ mà có. Cái biết đó là biết thường xuyên của mình, nhưng vì chúng ta quên nên cứ sống theo cái suy nghĩ hoài. Cho nên Phật dạy mình phải dừng những suy nghĩ đó lại thì cái chân thật hiện ra. Đó là mặt thật xưa nay của mình. Đơn giản không?
Thế thì quý thầy, quý cô ở chùa vì quyết tu giải thoát nên phải tập ngồi thiền hoặc niệm Phật cho được nhất tâm. Nhất tâm thì đâu còn nghĩ bậy, đó là nhân giải thoát luân hồi sanh tử. Quý Phật tử không theo đạo Phật thì thôi, đã theo thì phải nắm vững đường lối Phật chỉ dạy, tu cho đúng. Phải chọn con đường hợp với khả năng của mình, từng bước tu tập theo lời chỉ dẫn của Phật. Có thế mới không sợ ngày mai đường trước tối tăm, không biết lối đi.
Buổi nói chuyện tới đây cũng quá đủ rồi. Bao nhiêu đó nếu Phật tử khéo ứng dụng tu cả đời cũng chưa xong. Nói thì mau nhưng hành rất lâu. Cần phải phát tâm dũng mãnh, bền bỉ thực hành cho tới bao giờ thành tựu mới thôi.
Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Phát hiện thú vị về thân thế thực sự của quan Hoàng Mười

Nếu xét về mọi mặt, thì tướng Lê Khôi, người ít được nhắc đến trong chính sử, có thể mới chính là ông thánh Hoàng Mười.


Đây là câu hỏi có lẽ là cực kỳ bí ẩn và khó trả lời. Một ông thần nổi tiếng như thế, cả nước nghe tên, ngàn vạn đồng cô bóng cậu thờ phụng, cả triệu người đến khấn vái xin quan tước bổng lộc, nhưng lại chẳng biết ông ta là ai. Thần thánh – hầu như đều có gốc gác người thật, nhưng “vị Thánh” này nổi tiếng thế, ngôi đền thờ có niên đại không xa, mà không ai biết là ai, thì kể cũng lạ.

Trong chuyến đi công tác ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), nghiên cứu các tài liệu cổ, di tích lịch sử, lại phát hiện ra gốc tích ông thần đang được thờ cúng ở Nghệ An và Hà Tĩnh này, mới thực là thú vị.
Tại Thọ Xuân có ngôi đền nhỏ, thờ một vị là “Đức Uy hiển ứng tôn thần”.
Nhà nghiên cứu sử địa phương, là ông Hoàng Hùng, có mấy chục năm sưu tầm các vị tướng lĩnh, các thánh thần, các nhân vật nổi tiếng thời Lê ở vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ông sưu tầm từ các gia phả cổ, bia đá, sắc phong, tài liệu từ Viện Viễn Đông Bác cổ... Đại Việt sử ký... tóm lại là các tài liệu chính thống.
Các tài liệu chính thống này có ghi chép ngắn gọi về một nhân vật tên Lê Khôi, chính là “Đức Uy hiển ứng tôn thần”, thời ở một số nơi trên địa bàn Thọ Xuân.
Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng tin rằng quan Hoàng Mười chính là tướng Lê Khôi. 
Ông Lê Khôi là con anh thứ 2 của vua Lê Thái Tổ. Ông theo vua đánh giặc từ hồi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều chiến công lớn. Ông là một dũng tướng tài ba, quan thanh liêm được dân yêu mến.
Trận đánh ải Khả Lưu, Lê Khôi cùng Lê Sát xông lên trận tiền, bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng Hoàng Thành.
Ông cùng Phạm Vấn, Lê Sát phá giặc Minh ở thành Xương Giang, bắt sống Hoàng Phúc và Thôi Tụ, dẹp yên giặc Ngô, khôi phục Đông Đô.
Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong Bảo Chính công thần nhập nội thiếu úy. Thuận Thiên thứ 2 khắc biển công thần, đứng hàng thứ 2 trong bảng Đình Thượng hầu thập tứ nhân.
Thuận Thiên thứ ba 1430, Thái Tổ Lê Lợi sai Lê Khôi trấn giữ châu Thuận Hóa, vì người Man quấy phá.
Lê Khôi vào đây, dỡ bỏ trạm gác, dạy bảo dân trồng dâu cày ruộng, ngày đêm tập luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi biên cương. Lấy nhân đức cai trị. Đánh nhiều trận, bắt nhiều giặc, nhưng ông đều đối đãi tử tế, tha cho về. Giặc Chiêm vừa sợ vừa mến đức ông. Cống sứ Chiêm ra Bắc, đều ghé thăm ông.
Tượng tướng Lê Khôi ở Hà Tĩnh. Ảnh internet.
Cũng năm đó, Bế Khắc Thiệu, Nông Đức Thái bạo loạn ở Thanh Lâm, Thái Nguyên, Lê Khôi đem quân hợp binh cùng Lê Lợi đánh, bắt bọn Thiệu. Vua Lê tặng kim phù và áo bào.
Thuận Thiên thứ sáu, vua bệnh nặng, gọi Lê Khôi vào cung, bàn việc truyền ngôi cho Nguyên Long. Ông một lòng giúp Lê Thái Tông việc nước.
Năm Thiệu Bình thứ tư 1437, Lê Thái Tông cho ông làm Nhập nội tư mã, tham dự chính sự, coi việc quân ở đạo Hải Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa).
Thiệu Bình thứ sau 1439, Lê Khôi đánh Ai Lao, bắt sống tướng Man là Đạo Mông.
Năm Bảo Đại thứ nhất 1440, theo vua đánh Thuận Hóa. Bảo Đại thứ hai, ép tù trưởng Man Nghiễn ra hàng. Khuất phục Thuận Hóa. Công lao quá lớn, được phong Nhập nội đô đốc. Phạm việc nhỏ to, vua đều hỏi ông mới quyết định.
Sau này, vì việc riêng, mà ông bị cách chức. Ông về nhàn cư ở nhà, vui vầy với dân làng, không bất mãn oánh trách.
Lê Nhân Tông lên ngôi, coi ông là bậc nguyên thần cũ, nên năm Thái Hòa thứ nhất 1448, vời ông ra làm Nhập nội thiếu úy, coi việc phủ Nghệ An.
Sử chép, khi Lê Khôi quay về trấn Nghệ An, nhân dân đứng đón ông chật hai bên đường. Chỉ vài năm chính sự được công bằng, kiện cáo được xét xử thỏa đáng, mùa màng tốt tươi, dân yên vật thịnh, tiếng ca tụng ân đức của ông lan truyền từ thành thị đến làng xã ngõ vắng. Tính ông bình dị, gần dân nên được nhân dân cả vùng yêu mến tin tưởng.
Tượng quan Hoàng Mười.
Năm Thái Hòa thứ hai 1449, chúa Chiêm Thành là Bí Cái dốc hết lực lượng trong nước ra cướp thành Châu Hóa. Năm thứ ba lại đem quan đánh thành An Dung (thuộc Châu Hóa). Lê Nhân Tông sai quan tư đồ Lê Thận (Nguyễn Thận), đô đôc Lê Xí (Nguyễn Xí) đem quân đánh dẹp, sai Lê Khôi đem quân đi tăng viện. Chiêm Thành thua to phải bỏ chạy về nước. Vua phong Lê Khôi là Nhập nội tham dự việc quan trọng triều chính, nhưng vẫn giữ trấn Nghệ An.
Thái hòa thứ tư 1451, Lê Nhân Tông sai đô đốc Lê Khả (Trịnh Khả) đánh dẹp phương Nam, Lê Khôi đem quân bản bộ tiến trước. Khi đến đất địch, tướng giặc biết có quân Lê Khôi bè gọi sang hỏi: “Có phải Tư Mã đến đấy không?”. Ông bèn bỏ mũ trị ra cho giặc nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa lạy xin hàng, nộp cống vật địa phương. Quân Lê Khôi đi đến đâu giặc tan đến đó. Ông đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cái, rồi mới thu quân về.
Trên đường về, Lê Khôi bị bệnh nặng và mất ở chân núi Long Ngâm, gần cửa biển Nam Giới, tức địa danh Hà Tĩnh, cách không xa Hưng Nguyên thuộc Nghệ An bây giờ. Quân sĩ thương xót, kêu khóc vang trời dậy đất, vua bỏ triều ba ngày, sai quan đến phúng điếu, tăng chức Nhập nội đô đốc.
Các tài liệu cổ cũng như dân gian ở Thọ Xuân còn ghi rõ, người dân đất Hoan Châu (Nghệ An) bây giờ thương tiếc và nhớ ân đức của ông nên lập miếu thờ phụng.
Lê Khôi là người làng Lam Sơn (Lương Giang, nay là làng Cham, thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là em Thái úy Lê Khang, con Hoàng Dụ Vương Lê Trừ, gọi Lê Thái Tổ là chú ruột.
Năm Quang Thuận thứ tư 1463, triều vua Lê Thánh Tông, con trai ông làm nhập nội Đại hành khiển tâu xin dựng bia ở Nam Giới (Hà Tĩnh giờ) để ghi sự tích. Vua sai thượng thư Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia để khắc và được tấn phong Chiêu Trưng Vương.
Đấy là sơ lược phần chính sử, còn phần huyền tích về Lê Khôi, thì cũng được nhiều tài liệu, gia phả, truyền miệng ở vùng Thọ Xuân ghi chép lại.
Theo các tài liệu dân gian, Cử Sót được sai làm tượng Lê Khôi để nhân dân thờ phụng ở Thuận Hóa. Trong lúc tìm gỗ để làm tượng, thì đêm nằm mộng có cây gỗ đinh hương trôi từ biển Hà Tĩnh vào. Hôm sau, dân chài báo, có cây gỗ đinh hương rất lớn trôi từ biển Triều Khẩu vào thật. Nhưng, Cử Sót không rõ mặt tướng Lê Khôi, nên không biết chạm khắc thế nào, thì đêm ngủ lại được thần báo thấy ai ngồi lên cây gỗ thì đẽo giống người đó.
Hôm sau, Cử Sót ra chỗ cây gỗ, có anh khóa sinh mặt mũi nhâng nháo đi đến ngồi lên cây gỗ. Cử Sót liền bắt khóa sinh đó lại, rồi đẽo tượng. Đẽo xong, khóa sinh liền hiến bộ tóc dài với râu, để dính vào tượng cho giống.
Theo lời nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng, ngoài những thông tin gia thế, và dân gian về ông Lê Khôi ở Thọ Xuân, cực kỳ kỹ lưỡng, chi tiết, rất khớp với ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An, thì có một thông tin tham khảo, nhưng lại trùng khớp đến kinh ngạc, đó là những bài hát văn về ông Hoàng Mười. Nội dung các bài hát văn cổ nói khá kỹ về thân thế sự nghiệp của ông thánh này.
Ông Hoàng Hùng đã nghiên cứu rất kỹ các bài hát văn về ông Hoàng Mười và nhận thấy các chi tiết khớp bao gồm: Xuất thân hoàng tộc, thân thích với vua Lê, vâng lệnh vua vào trấn Nghệ An, được dân đón tiếp, bị kỷ luật mất chức, rồi lại được vua vời đi đánh giặc khi Chiêm Thành quấy phá... nhiều bài hát văn có đoạn đi đánh Chiêm, giặc hỏi có phải “quan Tư Mã”, khi bỏ mũ giặc sợ hãi đầu hàng....
Quan Hoàng Mười có phải tướng Lê Khôi? Ảnh: Internet.
Ở Hà Tĩnh (vùng giáp Nghệ An) có tới 7 ngôi đền thờ ông Hoàng Mười (chỗ ông Lê Khôi chết), còn Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), thì có một ngôi đền rất to. Đền này xây dựng về sau, từ năm 1634, mãi gần 200 năm sau khi tướng Lê Khôi chết. Đền đổ nát, đến tận 1995 mới xây dựng lại, được thổi lên nhiều huyền thoại mới nổi tiếng như hiện nay.
Giống như những “vị Thánh” khác, ông Hoàng Mười gắn với nhiều huyền thoại ly kỳ to tát. Rằng, ông Hoàng Mười là người giời giáng trần giúp đời. Rằng, ông là con của vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên này nọ. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.
Lại còn truyền thuyết khác, ông này cũng là tiên, giáng trần trở thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.
Sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện ông Mười giáng thế thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Những giai thoại kỳ bí này đã phủ lên ngôi đền một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.
“Nếu xét về mọi mặt, thì tướng Lê Khôi con người bằng xương bằng thịt thực sự, là một vị tướng ít được nhắc đến trong chính sử, có thể mới chính là ông thánh Hoàng Mười. Tôi có niềm tin chắc chắn là như vậy” – nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng cho biết.
PHONG NGUYỆT





BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

Để bát đũa dở, rác thức ăn qua đêm cẩn thận chiêu vong

I/ THÓI QUEN ĐỂ BÁT ĐŨA QUA ĐÊM ………………………………………………............ Nhiều gia đình có thói quen để BÁT ĐŨA DỞ của bữa tối - đến sáng hôm...

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN NHẤT